Khái niệm và đặc điểm

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về công ty hợp danh Luận văn ThS. Luật (Trang 30)

1.2.2.1. Khái niệm

Công ty hợp danh theo Khoản 1 Điều 130 Luật Doanh nghiệp 2005 là doanh nghiệp trong đó:

Phải có ít nhất hai thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh), ngoài các thành viên hợp danh có thể có thành viên góp vốn;

Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;

Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.

Khái niệm trên chỉ rõ cho chúng ta thấy hai loại công ty hợp danh đó là công ty hợp danh chỉ có các thành viên hợp danh và công ty hợp danh có cả các thành viên hợp danh và thành viên góp vốn. Cách phân loại này tương tự như luật Mỹ hoặc Thái lan, nhưng chúng ta không gọi tên là hợp danh phổ thông hay hợp danh hữu hạn, mà gọi chung là công ty hợp danh. Việc quy định chung về quy chế pháp lý cho hai loại công ty hợp danh của Việt Nam không giống như luật các nước khác. Hầu hết các nước trên thế giới đều phân biệt hai loại hình công ty hợp danh và có quy chế pháp lý điều chỉnh riêng biệt. Có nước chỉ thừa nhận một hình thức công ty hợp danh mang bản chất hợp danh tuyệt đối, còn hợp danh tương đối (tức là có cả thành viên góp vốn) được gọi là công ty hợp vốn đơn giản. Ví dụ, công ty hợp vốn đơn giản ở Pháp là loại hình công ty bao gồm thành viên hợp danh (có thể chỉ có 1 thành viên hợp danh duy nhất trong công ty), có địa vị pháp lý tương tự như thành viên hợp danh của công ty hợp danh. Họ phải có tư cách thương nhân, có quyền rất lớn trong việc quản lý công ty và phải chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới đối với mọi khoản nợ của công ty. Ngược lại, "thành viên góp vốn có một vị trí thứ hai trong công ty bởi lẽ họ gánh chịu ít rủi ro hơn. Họ không phải có tư cách thương nhân và trách nhiệm của họ chỉ giới hạn trong phạm vi vốn góp của mình" [21].

Công ty hợp danh hữu hạn tại Mỹ cũng chỉ yêu cầu một thành viên hợp danh, còn yêu cầu bắt buộc hai thành viên hợp danh chỉ có ở công ty hợp danh phổ thông. Luật pháp Mỹ can thiệp chặt chẽ hơn với hợp danh hữu hạn và cởi mở với hợp danh phổ thông.

Như vậy, việc quy định gộp hai loại công ty hợp danh vào một khái niệm chung như Điều 130 luật Doanh nghiệp đã dẫn đến sự bất cập, trước hết

là việc quy định số lượng thành viên bắt buộc để công ty hoạt động và tồn tại. Đối với loại hình công ty hợp danh tuyệt đối thì việc giải thể khi không đảm bảo điều kiện hai thành viên hợp danh hoàn toàn hợp lý vì đây là "sự liên kết

giữa các thương nhân đơn lẻ để kinh doanh dưới một tên hãng chung" [10],

nếu không đủ hai thành viên thì sự liên kết này đương nhiên không tồn tại nữa, các thương nhân trở về tình trạng đơn lẻ như ban đầu. Nhưng đối với công ty hợp danh hữu hạn thì điều này không thỏa đáng, vì yếu tố vốn góp ở đây cũng gần như tương đương với yếu tố "danh", nghĩa là loại hình này chỉ cần một thành viên nhận vốn và một thành viên góp vốn là đủ, không nhất thiết phải có hai thành viên nhận vốn. Một vấn đề nữa đặt ra với loại hình hợp danh hữu hạn, đó là luật không quy định số lượng thành viên góp vốn tối thiểu, do đó khi không còn thành viên góp vốn nào mà vẫn đủ điều kiện về thành viên hợp danh, nghĩa là công ty vẫn được phép tồn tại nhưng bản chất công ty không còn là hợp danh hữu hạn nữa. Tất nhiên điều này theo pháp luật Việt Nam thì không có ảnh hưởng gì cả bởi vì tất cả đều là công ty hợp danh, có chung quy chế pháp lý, cho dù chuyển đổi bản chất hợp danh tuyệt đối hay hữu hạn thì cũng vẫn quy chế pháp lý ấy, nhưng xét về thực tế, việc gộp chung như vậy tạo nên sự kém linh hoạt cho hoạt động của công ty. Trái với lẽ thường là pháp luật phải tạo sự thông thoáng hơn, tạo ra nhiều sự lựa chọn hơn cho các nhà đầu tư thì quy định tại điều 130 lại làm điều ngược lại.

1.2.2.2. Đặc điểm

Công ty hợp danh theo pháp luật Việt nam có những đặc điểm như sau: Mang bản chất đối nhân như các công ty hợp danh trên thế giới. Yếu tố nhân thân của các thành viên luôn được coi trọng, được đặt lên hàng đầu trong các tiêu chí để hợp tác kinh doanh. Các thành viên hợp danh là chủ sở hữu chung của công ty.

Về tư cách thành viên, trong công ty hợp danh có thành viên chịu trách nhiệm vô hạn được gọi là thành viên hợp danh, thành viên chịu trách

nhiệm hữu hạn được gọi là thành viên góp vốn. Mỗi loại thành viên có quy chế pháp lý riêng. Như vậy công ty hợp danh Việt Nam có cả thành viên góp vốn. Về số lượng thành viên, công ty hợp danh Việt Nam quy định số thành viên hợp danh tối thiểu là hai, quy định này giống như hầu hết các quốc gia. (Có một số ngoại lệ như Singapore, Malaysia quy định số thành viên tối đa). Đối với công ty hợp danh có cả thành viên góp vốn, pháp luật cũng chỉ quy định số lượng tối thiểu của thành viên hợp danh và không quan tâm đến số lượng thành viên góp vốn.

Công ty hợp danh Việt Nam cũng phải hoạt động dưới tên gọi riêng, tên gọi mang ý nghĩa đặc trưng của loại hình công ty đối nhân. Tên gọi của công ty ngoài việc không trùng với tên các doanh nghiệp khác, còn có vai trò chỉ dẫn cho đối tác biết về loại hình kinh doanh và thành viên sáng lập. Thông thường các công ty hay ghép tên của các thành viên, hoặc tên của thành viên uy tín nhất, nổi tiếng nhất hoặc có vai vế nhất.

Đặc điểm cuối cùng là công ty hợp danh Việt Nam có tư cách pháp nhân, là chủ thể độc lập trước pháp luật, tuy nhiên không có sự tách bạch giữa tài sản của công ty với tài sản của thành viên hợp danh, nên không độc lập trong việc chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty. Công ty hợp danh không có quyền phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

Chương 2

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về công ty hợp danh Luận văn ThS. Luật (Trang 30)