Trên cơ sở phương hướng, chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, của các ngành và quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch, cần tiến hành triển khai
quy hoạch chi tiết một số khu, điểm du lịch có tính chiến lược như Thành phố Lào Cai, thị trấn huyện Sa Pa, Bắc Hà và Bát Xát.
Đối với Sa Pa là một trung tâm du lịch có tầm cỡ của khu vực trong nước và quốc tế, tập trung các giá trị tài nguyên mà ít nơi có được. Nên tập trung thực hiện quy hoạch khu du lịch Sa Pa, trên cơ sở những nhận định, nhu cầu của khách du lịch trong nước, quốc tế mong đợi những gì, những tồn tại hiện nay đang vướng mắc cần phải khắc phục để đưa ra những giải pháp cho phù hợp. Nếu không xuất phát từ những mong đợi của khách, mà dựa vào ý muốn chủ quan của người quản lý và của người quy hoạch, thì dẫn đến hậu quả khôn lường.
Cùng với Sa Pa là Bắc Hà, Bát Xát, nên sớm triển khai để đầu tư và khai thác đảm bảo sự phát triển với chất lượng cao và bền vững. Vườn Quốc gia Hoàng Liên là điểm điển hình của hệ sinh thái, cần có dự án đầu tư nhằm bảo tồn các giá trị về tài nguyên du lịch. Một số điểm có tính hấp dẫn như: Cát Cát, Tả Van, Bản Hồ, Thanh Phú, Thanh Kim, Tả Phìn (Sa Pa); Mường Hum, Lao Chải, bình nguyên Ý Tý, Mường Vi (Bát Xát); Thị trấn Bắc Hà, Cốc Ly, sông Chảy, Tả Van Chư (Bắc Hà); xã Mường Khương, khu thác và hang động Hàm Rồng, Tả Chu Phùng (Mường Khương). Thị trấn Phố Ràng, Bảo Hà, Long Khánh, Nghĩa Đô (Bảo Yên); Phú Thuận (Bảo Thắng) và khu rừng sinh thái Liêm Phú, Nậm Tha (Văn Bàn). Rất cần thiết có phương án đầu tư, tôn tạo, tránh sự phá vỡ trước khi đưa vào khai thác.
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể, chi tiết, sau đó cần lập dự án đầu tư, tuy nhiên việc lập các dự án đầu tư trước mắt nên tập trung vào các dự án lớn, có tính đột phá và mang tính đặc trưng riêng của Lào Cai, từ đó mới có thể tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt hơn so với các khu vực trong nước và quốc tế.