Đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật

Một phần của tài liệu Ý Thức Pháp Luật Với Việc Xây Dựng Nền Dân Chủ Xã Hội Chủ Nghĩa Ở Việt Nam Hiện Nay (Trang 75)

Giáo dục pháp luật chính là sự tác động chủ động của chủ thể giáo dục lên khách thể (đối tượng giáo dục). Đây là biện pháp trực tiếp làm giàu tri thức pháp luật cho mọi người. Từ đó hình thành tình cảm, thái độ tích cực đối với pháp luật, tạo dựng thói quen tuân thủ pháp luật. "Bản chất của giáo dục pháp luật đó là hoạt động định hướng có tổ chức, có chủ định của chủ thể giáo dục tác động lên đối tượng giáo dục nhằm mục đích hình thành ở họ tri thức pháp lý, tình cảm và hành vi phù hợp với các đòi hỏi của hệ thống pháp luật hiện hành" [22, tr. 20].

Để Nhà nước quản lý xã hội có hiệu quả, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân thì pháp luật phải là phương tiện hàng đầu. Do vậy giáo dục pháp luật có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, nó nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật. Từ đó thúc đẩy nền dân chủ phát triển và mở rộng quyền tự do của mỗi người.

Điều quan trọng để phát huy dân chủ là xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, tăng cường pháp chế XHCN, nâng cao dân trí, hiểu biết pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật của nhân dân, thường xuyên giáo dục pháp luật, xây dựng ý thức sống và làm việc theo pháp luật trong nhân dân [80, tr. 91-92].

Nội dung công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật không chỉ một ngành nào nhận trách nhiệm mà phải phối hợp các ngành cũng đảm nhiệm thì hiệu quả mới cao. Đại hội Đảng VIII chỉ rõ:

Triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền phổ biến và giáo dục pháp luật, huy động các lực lượng đoàn thể chính trị - xã hội nghề nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng tham gia các đợt vận động thiết lập trật

tự kỷ cương và các hoạt động thường xuyên, xây dựng nếp sống và làm việc theo pháp luật trong các cơ quan nhà nước và xã hội [16, tr. 241].

Công việc này thực chất cần phải có nhiều hình thức khác nhau sao cho phù hợp với từng đối tượng, từng lĩnh vực trong mỗi giai đoạn nhất định. Do đặc thù của nước ta, phong tục tập quán lạc hậu vẫn tồn tại, đã ảnh hưởng không nhỏ tới nhận thức, nền giáo dục pháp luật càng phải được chú trọng. Đại hội IX của Đảng cũng hết sức quan tâm tới việc "tuyên truyền, giáo dục toàn dân, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật". Khối lượng tri thức pháp luật hiện nay là rất lớn, không thể lấy hết những tri thức pháp luật này truyền thụ cho tất cả mọi người. Bởi vì, đối tượng tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật có trình độ văn hóa, nghề nghiệp, lứa tuổi, dân tộc… khác nhau, do vậy phương pháp và cách thức phổ biến giáo dục pháp luật cũng cần lựa chọn sao cho phù hợp. Đồng thời, nội dung tri thức pháp luật truyền tải phải tương xứng với khả năng tiếp thu của đối tượng, khi đó tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật mới có hiệu quả cao. Để việc giáo dục pháp luật mang lại hiệu quả thiết thực, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các biện pháp sau:

Một là: Đưa việc giáo dục pháp luật vào trong hệ thống các trường học. Nhiều năm qua chúng ta đã thực hiện biện pháp này, với mục đích trang bị một lượng kiến thức pháp lý nhất định trong thời gian học trên ghế nhà trường, giúp họ nắm được những kiến thức pháp lý cần thiết để vận vào cuộc sống hiện tại và công tác trong tương lai, góp phần từng bước xây dựng nâng cao ý thức pháp luật. Song do nhiều nguyên nhân như đội ngũ giáo viên dạy môn này hầu như kiến thức pháp luật không vững vàng, nội dung khô khan, hình thức giảng dạy nghèo nàn, nên học sinh, sinh viên chán học. Hơn nữa chương trình giáo dục pháp luật cũng chưa trở thành môn học chính thức và chưa chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện công việc này nên hiệu quả mang lại không cao. Do vậy, trong thời gian tới chúng ta cần phải có những đổi mới nội dung và hình thức giáo dục cho phù hợp cụ thể:

- Phải có chương trình, giáo trình cụ thể tương ứng với các cấp học khác nhau. Chẳng hạn, bậc tiểu học, nên lồng ghép chương trình giáo dục pháp luật vào môn học

đạo đức với việc phổ cập những kiến thức phổ thông sơ đẳng nhất, mục đích chủ yếu để hình thành trong các em thái độ, tình cảm và ý thức tôn trọng pháp luật. Bậc trung học cơ sở, nên đưa giáo dục pháp luật vào chương trình chính thức của cấp học với kiến thức pháp lý phổ thông cơ bản gắn với lẽ phải, quyền và nghĩa vụ công dân. Từ đó từng bước nâng cao sự hiểu biết, tình cảm pháp luật, tôn trọng pháp luật. Đến bậc trung học phổ thông cần có kiến thức cơ bản về Nhà nước và pháp luật, từ đó hình thành ý thức pháp luật. Cao hơn là ở bậc Đại học và Trung học chuyên nghiệp, đưa vào chương trình giáo dục pháp luật những kiến thức đại cương về Nhà nước và pháp luật, những kiến thức cơ bản về ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Nhưng đối với những ngành học khác ngành luật thì chương trình giáo dục pháp luật đưa vào học cần giảm nhẹ hơn.

- Quan tâm tới việc đào tạo đội ngũ giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân, từng bước bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho họ. Đội ngũ giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân hầu như chưa được đào tạo cơ bản về pháp luật, chủ yếu là kiêm nhiệm do đó kiến thức pháp luật rất hạn chế, chỉ nói những gì đã in trong sách giáo khoa, nên khó có thể nói tới những hứng thú của học sinh khi học môn này.

- Ngoài việc sử dụng các biện pháp giảng dạy hiện đại với chương trình giáo dục pháp luật chính khóa, cần phối hợp những biện pháp ngoại khóa vào các trường học (như thi tìm hiểu pháp luật, câu lạc bộ pháp luật…) nhằm thu hút và tạo sự hấp dẫn của môn học với học sinh, sinh viên.

Hai là: Tăng cường việc phổ biến, giải thích, giải đáp pháp luật, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Dần dần ý thức pháp luật của các tầng lớp dân cư được nâng lên. Các kênh chuyển tải thông tin phổ biến như đài, vô tuyến, những tạp chí, báo hàng ngày có số liệu phát hành nhiều… đều có tác dụng rất lớn trong việc phổ biến, giải thích, cổ vũ, động viên tập hợp các lực lượng quần chúng và định hướng dư luận xã hội. Thông qua các hoạt động này người dân nắm bắt được những tri thức pháp luật cần thiết, từ đó dùng làm công cụ để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Hiện nay thông tin pháp luật ở nước ta có hiện tượng vừa thừa lại vừa thiếu, ở các vùng sâu,

vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, hầu như không được biết đến pháp luật, họ không quan tâm và rất thờ ơ với pháp luật. Do vậy, trong thời gian tới cần phải khắc phục thực trạng trên, đồng thời mở rộng chuyên mục về phổ biến và giải đáp pháp luật với lượng thông tin phong phú hơn. Nhà nước cần thực hiện chế độ miễn hoặc giảm giá, cung cấp miễn phí đối với vùng sâu, vùng xa, miền núi, các loại sách, báo, tạp chí, văn bản pháp luật cho các cơ quan, tổ chức xã hội và nhân dân.

Nếu đánh giá về mặt số lượng, các phương tiện và hình thức tuyên truyền giáo dục pháp luật hiện nay ở nước ta rất đa dạng, phong phú. Chỉ tính ở trung ương có hàng chục báo ra hàng ngày, hàng tuần, nguyệt san và bán nguyệt san, hàng chục loại tạp chí khác nhau của các ngành tham gia đăng tải các tri thức pháp luật. ở các tỉnh, thành phố đều có báo ra hàng ngày. Các báo, tạp chí chuyên ngành luật mấy năm gần đây phát triển rất nhanh; Báo Pháp luật, Pháp luật và Đời sống, Báo Công an, các Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Thông tin Pháp lý, Kinh doanh và Pháp luật. Bên cạnh đó, tạp chí có tính chất nghiên cứu pháp luật như Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Tạp chí Kiểm sát, Thanh tra, Tòa án… cũng ra rất đều đặn. Ngoài các loại báo và tạp chí kể trên Đài tiếng nói Việt Nam, hệ thống Đài truyền hình trung ương và truyền hình địa phương thường xuyên thông tin về vấn đề Nhà nước và pháp luật. Song song với các loại hình tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật như đã nêu, còn có hoạt động tư vấn pháp luật và băng biểu, khẩu hiệu, loa đài lưu động với nội dung nhắc nhở cảnh tỉnh mọi người sống và làm việc theo pháp luật. Như vậy phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua rất phong phú, góp phần quan trọng trong việc giáo dục nâng cao ý thức pháp luật và văn hóa pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân.

Thứ ba: Thường xuyên duy trì phát triển các hình thức bồi dưỡng đào tạo cán bộ pháp luật. Đào tạo các cán bộ pháp luật chuyên ngành phải được tổ chức một cách có hệ thống, có tổ chức và đảm bảo chất lượng, sao cho các cán bộ pháp luật từ Trung ương đến cơ sở phải hiểu biết sâu sắc về pháp luật. Đối với cán bộ không được đào tạo chính quy, hàng năm cũng cần có những đợt tập huấn ngắn ngày để truyền tải thêm những kiến thức pháp luật. Do mô hình đào tạo luật ở nước ta có nhiều hình thức khác nhau, như hệ đào tạo tập trung chính quy, hệ chuyên tu, hệ tại chức, công lập, dân

lập… chính vì thế ở mỗi hệ đào tạo kiến thức pháp luật cũng có sự chênh lệch, nên việc bồi dưỡng đào tạo cán bộ là cần thiết. Để biện pháp này được thực hiện một cách có hiệu quả góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân và cán bộ trong ngành luật thì chúng ta phải khắc phục tình trạng thiếu đội ngũ cán bộ pháp luật có chất lượng cao. Nếu khắc phục được tình trạng này thì pháp luật sẽ dễ đi vào cuộc sống. Bởi vì, ý thức pháp luật cao giúp cho sự phản ánh và nhận thức những vấn đề pháp luật được đúng đắn, toàn diện, bản chất hơn.

ý thức pháp luật cao của cán bộ pháp luật sẽ giúp cho việc ban hành pháp luật, thực hiện pháp luật và áp dụng pháp luật đúng với các quy phạm pháp luật. Như vậy trong điều kiện chung của đất nước ta, đội ngũ cán bộ pháp luật còn nhiều hạn chế, nên việc thường xuyên duy trì phát triển các hình thức bồi dưỡng đào tạo cán bộ pháp luật là việc cần làm ngay và phải được coi trọng. ở mỗi lĩnh vực, mỗi cấp khác nhau thì việc bồi dưỡng đào tạo cán bộ pháp luật cũng khác nhau. Nói cách khác tùy từng đối tượng mà nội dung pháp luật đưa vào bồi dưỡng đào tạo cho thích hợp, thu được hiệu quả cao.

Bốn là: Hoạt động xét xử công khai của tòa án cũng trở thành khía cạnh tuyên truyền và giáo dục pháp luật. Hàng năm tòa án xét xử nhiều vụ việc, xét xử công khai, minh bạch, đúng người, đúng tội sẽ cổ vũ, khích lệ những hành vi tích cực, hành vi tuân thủ pháp luật, góp phần giáo dục mọi người sống và làm việc theo đúng pháp luật. Bên cạnh đó nó còn giáo dục, răn đe các đối tượng vi phạm pháp luật, góp phần ngăn chặn các hành vi có ý thức làm trái pháp luật.

Như vậy, nếu các biện pháp trên được tiến hành một cách đồng bộ, phù hợp thì đương nhiên sự hiểu biết, tôn trọng pháp luật sẽ được tăng lên, ý thức pháp luật sẽ được nâng cao và khẩu hiệu sống và làm việc theo pháp luật sẽ được thực hiện đầy đủ. Do đó công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân để họ hiểu biết pháp luật và làm theo pháp luật là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Thời gian qua hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật đã đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải tri thức pháp luật, góp phần nâng cao ý thức pháp luật và dần dần tạo dựng văn bản pháp lý cho nhân dân. Song, trên thực tế ý thức pháp luật ấy vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu của nền dân chủ XHCN đặt ra, do vậy vẫn cần phải đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân.

Một phần của tài liệu Ý Thức Pháp Luật Với Việc Xây Dựng Nền Dân Chủ Xã Hội Chủ Nghĩa Ở Việt Nam Hiện Nay (Trang 75)