Chế độ tuyển chọn, bố trí và sử dụng nguồn nhân lực
Tuyển chọn, bố trí và sử dụng nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến việc phát triển nguồn nhân lực trong một tổ chức. Tuyển chọn đúng các ứng viên có đủ năng lực và đạo đức, phù hợp với yêu cầu của công việc là yêu cầu đầu tiên trong việc phát triển nguồn nhân lực. Ngoài ra việc phân công đúng người, đúng việc, đánh giá đúng mức độ tham gia, đóng góp của từng người để động viên, khuyến khích và đãi ngộ họ kịp thời sẽ mang lại một phần thành công trong tổ chức.
Khi nào, ở đâu nếu có cách sử dụng nhân lực như vậy, khi đó, ở đó người lao động không chỉ cống hiến tối đa những phẩm chất lao động sẵn có mà còn tự đầu tư, tự tổ chức không ngừng nâng cao trình độ của mình. Nó tạo tiền đề vững chắc cho phát triển nguồn nhân lực trong một tổ chức.
Chế độ đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại
Trong xu hướng phát triển để tồn tại, việc đào tạo, bồi dưỡng và đào tạo lại là vấn đề cốt lõi có tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến phát triển nguồn nhân lực trong một tổ chức dưới góc độ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực một cách toàn diện. Đào tạo, bồi dưỡng và đào tạo lại như một nhu cầu phát triển đối với từng tổ chức. Đào tạo, bồi dưỡng và đào tạo lại chính là bổ sung kiến thức, kỹ năng và nâng cao nhận thức cho người lao động. Khi người lao động đã có những kiến thức và kỹ năng hoàn chỉnh, tổ chức có thể sử dụng để phục vụ cho mục tiêu của tổ chức. Vì vậy, chính sách đào tạo, bồi dưỡng và đào tạo lại rất cần thiết cho các tổ chức phát triển nguồn nhân lực của đơn vị mình.
Chế độ đãi ngộ
Chế độ đãi ngộ là công cụ để kích thích người lao động hăng say với công việc, cụ thể là các chính sách về tiền lương, tiền thưởng, kỷ luật, điều kiện làm việc, thực hiện các chế độ về y tế, bảo hiểm, … Tuy nhiên, nếu muốn sử dụng chế độ đãi ngộ như một công cụ trong quá trình phát triển nguồn nhân lực thì chế độ đãi ngộ phải được xây dựng trên cơ sở bảo đảm thu hút được nhân tài, tạo động lực cho họ phát triển, bảo đảm sự công bằng, tuân thủ pháp luật và tính khả thi.
Môi trường làm việc
Môi trường làm việc luôn được người lao động quan tâm vì môi trường làm việc liên quan đến sự thuận tiện của cá nhân, đồng thời nó cũng là nhân tố giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Để tạo lập được môi trường làm việc thân thiện, gắn bó và được duy trì bền vững, việc xây dựng và phát triển văn hóa trong một tổ chức là vấn đề hết sức cần thiết.
Về công tác quản lý, điều hành, các nhà quản lý đều biết rằng phương thức dựa vào giám sát và chỉ huy nghiêm ngặt là không phù hợp, nó dần bị thay thế bởi một phương thức quản lý chú trọng nhiều hơn đến tính nhân văn, một phương thức có khả năng kích thích tính tự chủ, sáng tạo.
Nói tóm lại, môi trường làm việc để phát triển được nguồn nhân lực được phân tích trên các tiêu chí cơ bản, đó là: tác phong làm việc, phong cách lãnh đạo, quan hệ giữa đồng nghiệp, …