Nghiên cứu của Carl Larson & Frank M.J.LaFasto (1989)

Một phần của tài liệu CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ LÀM VIỆC NHÓM CỦA NHÂN VIÊN NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP CÁC CÔNG TY PHẦN MỀM TẠI TP.HCM (Trang 26)

Nghiên cứu tiến hành khảo sát 532 sinh viên thuộc 68 nhóm của Viện Công Nghệ Illinois (Mỹ) có tham gia vào chương trình IPRO (InterProfessional). Một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình này là phát triển năng lực làm việc nhóm.

Nghiên cứu này dựa trên mô hình hiệu quả làm việc nhóm của Carl Larson & Frank M.J.LaFasto (1989). Carl Larson & Frank M.J.LaFasto (1989) đã đề xuất mô hình gồm 8 yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc nhóm, đó là: mục tiêu quan trọng và rõ ràng, cấu trúc nhóm hướng đến kết quả, năng lực của nhóm, cam kết thực hiện mục tiêu, môi trường hợp tác, tiêu chuẩn về hiệu quả làm việc nhóm, sự công nhận và hỗ trợ từ bên ngoài nhóm, năng lực của người lãnh đạo nhóm. Theo đó:

Mục tiêu nhóm quan trọng và rõ ràng: các thành viên trong nhóm hiểu một cách rõ ràng về mục đích và mục tiêu của nhóm (Larson & LaFasto, 1989). Katzenbach, J. & Smith, D. (1999) cho rằng mục tiêu nhóm bắt nguồn từ mục đích chung của tổ chức, mục tiêu hấp dẫn sẽ truyền cảm hứng và thách thức cho cả nhóm.

Cấu trúc nhóm hướng đến kết quả: Cấu trúc cơ bản của nhóm như thành phần, phân công công việc, giao tiếp và quyền hạn phải được xây dựng dựa trên mục tiêu (kết quả) mong muốn đạt được của nhóm. Thiết kế nhóm phải được quyết định bởi kết quả cần đạt được hơn là các những thứ không liên quan (Larson & LaFasto, 1989).

Năng lực của nhóm: Các thành viên trong nhóm phải có đủ những kỹ năng cần thiết và khả năng thực hiện mục tiêu của nhóm, bao gồm kiến thức chuyên môn và các kỹ năng làm việc và tính cách cá nhân thích hợp với làm việc nhóm (Larson & LaFasto, 1989).

Cam kết thực hiện mục tiêu: Cam kết thực hiện mục tiêu phản ánh tinh thần tập thể, lòng trung thành, sự cống hiến và sẵn lòng đóng góp vào mục tiêu của nhóm (Larson & LaFasto, 1989).Việc đạt được mục tiêu của nhóm phải được đặt cao hơn mục tiêu của bất kỳ cá nhân nào (Karau & Williams, 1993).

Môi trường hợp tác: Là bầu không khí làm việc thúc đẩy sự hợp tác giữa những thành viên. Trong bầu không khí đó, các thành viên có thể trao đổi thẳng thắn tất cả các vấn đề. Các thành viên trong nhóm đủ tin tưởng lẫn nhau đủ để chia sẻ thông tin, nhận thức, phản hồi một cách chính xác (Larson & LaFasto, 1989).

Tiêu chuẩn về hiệu quả nhóm: Nhóm phải xây dựng một tiêu chuẩn về hiệu quả làm việc của cả nhóm. Tiêu chuẩn này là thước đo mức độ mà các thành viên nỗ lực đáp ứng yêu cầu công việc (Larson & LaFasto, 1989).

Sự công nhận và hỗ trợ từ bên ngoài nhóm: Nhóm được công nhận thông qua hình thức khen thưởng và hỗ trợ từ tổ chức, được cung cấp đầy đủ nguồn lực cần thiết để hoàn thành công việc (Larson & LaFasto, 1989).

Năng lực của người lãnh đạo nhóm: Lãnh đạo nhóm có tầm nhìn và khả năng tạo môi trường làm việc hiệu quả cho các thành viên (Larson & LaFasto, 1989).

Hình 2.1: Mô hình hiệu quả làm việc nhóm của Larson & Lasto (1989) .Nguồn: Carl Larson & Frank M.J.LaFasto, Teamwork: What Must Go Right/What Can Go Wrong, xuất bản bởi Sage, 1989

Kết quả kiểm định cho thấy 8 yếu tố trên đều có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả làm việc nhóm, trong đó năng lực của người lãnh đạo nhóm có tác động mạnh nhất, kế đến lần lượt là năng lực nhóm, mục tiêu nhóm quan trọng và rõ ràng, cam kết thực hiện mục tiêu, môi trường hợp tác, tiêu chuẩn về hiệu quả làm việc nhóm, cấu trúc nhóm hướng đến kết quả, sự công nhận và hỗ trợ từ bên ngoài nhóm.

Một phần của tài liệu CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ LÀM VIỆC NHÓM CỦA NHÂN VIÊN NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP CÁC CÔNG TY PHẦN MỀM TẠI TP.HCM (Trang 26)