Giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ kinh tế Phát triển kinh tế du lịch ở tỉnh Lào Cai ( Võ Quốc Thắng ) (Trang 103)

- Tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật: Hiện nay đại bộ phận nhân dân địa phương đều không nắm rõ về pháp luật, bởi vậy việc chấp hành pháp luật thường không nghiêm. Để nâng cao chất lượng du lịch, một yêu cầu cấp bách cần triển khai là học tập tốt những quy định của Nhà nước về pháp luật có liên quan đến các lĩnh vực từ việc bảo vệ môi trướng sinh thái, việc chấp hành trong quản lý đầu tư xây dựng, đến thực hiện việc chấp hành luật giao thông và chấp hành những quy định của cơ sở lưu trú, nhà hàng, lữ hành v.v…Cần có sự chỉ đạo thường xuyên việc tuyên truyền học tập, nắm vững pháp luật, trước mắt tập trung vào các đối tượng liên quan trực tiếp đến các hoạt động du lịch. Việc tuyên truyền học tập, thông qua nhiều hình thức: Hội nghị, các phương tiện thông tin, áp phích, tờ thông tin ngắn gọn nhưng dễ hiểu và dễ chấp hành.

- Quản lý môi trường du lịch: Tại các điểm du lịch cần phải quét dọn thường xuyên trên các đường phố, bố trí thêm các thùng rác và bố trí các thiết bị vệ sinh công cộng. Cần thiết phải vận động ý thức và thông tin về vệ sinh đô thị. Ví dụ: niêm yết và thông tin cho các công ty lữ hành, bắt đầu từ các hướng dẫn viên là những người mà ngay chính họ cũng chưa ý thức được về vấn đề bảo vệ môi trường. Vận động cư dân địa phương, tổ dân phố nơi có các điểm, tuyến du lịch, tuyên truyền giáo dục ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường, biểu dương, khen thưởng gương người tốt, việc tốt… Sử dụng các hình thức tuyên truyền quảng bá công cộng như panô, áp phích, biểu ngữ, tờ rơi, sách ảnh, báo chí, phát thanh, truyền hình… Thu hút cộng đồng dân cư bảo vệ môi trường, tạo điều kiện có lợi cho cộng đồng như quy hoạch vùng bán hàng: những vùng này có thể không thu thuế bán hàng nhưng khuyến khích người dân thay phiên nhau đi gom rác.

Đối với các cơ sở lưu trú sẽ gắn biển khách sạn xanh theo tiêu chuẩn quốc gia cho các cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn về môi trường, từ đó tạo ý thức trách nhiệm cho các cơ sở lưu trú lôi cuốn khách hàng cùng thực hiện với cơ sở.

Dán các áp phích trong các bản, các công ty lữ hành và các khách sạn - nhà hàng phát các tờ rơi khuyến cáo cần thiết để nhắc nhở cho du khách có ý thức về sự cần thiết phải bảo vệ tự nhiên và không làm ô nhiễm bằng các rác thải trong khi đi thăm quan tại các điểm du lịch tại Lào Cai.

- Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm: Thực hiện chính sách cấp huy hiệu chất lượng cho các nhà hàng theo phương pháp xây dựng các tiêu chí về chất lượng thực phẩm và chất lượng phục vụ trong các nhà hàng. Kiểm tra thực tế, đánh giá chất lượng trên cơ sở các tiêu chí đã đề ra để chấm điểm cụ thể cho từng nhà hàng từ đó xếp loại và cấp huy hiệu theo mức độ sạch sẽ trong các nhà hàng để đưa ra các khuyến cáo cho khách du lịch. Mỗi năm một lần sẽ đánh giá lại và phân xếp loại để cấp lại huy hiệu. Bằng cách này sẽ góp phần cải thiện được vấn đề vệ sinh tại các cơ sở nhà hàng và nhằm duy trì được chất lượng các dịch vụ, đồ ăn và vệ sinh thực phẩm. Mặt khác công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khách sạn, nhà hàng, chợ cũng cần được tiến hành một cách thường xuyên, hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra thị trường, không cho phép lưu thông và nhập lậu các loại thực phẩm không đảm bảo chất lượng, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm.

- An toàn y tế: Là yếu tố chìa khoá của phát triển du lịch chất lượng, để thực hiện cần ưu tiên trang bị xe cứu thương có đủ thiết bị. Cần có một bác sỹ cấp cứu ít nhất là phải nói được tiếng Anh tại các cơ sở y tế ở các trung tâm du lịch, hiện đại hoá các dịch vụ cấp cứu ở các trung tâm y tế, quy hoạch mặt bằng làm chỗ đỗ máy bay trực thăng.

- Quản lý các hoạt động du lịch và dịch vụ khác:

+ Đối với hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú: Thường xuyên phân loại, xếp hạng các cơ sở lưu trú, nhà hàng phục vụ khách theo Nghị định 39/2000/NĐ - CP ngày 24/8/2000 của Chính phủ về cơ sở lưu trú du lịch và thông tư hướng dẫn số 01/2001 TT-TCDL ngày 27/4/2001 của Tổng cục Du lịch hướng dẫn thực hiện

khai các cơ sở không đủ điều kiện phục vụ du lịch, khuyến cáo khách hàng không đến các cơ sở này; Xây dựng cơ sở dữ liệu số hoá tập trung các thông tin về chất và lượng của các cơ sở lưu trú. Quản lý và giám sát việc cấp huy hiệu chất lượng (điều tra định kỳ, thanh tra chất lượng) đối với các cơ sở hiện có và khuyến khích các cơ sở mới nâng cao chất lượng. Tăng cường quản lý loại hình lưu trú tại gia ở thôn bản, trong đó phối hợp chặt chẽ với ngành Công an để đảm bảo về mặt an ninh, an toàn cho du khách.

+ Đối với hoạt động kinh doanh lữ hành: Cần phải đưa ra các quy định chặt chẽ về điều kiện cấp giấy kinh doanh lữ hành quốc tế để hạn chế số lượng doanh nghiệp không có đủ năng lực tổ chức và cung cấp các dịch vụ tốt. Thống nhất trong công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan quản lý tại địa phương. Bên cạnh đó cần phải thành lập hiệp hội hướng dẫn viên, ban hành các biện pháp quản lý hướng dẫn viên phù hợp với tình hình thực tế. Tăng cường công tác kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động kinh doanh lữ hành.

+ Đối với hoạt động kinh doanh vận chuyển khách du lịch: Cần phải có các văn bản pháp lý điều chỉnh riêng cho các phương tiện vận chuyển khách du lịch như ô tô, tàu, thuyền… Phải đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ vận chuyển khách du lịch cho những người điều khiển phương tiện nhằm đảm bảo an toàn cho khách.

+ Đối với hoạt động kinh doanh các dịch vụ khác: Xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp để đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách. Phát triển du lịch cần phải gắn liền với sự phát triển đồng bộ của các ngành dịch vụ, thương mại, giao thông vận tải, viễn thông, bảo hiểm.

- Giải pháp để hạn chế sự đeo bám của những người bán hàng lưu niệm: Trước tiên cần thông tin vận động những người bán hàng nhằm giải thích cho họ hiểu rằng việc đeo bám khách du lịch sẽ đi ngược lại với lợi ích của họ. Nhiều điểm du lịch đã bị bỏ hoang không có khách đến do việc thương mại có tính tấn công của người dân địa phương. Thứ hai là về lâu dài, cần phải tạo lập cho những người bán hàng trong các bản có một hợp tác xã mua bán các sản phẩm thủ công và đi đôi với

nó là việc thông tin cho du khách về cách thức đóng góp trực tiếp cho việc phát triển du lịch địa phương.

- Giải pháp đối với các trạm thu phí: Cần phải hạn chế và tiến đến bỏ hoàn toàn các trạm thu phí vì nó mang lại rất ít lợi nhuận, trong khi đó ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu của du lịch Lào Cai. Cần nghiên cứu đưa giá vé thăm quan tại các điểm du lịch vào trong giá tour và giá phòng do các công ty lữ hành và cơ sở lưu trú bán để giảm phiền toái cho du khách.

- Xây dựng thương hiệu “Du lịch Lào Cai”

+ Tổ chức lại các doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn và hình thành hiệp hội các doanh nghiệp du lịch. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch cả nhà nước và tư nhân cần tăng cường công tác kiểm tra sau đăng ký kinh doanh để sắp xếp củng cố và tăng cường về mặt tổ chức, cơ sở vật chất, tạo điều kiện để đơn vị có đủ sức phát triển, tạo ra những sản phẩm du lịch cao cấp có khả năng cạnh tranh cao, phát triển vươn ra các thị trường quốc tế. Đa dạng hoá các loại hình sở hữu doanh nghiệp trong kinh doanh du lịch và tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh không hiệu quả, giải thể hoặc thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh để đảm bảo có sự cạnh tranh nhưng phải lành mạnh trên cơ sở không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ. Thành lập các tổ chức hiệp hội như hiệp hội khách sạn, hiệp hội lữ hành, trên cơ sở này các hiệp hội sẽ tự điều chỉnh các thành phần kinh tế kinh doanh bình đẳng cùng có lợi.

+ Giải pháp về hoạt động tuyên truyền quảng bá: Trong thời gian tới, để tạo lập và nâng cao hình ảnh du lịch Lào Cai, tăng cường thu hút khách du lịch, một trong những việc cần làm của ngành kinh tế du lịch Lao Cai là tuyên truyền quảng bá du lịch. Những định hướng chính trong công tác này tại Lào Cai cần thực hiện tốt các yêu cầu sau:

Một là, nghiên cứu tâm lý, thị hiếu, tập quán, thói quen tiêu dùng của các đối tượng khách du lịch để có những sản phẩm phù hợp với thị trường thông qua các hình thức tuyên truyền quảng cáo.

Hai là, xây dựng một chương trình quảng cáo có tính chất chuyên ngành bằng hình ảnh qua phim truyền hình, các sách báo giới thiệu về danh thắng, làng nghề, lễ hội, chợ văn hóa… của du lịch Lào Cai.

Ba là, đa dạng hoá các hình thức thông tin tuyên truyền, các ấn phẩm, phát hành thông tin một cách thường xuyên và liên tục theo các kênh khác nhau có chất lượng, phản ánh đầy đủ các thông tin về du lịch Lào Cai.

Bốn là, phối kết hợp chặt chẽ với Tổng cục du lịch, các cơ quan báo chí tại Trung ương và địa phương, quan hệ với các hãng du lịch lớn trong và ngoài nước để tuyên truyền quảng cáo, giới thiệu đầu tư du lịch.

Năm là, tham gia thường xuyên các hội chợ triển lãm, hội nghị, hội thảo du lịch trong nước và quốc tế để giới thiệu về du lịch Lào Cai. Phối hợp với các ngành, các cấp, đơn vị có liên quan tiến hành các chiến dịch phát động thị trường.

Sáu là, khuyến khích các cơ sở kinh doanh, các nhà đầu tư, các tổ chức văn hoá - xã hội và nhân dân trong tỉnh, tích cực tham gia hơn nữa công tác tuyên truyền - quảng bá - xúc tiến phát triển du lịch.

Bảy là, cần sớm thành lập trung tâm xúc tiến du lịch, trung tâm thông tin du lịch để thực hiện nhiệm vụ xúc tiến tuyên truyền, quảng cáo để kêu gọi đầu tư kinh doanh du lịch.

Tám là, tranh thủ những lợi thế về sự ổn định chính trị, về truyền thống văn hoá và lịch sử, cần sớm xây dựng các sự kiện về du lịch Lào Cai, tạo ra điểm nhấn trong việc nâng cao hình ảnh về du lịch tỉnh nhà, phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá một cách hiệu quả nhất.

Chín là, cần thành lập quỹ hỗ trợ và phát triển du lịch trên cơ sở hình thành nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, các nguồn thu của hoạt động du lịch đóng góp của các doanh nghiệp, tài trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ kinh tế Phát triển kinh tế du lịch ở tỉnh Lào Cai ( Võ Quốc Thắng ) (Trang 103)