- Thứ nhất, quy trình chuyển nhượng phần vốn góp trong các công ty TNHH, thủ tục đăng ký lại và chuyển đổi hình thức
i) Những vấn đề pháp lý trong giai đoạn đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng M&A
Sau khi đã có kết quả thẩm định và xác định giá trị giao dịch, quá trình đàm phán sẽ dẫn đến một kết quả phản ánh tập trung nội dung của giao dịch M&A, đó chính là hợp đồng M&A được giao kết giữa các bên. Quá trình đàm phán rất quan trọng đối với giao dịch M&A vì nếu hợp đồng M&A không phản ánh đủ và chính xác tất cả các kết quả của những công việc trước đó, các mong muốn và kỳ vọng của các bên hay hạn chế tối đa các rủi ro thì những công việc đã thực hiện sẽ không có giá trị hoặc giảm giá trị đi rất nhiều cũng như mục đích M&A có thể bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực.
Giao kết hợp đồng là công đoạn cuối cùng của việc thỏa thuận giao dịch M&A. Đó là khi các bên đã hiểu rõ về nhau cũng như hiểu rõ về mục đích và yêu cầu của mỗi bên, hiểu rõ các lợi ích và rủi ro khi thực hiện M&A. Hợp đồng M&A là sự thể hiện và ghi nhận những cam kết của các bên đối với giao dịch. Nó không chỉ là liên quan đến khía cạnh pháp lý mà là sự phối hợp một cách hài hòa các yếu tố có liên quan đến giao dịch M&A khác như tài chính, kinh doanh… Chỉ khi kết hợp một cách hoàn chỉnh các yếu tố có liên quan thì Hợp đồng M&A mới thật sự là công cụ để bảo đảm quyền lợi cho các bên tham gia giao dịch. Không có mẫu hợp đồng chung cho tất cả các giao dịch M&A, vì vậy hợp đồng M&A phải được xây dựng riêng cho từng trường hợp cụ thể; quy định đầy đủ các điều khoản cơ bản liên quan đến giao dịch M&A, đưa ra các yêu cầu, lợi ích, sự ràng buộc riêng biệt của doanh nghiệp và thậm chí quy định cả các vấn đề sau giao dịch M&A...
Tùy theo từng vụ mua bán, sáp nhập cụ thể, hợp đồng M&A có thể có nội dung đa dạng, song thường bao gồm những nội dung chủ yếu sau: tên, địa chỉ, trụ sở chính của doanh nghiệp bị sáp nhập, mua lại; thủ tục và
tục, điều kiện và thời hạn chuyển giao tài sản, chuyển vốn, cổ phần, trái phiếu của công ty bị sáp nhập, mua lại; thời hạn thực hiện việc sáp nhập, mua lại; trách nhiệm của các bên. Thủ tục và điều kiện sáp nhập, mua lại doanh nghiệp bao gồm các điều khoản tài chính chủ yếu trong giao dịch M&A, cơ cấu của giao dịch M&A. Trách nhiệm của các bên bao gồm quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên, những hành động mà các bên phải thực hiện trước khi hoàn tất giao dịch M&A, các biện pháp để chống lại việc phá vỡ các ràng buộc trách nhiệm.
Để giảm thiểu khả năng xảy ra tranh chấp, hợp đồng M&A nên được xây dựng như hồ sơ toàn diện về toàn bộ thoả thuận giữa các bên về mọi khía cạnh của giao dịch. Trong hợp đồng, cần phải xác định rõ ai sẽ mua cái gì, khi nào mua, với giá bao nhiêu và dựa trên những điều kiện nào.
Trong hợp đồng M&A có thể xác định những thay đổi lập tức cần phải làm đối với công ty mục tiêu bao gồm các vấn đề như việc từ chức và bổ nhiệm các thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Kế toán trưởng; việc trả các khoản vay ngân hàng và thay đổi cơ cấu công ty mục tiêu.
Việc thanh toán giá mua có thể bằng một khoản phải trả cố định khi hoàn tất thoả thuận, cũng có thể là một khoản phải trả không cố định bao gồm khoản trả đầu tiên và các khoản trả tiếp theo tuỳ thuộc vào hiệu suất hoạt động của công ty mục tiêu.
Trong hợp đồng M&A có những tuyên bố và cam kết của bên bán về tình trạng và lịch sử của công ty mục tiêu bao gồm tất cả các khoản nợ cùng các khoản bồi hoàn phù hợp. Bên mua cũng đưa ra các tuyên bố liên quan tới tình trạng tài chính và pháp lý của công ty mình. Các tuyên bố và đảm bảo có chức năng cơ bản là phân bổ rủi ro giữa các bên, buộc bên bán có trách nhiệm pháp lý với các khoản nợ trước khi hoàn tất hợp đồng M&A
và buộc bên mua có trách nhiệm pháp lý với những khoản nợ phát sinh sau khi hoàn tất.
Những tuyên bố và bảo đảm chỉ tốt khi bên đưa ra chúng đáng tin cậy nên cũng cần có những biện pháp để hạn chế rủi ro khác như điều chỉnh giá, giữ lại một phần giá mua, các đảm bảo của bên thứ ba, bảo hiểm...Trong hợp đồng M&A, các bên đưa ra cam kết rằng những thông tin và dữ liệu về thực trạng một vấn đề là đúng.
Bên bán cần chú ý để tránh bị ràng buộc pháp lý với các tuyên bố và bảo đảm được đưa ra trong hợp đồng và có thể đề nghị bổ sung điều khoản loại trừ các nghĩa vụ pháp lý đã tuyên bố, trừ các tuyên bố đã được đưa vào hợp đồng M&A; phân biệt tuyên bố sai vô ý và vô hại với tuyên bố sai cố ý.
Mục đảm bảo bồi thường là cơ chế để tránh những rủi ro tài chính trong giao dịch M&A, nó định rõ các quyền của bên mua và bên bán theo đó nếu một bên vi phạm các tuyên bố, cam kết, thoả thuận hạn chế và những ràng buộc khác được ghi trong hợp đồng M&A, bên kia sẽ nhận được bồi thường. Các bên có thể đưa ra một số hạn chế về mức tối thiểu và tối đa của các khoản bồi thường.
Thực hiện hợp đồng M&A là tiến trình cho các động thái như chuyển giao tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp; hoàn tất giao dịch; giải quyết các tranh chấp; thực hiện bảo đảm hoặc bồi thường (nếu có). Ngoài ra, các động thái khác liên quan tới thực hiện hợp đồng M&A, bên bán có thể quan tâm giám sát kết quả thành công của giao dịch và các vấn đề khác liên quan tới tích hợp giao dịch, ví dụ như: đội ngũ nhân sự mới, chính sách lợi ích nhân viên và cổ đông, văn hóa doanh nghiệp, hệ thống thông tin...
Tóm lại, để một giao dịch M&A thành công có rất nhiều nguyên nhân tác động tới mà cả bên bán và bên mua đều phải cố gắng hoàn thành theo đúng lộ trình đã đưa ra ban đầu, bên cạnh đó việc hiểu biết về hoạt động M&A là một yếu tố tạo nên sự thành công của doanh nghiệp khi tiến hành thực hiện thương vụ M&A. Một yếu tố quan trọng không thể không đề cập tới đó là sự hỗ trợ về mặt pháp lý đối với hoạt động này, tại Việt Nam nhiều ý kiến cho rằng một nguyên nhân khiến các thương vụ M&A diễn ra khó khăn và phức tạp hơn lại là yếu tố pháp luật vì vậy để hoạt động M&A ở VN phát triển hơn, các thương vụ M&A đạt nhiều thành công hơn nên chăng cần thay đổi môi trường pháp lý cho thuận tiện hơn và nhận thức về M&A của doanh nghiệp phải được nâng cao hơn. Khi đó M&A thực sự trở thành công cụ chiến lược để thu hút đầu tư vào doanh nghiệp.