củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các hội của đội ngũ trí thức tỉnh Vĩnh Phúc
Hiện nay, vị trí, vai trò của các tổ chức nghiên cứu khoa học đang ngày được nâng cao và có tầm quan trọng đặc biệt, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền, đoàn thể với các bộ phận trí thức. Ở Vĩnh Phúc, hoạt động của các tổ chức này thời gian qua đã làm tốt nhiệm vụ của mình trong việc gắn kết các thành viên của tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, tư vấn khoa học,... đồng thời mở rộng giao lưu, liên kết khoa học giữa Trung ương, các địa phương với các tổ chức khoa học của tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động khoa học và công nghệ của các tổ chức khoa học vẫn còn nhiều hạn chế, chưa xứng tầm với tiềm năng vốn có của một tỉnh đang có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cao như hiện nay. Hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội về khoa học - công nghệ, kinh tế - xã hội của các tổ chức khoa học chưa
thành nề nếp thường xuyên, do vậy chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong thời kỳ mới.
Để tỉnh Vĩnh Phúc hình thành được những tập thể khoa học mạnh, hoạt động có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, theo chúng tôi cần thực hiện tốt những nội dung sau.
Thứ nhất: Về phía các tổ chức khoa học.
Các tổ chức khoa học của trí thức tỉnh Vĩnh Phúc phải tập hợp, gắn kết các thành viên nhằm củng cố và phát triển, đổi mới hình thức, phương thức hoạt động cho phù hợp với đặc điểm của từng tổ chức, với nhiệm vụ chính trị của tỉnh và đất nước. Vận động, tập hợp và tạo điều kiện thuận lợi để anh chị em trí thức quê Vĩnh Phúc đang sinh sống, lao động, công tác, học tập ở trong và ngoài nước đóng góp trí tuệ và sức lực xây dựng quê hương.
Các tổ chức khoa học cần bảo vệ quyền tự do chân chính cho các thành viên trong quá trình lao động sáng tạo; định hướng tự do sáng tạo của người trí thức vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội thông qua các cuộc thảo luận, tranh luận công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Chủ động tăng cường phối hợp giữa các nhà khoa học với các cơ sở, ban, ngành, đoàn thể trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo thành phong trào thi đua lao động sáng tạo để tuyển chọn các giải pháp kỹ thuật sáng tạo, có giá trị áp dụng vào sản xuất và đời sống. Chủ động tìm kiếm những giải pháp về tài chính để giúp người trí thức sống được bằng lao động khoa học của mình, mở rộng khả năng sáng tạo của trí thức, đồng thời giảm nhẹ gánh nặng tìm kiếm việc làm cho người trí thức từ phía tỉnh, Nhà nước.
Các tổ chức khoa học của ĐNTT, đặc biệt là Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Vĩnh Phúc và các hội thành viên cần hợp tác với nhau trong mối quan hệ biện chứng để tạo nên sức mạnh tập thể, đồng thời cũng cần tập hợp những người trí thức làm việc cá thể, riêng lẻ, làm việc trong các tổ chức ngoài
biên chế nhà nước lại để giải quyết những đòi hỏi đặt ra của tình hình kinh tế - xã hội trong tỉnh hiện nay và đáp ứng yêu cầu phát triển chung của đất nước.
Các tổ chức khoa học phải tự đổi mới, tạo tiềm lực và sức mạnh khoa học để liên doanh, liên kết trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học; gắn kết với các cơ sở sản xuất kinh doanh của địa phương trên cơ sở pháp luật. Để kích thích sự năng động và hiệu quả nghiên cứu khoa học của người trí thức, các viện nghiên cứu, các cơ quan khoa học cũng cần chủ động lựa chọn và đào thải đội ngũ này.
Thứ hai: Về phía tỉnh.
Đảng bộ và chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc phải có chủ trương, chính sách hoạt động cho Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Vĩnh Phúc (gọi tắt là Liên hiệp hội), theo đúng tinh thần của Chỉ thị 45/CT-TW của Bộ Chính trị. Thực sự coi Liên hiệp hội là một tổ chức chính trị - xã hội có vai trò to lớn trong tập hợp rộng rãi ĐNTT khoa học và công nghệ trong và ngoài địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cần và đủ để Liên hiệp hội phát huy vai trò là cầu nối giữa trí thức với Đảng và chính quyền như: có định lượng hợp lý về biên chế để Liên hiệp hội có điều kiện về nhân lực để triển khai hoạt động có hiệu quả; tạo điều kiện cho Liên hiệp hội thành lập quỹ hỗ trợ sáng tạo khoa học - công nghệ và hệ thống giải thưởng khoa học - công nghệ để tặng thưởng hàng năm. Đưa hoạt động của Liên hiệp hội tỉnh đi vào hoạt động nền nếp, có chất lượng và hiệu quả để Liên hiệp hội đóng vai trò trung tâm, có trách nhiệm tập hợp các hội thành viên nhằm củng cố, phát triển và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nhất là trong việc tư vấn, phản biện các đề tài, dự án khoa học.
Các cấp ủy Đảng và chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc phải đề cao trách nhiệm của người trí thức, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các Hội trí thức: thường xuyên thông tin cho ĐNTT về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tình hình của tỉnh, của đất nước và quốc tế. Đồng thời công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội đã giao cho Liên hiệp hội cần
được tôn trọng, được thể chế hóa, bắt buộc các dự án, các chương trình lớn của tỉnh chưa được giám định thì không được triển khai.
Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho ĐNTT trong học tập, rèn luyện, để đội ngũ này nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, qua đó phấn đấu trưởng thành, vươn lên ngang tầm thời kỳ mới.
Đảng bộ và chính quyền tỉnh cần tạo điều kiện cho các Hội trí thức của Vĩnh Phúc tham gia thực hiện các dịch vụ công, tham gia giám sát các hoạt động nghề nghiệp, được tự chủ về tài chính và có môi trường thuận lợi để giao lưu, hợp tác khoa học với các địa phương khác trong cả nước và các tổ chức khoa học quốc tế. Tạo điều kiện cho những trí thức làm việc cá thể riêng lẻ, làm việc trong các tổ chức ngoài biên chế nhà nước được tham gia đấu thầu các đề án, dự án khoa học để một mặt tạo được việc làm, thu nhập, tạo môi trường cho họ cống hiến, mặt khác phát huy được vai trò của họ trong sự nghiệp CNH, HĐH. Tạo điều kiện cho các chuyên gia giỏi về tỉnh tham gia giảng dạy, trao đổi khoa học, chuyển giao công nghệ trên cơ sở đảm bảo an ninh, bí mật quốc gia và trong khuân khổ pháp luật.
Kiện toàn các tổ chức khoa học của ĐNTT tỉnh Vĩnh Phúc trong giai đoạn hiện nay là cần thiết để nâng cao chất lượng hợp đồng khoa học, phát huy tài năng và trí tuệ của họ. Công việc này đòi hỏi sự cố gắng của cả các tổ chức khoa học cũng như từ phía tỉnh.