B. NỘI DUNG
3.3. Triển vọng quan hệ Hàn Quốc Việt Nam
Ngày nay, sự hội nhập quốc tế đã trở thành một yếu tố tất yếu khách quan, hơn thế nữa bản thân Việt Nam và Hàn Quốc đều là hai nước châu Á, nằm ở phía Tây Thái Bình Dương, có vị trí chiến lược quan trọng ở khu vực Đông Á. Sự gần gũi này là yếu tố góp phần thúc đẩy quá trình phát triển mối
quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua và nó mở ra những triển vọng tươi sáng hơn trong những năm tiếp theo. Điều đó được thể hiện trước hết đó là có sự gặp nhau về nhu cầu và lợi ích. Việt Nam có tài nguyên dồi dào, sức lao động phong phú, thị trường rộng lớn và có nhu cầu về vốn, kỹ thuật công nghệ và kinh nghiệm quản lý. Trong khi đó, Hàn Quốc hiếm tài nguyên nhưng lại có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của Việt Nam. Những yếu tố đó bổ sung cho nhau, tạo ra khả năng to lớn cho quan hệ hai nước, làm cho mối quan hệ này càng trở nên vững chắc. Ngoài ra, tiềm năng hợp tác song phương trên các mặt như hàng không, du lịch, trao đổi và hợp tác lao động là rất lớn. Khi hợp tác về các mặt này được mở rộng và khai thác triệt để nó sẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc sẽ lớn mạnh.
Một yếu tố quan trọng đối với triển vọng quan hệ hai nước là ý chí, quyết tâm của lãnh đạo hai nước và chính sách của hai bên. Việc triển khai chiến lược toàn cầu hoá và cải cách về cơ cấu kinh tế của Hàn Quốc diễn ra đồng thời với các cố gắng đẩy mạnh cải cách về mọi mặt và tăng cường hội nhập vào khu vực và thế giới của Việt Nam sẽ thúc đẩy mở rộng hơn nữa các quan hệ hợp tác song phương, đặc biệt là về kinh tế. Các nhà lãnh đạo của hai nước hiện nay đang tiếp tục theo đuổi chính sách có ảnh hưởng tích cực đến quan hệ hai nước. Chính phủ của Tổng thống Roo Moo-Hyun trước kia và Chính phủ của Tổng thống Park Geun Hye hiện nay đã đề ra nhiệm vụ duy trì hoà bình, giải quyết khó khăn trên bán đảo Triều Tiên, mở rộng quan hệ đối ngoại, tham gia tích cực vào chương trình hợp tác với các tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, EU, APEC, ASEM, ASEAN… Trong quan hệ đối ngoại, một trong những nhiệm vụ của Chính phủ Hàn Quốc là tăng cường ngoại giao kinh tế và thương mại để vượt qua khủng hoảng tài chính. Theo đó, các cơ quan đại diện ngoại giao của Hàn Quốc ở nước ngoài sẽ chuyển mạnh theo hướng phục vụ kinh tế.
Về phía Việt Nam, với mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta chủ trương đưa các quan hệ hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, nhất là với các đối tác quan trọng trong đó có Hàn Quốc.
Từ những biểu hiện cụ thể đó đã nói lên quyết tâm của lãnh đạo hai nước. Hàn Quốc sẽ tiếp tục giúp đỡ Việt Nam trong công cuộc CNH - HĐH đất nước, khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng đầu tư và làm ăn tại Việt Nam với mong muốn được đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế Việt Nam như một đối tác hợp tác toàn diện trong thế kỷ XXI qua việc chia sẻ những kinh nghiệm từ quá trình phát triển kinh tế của Hàn Quốc và hợp tác kỹ thuật cần thiết cho công cuộc CNH - HĐH của Việt Nam. Phối hợp với Việt Nam tổ chức nhiều cuộc họp kiểm điểm việc thực hiện chương trình viện trợ không hoàn lại của Hàn Quốc cho Việt Nam và đề ra phương hướng cho các chương trình viện trợ tiếp theo; tiếp tục hợp tác tốt trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, tăng cường quan hệ hai nước không chỉ trên cơ sở song phương mà cả trong khuôn khổ Liên hợp quốc, ASEAN, ARF, ASEM… Đồng thời, Hàn Quốc sẽ tăng mạnh ODA cho Việt Nam để giải quyết vấn đề vốn và kỹ thuật, giải quyết vấn đề mất cân bằng trong cán cân thương mại, tăng cường hợp tác văn hoá với Việt Nam, bao gồm hỗ trợ vật chất và giáo viên cho các trường đại học giảng dạy tiếng Hàn Quốc và nhận thêm lưu học sinh Việt Nam…
Dựa trên những kinh nghiệm hợp tác và những thành quả đã thu lượm được trong 20 năm qua, tính đến những diễn biến mới ở mỗi nước và trong khu vực, theo Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, để hiện thực hóa và củng cố quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược” trước mắt cần có một số cách tiếp cận mới như:
Một là, sự hợp tác kinh tế - thương mại nên đi cả “hai chân”: vừa nâng cao chất lượng, vừa gia tăng độ liên kết. Về chất lượng hợp tác nổi lên hai vấn
đề. Đó là cân bằng hơn sự hợp tác, trong đó có vấn đề Việt Nam nhập siêu quá lớn - một vấn đề đã lưu cữu từ lâu. Tiếp đến là chuyển dịch cơ cấu đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc ở Việt Nam theo hướng giảm bớt công nghiệp gia công cũng như các công nghiệp tiêu hao năng lượng và gây ô nhiễm môi trường, gia tăng công nghiệp phụ trợ để cung cấp cho công nghiệp Hàn Quốc ở trong và ngoài nước đi đôi với việc gia tăng công nghiệp chế tạo và công nghệ cao. Một yêu cầu mới nữa là khởi động và thúc đẩy cuộc đàm phán về việc hình thành Khu vực mậu dịch tự do, nâng cao tầm hợp tác lên mức liên kết, tạo nên sự bổ sung, lồng ghép của hai nền kinh tế chứ không chỉ dừng lại ở mức trao đổi.
Hai là, trước những diễn biến vừa có nhiều thuận lợi, vừa ẩn chứa không ít thách thức ở châu Á - Thái Bình Dương thì yêu cầu nâng cao hơn nữa mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược về chính trị giữa hai nước càng cần hơn bao giờ hết để góp phần hữu hiệu cho hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực.
Ba là, nhân dân hai nước không chỉ cộng tác mà còn cộng sinh nên sự hợp tác văn hóa ngày càng có ý nghĩa. Sự hiện diện văn hóa Hàn Quốc ở Việt Nam ngày càng lan tỏa, từ điện ảnh, nghệ thuật tới ẩm thực, thời trang…, song tiếc rằng sự hiện diện của văn hóa Việt Nam ở Hàn Quốc còn rất mờ nhạt. Hy vọng rằng, những người làm văn hóa và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều nỗ lực thiết thực để gia tăng sự hiện diện của văn hóa Việt Nam ở Hàn Quốc nhằm góp phần làm cho nhân dân Hàn Quốc hiểu biết nhiều hơn về Việt Nam [47].
Tiềm năng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Hàn Quốc còn rất lớn. Với những kết quả nổi bật trong quan hệ hai nước trong thời gian qua, với quyết tâm của các nhà lãnh đạo và nhân dân hai nước, hy vọng rằng mối quan hệ này sẽ tiếp tục phát triển tốt đẹp hơn nữa trong thời gian tới, phù hợp với lợi
ích và mong muốn của nhân dân hai nước. Để làm được điều này, hai nước cần thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác kinh tế. Nếu tiềm lực của Việt Nam được kết hợp một cách thích hợp với vốn và công nghệ của Hàn Quốc sẽ góp phần đáng kể vào sự phát triển của hai nước nói riêng và kinh tế khu vực nói chung trong những năm tiếp theo của thế kỷ XXI.
Có thể nói rằng, với những thành tựu, kinh nghiệm đạt được trong thời gian qua, với những nguyện vọng của Chính phủ và nhân dân hai nước, với việc tận dụng những điều kiện thuận lợi chủ quan, khách quan đưa lại cũng như tiềm năng to lớn của hai nước, chúng ta có cơ sở để tin rằng con hổ của Đông Bắc Á là Hàn Quốc và con rồng của Đông Nam Á là Việt Nam cùng gầm vang và bay lên, dẫn dắt sự phát triển của thời đại châu Á mới trong 20 năm tiếp theo.
Như vậy, triển vọng quan hệ Việt - Hàn trong tương lai rất lớn: Xu hướng phát triển quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã được xác định rõ trong tuyên bố chung về xây dựng đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc. Có thể nhận thấy có sự đồng thuận và quyết tâm chính trị cao của các nhà lãnh đạo hai nước trong việc nâng tầm quan hệ hai nước. Bên cạnh đó, là sự nhiệt tình của các nhà kinh doanh Hàn Quốc trở thành triển vọng phát triển quan hệ Việt - Hàn trong thập niên tới rất sáng sủa và tiến triển theo chiều hướng tích cực và đầy khả quan.