Thành lập công ty hợp danh

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về công ty hợp danh Luận văn ThS. Luật (Trang 34)

Pháp luật Việt Nam quy định điều kiện thành lập công ty hợp danh cũng là điều kiện chung cho các doanh nghiệp khác. Những yếu tố liên quan đến nhân thân người thành lập như độ tuổi, năng lực hành vi dân sự, nghề nghiệp được quy định cụ thể trong Bộ luật Dân sự, luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn khác. Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; người đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị Tòa án cấm hành nghề kinh doanh không được phép tham gia thành lập doanh nghiệp.

Độ tuổi theo quy định của pháp luật có đầy đủ khả năng chịu trách nhiệm trước các hợp đồng do mình ký kết là 18 tuổi. Đây là độ tuổi được xác định có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Đây là độ tuổi hợp lý cho một cá nhân vì đã hoàn thiện sự phát triển về cả thể chất và trí lực, cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên trên thực tế, số lượng người thành lập doanh nghiệp ở độ tuổi này không nhiều, chủ yếu rơi vào độ tuổi từ 22 trở lên. Pháp luật Singapore trước đây quy định công dân 21 tuổi trở lên mới được phép thành lập doanh nghiệp, và Bộ tài chính nước này đã quyết định giảm độ tuổi này xuống 18 tuổi.

Trong điều kiện về nghề nghiệp, người thành lập phải không thuộc một trong bảy nhóm đối tượng nêu tại khoản 2 Điều 13 luật Doanh nghiệp 2005. gồm: Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình; Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân

quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam; cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong các doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản. Quy định trên cũng phù hợp với Luật Cán bộ công chức 2008 và Luật phòng chống tham nhũng 2005.

Người thành lập công ty phải làm hồ sơ đăng ký kinh doanh, chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của nội dung hồ sơ, sau đó nộp tại cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền (phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh hoặc tương đương nơi doanh nghiệp có trụ sở chính. Tại Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp và Thông tư 14/2010-BKH ngày 4/6/2010 hướng dẫn chi tiết thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định tại Nghị định 43,), người đăng ký kinh doanh có thể lựa chọn nộp trực tiếp tại phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh hoặc đăng ký qua mạng điện tử.

Để thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử, người thành lập doanh nghiệp hoặc người đại diện theo ủy quyền truy cập vào Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, điền đầy đủ và chính xác các thông tin theo yêu cầu. Thông qua Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia tiếp nhận hồ sơ đăng ký điện tử và Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh sẽ xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử trên hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia. Thời gian gửi, nhận các văn bản điện tử trong hồ sơ đăng ký điện tử được xác định căn cứ theo thời gian ghi lại trên máy chủ của Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.

Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với công ty hợp danh được quy định tại Điều 17 luật Doanh nghiệp 2005, Điều 20 nghị định 43/2010/NĐCP gồm:

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp theo mẫu thống nhất do cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền quy định.

2. Dự thảo Điều lệ công ty. Dự thảo điều lệ công ty phải có đầy đủ chữ ký của các thành viên hợp danh.

3. Danh sách thành viên công ty hợp danh. Kèm theo danh sách thành viên phải có: Bản sao hợp lệ giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp của mỗi thành viên.

4. Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với công ty hợp danh kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có vốn pháp định;

5. Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của các thành viên hợp danh và cá nhân khác đối với công ty hợp danh kinh doanh ngành nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề.

Theo Điều 22 Luật doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29/11/2005, nội dung điều lệ công ty bao gồm:

Tên, địa chỉ trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện; Ngành, nghề kinh doanh; vốn điều lệ; cách thức tăng và giảm vốn điều lệ; họ, tên, địa chỉ, quốc tịch và các đặc điểm cơ bản khác của các thành viên hợp danh; phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên; quyền và nghĩa vụ của thành viên; cơ cấu tổ chức quản lý; thể thức thông qua quyết định của công ty; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ; căn cứ và phương pháp xác định thù lao, tiền lương và thưởng cho người quản lý; nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh; các trường hợp giải thể, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản công ty; thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; họ, tên, chữ ký của các thành viên hợp danh; các nội dung khác do các thành viên thỏa thuận nhưng không được trái với quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khi có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 24 Luật Doanh nghiệp 2005, gồm:

1. Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không thuộc lĩnh vực cấm kinh doanh; 2. Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định

3. Có trụ sở chính theo quy định

4. Có hồ sơ đăng ký kinh doanh hợp lệ theo quy định 5. Nộp đủ lệ phí đăng ký kinh doanh

Lệ phí đăng ký kinh doanh được xác định căn cứ vào số lượng ngành, nghề đăng ký kinh doanh; mức lệ phí cụ thể do Chính phủ quy định.

Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi doanh nghiệp, đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, thông báo lập địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp có thể nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký và trả phí để nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ chuyển phát.

Như vậy, không giống pháp luật một số nước trên thế giới thừa nhận sự thỏa thuận về hợp danh đôi khi đã làm nảy sinh tư cách pháp lý của công ty hợp danh (như các công ty hợp danh phổ thông theo luật Mỹ, Thái Lan) mà không cần phải đăng ký thành lập ở cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Pháp luật Việt Nam yêu cầu một trình tự thủ tục thành lập chặt chẽ đối với cả hai loại hình công ty hợp danh, công ty hợp danh chỉ có thành viên hợp danh và công ty hợp danh có cả thành viên góp vốn nhằm tăng cường sự quản lý của Nhà nước đối với các doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về công ty hợp danh Luận văn ThS. Luật (Trang 34)