Sau khi Nhà nước Âu Lạc bị phong kiến phương Bắc tiêu diệt (năm 179 trước công nguyên) thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc đã bắt đầu và kéo dài mười thế kỷ. Giai đoạn này song song tồn tại hai loại pháp luật đó là pháp luật của dân cư bản địa (luật Việt) và pháp luật của chính quyền đô hộ phong kiến phương Bắc (pháp luật phong kiến Trung Quốc). Hơn một nghìn năm Bắc thuộc, dưới ách đô hộ của các triều đại phong kiến Trung Quốc với âm mưu đồng hóa dân tộc Việt Nam, chúng đã chủ trương xây dựng cơ sở kinh tế - xã hội và bộ máy chính quyền nhà nước theo mô hình phong kiến Trung Hoa. Nền văn hóa Trung Hoa là nền văn hóa lớn trên thế giới lúc bấy giờ, nó ảnh hưởng tới nhiều nước đặc biệt những nước khu vực châu á. Song mức
độ ảnh hưởng đó còn tùy thuộc vào bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc Việt Nam nhờ có bản sắc và sức sống mạnh mẽ của văn hóa dân tộc, đã tạo thành "hàng rào" ngăn cản sự xâm nhập, đồng hóa của tư tưởng pháp luật ngoại bang, cho nên tuy có bị ảnh hưởng nhưng không bị đồng hóa. Tư tưởng pháp luật Trung Quốc ít nhiều cũng chi phối ảnh hưởng đến dân bản xứ, nhưng chủ yếu là tầng lớp bên trên, còn tầng lớp bên dưới vẫn độc lập luôn có xu hướng chống lại pháp luật của ngoại bang, sống theo phong tục tập quán làng xã. Chính vì thế, người Việt Nam khi bắt đầu tiếp xúc với pháp luật, hiểu biết sơ khai về pháp luật thì cũng xuất hiện tư tưởng, tâm lý chống lại pháp luật của Nhà nước đô hộ. Như vậy tư tưởng pháp luật của người Việt Nam đã có từ thời kỳ Nhà nước sơ khai và nhận thức hiểu biết về pháp luật chính thức ra đời vào thời kỳ đất nước bị giai cấp phong kiến Trung Quốc xâm lược đô hộ. Do lòng yêu nước, tính tự cường của dân tộc mà người Việt Nam đã tìm mọi cách chống lại pháp luật của phong kiến phương Bắc, cũng chính vì thế ngay khi ra đời ý thức pháp luật Việt Nam có sự phân hóa giữa một bên là ý thức pháp luật của giai cấp thống trị và một bên là ý thức pháp luật của giai cấp bị trị, nên việc tự giác chấp hành một cách tích cực luật pháp Nhà nước, đồng thời chống đối quyết liệt pháp luật ngoại bang là con đường phát triển ý thức pháp luật trong xã hội đương thời. Điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng khi xem xét đặc điểm của sự hình thành ý thức pháp luật.
Chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền năm 938 đã đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phong kiến độc lập. Giai đoạn đầu của chế độ phong kiến độc lập này Phật giáo là quốc giáo, đến khoảng thế kỷ XV, hệ tư tưởng chính thống của giai cấp thống trị là Nho giáo.
Tư tưởng pháp luật phong kiến Trung Quốc ảnh hưởng đậm nét đến sự hình thành ý thức pháp luật trong lịch sử Việt Nam, chủ yếu là hai hệ tư tưởng "đức trị" và "pháp trị".
Đức trị là tư tưởng của phái Nho gia là tư tưởng triết học Trung Hoa (cổ đại) với nội dung là lấy đức để cai trị đất nước, người trị nước phải học đạo đức và phải có đạo đức. Đại biểu của phái Nho gia là Khổng Tử, Ông là người đã hệ thống hóa phạm
trù "đạo đức" trong "học thuyết nhân ái" và mở rộng sang lĩnh vực chính trị gọi là "nhân chính" hay "đức trị" Ông chủ trương dùng đạo đức làm công cụ trị nước, xây dựng xã hội. Tư tưởng đạo đức đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự hình thành ý thức pháp luật trong xã hội phong kiến Việt Nam.
ở Việt Nam giai đoạn đầu xây dựng nền độc lập quốc gia tư tưởng "đức trị" thời nhà Lý mang màu sắc Phật giáo, thể hiện: Trọng tu thân, giúp dân, thương yêu và chăm lo cho dân, ý dân là chỗ dựa của vương triều. Sang đến đời Trần, tư tưởng "đức trị" mang màu sắc Nho giáo, tư tưởng "khoan thư sức dân" của Trần Hưng Đạo là phương châm trị nước. Chính tư tưởng nho giáo đã ảnh hưởng rất lớn đến thời kỳ này. Nội dung cơ bản của Nho giáo là lấy đức để cai trị đất nước, do vậy tư tưởng đức trị được thể hiện qua ý thức pháp luật đương thời.
Sang đời nhà Lê, xuất hiện tư tưởng của Nguyễn Trãi là dùng "nhân nghĩa" để trị nước với nội dung là trọng dụng nhân tài, khoan dung sức dân, sự gương mẫu của người cầm quyền… Bên cạnh đó, tư tưởng coi trọng tập quán, luật tục địa phương vẫn tồn tại và ngày càng được sử dụng rộng rãi. Đây là những nét rất đặc thù so với các dân tộc khác, là ý thức luôn coi lệ làng hơn phép nước.
Pháp trị là một hệ tư tưởng lớn của triết học Trung Hoa cổ đại và Hàn Phi là đại diện của phái Pháp gia (pháp trị). Nội dung của tư tưởng pháp trị là dùng hình phạt nặng nề để trị nước và chủ trương dùng pháp luật nghiêm. Trên cơ sở đó lấy pháp luật làm tiêu chí để phân biệt đúng sai, phải coi trọng pháp luật,pháp luật là công cụ quan trọng nhất để trị nước.
Tư tưởng pháp trị đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành ý thức pháp luật ở các vương triều phong kiến Việt Nam. Trần Thủ Độ thời nhà Trần đã có tư tưởng dùng pháp luật để cai trị đất nước, ông chủ trương bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng, bình đẳng trong pháp luật. Hồ Quý Ly thời nhà Hồ coi pháp luật là công cụ hàng đầu để trị nước, pháp luật triều đại này mang tính nghiêm khắc, nặng nề hơn so với các triều đại khác trong xã hội phong kiến Việt Nam. Đến thời kỳ Minh Mạng rất coi trọng tính nghiêm minh của pháp luật, kiên quyết và công bằng trong việc xử phạt.
Ông đề cao vai trò của pháp luật trong việc trị nước, song ông cũng có quan tâm đến việc khoan dung, độ lượng trong xử phạt, tư tưởng của ông là "quân pháp bất vị thân". Đến Lê Thánh Tông thời nhà Lê phương châm cai trị đất nước là kết hợp cả hai tư tưởng "đức trị" và "pháp trị". Bộ Luật Hồng Đức ra đời là bộ luật đầu tiên có các quy phạm pháp luật, đặc biệt là quy phạm pháp luật về hình sự. Các quy định của bộ luật này tương đối chặt chẽ, rõ ràng, cơ cấu điều luật hầu như có đủ cả ba yếu tố cấu thành đó là giả định, quy định và chế tài. Bộ luật này các hình phạt rất nghiêm khắc nhưng toát lên một số quy định mang tính chất nhân đạo như việc xác định quyền và địa vị pháp lý của trẻ em gái, người già bệnh tật, góa phụ. Đây là bộ luật phù hợp và tiến bộ nhất thời bấy giờ.
Cùng với sự biến đổi của xã hội từ chế độ chiếm hữu nô lệ sang chế độ phong kiến, tư tưởng pháp luật phong kiến một mặt kế thừa quan điểm thời cổ đại, mặt khác hình thành dưới ảnh hưởng sâu sắc của giáo lý và thần quyền. Tư tưởng phong kiến bảo vệ một cách triệt để chế độ đẳng cấp đặc quyền phong kiến với những hình phạt tàn bạo đối với hành vi xâm phạm trật tự xã hội. Dưới thời kỳ các chúa Nguyễn thế kỷ XVI đến XVIII có Nhà nước, có pháp luật, nhưng lối sống theo pháp luật còn manh nha, nhận thức pháp luật và tình cảm đối với pháp luật còn nhiều hạn chế. Các thành viên trong cộng đồng hầu như không quan tâm tới pháp luật, phần lớn là tự quản theo phong tục, tập quán, lệ làng và cũng ít được học hành nên người nông dân am hiểu pháp luật không nhiều. Pháp luật chỉ đến với các quan viên làng xã, giai cấp địa chủ phong kiến và tất nhiên pháp luật ấy ủng hộ, bảo vệ lợi ích các tầng lớp quan chức phong kiến, giai cấp địa chủ.
Sang thế kỷ XIX thời kỳ nhà Nguyễn, mâu thuẫn giữa giai cấp nông dân với chính quyền phong kiến và giai cấp địa chủ ngày càng trở nên quyết liệt. Đó là nguyên nhân dẫn đến phản kháng của người nông dân chống lại chế độ phong kiến cùng với pháp luật của nó. Dưới thời kỳ nhà Nguyễn, Nhà nước và pháp luật ngày càng chặt chẽ hơn, do bản chất pháp luật mang tính phản động, chống lại đa số lợi ích người nông dân, nên sự phản ứng, chống đối của nông dân ngày một dâng cao, đặc biệt có hàng
loạt các cuộc nổi dậy. Vì vậy, ý thức pháp luật thời kỳ này là ý thức phản kháng, chống đối pháp luật, chống đối chế độ phong kiến suy đồi, pháp luật chủ yếu tác động vào ý thức của tầng lớp bên trên, tầng lớp có lợi ích gắn bó với chế độ phong kiến, còn tầng lớp bên dưới, đa số người lao động là nông dân, họ vừa chấp nhận, vừa chống đối quyết liệt ý thức hệ phong kiến, pháp luật phong kiến. Tình cảm của người dân đối với pháp luật phong kiến nhà Nguyễn là sợ hãi, thiếu niềm tin. Càng về sau pháp luật nhà Nguyễn càng mang tính phản động, hà khắc, dã man, mở rộng hình sự và hình phạt, thi hành pháp luật một cách tùy tiện.
Như vậy, dưới thời các chúa Nguyễn và nhà Nguyễn người dân chưa có thói quen sống theo pháp luật. Chính sự tàn khốc về hình phạt đã làm xuất hiện trong người dân tâm lý, ý thức sợ hãi pháp luật, né tránh pháp luật. Người dân không vi phạm pháp luật là vì họ sợ hãi pháp luật chứ không phải vì họ ý thức được quyền và nghĩa vụ trong việc tuân thủ pháp luật. Do đó, ý thức tuân thủ pháp luật xuất hiện trong giai đoạn này một phần cũng do người dân quá sợ hãi những hình phạt của pháp luật.
Tóm lại, tư tưởng pháp luật Trung Quốc nói chung, tư tưởng "đức trị" và "pháp trị" nói riêng đã ảnh hưởng lớn đến quá trình hình thành ý thức pháp luật trong xã hội phong kiến Việt Nam. Tư tưởng "đức trị" và "pháp trị" đều có những ưu điểm và những hạn chế lịch sử, phương châm trị nước chung của các triều đại phong kiến Việt Nam là kết hợp cả hai tư tưởng "đức trị" và "pháp trị". Song, xét trên tổng thể thì tư tưởng "đức trị" thường được đón nhận nhiều hơn và áp dụng nó vào công việc trị nước thành công hơn "pháp trị". Cũng có lẽ tư tưởng "đức trị" phù hợp với truyền thống, tập quán phong tục, lệ làng… và tâm lý người Việt Nam hơn là tư tưởng "pháp trị".
Sự phân tích trên cho thấy, tư tưởng pháp luật phong kiến Trung Quốc ảnh hưởng đến sự hình thành ý thức pháp luật ở Việt Nam, tiêu biểu là tư tưởng coi trọng "hình" mà coi nhẹ "luật", dùng hình phạt hà khắc, tàn bạo để răn đe, chứ không quan tâm tới việc giáo dục qua hình phạt đối với nhân dân, việc xử án cũng không theo luật mà theo thị hiếu và theo mức độ lễ lạt rất tùy tiện, không nghiêm minh. Những việc
làm ấy ảnh hưởng tiêu cực đối với sự hình thành ý thức tuân thủ pháp luật, tình cảm đối với pháp luật của nhân dân ta. Đồng thời nó còn ảnh hưởng khá nặng nề đến sự hình thành ý thức pháp luật ở Việt Nam hiện nay. Nếu gạt bỏ được những hạn chế trong tư tưởng "đức trị" và "pháp trị", đồng thời kế thừa những tiến bộ của nó thì tư tưởng đó lại có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong quá trình hình thành ý thức pháp luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương tiêu biểu cho việc làm này, trên cơ sở thế giới quan và phương pháp luận mác-xít, Người đã tiếp thu có chọn lọc những nội dung tiến bộ trong tư tưởng "đức trị" và "pháp trị" và vận dụng một cách tài tình vào công cuộc lãnh đạo cách mạng Việt Nam nói chung, xây dựng, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật và đạo đức cho cán bộ, nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và quản lý đất nước nói riêng.