Nội dung của hợp đồng chiết khấu hối phiếu là tổng thể các điều khoản do các bên chủ thể thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, bình đẳng và phù hợp với pháp luật.
Hợp đồng về bản chất là sự thỏa thuận giữa các bên, như vậy hợp đồng chỉ có giá trị pháp lý ràng buộc đối với các bên nếu như các bên giao kết đúng nguyên tắc tự định đoạt, tự do và thống nhất về ý chí của các bên. Nếu một hoặc toàn bộ các điều khoản được chứng minh là đã vi phạm một trong những nguyên tắc này thì hợp đồng sẽ vô hiệu một phần hoặc toàn bộ.
Theo Điều 12 Thông tư 04/2013/TT – NHNN, hợp đồng chiết khấu bao gồm các nội dung chính sau: Tên, địa chỉ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hoạt động chiết khấu; tên, địa chỉ của khách hàng; số chứng minh thư nhân dân/hộ chiếu/mã số thuế của khách hàng; các thông tin chính của công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác được chiết
khấu; giá chiết khấu; mục đích sử dụng số tiền chiết khấu; đồng tiền chiết khấu; thời hạn chiết khấu; lãi suất chiết khấu và các chi phí liên quan; quyền và nghĩa vụ của các bên; các trường hợp chấm dứt hợp đồng chiết khấu trước thời hạn; xử lý vi phạm hợp đồng; các nội dung khác do các bên thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật.
Từ qui định trên ta thấy, hiện nay pháp luật qui định rất rõ về các nội dung chính của hợp đồng chiết khấu. Về bản chất pháp lý, do hợp đồng chiết khấu hối phiếu có bản chất là một hợp đồng mua bán hối phiếu nên những điều khoản cơ bản trong hợp đồng này tương tự như những điều khoản cơ bản trong hợp đồng mua bán hàng hóa được quy định trong Bộ luật dân sự và Luật thương mại. Bên cạnh đó, hợp đồng chiết khấu hối phiếu cũng có những đặc thù nhất định. Tuy nhiên, việc qui định như trong Thông tư 04/2013/TT – NHNN nêu trên bao gồm cả “các nội dung khác do các bên thỏa thuận” thì liệu có cần thiết không? Bởi lẽ nếu luật định những nội dung chính thì nên “khuôn lại” những nội dung thật sự cần thiết đối với hợp đồng chiết khấu, còn các thỏa thuận khác thì chỉ mang tính chất tùy nghi (phụ) mà thôi.
Các điều khoản cơ bản của hợp đồng chiết khấu hối phiếu bao gồm: Thứ nhất, điều khoản về chủ thể của hợp đồng. Trong hợp đồng các bên phải ghi rõ bên nhận chiết khấu là ngân hàng thương mại nào (tên, trụ sở, số điện thoại, số fax, người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền ..v.v.) và bên được chiết khấu là tổ chức, cá nhân nào (tên, địa chỉ, số điện thoại, số chứng minh thư nhân dân, người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền nếu là pháp nhân..v.v.)
Thứ hai, điều khoản về đối tượng của hợp đồng, tại điều khoản này trong hợp đồng phải ghi rõ loại hối phiếu xin chiết khấu là hối phiếu đòi nợ hay hối phiếu nhận nợ, hối phiếu này thuộc sở hữu của ai và thời hạn thanh toán còn lại là bao nhiêu? Ngoài ra, một vấn đề quan trọng nữa là điều kiện để
một hối phiếu được chấp nhận chiết khấu. Căn cứ theo Khoản 1 Điều 7Thông tư 04/TT-NHNN về điều kiện hối phiếu được nhận chiết khấu, tái chiết khấu thì:
“1. Công cụ chuyển nhượng được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhận chiết khấu khi có đủ các điều kiện sau:
a) Được phát hành hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước phát hành hoặc tập quán thương mại quốc tế phù hợp với pháp luật Việt Nam;
b) Thuộc quyền thụ hưởng hợp pháp của khách hàng, không có tranh chấp, không sử dụng để cầm cố, bảo đảm cho nghĩa vụ khác;
c) Trên công cụ chuyển nhượng không ghi cụm từ “Không được chuyển nhượng”, “Cấm chuyển nhượng”, “Không trả theo lệnh” hoặc cụm từ có ý nghĩa tương tự;
d) Chưa đến hạn thanh toán;
đ) Còn nguyên vẹn, không tẩy xóa, sửa chữa.”
Giả sử Hối phiếu trên được lập trên cơ sở một hợp đồng khống (không có thật) thì Hối phiếu này có thể được chiết khấu tại ngân hàng không?
Trên thực tế thì Hối phiếu khống vẫn có thể được chiết khấu tại ngân hàng thương mại hoặc chuyển nhượng cho người khác bởi vì việc thanh toán hối phiếu khi đến hạn của người bị ký phát, người phát hành là vô điều kiện, không phụ thuộc vào giao dịch cơ sở làm phát sinh Hối phiếu. Khi nhận chiết khấu Hối phiếu ngân hàng chỉ quan tâm đến khả năng thanh toán Hối phiếu của người có nghĩa vụ thanh toán Hối phiếu khi đến hạn hoặc khách hàng xin chiết khấu, người phát hành hối phiếu vì trong trường hợp Hối phiếu không được thanh toán thì những người này sẽ bị truy đòi. Vì vậy nếu ngân hàng không biết là Hối phiếu khống thì nó vẫn có thể được chiết khấu tại ngân hàng. Tuy nhiên điều này gây rủi ro cho ngân hàng vì bên có nghĩa vụ thanh toán không tồn tại trên thực tế. Đây là hiện tương “lừa đảo” trong phát hành hối phiếu (phát hành không dựa trên cơ sở giao dịch).
Chính vì vậy, về mặt pháp lý, một hối phiếu khống là hối phiếu không được phát hành hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam (Điều 2 Luật Các công cụ chuyển nhượng). Nếu ngân hàng hoặc bên thứ 3 phát hiện ra thì hối phiếu này đương nhiên là không đủ điều kiện để được chiết khấu (Theo Khoản 1 Điều 7 Thông tư 04/2013/TT – NHNN). Nêu hợp đồng chiết khấu đã được ký kết trong trường hợp này thì hợp đồng đó sẽ bị vô hiệu.
Nếu hối phiếu do cá nhân phát hành thì có được đưa ra chiết khấu tại ngân hàng không? Xin nêu ví dụ về vấn đề này như sau:
Ngân hàng thương mại A cho ông B vay một khoản tiền là 300 triệu VNĐ với thời hạn 6 tháng, lãi suất 1%/tháng. Để bảo đảm cho khoản vay này ông B đã dùng tài sản thế chấp là ngôi nhà của mình. Trị giá ngôi nhà do A và B thoả thuận tại thời điểm bảo đảm là 350 triệu VNĐ. Tuy nhiên, do còn nghi ngờ vào khả năng trả nợ của B trong tương lai nên A yêu cầu B phát hành Hối phiếu nhận nợ với mệnh giá là 318 triệu VNĐ. Hối phiếu này đã do A nắm giữ. Sau đó A bán (xin chiết khấu) hối phiếu này tại ngân hàng C. Tuy nhiên ngân hàng C từ chối vì lý do hối phiếu này do cá nhân phát hành.
Vậy việc từ chối của C là đúng hay sai?
C từ chối với lý do cá nhân không có quyền phát hành Hối phiếu là sai vì Theo quy định tại Điều 2, Khoản 1 Điều 3 Luật các công cụ chuyển
nhượng thì “Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá
nhân nước ngoài tham gia vào quan hệ công cụ chuyển nhượng trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” .
“Người ký phát, người phát hành được phát hành công cụ chuyển nhượng trên cơ sở giao dịch mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, cho vay giữa các tổ chức, cá nhân với nhau; giao dịch cho vay của tổ chức tín dụng với tổ chức, cá nhân; giao dịch thanh toán và giao dịch tặng cho theo quy định của pháp luật”.
Vậy hối phiếu do tổ chức hay cá nhân phát hành đều có thể là đối tượng được chiết khấu tại ngân hàng thương mại khi thỏa mãn những điều kiện nhất định như còn thời hạn thanh toán, thuộc sở hữu hợp pháp của khách hàng chiết khấu, không có tranh chấp, không sử dụng để cầm cố, bảo đảm cho nghĩa vụ khác; được phép giao dịch (mua, bán, tặng, cho, chuyển đổi, chuyển nhượng, cầm cố, bảo lãnh và các giao dịch hợp pháp khác) theo quy định của pháp, còn nguyên vẹn, không tẩy xóa, sửa chữa và được phát hành một cách hợp pháp.
Thứ ba, điều khoản về giá cả. Trong hợp đồng, các bên cần ghi rõ lãi suất chiết khấu đối với hối phiếu được chiết khấu, các chi phí khác, tổng mệnh giá được chiết khấu, số tiền lợi tức bị khấu trừ, tổng số tiền còn lại khách hàng được hưởng. Lãi suất chiết khấu do các bên thỏa thuận nhưng
phải phù hợp với lãi suất chiết khấu do Ngân hàng nhà nước quy định. Lãi
suất chiết khấu, tái chiết khấu và các chi phí khác có liên quan do tổ chức tín dụng và khách hàng thoả thuận.Tuy nhiên trên thực tế ngân hàng thương mại thường ấn định một mức lãi suất và mức phí chiết khấu tương ứng trong thời gian nhất định và khách hàng, do đang cần vốn, nên thường phải chấp nhận mức lãi suất và phí chiết khấu mà ngân hàng đưa ra. Vậy điều này có vi phạm quyền của khách hàng chiết khấu không? Việc Ngân hàng nhà nước Việt Nam ấn định mức lãi suất chiết khấu có cần thiết hay không?
Thứ tư, điều khoản về phương thức thanh toán. Về điều khoản này, các bên có thể thỏa thuận một trong các phương thức thanh toán như, chuyển số tiền chiết khấu mà khách hàng được hưởng vào tài khoản tiền gửi của họ hoặc trả bằng tiền mặt.
Thứ năm, điều khoản về phương thức chiết khấu: căn cứ vào nhu cầu của khách hàng xin chiết khấu và sự chấp thuận của ngân hàng thương mại nhận chiết khấu mà hối phiếu có thể được chiết khấu toàn bộ thời hạn còn lại của hối phiếu hoặc chiết khấu một phần thời hạn của hối phiếu. Do đó trong điều khoản về phương thức chiết khấu cũng phải quy định rõ ràng việc hối
phiếu được chiết khấu theo phương thức nào để từ đó xác định cụ thể quyền và nghĩa vụ của bên nhận chiết khấu và bên được chiết khấu tương ứng với phương thức chiết khấu đó. Tuy nhiên, cho dù theo phương thức nào đi chăng nữa thì hiện nay pháp luật bảo vệ quyền của ngân hàng ở mức tối đa. Ngân hàng vẫn có quyền truy đòi khách hàng nếu bên có nghĩa vụ không thanh toán cho ngân hàng khi đến hạn [10].Vậy qui định này đã đảm bảo sự bình đẳng giữa các chủ thể tham gia quan hệ chiết khấu hối phiếu chưa? Đã phù hợp với nguyên tắc đảm bảo quyền tự do kinh doanh của các chủ thể chưa?
Sau đây là ví dụ về phương thức chiết khấu có thời hạn (mua có kỳ hạn) của ngân hàng thương mại:
Doanh nghiệp A là chủ sở hữu Hối phiếu do doanh nghiệp B ký phát. Thời hạn thanh toán Hối phiếu là ngày 01/2/2013. Do cần vốn để kinh doanh nên ngày 15/11/2012 doanh nghiệp A đã đến ngân hàng thương mại C xin chiết khấu. Ngân hàng thương mại C chấp nhận chiết khấu với điều kiện doanh nghiệp A phải mua lại Hối phiếu này vào ngày 15/12/2012. Vậy yêu cầu của ngân hàng C trong trường hợp này là hoàn toàn hợp pháp vì ngân hàng có quyền chấp nhận chiết khấu toàn bộ thời hạn còn lại của Hối phiếu hoặc chiết khấu một phần thời hạn còn lại của Hối phiếu.
Thứ sáu, điều khoản về chấm dứt hợp đồng chiết khấu trước thời hạn, xử lý vi phạm hợp đồng
Điều khoản này qui định rõ trong trường hợp nào hợp đồng chiết khấu có thể chấm dứt hiệu lực trước thời hạn. Thường là do lỗi của một trong hai bên dẫn đến bên kia không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng hoặc do các nguyên nhân khách quan gây ra.
Vấn đề xử lý vi phạm hợp đồng do hành vi vi phạm được thực hiện do lỗi của một và (hoặc) 2 bên gắn với việc áp dụng các chế tài. Đối với hoạt động chiết khấu hối phiếu hay áp dụng chế tài dân sự và hành chính, có nghĩa là phạt vi phạm (nếu các bên có thỏa thuận hợp pháp về phạt vi phạm trong hợp đồng) hoặc (và) bồi thường thiệt hại gắn với mức độ thiệt hại thực tế xảy ra.
Thứ bảy, điều khoản về giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng. Đây là một điều khoản thông thường trong các hợp đồng chiết khấu hối phiếu, theo đó các bên có quyền thỏa thuận về phương thức giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa giải, thương lượng, hoặc lựa chọn cơ quan tài phán có thẩm quyền sẽ giải quyết tranh chấp cho mình. Nếu các bên không quy định về điều khoản này thì tranh chấp xảy ra sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Theo Khoản 1 – Điều 78 Luật các công cụ chuyển nhượng 2005 thì
“Người thụ hưởng có quyền khởi kiện người ký phát, người phát hành, người bảo lãnh, người chuyển nhượng, người chấp nhận yêu cầu thanh toán số tiền quy định tại Điều 52 của Luật này trong thời hạn ba năm, kể từ ngày công cụ chuyển nhượng bị từ chối chấp nhận hoặc bị từ chối thanh toán”.
Luật các công cụ chuyển nhượng 2005 đã khắc phục được các bất cập hạn chế của pháp lệnh Thương phiếu năm 1999, bảo đảm tính lưu thông của các công cụ chuyển nhượng nói chung và Hối phiếu nói riêng, giúp chúng được chuyển nhượng dễ dàng. Người cầm giữ hợp pháp Hối phiếu sẽ được thanh toán vô điều kiện. Vì vậy, quan hệ Hối phiếu (bao gồm cả quan hệ chiết khấu hối phiếu là độc lập, không phụ thuộc vào giao dịch cơ sở phát hành Hối
phiếu. Điều 79 – Luật các công cụ chuyển nhượng 2005 đã quy định: “Toà án
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về công cụ chuyển nhượng. Toà án nhân dân giải quyết tranh chấp về công cụ chuyển nhượng một cách độc lập với các giao dịch cơ sở phát hành công cụ chuyển nhượng và chỉ dựa trên hồ sơ khởi kiện”. Hồ sơ khởi kiện phải có đơn kiện, hối phiếu bị từ chối chấp nhận hoặc từ chối thanh toán, thông báo về việc hối phiếu bị từ chối chấp nhận hoặc từ chối thanh toán. Điều này có nghĩa khi giải quyết các tranh chấp liên quan đến hối phiếu tranh chấp ấy phải được tách riêng khỏi các giao dịch cơ sở. Nghĩa vụ thanh
toán hối phiếu không phụ thuộc vào giao dịch gốc. Trên hối phiếu không chấp nhận việc ghi điều kiện thanh toán, không dẫn chiếu đến hợp đồng gốc hoặc bất kỳ một giao dịch cơ sở nào. Người phát hành hối phiếu nhận nợ, người chấp nhận hối phiếu đòi nợ, người bảo lãnh, người chuyển nhượng Hối phiếu... Không thể viện dẫn lý do giao dịch cơ sở vô hiệu, người ký phát không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng là giao dịch cơ sở phát hành Hối phiếu để lẩn tránh nghĩa vụ thanh toán.
Quyền khởi kiện đối với người thụ hưởng, Điều 76 – Luật các công cụ chuyển nhượng 2005 quy định sau khi gửi thông báo về việc Hối phiếu bị từ chối chấp nhận hoặc từ chối thanh toán toàn bộ hoặc một phần số tiền ghi trên Hối phiếu, người thụ hưởng có quyền khởi kiện tại Tòa án với một, một số hoặc tất cả những người có liên quan để yêu cầu thanh toán số tiền không được chấp nhận hoặc không được thanh toán và các chi phí truy đòi, chi phí hợp lý khác có liên quan.
Nếu như người thụ hưởng không xuất trình hối phiếu để thanh toán trong thời hạn xuất trình hối phiếu để thanh toán theo quy định tại Điều 43 của Luật các công cụ chuyển nhượng 2005 hoặc không gửi thông báo về việc bị từ chối thanh toán trong thời hạn quy định tại Điều 50 của Luật này thì bị mất quyền khởi kiện đối với những người có liên quan, trừ người phát hành, người chấp nhận, người ký phát, người bảo lãnh cho người ký phát trong trường hợp Hối phiếu đòi nợ chưa được chấp nhận
Đối với những người có liên quan Điều 77 – Luật các công cụ chuyển
nhượng 2005 quy định “Người có liên quan bị khởi kiện theo quy định tại
Điều 76 của Luật này được quyền khởi kiện người chuyển nhượng trước mình, người chấp nhận, người phát hành, người ký phát hoặc người bảo lãnh cho những người này về số tiền quy định tại Điều 52 của Luật này, kể từ ngày người có liên quan này hoàn thành nghĩa vụ thanh toán công cụ chuyển nhượng”.