* Bệnh giun đũa lợn + Triệu chứng
Tác hại của bệnh giun đũa nặng hay nhẹ tùy thuộc số lượng giun trong cơ thể lợn ít hay nhiều, vào thời gian ký sinh và sức chống đỡ của từng cơ thể lợn (Nguyễn Thị Kim Lan, 2011) [7].
Lợn nhiễm giun đũa nhẹ không thể hiện triệu chứng lâm sàng. Lợn trưởng thành là những con vật mang giun đũa, triệu chứng thể hiện không rõ. Lợn 2 - 4 tháng tuổi có triệu chứng rõ: gầy còm chậm lớn. Khi ấu trùng ở phổi, gây viêm phổi (thân nhiệt cao, ăn kém, hô hấp nhanh, ho). Giun trưởng thành ký sinh với số lượng nhiều làm lợn chậm lớn, gầy sút cân, rối loạn tiêu hóa (ỉa chảy, táo bón thành đợt xen kẽ). Lợn lông xù, bụng chướng to. Khi nhiều giun làm tắc thủng ruột, đau bụng. Một số con có triệu chứng thần kinh, một số con trên thân nổi mẩn…
Theo tác giả Lê Văn Năm (2010) [19] bệnh giun đũa lợn có 2 thể: thể cấp tính và thể mãn tính. Trong đó thể mãn tính là kết quả của di hành nghịch (từ phổi về ruột) và sự tồn tại ký sinh kéo dài hàng tháng trong ruột non để gây bệnh vối các biểu hiện bệnh rất khác nhau.
+ Bệnh tích
Trong thời kỳ lợn bị bệnh giun đũa có triệu chứng, thấy trên mặt phổi có đám xuất huyết màu hồng thẫm, có nhiều ấu trùng giun đũa ở phổi.
Mổ khám trong giai đoạn giun đũa trưởng thành, thấy ruột non viêm cata, có nhiều giun đũa ký sinh. Nếu tắc và vỡ ruột thấy có bệnh tích viêm phúc mạc.
* Bệnh giun tóc lợn: + Triệu chứng
Nguyễn Thị Kim Lan (2011) [7] nhận thấy rằng, ở những lợn trưởng thành không thấy biểu hiện triệu chứng lâm sàng, nhưng khi kiểm tra phân mới thấy lợn bị nhiễm giun tóc.
Khi nhiễm nhẹ thì triệu chứng không rõ, khi nặng thì con vật gầy yếu, thiếu máu, trong phân có lẫn máu và niêm mạc ruột, con vật có khi bị kiết lị. Bệnh thường thấy ở lợn con, lợn mẹ còn lợn 6 tháng tuổi và lợn vỗ béo rất ít bị bệnh.
Theo Phạm Sỹ Lăng và cs (2009) [11], lợn con ở 2 - 4 tháng tuổi bị nhiễm xuất hiện các triệu chứng như ỉa chảy, lúc đầu phân lỏng sau phân sệt có nhiều dịch nhầy như mũi, lẫn máu. Mỗi lần thải phân lợn bệnh phải cong lưng để rặn nhưng phân ra rất ít. Nếu lợn không được điều trị, lợn con sẽ kiệt sức và chết sau 6 - 10 ngày.
Theo Trần Thị Dân (2008) [2] giải thích cho triệu chứng tiêu chảy trong bệnh giun tóc như sau: Ruột già khác ruột non ở chỗ không có nhung mao nhưng có vi nhung mao. Về tổng quát, ruột non là nơi tiết nước còn ruột già là nơi hấp thu nước. Ruột già nguyên vẹn có thể hấp thu bù trừ nước khi ruột non tiết nhiều. Tuy nhiên, những tổn thương ở ruột già do tác động của giun T. suis ký sinh sẽ làm giảm khả năng tái hấp thu nước, dẫn đến tiêu chảy.
+ Bệnh tích
Theo Nguyễn Thị Kim Lan (2011) [7], từ thực tế gây nhiễm cho lợn tại Thái Nguyên, tác giả cho biết, bệnh tích thấy rõ ở lợn: niêm mạc manh tràng và kết tràng có vô số những nốt loét nhỏ, niêm mạc sần lên, xuất huyết, lòng manh tràng chứa dịch màu nâu hồng.
Bệnh tích vi thể do giun tóc gây ra đều tập trung ở manh tràng và kết tràng của lợn gây nhiễm: tế bào biểu mô ruột bị tổn thương, cấu trúc tế bào lỏng lẻo, phù nề, xuất hiện các ổ viêm, thâm nhiễm bạch cầu ái toan và bạch cầu đơn nhân lớn.
* Bệnh giun lươn + Triệu chứng
Triệu chứng lâm sàng của bệnh thay đổi tùy thuộc vào tuổi con vật, số lượng giun ký sinh trong từng cá thể lợn. Trong thực tế đã thấy sự có mặt của giun lươn ở những lợn hoàn toàn khỏe mạnh (Nguyễn Thị Kim Lan, 2011) [7].
Súc vật non nhiễm bệnh thể hiện triệu chứng rõ rệt. Lợn con sau đẻ 3- 4 tuần bệnh nhiễm rất nặng; chết tới 50% con vật gầy còm, có mụn trên da (do ấu trùng giun lươn chui qua da gây viêm da), viêm kết mạc mắt, ỉa chảy, phân có lẫn máu, thân nhiệt tăng, có triệu chứng viêm phổi (con vật ho), triệu chứng kéo dài 15 - 30 ngày. Nếu nặng có thể chết do bị mất nước, rối loạn chất điện giải trong trạng thái viêm ruột cấp, khi nhiễm nhẹ triệu chứng không rõ rệt.
+ Bệnh tích
Dưới da có những điểm tụ huyết, tổ chức cơ và phổi cũng có nhiều điểm hoặc đám tụ huyết, viêm khí quản, viêm cata dạ dày - ruột, niêm mạc ruột có những điểm tụ huyết, niêm mạc dạ dày có nhiều mụn loét nhỏ.
* Bệnh giun kết hạt
Chu Thị Thơm và cs (2006) [23] cho biết: + Triệu chứng: diễn ra ở 2 giai đoạn:
- Giai đoạn đầu: ấu trùng xuyên vào niêm mạc ruột, gây ỉa chảy, phân có chất nhầy, đôi khi có máu. Một số gia súc có thân nhiệt cao, bỏ ăn gầy còm. Thiếu máu, niêm mạc nhợt nhạt.
- Giai đoạn sau: khi giun trưởng thành kí sinh thường có triệu chứng mãn tính, con vật bị kiết lị, gầy còm chậm lớn.
+ Bệnh tích
Theo Nguyễn Thị Kim Lan (2012) [8], sau khi nhiễm 5 ngày thì thấy những u kén nhỏ ở trên niêm mạc ruột, ở giữa u kén có màu vàng, trong có ấu trùng giun, có khi bọc này bị hoại tử, bên trong có mủ và bị loét, tới ngày thứ 7 - 8 thì kết tràng bị viêm có mủ. Có khi tới vài nghìn u kén trên một đoạn ruột, u kén to bằng đầu đinh ghim, các u này có khi bị vôi hoá, chỉ thấy ấu trùng ở những hạt chưa bị vôi hoá. Niêm mạc ruột xung huyết thủy thũng.