Thức pháp luật từ năm 1986 đến nay

Một phần của tài liệu Ý Thức Pháp Luật Với Việc Xây Dựng Nền Dân Chủ Xã Hội Chủ Nghĩa Ở Việt Nam Hiện Nay (Trang 62)

Nước ta bắt đầu đổi mới trên tất cả các lĩnh vực từ năm 1986. Quá trình đổi mới tạo ra một sức sống mãnh liệt cho đất nước đặc biệt sự thay đổi nhanh chóng trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, tư tưởng, khoa học kỹ thuật... điều đó quyết định đến sự thay đổi nhiều mặt trong hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho ý thức pháp luật và lối sống theo pháp luật ngày càng phát triển.

Trong thời kỳ đổi mới Đảng ta xác định: "Quản lý nhà nước bằng pháp luật chứ không chỉ bằng đạo lý, pháp luật thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thể hiện ý chí của nhân dân phải được thực hiện thống nhất trong cả nước" [14, tr. 120].

Đảng ta khẳng định: Tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng của Đảng. Trước sau như một Đảng vẫn kiên định con đường, mục tiêu XHCN. Trên cơ sở đó Đảng và Nhà nước đã có một cuộc cách mạng thực sự trong nhận thức lý luận hay nói cách khác là đổi mới tư duy. Khi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp bộc lộ những mâu thuẫn gay gắt, Đảng và Nhà nước đã bình tĩnh phân tích tình hình và đi đến sự lựa chọn đúng đắn, chúng ta chỉ có thể

phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng XHCN. Sự tồn tại và phát triển vững mạnh của nền kinh tế thị trường trong hơn 17 năm qua chính là kết quả của sự nhận thức đúng đắn các quy luật trong xã hội của Đảng và Nhà nước ta.

Quá trình phát triển ý thức pháp luật Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước thể hiện ở sự ra đời của Hiến pháp 1992. Hiến pháp 1992 là "nền tảng cho việc tổ chức bộ máy nhà nước, bảo đảm quyền con người, các quyền và nghĩa vụ, các lợi ích hợp pháp của công dân tạo ra các cơ sở, nền tảng cho việc điều chỉnh toàn bộ các quan hệ xã hội thực hiện ở nước ta trong bối cảnh mới" [76, tr. 24]. Hiến pháp 1992 là văn bản pháp luật có hiệu lực cao nhất, tạo cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh quá trình đổi mới toàn diện đất nước. Bên cạnh đó ban hành hàng loạt các văn bản pháp luật mới, và điều chỉnh nhiều văn bản pháp luật cho phù hợp với điều kiện đất nước. Tính đồng bộ và toàn diện của hệ thống pháp luật được cải thiện đáng kể. Và thực tiễn đã chỉ cho người ta thấy rằng pháp luật là cái không thể thiếu trong đời sống xã hội. Song, giai đoạn này những tàn dư của tư tưởng cũ vẫn tồn tại, nó biến tướng dưới những hình thức mới. Lệ làng ở giai đoạn trước bây giờ được thay bằng các hương ước - về nội dung cũng không khác nhiều. Do vậy, chúng ta cần phát huy những mặt tích cực, loại bỏ mặt tiêu cực của hương ước.

Thực tế hơn 17 năm qua, do sự nhận thức đúng đắn hiện thực khách quan mà chúng ta đã đổi mới đúng đắn trên lĩnh vực kinh tế. Từ một nền kinh tế bao cấp chuyển sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, đây là một bước đột phá quan trọng trong chế độ kinh tế ở nước ta. Nền kinh tế mang nặng tính độc quyền không có sự cạnh tranh, nay đã chuyển sang cạnh tranh lành mạnh, chỉ có độc quyền Nhà nước trong một số lĩnh vực nhất định.

Hệ thống các chính sách doanh nghiệp được bổ sung hoàn thiện dần, đưa các doanh nghiệp chủ yếu làm theo mệnh lệnh và bao cấp tới tự do kinh doanh trong khuôn khổ của pháp luật. Nền kinh tế trước đây trong tình trạng khép kín, hàng hóa ách tắc đến nay thực hiện theo cơ chế mở cửa, giao lưu hàng hóa trong nước và quốc

tế, từng bước hội nhập kinh tế quốc tế. Giai đoạn này yếu tố thị trường rất quan trọng, bởi vì thị trường có vai trò trực tiếp hướng dẫn các đơn vị kinh tế lựa chọn lĩnh vực hoạt động và phương án tổ chức sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó sự quản lý của Nhà nước cũng được thay đổi, quản lý của Nhà nước đi đôi với thực hiện quyền tự chủ doanh nghiệp, Nhà nước quản lý bằng pháp luật chứ không phải bằng mệnh lệnh hành chính thông qua giao kế hoạch pháp lệnh như trước đây.

Cũng chỉ đến thời kỳ này, sự phát triển kinh tế đạt đến một trình độ nhất định, sự thay đổi lớn về kinh tế đòi hỏi bức bách phải có một hệ thống pháp luật phù hợp, do vậy cần có một hệ thống những quy phạm pháp luật mới ra đời. Vấn đề đặt ra ở đây là: "Liệu pháp luật mà chúng ta đã xây dựng trong mấy chục năm qua có phải là pháp luật cần phải có trong thời kỳ quá độ ở Việt Nam?" [64, tr. 32].Chúng ta không phủ nhận hoàn toàn vai trò của pháp luật trước giai đoạn đổi mới, nhưng trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, pháp luật đó không được phát huy, vì thế vấn đề cấp bách đặt ra là phải tiến hành việc cải cách pháp luật.

Như vậy, sự phát triển của kinh tế thị trường có tác động không nhỏ đến quá trình phát triển ý thức pháp luật ở nước ta. Sự phát triển về kinh tế tạo ra những nhu cầu khách quan đòi hỏi những nhận thức, những hiểu biết, những quan điểm về pháp luật phải được nâng cao, thúc đẩy đời sống pháp luật phát triển. Các quan hệ kinh tế thị trường dẫn tới khách quan phải điều chỉnh các quan hệ xã hội bằng pháp luật, từ đó phải nâng cao hiểu biết pháp luật mới có thể đáp ứng được sự thay đổi của xã hội. Đó là tiền đề khách quan cho ý thức pháp luật ngày càng phát triển, quá trình dân chủ hóa trong lĩnh vực kinh tế cùng với dân chủ hóa trong lĩnh vực chính trị hơn 17 năm qua đạt được những thành quả đáng mừng, dẫn đến đổi mới pháp luật, nhận thức pháp luật cũng tăng. Nền kinh tế thị trường ở nước ta phát triển theo định hướng XHCN đã tạo động lực thúc đẩy việc nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật, từ đó hình thành ý thức, lối sống tuân thủ theo pháp luật một cách tự giác. Có thể nói, giai đoạn này người dân quan tâm nhiều đến pháp luật, họ luôn có ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật, hơn nữa họ nhận thức sự ra đời, tồn tại của pháp luật là một nhu cầu khách quan của đời sống xã hội.

Bên cạnh những mặt tích cực, cơ chế thị trường còn bộc lộ những mặt hạn chế. Một số ít người vì lợi ích cá nhân, lợi nhuận cao đã vi phạm pháp luật, tìm mọi kẽ hở của pháp luật để luồn lách, cơ chế lỏng lẻo, hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ đã tạo điều kiện cho họ bất chấp pháp luật. Tình trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của ý thức pháp luật trong nhân dân.

Xu hướng chung của nhân dân trong giai đoạn này là tôn trọng pháp luật, tuân thủ pháp luật, chỉ có một bộ phận dân cư vẫn thờ ơ với pháp luật, thiếu niềm tin vào pháp luật. Trong số đó hoặc là do thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc là hiểu biết đầy đủ nhưng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để làm ăn phi pháp (khía cạnh này đang có chiều hướng gia tăng). Từ đó cản trở quá trình phát triển của ý thức pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Một phần của tài liệu Ý Thức Pháp Luật Với Việc Xây Dựng Nền Dân Chủ Xã Hội Chủ Nghĩa Ở Việt Nam Hiện Nay (Trang 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)