- Thứ nhất, quy trình chuyển nhượng phần vốn góp trong các công ty TNHH, thủ tục đăng ký lại và chuyển đổi hình thức
F) Những vấn đề pháp lý trong giai đoạn tìm kiếm đối tác
Hoàn tất một giao dịch M&A doanh nghiệp nói chung và mua bán, sáp nhập công ty TNHH nói riêng có thể là một lộ trình dài và trong lộ trình đó, các bên có thể có một số thoả thuận sơ bộ (thoả thuận trước hợp đồng) liên quan đến phương thức hành xử của các bên trong thời gian thẩm định, đàm phán, ký kết hợp đồng M&A. Các thoả thuận trước hợp đồng phổ biến nhất là thoả thuận bảo mật và thoả thuận nguyên tắc.
Trong giai đoạn tìm kiếm đối tác, bên bán có thể phải tiết lộ ngày càng nhiều thông tin mật mà không có sự đảm bảo chắc chắn liệu giao dịch M&A có được thực hiện hay không. Bởi vậy, ngay khi bắt đầu tiếp xúc với bên mua, bên bán có thể đề xuất ký Thoả thuận bảo mật (Thoả thuận không tiết lộ). Thoả thuận bảo mật liên quan đến cả bên bán, bên mua và bên tư vấn (nếu có); quy định ai chịu trách nhiệm nhận và cung cấp thông tin; đưa ra danh sách những thông tin không cần bảo mật như thông tin mà công luận đã biết không phải do hành động vi phạm thoả thuận của bên nhận tin, thông tin vốn thuộc quyền nắm giữ của bên nhận tin, thông tin do bên nhận tin tự mở rộng, thông tin nhận từ một nguồn khác mà không có giới hạn về việc sử dụng hay tiết lộ. Thời hạn của Thoả thuận bảo mật thông thường từ 3 đến 5 năm. Trong trường hợp một bên vi phạm Thoả thuận bảo mật, bên kia có quyền khởi kiện để đòi được bồi thường thiệt hại do vi phạm gây ra. Tuy nhiên trên thực tế rất khó chứng minh việc vi phạm nghĩa vụ bảo mật và thiệt hại do vi phạm gây ra nên có rất ít các vụ vi phạm Thoả thuận bảo mật được đưa ra Toà án.
Kết thúc giai đoạn tìm kiếm đối tác, bên mua và bên bán có thể ký Thoả thuận nguyên tắc (hay còn có tên là Biên bản ghi nhớ, Thư cam kết, Các phần chính của thoả thuận…). Thoả thuận nguyên tắc chính thức hoá
các dự định và dự kiến của các bên, ghi nhận những thoả thuận đã đạt được, quy định về các bước tiếp theo, các vấn đề chi tiết để hoàn tất giao dịch. Thoả thuận nguyên tắc có thể bao gồm những điều khoản bắt buộc để hoàn tất giao dịch, vạch lộ trình giúp việc đi đến hợp đồng M&A dễ dàng. Trong Thoả thuận nguyên tắc có thể chính xác đối tượng của giao dịch để tránh hiểu lầm, quy định nghĩa vụ của các bên trong quá trình đàm phán, ghi nhận về các quyền sở hữu trí tuệ (nếu các quyền sở hữu trí tuệ là lý do chính của giao dịch M&A), cam kết của bên bán không tiến hành đàm phán với bên thứ ba trong một thời gian nhất định để bên mua hoàn tất giao dịch M&A, quy định ràng buộc về bảo mật, luật áp dụng trong giao dịch …
Khi ký kết Thoả thuận nguyên tắc, bên bán thường muốn càng có nhiều ràng buộc càng tốt (dù bên mua thường không muốn như vậy). Việc Thoả thuận nguyên tắc có tính ràng buộc và có hiệu lực bắt buộc thi hành hay không tuỳ thuộc vào các bên có thỏa thuận về hiệu lực của chúng hay không, nếu không có thỏa thuận thì tùy vào luật áp dụng trong giao dịch. Nếu luật áp dụng là luật của các nước Common Law (các nước chịu ảnh hưởng của pháp luật Anh - Mỹ), Thoả thuận nguyên tắc không có tính ràng buộc trừ trường hợp được quy định cụ thể trong Thoả thuận. Nếu luật áp dụng là luật của các nước Civil Law (các nước châu Âu lục địa), các bên có thể bị bắt buộc phải thi hành Thoả thuận nguyên tắc dù không muốn như vậy. Cần lưu ý là ở những điều khoản không ràng buộc người ta dùng từ “có thể”, ở những điều khoản thiết lập ràng buộc người ta dùng từ “sẽ”. Trong Thoả thuận nguyên tắc có thể tuyên bố rõ ràng Thoả thuận nhìn chung không có tính ràng buộc nhưng có một số điều khoản (có đánh số rõ ràng) có nội dung ràng buộc các bên.