Kết quả nghiên cứu ở chương 4 cho thấy có 5 yếu tố ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả làm việc nhóm lần lượt theo thứ tự như sau: Môi trường hợp tác, Năng lực của người lãnh đạo nhóm, Cấu trúc nhóm hướng đến kết quả, Mục tiêu nhóm quan trọng và rõ ràng, Cam kết thực hiện mục tiêu.
Kết quả cũng chỉ ra rằng nếu thay đổi giá trị của một trong bất cứ thành phần nào trong 5 thành phần (Môi trường hợp tác, Năng lực của người lãnh đạo nhóm, Cấu trúc nhóm hướng đến kết quả, Mục tiêu nhóm quan trọng và rõ ràng, Cam kết thực hiện mục tiêu) sẽ làm thay đổi sự ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc nhóm của nhân viên. Như vậy, các nhà quản lý của các công ty phần mềm có thể tác động gián tiếp đến hiệu quả làm việc nhóm của nhân viên thông qua tác động lên từng thành phần trong 5 thành phần nói trên.
Theo kết quả nghiên cứu, thành phần Môi trường hợp tác là thành phần tác động mạnh nhất đến hiệu quả làm việc nhóm của nhân viên. Điều này chứng tỏ rằng trong phạm vi tập dữ liệu khảo sát, yếu tố môi trường hợp tác, thân thiện được đánh giá rất cao. Môi trường làm việc tốt, các thành viên luôn tin tưởng, giúp đỡ và tương trợ lẫn nhau đối với nhân viên là yếu tố quan trọng nhất giúp họ làm việc hiệu quả. Thành phần có tác động mạnh thứ 2 đến hiệu quả làm việc nhóm của nhân viên là Năng lực của người lãnh đạo nhóm. Kết quả này cũng có sự tương đồng với kết quả nghiên cứu của Larson & LaFasto (1989), yếu tố này cũng có tác động mạnh thứ 2. Điều này cũng phù hợp với thực tế, cho dù tất cả các yếu tố khác đều tốt nhưng nếu năng lực người lãnh đạo kém sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả làm việc của cả nhóm đồng thời gây sự ức chế của các thành viên trong nhóm từ đó có thể dẫn tới các hậu quả không tốt tiếp theo.
Thành phần có tác động mạnh thứ 3 đến hiệu quả làm việc nhóm là Cấu trúc nhóm hướng đến kết quả. Thành phần này đều có tồn tại trong 3 mô hình nghiên cứu đã được đề cập ở chương 2 và có sự khác biệt mức độ tác động như sau: kết quả nghiên cứu của Larson & LaFasto (1989) thành phần này có mức độ tác động thứ tư, ở kết quả nghiên cứu Lencioni (2002) và (Katzenbach J.R. & Smith D.K. (1993) lần lượt đứng thứ nhất và thứ tư. Ở tất cả các nghiên cứu trên thì thành phần này đều có ý nghĩa tác động đến hiệu quả làm việc nhóm, tùy vào từng môi trường nghiên cứu sẽ có những mức độ tác động khác nhau. Thật vậy, khi cấu trúc nhóm được thiết kế dựa vào mục tiêu công việc giúp các thành viên tập trung hơn vào công việc. Cấu trúc nhóm phù hợp cũng giúp nhóm làm việc thuận lợi hơn từ đó loại bỏ những hoạt động không cần thiết nhằm nâng cao năng suất lao động cũng như tăng hiệu quả làm việc trong nhóm.
Thành phần có tác động mạnh thứ tư là Mục tiêu nhóm quan trọng và rõ ràng. Theo kết quả nghiên cứu của Larson & LaFasto (1989), Katzenbach J.R & Smith D.K. (1993) thì thành phần này lần lượt có tác động đến hiệu quả làm việc nhóm mạnh thứ ba và thứ hai. Như vậy, so với nghiên cứu của tác giả thì thành phần này ở hai nghiên cứu đề cập trên có tác động mạnh hơn. Điều này chứng tỏ có thể ở tập dữ liệu của tác giả khi nghiên cứu ở các công ty phần mềm tại TP. HCM, thành phần này chưa được đánh giá quan trọng bằng. Một nhóm không thể hoạt động được nếu không biết mình sẽ phải làm gì, vì vậy mục tiêu luôn mang tính định hướng, là kim chỉ nam cho hoạt động của cả nhóm. Mục tiêu càng quan trọng, cụ thể, rõ ràng càng giúp cho các thành viên hiểu rõ nhiệm vụ của mình và giúp các thành viên điều chỉnh hoạt động của mình luôn phù hợp với mục tiêu chung của cả nhóm.
Thành phần có tác động mạnh thứ năm là Cam kết thực hiện mục tiêu. Theo kết quả của 3 nghiên cứu tác giả đã đề cập ở chương 2 đều có thành phần “cam kết thực hiện mục tiêu” và có mức độ tác động đến hiệu quả làm việc nhóm như sau: Larson & LaFasto (1989) có tác động mạnh thứ tư, Lencioni (2002) có tác động mạnh nhất và Katzenbach J.R & Smith D.K. (1993) có tác động mạnh thứ tư. Do đặc điểm ngành công nghệ phần mềm, việc tuân thủ đúng kế hoạch là nhiệm vụ hàng đầu của
nhóm phát triển phần mềm. Mỗi công việc đều được xác định cụ thể thời gian kết thúc, số ngày công phải thực hiện và đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định. Mỗi nhiệm vụ nhỏ của từng thành viên là một mảnh ghép của một bức tranh lớn. Vì vậy, mỗi thành viên đều phải có sự cam kết rất cao về kết quả công việc của mình nhằm đạt mục tiêu cao nhất có thể.
Nhận xét chung cho 5 thành phần có tác động có ý nghĩa đến hiệu quả làm việc nhóm trong nghiên cứu của tác giả có một sự khác biệt chung với 3 nghiên cứu tác giả đã đề cập ở chương 2 là ở thành phần môi trường hợp tác theo nghiên cứu của tác giả có tác động mạnh nhất, điều này chứng tỏ rằng thực tế nhân viên đang làm việc theo nhóm các công ty phần mềm ở TP. HCM đánh giá môi trường hợp tác quan trọng hơn các yếu tố khác. Trong khi đó ở 3 nghiên cứu Larson & LaFasto (1989), Lencioni (2002), Katzenbach J.R & Smith D.K. (1993) đều đánh giá cao ở sự cam kết thực hiện mục tiêu và xây dựng nhóm hướng kết quả.
Đối với các thành phần tác động không có ý nghĩa đến hiệu quả làm việc nhóm (Năng lực nhóm, tiêu chuẩn về hiệu quả làm việc nhóm, sự công nhận và hỗ trợ từ bên ngoài), tác giả cần thực hiện những nghiên cứu sâu hơn, mở rộng phạm phi nghiên cứu để có cơ sở khoa học giải thích cho kết quả này.