Về phía NHNN 66

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Tác động của thanh khoản đối với lợi nhuận của các Ngân hàng thương mại Việt Nam (Trang 76)

6. Kết cấu của luận văn: 3

3.2.2.Về phía NHNN 66

- Về nguồn nhân lực: Nguồn nhân lực của bất cứ một tổ chức nào, phải được coi

trọng đúng mức, thậm chí nên đặt lên vị trí hàng đầu nếu muốn thành công. Bởi đội ngũ này có tính chất quyết định hiệu quả hoạt động của một tổ chức nói chung. Với vai trò, vị trí và chức năng quan trọng của NHNN, trong đó có việc hoạch định CSTT, tạo hành lang pháp lý sao cho hoạt động kinh doanh tiền tệ của các NTHM vừa tránh được rủi ro thanh khoản nhưng đồng thời cũng mang lại tăng trưởng lợi nhuận cho ngân hàng.

Vì vậy, NHNN cần sớm hoàn thiện Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ công chức trong tình hình mới, đáp ứng hai yêu cầu cơ bản “vừa hồng vừa chuyên”. Đội ngũ này đủ mạnh về thực lực (sức khỏe, trí tuệ), được đào tạo đúng vị trí công việc được giao (hiện đã có “Mô tả công việc theo vị trí”), chuyên nghiệp (có nhiều kỹ năng) trong thực thi nhiệm vụ và điều quan trọng hơn, phải tập hợp được những người có đạo đức nghề nghiệp. Theo đó, NHNN nên có chính sách đãi ngộ phù hợp nhằm chống tình trạng “chảy máu chất xám” như thời gian trước đây (khoảng năm 2005 trở về trước); nhưng đồng thời với đó, là sẵn sàng cho thôi việc và/hoặc hạ bậc đối với những trường hợp không đáp ứng yêu cầu đặt ra; tăng cường công tác luân chuyển cán bộ, nhằm phân loại những cán bộ công chức năng động, sáng tạo, cùng một lúc có thể đảm nhiệm được nhiều vị trí công việc khác nhau để bố trí vị trí ngang tầm. Như vậy, sẽ tạo ra động lực phấn đấu liên tục, không ngưng nghỉ, xem như đó là một cách học tập suốt

đời (Chính quyền TP. HCM đang triển khai nội dung này trên toàn địa bàn). Đây là hình thức cạnh tranh lành mạnh giữa đội ngũ cán bộ công chức, tạo ra sự công bằng, minh bạch, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng của đội ngũ, tăng cường khả năng đáp ứng yêu cầu công việc trong nhiều tình huống khác nhau và theo hướng ngày càng đòi hỏi cao hơn. Để thực hiện thành công nội dung này, ngoài các yếu tố khác, thì việc chuẩn hóa đội ngũ làm công tác tổ chức cán bộ thuộc NHNN phải đi trước một bước; kết hợp với cơ chế kiểm tra chéo để tránh lạm quyền, gây ra nhiều hệ lụy (chạy chức quyền, dung túng, trù dập, tham nhũng…). Như vậy, vấn đề cốt lõi khi xây dựng đội ngũ cán bộ công chức không những đủ quân số để phân bố hợp lý, mà còn coi trọng đúng mức về chất lượng đội ngũ (tinh gọn, tính chuyên nghiệp cao), đây là một trong những yếu tố quyết định thành công.

- Có chiến lược thành lập mới các NHTM và cho các NHTM đang hoạt động tiếp tục được mở mạng lưới:

Đây là chính sách thể hiện sự linh hoạt, tính công bằng, tăng năng lực cạnh tranh lành mạnh, phân khúc thị trường để thu hút mọi tiềm lực trong xã hội cho lĩnh vực ngân hàng, từ đó tạo ra thanh khoản bền vững, ổn định hoạt động, gia tăng lợi nhuận ngân hàng, cụ thể:

Việc hình thành các NHTM ở bất cứ thời gian nào, phải dựa trên cơ sở nhu cầu của thị trường và nguồn lực của chính phía NHTM. Tuy nhiên, trên góc độ quản lý nhà nước về hoạt động tiền tệ, tín dụng và ngân hàng, NHNN cần định hướng phù hợp với xu thế chung của thời đại. Theo đó, việc mở mạng lưới của hệ thống các NHTM phải chia theo nhóm để có cách đối xử hợp lý: (i) Ưu tiên cho hệ thống NHTM nào thời gian qua hoạt động ít để xảy ra rủi ro, tuân thủ nghiêm chỉnh quy định của pháp luật, được dư luận tốt và thương hiệu ngày càng có uy tín trong nước cũng như quốc tế, như: VCB, Công thương; (ii) vẫn mạnh dạn cho phép hình thành các NHTM mới (thu hút nhiều nguồn lực trong nước, nước ngoài), nhưng quy định tiêu chí cao hơn các đơn vị hiện hữu đạt được. Cụ thể, NHTM mới này phải thật sự vững mạnh về tiềm lực, gồm:

quy mô vốn, trình độ quản trị, trong đó có quản trị RRTK nhằm mục tiêu hài hòa lợi nhuận, đủ sức cạnh tranh với các ngân hàng lớn (trong nước, khu vực, quốc tế) giúp Việt Nam có thêm nhiều thương hiệu tốt; (iii) gắn với hai nhóm này, việc quan trọng không kém là tiếp tục củng cố, sắp xếp các NHTM đang hoạt động gặp phải khó khăn (nợ xấu cao, vốn chủ sở hữu chưa đúng quy định…). Như vậy, trong tương lai, Việt Nam sẽ tạo ra được hệ thống các NHTM một mặt đáp ứng các nhu cầu khác nhau của thị trường, mặt khác ngang tầm với các ngân hàng trong khu vực để có hy vọng sớm vươn ra ngang tầm thế giới. Các tiêu chí cần nâng dần khi một NHTM được thành lập như quy định mức vốn pháp định cao hơn mức của Nghị định 141/2006/NĐ-CP áp dụng cho năm 2010 là 3.000 tỷ đồng đối với các ngân hàng thương mại nhà nước, cổ phần, liên doanh, ngân hàng đầu tư, ngân hàng hợp tác, quỹ tín dụng nhân dân Trung ương, nâng cao yêu cầu trình độ chuyên môn của đội ngũ nhân sự, kế hoạch sau bao nhiêu lâu sẽ có lợi nhuận khi đơn vị đi vào hoạt động; đưa ra các chế tài riêng đối với các đơn vị hoạt động trong các năm đầu và khi không đáp ứng những yêu cầu chung, vi phạm quy định, thì xử lý nghiêm, như: bị sáp nhập hợp nhất hoặc rút giấy phép…

- Tăng cường giám sát từ xa và thanh tra tại chỗ: Trên cơ sở kết quả của giám sát từ

xa, cơ quan thanh tra, giám sát thông qua bảng cân đối của các NHTM báo cáo theo định kỳ để phân tích, đánh giá tình hình hoạt động của NHTM, giúp sớm phát hiện vấn đề quản trị của các ngân hàng trong đó có quản trị thanh khoản, bởi lợi nhuận chỉ được tạo ra khi ngân hàng ổn định hoạt động. Chỉ thanh tra tại chỗ khi cần thiết hoặc/và phát hiện đơn vị đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật thông qua những con số giám sát từ xa, biến động bất thường, chỉ tiêu tăng giảm không hợp lý, tỷ lệ vốn bị chiếm dụng (khoản phải thu) so với nguồn huy động cao nhưng để kéo dài và chậm thu hồi; hệ số sử dụng vốn quá cao (trên 80% vốn huy động)… Quan trọng hơn, cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng chỉ nên thanh tra có trọng tâm, trọng điểm và những vấn đề có tính chất quyết định đến sự an toàn hay nguy cơ đỗ vỡ của NHTM, như: thanh tra dự báo rủi ro, thanh tra để khuyến cáo khi có nguy cơ mất ổn định đơn vị dẫn đến nguy cơ đổ vỡ hệ

thống, trong đó chỉ tiêu thanh khoản rất quan trọng, không những ảnh hưởng tới mức độ lợi nhuận ngân hàng mà còn đảm bảo sự tồn tại của nó. Thời gian qua, NHNN chủ yếu thanh tra tuân thủ, việc xử lý vi phạm chủ yếu dừng lại hình thức xử phạt hành chính, thực tế ít phát hiện được những sai phạm lớn.

- Thiết lập cơ chế về khả năng dự báo: Viện chiến lược ngân hàng (Viện) có vị trí

tương đương cấp Vụ, trực thuộc NHNN Việt Nam, có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học ngân hàng để đưa ra các dự báo về xu hướng phát triển thị trường tiền tệ Việt Nam, kịp thời tham mưu cho Thống đốc trong việc định hướng thị trường tiền tệ thông qua công cụ điều hành CSTT (lãi suất, tỷ giá, giá vàng, tăng trưởng tín dụng…). Tuy nhiên, để hoạt động của Viện đạt được hiệu quả tích cực hơn nữa, Viện cần đưa ra những dự báo mang tính dài hạn giúp cho việc điều hành CSTT của NHNN có tính ổn định hơn, từ đó, các NHTM sẽ an tâm hơn trong công tác quản trị và đề ra kế hoạch kinh doanh dài hạn cho đơn vị mình.

- Cần đảm bảo tính trung thực đối với thông tin, dữ liệu đầu vào: Hiện nay, Vụ Dự

báo thống kê tiền tệ là nơi tập trung thông tin hoạt động ngân hàng trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, về cơ bản, dữ liệu của các đơn vị gửi về chưa đáp ứng yêu cầu trên cả hai góc độ: Thiếu chính xác (báo cáo không trung thực) và tuân thủ quy định chưa nghiêm (ngân hàng báo cáo, ngân hàng không; định kỳ này có, định kỳ khác không). Mặc dù Luật Thống kê năm 2005 quy định nghiêm cấm việc cung cấp thông tin hay báo cáo thiếu trung thực, nhưng trên thực tế, vì nhiều lý do khác nhau, NHNN chưa có cơ chế kiểm tra sau việc chấp hành báo cáo. Chính vì vậy, việc cấp bách hiện nay là NHNN cần ban hành quy định (Thông tư) mang tính luật để điều chỉnh hành vi cung cấp hoặc báo cáo thông tin thiếu trung thực, nhằm thống kê số liệu một cách chính xác, từ đó hoạch định những chính sách phù hợp, góp phần hỗ trợ hoạt động của các NHTM hiệu quả hơn.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Tác động của thanh khoản đối với lợi nhuận của các Ngân hàng thương mại Việt Nam (Trang 76)