Vai trò của ý thức pháp luật trong xây dựng nền dân chủ

Một phần của tài liệu Ý Thức Pháp Luật Với Việc Xây Dựng Nền Dân Chủ Xã Hội Chủ Nghĩa Ở Việt Nam Hiện Nay (Trang 32)

Trong lịch sử hình thành các nhà nước, một trong những việc Nhà nước dân chủ quan tâm là bảo vệ các quyền tự do. Nhưng muốn bảo vệ tự do cho con người, muốn phát triển dân chủ thì điều được xem như một nghịch lý là Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào đời sống con người, không nên "Nhà nước hóa" toàn bộ các hoạt động trong xã hội, nhất là các hoạt động trong lĩnh vực kinh tế. Một nghịch lý nữa là, Nhà nước lại phải bằng pháp luật, một công cụ sắc bén, có uy quyền, có hiệu lực đảm bảo cho mỗi người, mọi người trong xã hội không được xâm phạm tự do của nhau, mọi người trong xã hội phải sống và hoạt động theo một thước đo hành vi chung đó là

pháp luật, "pháp luật là một hệ thống các quy tắc xử sự do Nhà nước ban hành (hoặc thừa nhận) và bảo đảm thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị trong xã hội, là yếu tố điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm tạo ra trật tự và ổn định trong xã hội" [45, tr. 160]. Như vậy, pháp luật là công cụ bảo đảm tự do dân chủ thực sự cho tất cả mọi người trong xã hội. Cho đến nay không ai bác bỏ sự cần thiết phải quản lý xã hội bằng pháp luật.

Xét về bản chất thì chế độ dân chủ gắn liền với pháp luật, không thể có dân chủ mà không có pháp luật. Một nước có dân chủ cũng là một nước có pháp luật, có pháp chế, cũng như một nước thiếu pháp luật, thiếu pháp chế thì không thể có dân chủ đầy đủ. Pháp chế là sự hiện diện của một hệ thống pháp luật cần và đủ để điều chỉnh các quan hệ xã hội, làm cơ sở cho sự tồn tại một trật tự pháp luật và kỷ luật, là sự tuân thủ và thực hiện đầy đủ pháp luật trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, của các cơ quan, đơn vị tổ chức và đối với công dân. Như vậy pháp luật có mối quan hệ khăng khít với dân chủ và có sự tác động lẫn nhau. Pháp luật vừa là đối tượng nhận thức của ý thức pháp luật, vừa là sản phẩm hoạt động sáng tạo của ý thức đó. Pháp luật ra đời, tồn tại và phát triển thông qua ý thức pháp luật của con người, pháp luật chính là sự thể hiện những nhận thức về các hiện tượng pháp lý tồn tại trong đời sống xã hội, từ đó đưa ra những cách thức xử sự chung cho các chủ thể. Điều đó chứng tỏ ý thức pháp luật thông qua hệ thống pháp luật thể hiện rõ vai trò quan trọng của mình đối với dân chủ.

Pháp luật là phương tiện của dân chủ. Nhưng pháp luật không sinh ra từ dân chủ bởi dân chủ là kết quả đấu tranh lâu dài của nhân dân lao động, là kết quả của quá trình nhận thức, là tất yếu của tiến bộ xã hội. Pháp luật sinh ra từ nhu cầu bảo vệ lợi ích giai cấp thống trị và nhu cầu của Nhà nước để quản lý xã hội. Bên cạnh sự quyết định và chi phối của các nhân tố kinh tế và phi kinh tế, sự phát triển của pháp luật nhìn chung phụ thuộc vào trình độ nền dân chủ hiện thời hoặc ảnh hưởng từ bên ngoài của các nền dân chủ khác. Song, dân chủ lại phụ thuộc vào các điều kiện khách quan về kinh tế, chính trị, xã hội. Pháp luật với ưu thế và hạn chế riêng của mình lại tác động trở lại đối với dân chủ. Pháp luật có thể thúc đẩy dân chủ phát triển, hoặc ngược lại,

kìm hãm sự phát triển của dân chủ dưới nhiều hình thức. Chẳng hạn, một quy định pháp luật không rõ ràng, không minh bạch hay không đúng đắn sẽ là cơ hội cho người ta vi phạm, lợi dụng dân chủ. Chúng ta đã nói nhiều đến vi phạm dân chủ, đến sự lợi dụng dân chủ thì cũng cần phải bổ sung thêm về lợi dụng pháp luật dưới nhiều hình thức: lợi dụng những sơ hở, những khoảng trống, hay sự chưa rõ trong pháp luật để vi phạm pháp luật và cũng có nghĩa là vi phạm dân chủ. Pháp luật đảm bảo cho dân chủ vận động trong khuôn khổ, trật tự, hành lang hợp lý và nó là công cụ của mỗi cá nhân trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội.

Sẽ không có dân chủ hoặc dân chủ bị vi phạm nếu như các quy định pháp luật về dân chủ không được thực thi hoặc thực thi sai lệch. Việc áp dụng pháp luật, thực hiện pháp luật trong đời sống xã hội mà trước hết là các cơ quan nhà nước là một phương thức đảm bảo dân chủ và cũng là thước đo trình độ, tiêu chí để nhận diện dân chủ. Pháp luật muốn làm tốt được vai trò to lớn của mình là đại lượng và phương tiện của dân chủ thì pháp luật phải có chất lượng cao thực sự phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân lao động. Giới hạn của dân chủ và tự do phải được xác định bằng quyền và lợi ích chính đáng của công dân, của xã hội. Trong lĩnh vực kinh tế, tự do kinh doanh đã đem lại những hiệu quả to lớn cho đời sống xã hội và mỗi cá nhân. Nhưng tự do kinh doanh lại cần đến những khuôn khổ của pháp luật để đảm bảo tự do, an toàn cho mỗi chủ thể kinh doanh và sự phát triển và hoàn thiện bền vững của đất nước. Điều đó chứng tỏ pháp luật giữ vai trò quan trọng không thể thiếu được trong quá trình phát triển nền dân chủ nói chung.

Tóm lại, dân chủ không thể tách rời pháp luật, bởi vì pháp luật là công cụ hữu hiệu nhất điều chỉnh mọi quan hệ xã hội để cho nền dân chủ đó được tồn tại và phát triển. Để có được pháp luật tốt thì ý thức pháp luật phải ở trình độ cao, sự phản ánh đời sống pháp luật phải chân thực, có như vậy hệ thống pháp luật mới xây dựng theo hướng tích cực phù hợp với nền dân chủ chân chính của dân, do dân và vì dân. Ngược lại, hiện thực khách quan cũng có lúc bị phản ánh sai lệch không chân thực, chính vì thế, trong thực tiễn đã có những quy định pháp lý không phù hợp. Điều đó càng chứng tỏ vai trò to lớn của ý thức pháp luật trong việc đảm bảo quyền tự do dân chủ của công

dân. Và ngày nay chúng ta đang thực hiện nền dân chủ XHCN thì ý thức pháp luật lại có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết.

Một phần của tài liệu Ý Thức Pháp Luật Với Việc Xây Dựng Nền Dân Chủ Xã Hội Chủ Nghĩa Ở Việt Nam Hiện Nay (Trang 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)