hàng thương mại
Thực chất hoạt động chiết khấu hối phiếu tại các ngân hàng thương mại là hoạt động mua bán hối phiếu và quan hệ mua bán này được thể hiện dưới hình thức pháp lý là hợp đồng chiết khấu hối phiếu với các chủ thể gồm bên nhận chiết khấu (thường là ngân hàng thương mại) và bên được chiết khấu (thường là doanh nghiệp). Trong phạm vi luận văn chỉ đề cập đến hoạt động chiết khấu hối phiếu của ngân hàng thương mại.
2.2.1 Bên nhận chiết khấu:
Là các ngân hàng thương mại thỏa mãn các điều kiện do pháp luật quy định. Để tham gia vào hợp đồng chiết khấu hối phiếu, ngân hàng thương mại phải thỏa mãn những điều kiện pháp lý sau:
Thứ nhất, ngân hàng thương mại muốn thực hiện hoạt động chiết khấu phải có giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng do Ngân hàng nhà nước cấp. Trong Giấy phép thành lập và hoạt động do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp có ghi nội dung cấp tín dụng dưới hình thức chiết khấu công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác. Để được cấp giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng, ngân hàng thương mại phải thỏa mãn những điều kiện quy định tại điều 20 Luật các tổ chức tín dụng 2010 và Điều 4 Thông tư 04/TT- NHNN vì thực chất hoạt động chiết khấu hối phiếu là một trong những nội dung của hoạt động ngân hàng.
Thứ hai, có quy định nội bộ để thực hiện hoạt động chiết khấu công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác phù hợp với quy định tại Thông tư này, Luật Các tổ chức tín dụng và pháp luật liên quan.
Thứ ba, ngân hàng thương mại phải có điều lệ được Ngân hàng nhà nước chuẩn y. Bản điều lệ này chính là một trong những tài liệu pháp lý cơ bản phản ánh các yếu tố cấu thành năng lực pháp lý của tổ chức tín dụng khi hành nghề trên thương trường.
Thứ tư, giống như bất cứ một doanh nghiệp nào khác, ngân hàng thương mại phải có người đại diện hợp pháp, đủ năng lực và thẩm quyền.
Ngoài ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng khác như công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và ngân hàng hợp tác xã khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động ở Việt Nam cũng được thực hiện hoạt động chiết khấu. Điều này cho thấy sự “thông thoáng” của pháp luật nhằm mục đích đảm bảo sự bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh trên thị trường và bảo đảm quyền tự do kinh doanh của các tổ chức tín dụng.