I. CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA ĐỀ TÀ
1.3.3. MIỄN DỊCH BỆNH NEWCASTLE
Khi kháng nguyên (virus, vi trùng,..) xâm nhập vào cơ thể, sẽ kích thích cơ thể sản sinh đáp ứng miễn dịch đặc hiệu để chống lại chúng. Miễn dịch đặc hiệu được chia làm 2 loại: miễn dịch dịch thể và miễn dịch qua trung gian tế bào. Đối với bệnh Newcastle, khi virus xâm nhập vào cơ thể sẽ kích thích cơ thể sinh ra đáp ứng miễn dịch dịch thể. Burnet (1942)[59] là người đầu tiên phát hiện ra tính gây ngưng kết của virus Newcastle và kháng thể đặc hiệu gây ức chế hiện tượng này.
Trong cơ thể, có 2 nhóm tế bào lympho chủ yếu tham gia vào quá trình đáp ứng miễn dịch, các tế bào này có chức năng khác nhau.
- Nhóm tế bào lympho T: nhóm tế bào phụ thuộc tuyến ức - Nhóm tế bào lympho B: nhóm tế bào phụ thuộc túi Fabricius.
Túi Fabricius chỉ có ở loài chim, nằm ở phía trên trực tràng, sát hậu môn, là cơ quan như dạng lympho trung ương, làm biệt hóa dòng tế bào B.
Trong đáp ứng miễn dịch dịch thể, vai trò chính là tế bào lympho B, nhưng phải có sự tham gia của tế bào T hỗ trợ và đại thực bào.
Ở gia cầm, để sản sinh kháng thể, tế bào lympho B phải qua quá trình biệt hóa như sau: các tế bào gốc từ tủy xương đi tới túi Fabricius, ở đó xảy ra quá trình biệt hóa mà không cần sự hỗ trợ của lympho T. Tế bào nguồn được biệt hóa thành tiền lympho B, nhưng chưa có dấu ấn bề mặt (SIg) mà chỉ có IgM trong bào tương. Sau khi tiền lympho B biệt hóa thành lympho bào B chưa chín, các tế bào này đã có SIgM.
Tiếp theo lympho bào B chưa chín sẽ biệt hóa thành lympho bào B chín với sự xuất hiện SIgM và SIgD (là globulin miễn dịch bề mặt). Lympho bào B chưa chín phải là tế bào sản sinh kháng thể mà các phân tử SIg hoạt động như những thụ thể bề mặt tiếp nhận kháng nguyên, sau khi biệt hóa thành tế bào lympho B chín, chúng sẽ rời trung tâm túi Fabricius, di chuyển tới các cơ quan lympho ngoại vi như máu, lách, hạch.
Ở hạch tế bào B nằm ở tâm điểm mầm và vùng tủy, chúng được hoạt hóa để biến thành tế bào plasma sản sinh kháng thể. Quá trình này phụ thuộc vào sự kích thích của kháng nguyên và sự hỗ trợ của lympho T.
Trong thời gian gần đây, lĩnh vực kháng thể đơn dòng đã được sử dụng rộng rãi để nghiên cứu phân biệt các chủng virus Newcastle khác nhau (Irrio và Brrat, 1983; Le Long,1986)[72; 76].
Kháng thể đơn dòng (MAB) là kháng thể được hình thành do một loại quyết định kháng nguyên sinh ra.
Dựa trên giả thuyết “chọn lọc dòng” của Burnet (1981)[4], trong mô
tuyến ức có khoảng 10.000 tế bào khác nhau, mỗi tế bào tượng trưng cho một dòng. Trong cơ thể, mỗi dòng lympho bào có khả năng nhận diện một loại quyết định kháng nguyên, khi đưa 1 hỗn hợp n quyết định kháng nguyên vào cơ thể thì cơ thể sẽ sản sinh ra hỗn hợp gồm n loại kháng thể chống lại kháng nguyên tương ứng.
Đối với virus Newcastle, người ta tìm thấy 18 loại quyết định kháng nguyên có cấu trúc protein HN, từ đó người ta tạo ra 18 dòng kháng thể tương ứng. Các kháng thể đơn dòng này có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá và phân biệt các chủng virus.
Meulemans và cộng sự (1987)[82] đã mô tả, MAB 7D4 chỉ kết hợp với La Sota mà không kết hợp với Hitchner B1 hoặc Ulster bởi phản ứng HI.
Russell và Alexander (1983)[89] đã xếp virus Newcastle vào 8 nhóm từ A-H dựa vào sự kết hợp với MAB của chúng, MAB 161/617 kết hợp đặc hiệu với virus Newcastle ở bồ câu, vẹt (PMV-1), mà không kết hợp với virus Newcastle ở gà tây (PMV-3).
* Miễn dịch trung gian tế bào
Đáp ứng miễn dịch đầu tiên khi nhiễm virus Newcastle là miễn dịch trung gian tế bào. Miễn dịch này có thể được phát hiện sớm, khoảng 2-3 ngày sau khi nhiễm chủng virus vacxin sống (Timms, Alexander, 1977)[93]. Điều này đã giải thích khả năng bảo vệ sớm của cơ thể chống lại virus Newcastle trước khi kháng thể dịch thể được xác định (Alexander, 1997)[46]. Tầm quan trọng của miễn dịch trung gian tế bào đối với việc bảo hộ của vacxin ở lần 2 không thể hiện rõ.
* Miễn dịch dịch thể
Sự hình thành kháng thể ức chế ngưng kết là kháng thể trực tiếp chống lại kháng nguyên bề mặt (glucoprotein HN-F0 có thể trung hòa virus Newcastle (Rusell, 1988)[88].
Kháng thể thường xuất hiện vào ngày thứ 4-5 sau khi bị kích thích bởi kháng nguyên virus tự nhiên hoặc vacxin. Mức độ kháng thể phụ thuộc phần lớn vào chủng nhiễm. Kháng thể tăng dần, cao nhất vào tuần 3-4, sau không tăng nữa.
Nếu không nhận được kích thích lại của kháng nguyên thì kháng thể trong máu sẽ giảm dần (Spradbrow P.B, 1987; Goldhalf, 1980) [92; 66].
Kháng thể có thể tồn tại trong máu khoảng 1 năm ở gia cầm đã được hồi phục, hoặc sau khi tạo miễn dịch với vacxin. Cơ thể được tái nhiễm, đáp ứng miễn dịch lần 2 sẽ xảy ra mạnh và chắc chắn hơn lần đầu (Allan, 1978)[48].
Theo Dol, Wallage và Mecolum (1950) [61], dùng vacxin bằng phương pháp nhỏ mũi thu được kháng thể đồng đều.
Những yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành kháng thể:
Sự hình thành kháng thể và quá trình đáp ứng miễn dịch phụ thuộc rất nhiều yếu tố như trạng thái sức khoẻ của cơ thể, điều kiện ngoại cảnh, sự chăm sóc nuôi dưỡng. Nhưng quan trọng hơn cả là phụ thuộc vào bản chất kháng nguyên. Một số yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành kháng thể như sau: + Bản chất kháng nguyên: Kháng nguyên có bản chất là protein và có tính kháng nguyên cao sẽ kích thích sinh kháng thể tốt.
+ Đường xâm nhập của kháng nguyên: Thường đường xâm nhập tốt nhất là dưới da và trong bắp thịt.
+ Liều lượng kháng nguyên: Lượng kháng nguyên đưa vào vừa đủ sẽ kích thích cơ thể sản sinh miễn dịch ở mức tối đa mà không gây ức chế và tê liệt miễn dịch.
+ Số lần đưa kháng nguyên vào cơ thể: Tiêm nhắc lại vacxin có tác dụng tốt, kháng thể sinh ra nhiều hơn và được duy trì trong thời gian lâu hơn.
+ Chất bổ trợ: Chất bổ trợ cho vào khi chế vacxin với mục đích giữ và duy trì lượng kháng nguyên lâu trong cơ thể nhờ đó tạo ra kích thích liên tục, đều đặn các cơ quan có thẩm quyền miễn dịch tạo ra kháng thể ở mức cao và duy trì được lâu hơn. Những chất bổ trợ thường dùng là keo phèn, nhũ tương, dầu khoáng, dầu thực vật, saponin.
Các biện pháp nâng cao sức đề kháng của cơ thể
Ngoài việc phòng bệnh bằng vacxin cần chú ý tăng cường sức đề kháng cho chim bằng một số biện pháp sau:
+ Cho ăn đầy đủ khẩu phần kèm theo uống thêm B.Complex giúp tăng cường sức đề kháng cho chim.
+ Duy trì nhiệt độ chuồng nuôi, nuôi nhốt theo nhu cầu sinh lý ngày tuổi, tháng tuổi của chim.
+ Giữ cho chuồng luôn khô ráo, thoáng sạch và thường xuyên vệ sinh định kỳ bằng các loại thuốc sát trùng có hiệu quả dài ngày.