Mâu thuẫn giữa yêu cầu nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật với việc thực hiện pháp luật trong thực tế

Một phần của tài liệu Ý Thức Pháp Luật Với Việc Xây Dựng Nền Dân Chủ Xã Hội Chủ Nghĩa Ở Việt Nam Hiện Nay (Trang 72)

việc thực hiện pháp luật trong thực tế

Nâng cao ý thức pháp luật là nhằm xây dựng lối sống theo pháp luật tạo ra một xã hội ổn định, trật tự, kỷ cương, một tiền đề để phát triển đất nước. Trong công cuộc đổi mới đất nước, nâng cao ý thức pháp luật, tôn trọng pháp luật là yếu tố quan trọng để dân chủ XHCN được thực thi đầy đủ. Môi trường trật tự kỷ cương đã gieo vào lòng người một niềm tin đối với pháp luật, thôi thúc con người nhận thức và thực hiện pháp luật. Trong công cuộc đổi mới, nhất là giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng ta đã nhiều lần khẳng định: Nhà nước quản lý đất nước bằng pháp luật, mọi người phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, thiết lập một trật tự kỷ cương xã hội, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải được xử lý nghiêm minh. Song những năm qua kết quả đạt được còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Trật tự kỷ cương trong xã hội vẫn còn là một thách thức. Hiện tượng vi phạm pháp luật, coi thường pháp luật, thờ ơ với pháp luật còn khá phổ biến trong cán bộ Nhà nước và trong nhân dân. Không ít cán bộ thừa hành tư lợi, thiếu tinh thần trách nhiệm, hối lộ, tham nhũng làm lệch cán cân công lý và tính nghiêm minh của pháp luật, làm ảnh hưởng đến trật tự kỷ cương xã hội, do đó tác động tiêu cực đến hiệu quả nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật. Đất nước ta chưa có truyền thống sống theo pháp luật mà quen sống theo đạo lý, một thời gian khá dài sự quản lý điều hành đất nước bằng đạo lý, pháp luật không được coi trọng. Khi đất nước chuyển sang giai đoạn mới, yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật

thì quán tính của thói quen cũ vẫn còn. Trong xét xử có không ít cán bộ vẫn bên ngoài thì lý bên trong thì tình hay nặng tình nhẹ lý, thực chất là uốn cong pháp luật. Tình và lý là phương châm xử thế của người Việt Nam. Song, thực thi pháp luật, ổn định trật tự kỷ cương xã hội thì không thể kết hợp một cách vô nguyên tắc giữa tình và lý. Trong thực tế, thực thi pháp luật không nghiêm minh biểu hiện ở tất cả các cấp, các ngành, mọi đối tượng, các cơ quan nhà nước ở Trung ương, các cơ quan bảo vệ pháp luật lại vi phạm pháp luật như: Tòa án, Viện kiểm sát, Hải quan… đó là điều không bình thường, là vấn đề đáng lo ngại ở Việt Nam hiện nay. Vẫn còn trường hợp bắt, tạm giam, tạm giữ, khởi tố, truy tố không đúng quy định của pháp luật dẫn đến oan trái cho người vô tội. Hàng năm hệ thống tòa án xét xử một số vụ án khá lớn, nhưng việc xét xử công minh đúng người, đúng tội vẫn còn không ít vấn đề phức tạp, trong xét xử còn nhiều trường hợp oan, sai ở các cấp tòa án, hoặc có hiện tượng nhận hối lộ làm sai lệch tính chất vụ án, bao che tội phạm xét xử chưa kịp thời, thiếu chính xác. Những hành vi tiêu cực,vi phạm pháp luật trong đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, nhất là cơ quan bảo vệ pháp luật đang là lực cản của sự nghiệp đổi mới và nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật ở Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, xử lý không nghiêm minh bằng các hình phạt kinh tế, dẫn đến vi phạm pháp luật, nếu có sử dụng "công cụ" kinh tế thì lại sa vào tiêu cực như: đút lót, hối lộ, tham nhũng… Đây là mâu thuẫn giữa việc thực thi pháp luật với các nguyên tắc pháp lý trong hệ thống pháp luật ở nước ta.

Mặc dù việc thực thi pháp luật còn nhiều bất cập như vậy, nhưng chúng ta không thể không kể đến những mặt tích cực của nó. Các cơ quan bảo vệ pháp luật như: Tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, công an, cơ quan thi hành án… được tăng cường và hoạt động ngày càng có hiệu quả, các vụ vi phạm pháp luật ngày càng được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh hơn. Tòa án tăng cường thực hiện nhiệm vụ và chức năng xét xử của mình, trước đây tòa án chủ yếu xét xử các vụ án về hình sự, dân sự, thì nay mở rộng xét xử các vụ án hành chính, kinh tế, lao động… Đội ngũ thẩm phán tăng cả về số lượng và chất lượng, trước chỉ có vài trăm người đến nay có khoảng trên 3000 người. Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, đến năm 2002 có khoảng 70% tổng số thẩm phán trong cả nước có trình độ đại học luật. Hơn nữa, cũng

phải kể đến hệ thống Viện kiểm sát đã từng bước đổi mới cơ cấu tổ chức, nâng cao hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật… góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh trật tự xã hội, phát triển kinh tế, nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân ta hiện nay.

Cho dù trong quá trình thực hiện pháp luật, mặt ưu điểm của nó đang được phát huy, song mặt hạn chế vẫn chưa có chiều hướng giảm, do đó ảnh hưởng rất lớn đến việc nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật. Pháp luật không nghiêm làm cho lòng tin của nhân dân đối với pháp luật cũng bị giảm sút. Trên thực tế, nhiều văn bản pháp luật khó thực hiện, để thực hiện luật phải chờ đợi quá lâu, chờ văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện luật. Chính vì thế làm cho việc thực thi pháp luật cũng có nhiều hạn chế. Một nguyên nhân nữa là các nhà làm luật chưa nhận thức, dự đoán và phản ánh đầy đủ các quy luật khách quan sự vận hành của nền kinh tế thị trường để mô hình hóa kịp thời thành các quy phạm pháp luật, nên các văn bản pháp luật còn nhiều kẽ hở, dẫn đến việc thực thi pháp luật đôi khi cũng gặp khó khăn.

Như vậy, thực thi pháp luật cùng với tính hiện thực của pháp luật đã ảnh hưởng không nhỏ tới ý thức tôn trọng pháp luật trong nhân dân. Bởi vì, tính hiện thực của pháp luật và các văn bản hướng dẫn thực hiện luật nhiều khi lại không bảo đảm tính thống nhất, hoặc mâu thuẫn và chồng chéo giữa chúng. Điều này đã làm quá trình thực thi pháp luật thiếu nghiêm minh. Hơn thế nữa, trong quá trình thực hiện pháp luật còn nhiều bất cập, nhiều cán bộ nhà nước đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để luồn lách, làm ăn phi pháp, một số người đã lợi dụng chính quyền để ăn hối lộ, tham nhũng… chính những hạn chế trên đã làm cho nhân dân mất lòng tin vào pháp luật.

Do đó, yêu cầu nâng cao ý thức pháp luật trong điều kiện hiện nay chưa đáp ứng được, bởi vì việc thực thi pháp luật trong thực tế không tương xứng. Muốn đáp ứng được yêu cầu này đòi hỏi phải có hệ giải pháp thích hợp khắc phục mâu thuẫn giữa yêu cầu nâng cao tôn trọng pháp luật với việc thực hiện pháp luật trong thực tế hiện nay.

Một phần của tài liệu Ý Thức Pháp Luật Với Việc Xây Dựng Nền Dân Chủ Xã Hội Chủ Nghĩa Ở Việt Nam Hiện Nay (Trang 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)