Hiến pháp và pháp luật thiếu tính hệ thống và đồng bộ
Như chúng ta đã biết, dân chủ nghĩa là quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, quyền lực đó được thể hiện như thế nào, đó còn tùy thuộc vào từng chế độ xã hội. Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ nghĩa là dân làm chủ và dân là chủ. Trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta, yêu cầu cao nhất của nền dân chủ XHCN là làm cho nhân dân thực hiện được quyền làm chủ và phát huy được năng lực làm chủ của mình trên mọi bình diện kinh tế, chính trị, tư tưởng. Song trên thực tế văn kiện Đại hội VII của Đảng chỉ rõ: quyền làm chủ của nhân dân chưa được tôn trọng và phát huy
đầy đủ. Trong xã hội còn không ít hiện tượng mất dân chủ cơ chế pháp luật bảo đảm thực hiện dân chủ chưa được cụ thể hóa đầy đủ. Sở dĩ có các hiện tượng như vậy là do pháp luật có nhiều hạn chế, hệ thống pháp luật hiện hành của chúng ta lại chưa đáp ứng được những đòi hỏi khách quan của nền dân chủ XHCN trước sự thay đổi nhanh chóng của đời sống xã hội.
Trong giai đoạn đất nước đang chuyển từ cơ chế kinh tế tập trung quan liệu bao cấp sang cơ chế thị trường hầu hết các luật dân sự, hình sự, kinh tế ... đều được sửa đổi bổ sung. Nhưng sự thay đổi nhanh chóng của các quan hệ xã hội đã làm cho các văn bản pháp luật, kể cả các văn bản pháp luật mới được thông qua cách đây không lâu và đã được xem xét, sửa đổi cũng nhanh chóng trở thành lạc hậu. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội hàng loạt các văn bản pháp luật được ra đời thuộc nhiều ngành luật khác nhau. Song nhiều văn bản được ban hành trước sức ép của nhiều tình huống và được xem như những giải pháp tình thế mà ít xuất phát từ sự thống nhất và đồng bộ của pháp luật (chẳng hạn Luật phá sản Công ty, Luật đầu tư…). Chính vì thế mới có tình trạng các văn bản chồng chéo nhau, thậm chí văn bản mới ra đời mâu thuẫn với các văn bản khác. Hệ thống pháp luật còn chưa đồng bộ, có nhiều điểm không kịp với nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội mới nảy sinh. Các quy định của luật và các văn bản dưới luật còn mâu thuẫn với nhau. Luật pháp còn thiếu tính cụ thể, tường minh, khó và sử dụng đối với quần chúng. Tình trạng đó đã làm cho một số cán bộ nhà nước lợi dụng kẽ hở trong quá trình vận dụng các điều luật, vi phạm nghiêm trọng đến quyền công dân, quyền tự do cá nhân… giá trị dân chủ cơ bản.
Quá trình xây dựng luật ở nước ta chưa theo một trình tự có tính khoa học, thiếu tính chặt chẽ do đó chất lượng của các văn bản pháp luật cũng chưa thật cao. Pháp luật luôn có tính khách quan, ý thức pháp luật và pháp luật chỉ nảy sinh, khi xã hội có nhu cầu điều chỉnh bằng pháp luật. Nhưng chúng ta khi xây dựng luật lại dựa trên ý muốn chủ quan của mình, đây là hạn chế về mặt nhận thức. Công tác lập pháp vẫn còn ảnh hưởng của tư tưởng duy ý chí, chưa phản ánh một cách khách quan nhu cầu phát triển của kinh tế - xã hội. Cho nên nhìn nhận một cách khách quan hệ thống
pháp luật ở nước ta hiện nay vẫn chưa bảo đảm tính hoàn chỉnh chưa thật sự phù hợp với nền kinh tế - xã hội trong thời kỳ đổi mới. Nhiều bộ luật, đạo luật đã ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống, bởi vì luật mới dừng lại ở những quy định mang tính nguyên tắc chung, nên khó thực hiện. Có đạo luật tuy đã được Quốc hội thông qua, nhưng hầu như không bao giờ có hiệu lực trực tiếp ngay, nó chỉ được thi hành khi đã được "hướng dẫn", cụ thể hóa bằng nhiều văn bản dưới luật. Thực tế cho thấy, không phải lúc nào các văn bản này cũng hướng dẫn "cụ thể hóa" nội dung của luật, những văn bản "hướng dẫn" luật rất rễ bị hiểu sai, có khi nó chỉ lợi cho một ngành, một tập thể nào đó, mà không có lợi cho lợi ích chung của đất nước. Hoạt động trong luật pháp không có tính đồng bộ thống nhất, ngành nào, lĩnh vực nào mạnh thì ngành đó, lĩnh vực đó hoạt động. Bên cạnh đó, chúng ta có sự học hỏi, tham khảo các nước khác trong quá trình làm luật, nhưng khi đưa vào Việt Nam nó có hiện tượng không phù hợp, chắp vá, tùy tiện…
Trước sự thay đổi nhanh chóng của đời sống xã hội, sự phát triển của các quan hệ kinh tế trong kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hệ thống pháp luật Việt Nam còn nhiều bất cập. Ngoài hiện tượng các văn bản pháp luật chồng chéo, các văn bản không có hiệu lực trực tiếp ngay, pháp luật còn nhiều kẽ hở, nhiều khoảng trống mà những nhà làm luật chưa khắc phục được. Vẫn còn nhiều lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội chưa xác định được ranh giới giữa "cho" và "cấm", "khuyến khích" và kỷ luật, đó là khoảng trống trong pháp luật. Luật doanh nghiệp hiện nay, nhiều văn bản được xem như giải pháp tình thế, chưa thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Đơn cử như Luật Thương mại của nước ta vốn đi đầu trong tiến trình hội nhập, thì cho đến nay còn rất nhiều điều bất cập, không đồng bộ. Một loạt các chế độ thông dụng đã được quốc tế hóa như quyền tự vệ, hạn ngạch, thuế quan, biện pháp cân bằng cán cân thanh toán, chống bán phá giá, chính sách cạnh tranh… chưa được quy định ở cấp độ luật, pháp lệnh, do đó thiếu tính minh bạch công khai. Nhiều quy định chưa phù hợp với các nguyên tắc của tổ chức thương mại thế giới như về hàng rào phi thuế quan, giá trị tính thuế hải quan… Sự thiếu nhất quán làm cho các văn bản pháp luật riêng trở nên manh mún chồng chéo, triệt tiêu nhau.
Trong điều kiện kinh tế thị trường, yêu cầu cao của nền dân chủ XHCN, càng đòi hỏi một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ ổn định, đảm bảo các quyền dân sự chính trị cũng như các quyền kinh tế - xã hội. Song thực tế hệ thống pháp luật ở nước ta chưa đáp ứng được, nó còn nhiều hạn chế, cụ thể là các văn bản pháp luật còn mâu thuẫn nhau, thiếu tính đồng bộ thậm chí còn lạc hậu, bảo thủ… Với thực trạng trên cho thấy, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ của chúng ta không tương xứng với yêu cầu của việc xây dựng nền dân chủ XHCN. Pháp luật đó, quyền làm chủ của nhân dân chưa được tôn trọng và phát huy đầy đủ. Đây là mâu thuẫn đòi hỏi phải có những biện pháp thích hợp để giải quyết.