Thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất trong sản xuất kinh doanh

Một phần của tài liệu Pháp luật về góp vốn bằng quyền sử dụng đất trong sản xuất kinh doanh (Trang 42)

doanh

Theo quy định tại Điều 33 của Luật Doanh nghiệp năm 2005, tài sản góp vốn không phải là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá. Vì vậy, vốn góp bằng quyền sử dụng đất phải được tiến hành định giá.

Quyền sử dụng đất được sử dụng để góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc nhất trí; nếu giá trị quyền sử dụng đất được định giá cao hơn so với giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập liên đới chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá.

Theo quy định tại Điều 30 Luật Doanh nghiệp năm 2005, giá trị quyền sử dụng đất được sử dụng để góp vốn trong quá trình hoạt động do doanh nghiệp và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị quyền sử dụng đất góp vốn phải được người góp vốn và doanh nghiệp chấp thuận; Nếu giá trị quyền sử dụng đất góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn hoặc tổ chức định giá và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cùng liên đới chịu trách nhiệm đới với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của quyền sử dụng đất tại thời điểm kết thúc định giá.

Thủ tục đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 131 Luật Đất đai năm 2003, như sau:

Người góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải nộp hồ sơ đăng ký góp vốn tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Nếu bên góp vốn là hộ gia đình, cá nhân tại nông thôn thì nộp tại Ủy ban nhân dân xã, thị trấn nơi có đất để chuyển tới Văn phòng đăng ký chuyển quyền sử dụng dụng đất.

Hồ sơ đăng ký góp vốn gồm có hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất được quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003.

Hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải có chứng nhận của công chứng; trường hợp hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân thì được lựa chọn hình thức công chức hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất.

Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Văn phòng đăng ký nhà đất có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ. Đối với những trường hợp đủ điều kiện góp vốn, thì Văn phòng đăng ký nhà đất thực hiện đăng ký góp vốn vào hồ sơ địa chính và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong trường hợp việc góp vốn phát sinh pháp nhân mới, thì Văn phòng đăng ký nhà đất phải gửi hồ sơ đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất đến cơ quan quản lý đất đai thuộc Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho pháp nhân mới (khoản 1 Điều 131 Luật Đất đai; Điều 155 Nghị định sô 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 về thi hành Luật Đất đai ).

Tóm lại, việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong nước vẫn phải làm thủ tục tại các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, song các quy định về thủ tục thực hiện lại rất đơn giản, gọn nhẹ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất thực hiện quyền góp vốn của mình. Hơn nữa, khi tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi thực hiện quyền này thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không phải ra quyết định bằng văn bản cho phép họ thực hiện các quyền đó mà chỉ làm thủ tục và xác nhận vào hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Việc quy định cụ thể về thủ tục thực hiện quyền của người sử dụng đất nói chung và quyền góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất nói riêng cho mọi đối tượng sử dụng đất tại một văn bản pháp luật đã tạo một hành lang pháp lý an toàn và bình đẳng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện quyền góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, đồng thời vẫn đảm bảo vai trò quản lý Nhà nước đối với đất đai.

Một phần của tài liệu Pháp luật về góp vốn bằng quyền sử dụng đất trong sản xuất kinh doanh (Trang 42)