Vấn đề chuyển nhượng vốn, rút vốn

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về công ty hợp danh Luận văn ThS. Luật (Trang 48)

Việc thành lập công ty hợp danh cũng như các công ty đối nhân khác, căn cứ trước hết vào sự tin cậy quen biết chặt chẽ giữa các thành viên, vào uy tín cá nhân của họ. Lựa chọn những người cùng sáng lập công ty, cùng kinh doanh và cùng chịu trách nhiệm vô hạn, liên đới không phải là việc đơn giản. Do đó việc một thành viên hợp danh ra đi khỏi công ty sẽ gây xáo trộn, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của công ty, thậm chí có thể dẫn đến sự phá sản hay giải thể công ty.

Sự chuyển nhượng vốn dù một phần hay toàn bộ đều dẫn đến hệ quả là công ty phải tiếp nhận thành viên mới. Nếu là thành viên đã có mối quan hệ thân quen từ trước với các thành viên khác, thì sự xáo trộn trong công ty

không lớn, thậm chí có xu hướng tốt lên. Nhưng nếu đó là một người hoàn toàn xa lạ thì sẽ là một khó khăn lớn không chỉ cho các thành viên cũ mà cho chính thành viên mới tham gia. Sẽ rất khó đạt được sự đồng lòng, đồng thuận, cùng chung chí hướng phát triển công ty, từ đó dễ dẫn đến khủng hoảng hoặc giải thể công ty. Chính nguyên nhân đó dẫn đến những quy định rất chặt chẽ của pháp luật đối với việc chuyển nhượng của các viên hợp danh. Khoản 3 Điều 133 Luật Doanh nghiệp quy định: "Thành viên hợp danh không được quyền chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại" [27]. Như vậy, một thành viên muốn chuyển nhượng vốn góp cần phải được sự đồng ý của tất cả các thành viên hợp danh còn lại. Nếu chuyển nhượng toàn bộ vốn góp, có nghĩa là người nhận chuyển nhượng sẽ tiếp nhận luôn tư cách thành viên, các quyền và nghĩa vụ của thành viên chuyển nhượng tính đến thời điểm chuyển nhượng (loại trừ các nghĩa vụ phát sinh trước thời điểm chuyển nhượng, thành viên chuyển nhượng vẫn tiếp tục liên đới chịu trách nhiệm).

Việc rút vốn của thành viên hợp danh cũng phải tuân thủ theo các quy định chặt chẽ của pháp luật, của điều lệ công ty. Trước hết, phải được thông qua và được sự đồng ý của Hội đồng thành viên, và phải lựa chọn thời điểm hợp lý. Chỉ được rút vốn sau khi kết thúc năm tài chính và đã thông qua báo cáo tài chính của năm tài chính. Sau khi rút khỏi công ty, phần vốn góp của thành viên hợp danh được hoàn trả theo quy định tại điều lệ công ty, hoặc theo giá thỏa thuận giữa các thành viên. Nhằm bảo vệ quyền lợi cho các thành viên còn lại cũng như bảo đảm giao dịch cho bên thứ ba, luật quy định thành viên hợp danh sau khi rút vốn vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công ty trước khi thực hiện việc đăng ký chấm dứt tư cách thành viên với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Trái ngược với thành viên hợp danh, vấn đề chuyển nhượng hoặc rút vốn của thành viên góp vốn không bị ràng buộc nhiều bởi pháp luật. Họ được quyền tự do chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho bất kỳ người nào nếu

điều lệ công ty không hạn chế. Trường hợp tiếp nhận thành viên mới theo quy định của pháp luật phải do Hội đồng thành viên quyết định. Tuy nhiên việc thay đổi thành viên góp vốn trong trường hợp chuyển nhượng không làm ảnh hưởng gì đến hoạt động của công ty.

Thành viên góp vốn có quyền định đoạt phần vốn góp của mình bằng cách để thừa kế, tặng cho, thế chấp, cầm cố và các hình thức khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty, trường hợp chết hoặc bị Tòa tuyên bố là đã chết thì người thừa kế thay thế thành viên đã chết trở thành thành viên góp vốn của công ty. Khi chuyển nhượng toàn bộ hoặc cho tặng vốn góp, tư cách thành viên của họ chấm dứt ngay, không phải chịu bất kỳ nghĩa vụ nào của công ty. Khi chuyển nhượng phần vốn góp, người nhận chuyển nhượng được công ty cấp giấy chứng nhận phần góp mới, công ty thu lại giấy chứng nhận phần vốn góp của người chuyển nhượng. Nếu người chuyển nhượng vẫn còn phần vốn góp tại công ty thì công ty cấp Giấy chứng nhận phần vốn góp mới phù hợp với phần vốn còn lại của thành viên đó.

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về công ty hợp danh Luận văn ThS. Luật (Trang 48)