Ảnh hưởng của chiến tranh

Một phần của tài liệu Ý Thức Pháp Luật Với Việc Xây Dựng Nền Dân Chủ Xã Hội Chủ Nghĩa Ở Việt Nam Hiện Nay (Trang 55)

Một sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam là Cách mạng tháng tám năm 1945 đã đập tan bộ máy thống trị của thực dân Pháp trên đất nước ta, lật đổ chế độ phong kiến và thiết lập một Nhà nước kiểu mới - Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Thời kỳ đầu của giai đoạn này đất nước ta gặp rất nhiều khó khăn, nền kinh tế gần như đình trệ... Việc đầu tiên của chúng ta phải "cứu đói" cho dân, khôi phục lại

nền kinh tế. Trong thời kỳ đó chính trị cũng xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp, bọn phản động trong và ngoài nước được sự giúp đỡ của phát xít Nhật đang cấu kết chặt chẽ với nhau để phá hoại đất nước ta và bọn đế quốc Pháp tuy bị thất bại đang tìm mọi cách lật đổ Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trước hoàn cảnh đất nước như vậy, Nhà nước ta gấp rút soạn thảo và ban hành những văn bản pháp luật mới nhằm điều chỉnh các vấn đề phát sinh trong đời sống xã hội. Nhiệm vụ đó được ghi rõ trong Hiến pháp

đầu tiên của Việt Nam - Hiến pháp 1946: Bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn

và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ. Nội dung được đưa vào bản Hiến pháp đó chứng tỏ nhận thức về những vấn đề của pháp luật trong xã hội đã có những thay đổi quan trọng "từ 1945 đến 1954 có 1757 văn bản pháp luật của Nhà nước cách mạng ra đời, gồm 1 bản Hiến pháp, 1 đạo luật, 621 sắc lệnh, 666 nghị định, 413 thông tư và 55 văn bản khác, số lượng văn bản đó đã điều chỉnh mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội của đất nước" [81, tr. 383].

Các văn bản pháp luật trên đã xác định quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, nguyên tắc tự do dân chủ mà Nhà nước phải thực hiện đối với công dân, đồng thời nghĩa vụ của công dân đối với Nhà nước và trong mối quan hệ các công dân với nhau, không ngừng mở rộng dân chủ trên các hình thức đời sống xã hội... Điều đó chứng tỏ tư tưởng pháp luật đã đi trước tồn tại xã hội một bước.

Từ năm 1945, khi giành được chính quyền, tư tưởng về Nhà nước và pháp luật của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh từng bước trở thành hệ tư tưởng chính thống, dẫn đầu thay thế tư tưởng pháp luật của chế độ thực dân phong kiến. ý thức pháp luật của nước ta trong giai đoạn này có thể nói là ý thức pháp luật tinh hoa của Hồ Chí Minh được chuyển thành ý thức của giai cấp công nhân rồi thành ý thức của toàn xã hội. Bởi vì, tư tưởng pháp luật của Người là pháp luật thể hiện ý chí chung của nhân dân và có lợi cho toàn thể nhân dân, "pháp luật của ta hiện nay bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu người lao động" [47, tr. 185].

Như vậy, xã hội Việt Nam trong thời kỳ này đã có bước phát triển nhảy vọt, nhất là trong lĩnh vực ý thức pháp luật. Tiếc rằng ở một số giai đoạn sau lại xuất hiện

những hạn chế mới, một mặt do đòi hỏi bức bách của cuộc kháng chiến chống Pháp, cái gì cần cho thời chiến thì tập trung làm trước, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sai đâu sửa đấy. Mặt khác, do không quán triệt sâu sắc và vận dụng triệt để quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp luật cách mạng nên quá trình điều chỉnh xã hội lại chủ yếu bằng mệnh lệnh hành chính.

Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, đế quốc Mỹ tìm cách hất cẳng Pháp, áp đặt chủ nghĩa thực dân mới vào miền Nam nước ta. Nước ta bị chia cắt thành hai miền, miền Bắc - miền Nam. Miền Nam tư tưởng pháp luật tư sản chịu ảnh hưởng trực tiếp của tư tưởng pháp luật Mỹ.

Để biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới Mỹ đã lần lượt dựng lên chính quyền "bù nhìn" tay sai. Tổ chức bộ máy nhà nước phỏng theo mô hình Nhà nước của Mỹ dựa trên nguyên tắc "tam quyền phân lập" nhưng thực chất là một nhà nước tập quyền mang tính quân sự hóa. So với thời kỳ Pháp thuộc, phương diện tổ chức nhà nước và pháp luật thời kỳ này có tiến bộ hơn, khía cạnh thuộc địa kiểu cũ được hạn chế, khía cạnh pháp quyền tư sản được khai thác mạnh. Chính quyền Sài Gòn là chính quyền tay sai thân Mỹ nhưng là chính quyền của người Việt, chính quyền ấy cùng với nền pháp luật của nó dù sao cũng dễ chấp nhận hơn chính quyền thực dân Pháp. ý thức pháp luật vùng Mỹ - Ngụy chiếm đóng rất phức tạp, giai cấp cầm quyền thì nói nhiều tới pháp luật dân chủ, tự do vì dân… nhưng trong tư tưởng, tình cảm pháp luật và hành vi pháp luật đều đi ngược lại những cái đó. Trên thực tế các quan điểm tiến bộ được thể hiện trong pháp luật đều bị bóp méo mang nặng hình thức. Song song cùng tồn tại với các quan điểm, tư tưởng pháp luật nói trên là quan điểm tư tưởng Nhà nước và pháp luật dân chủ nhân dân trên lập trường của giai cấp vô sản dưới sự lãnh đạo của Đảng ta. Tư tưởng này hình thành từ trong cuộc cách mạng đánh đổ thực dân Pháp và hiện tại nó đang sống trong ý thức người dân. Do vậy, họ không ngừng đấu tranh nhằm loại bỏ những quy định pháp lý đi ngược lợi ích của nhân dân và đến năm 1975 nó đã trở thành hiện thực, chính quyền Sài Gòn cùng hệ thống pháp luật của nó bị thủ tiêu. Chính trong quá trình đấu tranh đó, những yếu tố của tư tưởng pháp luật tiến bộ

được nhân dân tiếp thu, dùng làm cơ sở để vươn tới trình độ cao hơn cả về ý thức pháp luật lẫn hành vi pháp luật.

Sau tháng 10 năm 1954 miền Bắc vừa là hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, vừa xây dựng xã hội theo con đường XHCN. Trước yêu cầu đó, chúng ta chủ trương xây dựng một ý thức pháp luật XHCN. Trên cơ sở tiếp thu những tư tưởng pháp luật qua nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, những kinh nghiệm xây dựng pháp luật ở các nước XHCN đi trước (Liên Xô, Trung Quốc...) cùng với ý thức pháp luật cách mạng được hình thành trong quá trình chống đế quốc Pháp đã tạo cho ý thức pháp luật Việt Nam có những bước tiến mới. Sản phẩm của quá trình nhận thức này được thể hiện trong Hiến pháp năm 1959, "Hiến pháp năm 1959 là Hiến pháp XHCN đầu tiên ở Việt Nam, Hiến pháp quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong phạm vi nửa nước, Hiến pháp chống Mỹ - cứu nước, bảo vệ Tổ quốc, đấu tranh thống nhất đất nước" [81, tr. 384].

Đạt được những kết quả trên là do chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành hệ tư tưởng chính thống ở miền Bắc. Tư tưởng chính thống này có vai trò tích cực đáp ứng yêu cầu xây dựng ý thức pháp luật XHCN. Tuy nhiên, trong giai đoạn này miền Bắc có khoảng mười năm không trực tiếp đương đầu với chiến tranh (từ 1954 đến 5-8-1964) nhưng ý thức pháp luật cũng không thuần túy mang tính chất ý thức pháp luật thời bình, bởi vì miền Bắc vẫn phải chi viện sức người, sức của... cho miền Nam. Sau đó miền Bắc phải trực tiếp đương đầu với các cuộc chiến tranh bằng không quân của đế quốc Mỹ, trước hoàn cảnh chiến tranh, đòi hỏi nhân dân phải hết sức tuân thủ pháp luật. Pháp luật tối cao lúc đó là luật bảo vệ Tổ quốc, ý thức pháp luật lúc này là phải phục vụ mục tiêu cao nhất của dân tộc là "Không có gì quý hơn độc lập tự do", "Tất cả cho tiền tuyến", "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Cũng chính những đặc điểm này đã để lại ảnh hưởng không nhỏ đối với sự hình thành ý thức pháp luật của nhân dân ta hiện nay.

Như vậy giai đoạn 1954-1975 dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, với bản chất Nhà nước Việt Nam là Nhà nước của

dân, do dân, vì dân, nên ý thức pháp luật cách mạng không ngừng được củng cố, ý thức pháp luật XHCN được chính thức xây dựng và phát triển. Những yếu tố pháp luật mang tính tư sản ở miền Nam, mang tính dân chủ nhân dân ở miền Bắc dần dần chuyển thành ý thức pháp luật XHCN. Bên cạnh đó phong tục, tập quán, thói quen, lệ làng... tạm thời lắng xuống.

Một phần của tài liệu Ý Thức Pháp Luật Với Việc Xây Dựng Nền Dân Chủ Xã Hội Chủ Nghĩa Ở Việt Nam Hiện Nay (Trang 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)