8. Tổng quan tài liệ u
1.2.7. Tiêu chí đánh giá kết quả công tác KSC thường xuyên NSNN
qua KBNN
Công tác KSC thường xuyên NSNN là loạt động thuộc về lĩnh vực quản lý nhà nước. Kết quả đầu ra của công tác này là giải ngân được một khoản chi NSNN. Kết quả này mang nhiều tính chất định tính. Do đó cần lựa
chọn các tiêu chí có thể xác định được. Từ đó kết hợp các tiêu chí để phân tích, tổng hợp để đánh giá được đầy đủ hơn công tác KSC. Những tiêu chí thường được quan tâm nhằm đánh giá kết quả công tác KSC thường xuyên NSNN qua KBNN như sau:
- Doanh số chi thường xuyên NSNN qua KBNN.
Doanh số chi thường xuyên NSNN qua KBNN cho thấy được quy mô hoạt động của công tác KSC thường xuyên NSNN của KBNN. Cơ cấu của chi thường xuyên thường được chia ra theo cấp ngân sách hoặc theo nhóm mục chi. Từ đó đánh giá được mức độ bố trí phù hợp các nguồn lực cho công tác KSC thường xuyên theo từng cấp ngân sách, xác định các nhóm mục chi cần được chú trọng để nâng cao chất lượng công tác KSC.
- Số lượng hồ sơ KBNN giải quyết trước hạn, đúng hạn, quá hạn
KBNN đóng vai trò là người gác cổng cuối cùng trước khi thanh toán các khoản chi NSNN. Do vậy, công tác KSC thường xuyên NSNN qua KBNN đòi hỏi phải đảm bảo chính xác về mặt số liệu, chứng từ; an toàn trong chi trả, thanh toán, tránh để xảy ra tình trạng lợi dụng, chiếm đoạt tiền, tài sản của Nhà nước. Tuy nhiên KBNN phải có biện pháp bố trí, sắp xếp giải quyết thanh toán cho đơn vị SDNS kịp thời, theo đúng thời gian quy định. Nếu tỉ lệ hồ sơ giải quyết bị quá hạn cao, KBNN cần phân tích nguyên nhân ảnh hưởng đến thời gian xử lý KSC để tìm biện pháp khắc phục.
- Số món và số tiền KBNN chối cấp phát, thanh toán qua KSC.
Tiêu chí này thể hiện được mức đóng góp của KBNN trong việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời các khoản chi vi phạm chế độ quản lý tài chính NSNN trước khi xuất quỹ ngân sách để thanh toán, chi trả. Đồng thời phản ảnh được ý thức tuân thủ, chấp hành luật pháp của đơn vị SDNS trong việc sử dụng kinh phí NSNN. Ngoài ra tiêu chí này còn phụ thuộc vào các yếu tố như: Sự đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu, nhất quán của các văn bản qui định về chế độ,
tiêu chuẩn, định mức chi của Nhà nước; trình độ, năng lực của cán bộ KSC; chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực chi NSNN...
Vì vậy, khi xem xét, đánh giá kết quả của tiêu chí này cần xem xét toàn diện các yếu tố trên, không nên máy móc chỉ dựa vào kết quả từ chối, thanh toán đểđánh giá chất lượng của hoạt động KSC của KBNN.
Số món bị KBNN từ chối cấp phát, thanh toán được thống kê theo các nội dung KSC như: chi vượt dự toán; vi phạm về chế độ chứng từ; sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức.
- Số dư tạm ứng chi thường xuyên so với tổng chi thường xuyên bình quân hằng tháng:
Tiêu chí này góp phần đánh giá đầy đủ hơn chất lượng công tác KSC thường xuyên NSNN. Trong các khoản chi thường xuyên NSNN được KBNN giải ngân, có những khoản chi chưa có đủ hồ sơ chứng từ, KBNN được phép giải ngân cho đơn vị bằng hình thức tạm ứng. Ngoài ra, đơn vịđược phép tạm ứng tiền mặt về để thanh toán cho các khoản chi nhỏ, lẻ tại đơn vị. Tuy nhiên, có những đơn vị SDNS không chú trọng đến việc thanh toán tạm ứng với KBNN hằng tháng theo quy định mà để đến cuối năm mới thực hiện thanh toán. Bên cạnh đó, KBNN trong quá trình KSC cũng không lưu ý nhắc nhở đơn vị thanh toán tạm ứng. Làm cho số dư tạm ứng chi NSNN hằng tháng quá cao. Đây là tình trạng chiếm dụng vốn NSNN cần phải được chú ý khắc phục trong công tác KSC, đặc biệt là trong tình hình thu NSNN khó khăn, không kịp tiến độ trong những năm gần đây.
- Kết quả kiểm toán chi thường xuyên NSNN của Kiểm toán Nhà nước tại đơn vị SDNS
Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán các đơn vị SDNS theo kế hoạch hằng năm được duyệt hoặc thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của Nhà nước. Vì vậy, không phải tất cả các đơn vị SDNS đều được kiểm toán thường xuyên
hằng năm. Tuy vậy, kết quả kiểm toán tại một số đơn vị SDNS được kiểm toán cũng phản ánh được khách quan hơn chất lượng công tác KSC của KBNN. Một khoản chi NSNN của đơn vị SDNS trước khi được thanh toán đến nhà cung cấp đã qua hai cửa KSC, đó là: kiểm soát của chủ tài khoản đơn vị SDNS trước khi quyết định chuẩn chi và kiểm soát của KBNN trước khi thanh toán cho nhà cung cấp. Nếu đơn vị SDNS đó được kiểm toán bởi Kiểm toán Nhà nước thì một lần nữa khoản chi đó được kiểm soát sau khi đã được thanh toán. Nếu Kiểm toán Nhà nước phát hiện khoản chi thường xuyên NSNN đó vi phạm chế độ quản lý tài chính thì chứng tỏ tại khâu kiểm soát của chủ tài khoản đơn vị SDNS và của KBNN còn sơ hở. Tùy thuộc vào nội dung, mức độ vi phạm của các khoản chi mà phân tích, đánh giá được chất lượng KSC thường xuyên NSNN của KBNN.
- Mức độ hài lòng của đơn vị SDNS khi thực hiện KSC thường xuyên qua KBNN.
Cùng với công cuộc cải cách hành chính trên phạm vi cả nước, công tác KSC thường xuyên NSNN qua KBNN cũng ngày càng được cải tiến hoàn thiện hơn theo định hướng chung của Nhà nước là xây dựng một nền hành chính phục vụ. Vì vậy, đánh giá kết quả công tác KSC không những trên giác độ quản lý mà còn trên giác độ phục vụ. Do vậy, việc khảo sát mức độ hài lòng của các đơn vị SDNS giao dịch tại KBNN nhằm giúp KBNN có được những kết luận khách quan từ phía đơn vị SDNS trong đánh giá công tác KSC thường xuyên. Những vấn đề đơn vị SDNS chưa hài lòng có thể là do nguyên nhân chủ quan từ KBNN hoặc do nguyên nhân khách quan từ các cơ quan quản lý cấp trên như về: thời gian, quy trình, thủ tục giải quyết công việc; thái độ làm việc, tinh thần trách nhiệm hướng dẫn, giải thích cho đơn vị SDNS của cán bộ KBNN; thành phần hồ sơ, biểu mẫu yêu cầu... Từ đó KBNN có những giải pháp hoặc kiến nghị lên cơ quan cấp trên nhằm hoàn thiện chất lượng
cung ứng dịch vụ hành chính công và nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính.
Tuỳ điều kiện cụ thể, có thể thực hiện việc khảo sát ý kiến đơn vị SDNS thông qua các hình thức như: Phiếu khảo sát trực tiếp; phỏng vấn có kết hợp quan sát thực tế; điện thoại; hộp thư điện tử (email); trang thông tin điện tử...
1.2.8. Những nhân tố ảnh hưởng đến công tác KSC thường xuyên NSNN qua KBNN
Chi thường xuyên ngân sách là hoạt động liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành và nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức trong xã hội. Do đó công tác KSC thường xuyên NSNN qua KBNN cũng chịu tác động của nhiều nhân tố với mức độ và phạm vi khác nhau. Tuy nhiên những nhân tố chủ yếu và có tác động mạnh mẽ trực tiếp đến công tác KSC thường xuyên NSNN qua KBNN có thể chia thành hai nhóm: Nhóm nhân tố bên trong và nhóm nhân tố bên ngoài.
a. Nhóm nhân tố bên trong
Bao gồm năng lực lãnh đạo, quản lý; năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ; tổ chức bộ máy; quy trình nghiệp vụ; công nghệ quản lý của KBNN. - Năng lực lãnh đạo, quản lý: Yếu tố con người, cách thức tổ chức, xây dựng chính sách luôn có tầm quan trọng đặc biệt. Tất cả quy tụ lại ở năng lực quản lý của người lãnh đạo và biểu hiện chất lượng quản lý, hiệu quả trong hoạt động thực tiễn, thể hiện qua các nội dung: Năng lực đề ra các chiến lược, sách lược trong hoạt động, đưa ra các kế hoạch triển khai công việc một cách hợp lý, rõ ràng; Tạo nên một cơ cấu tổ chức hợp lý, có hiệu quả, có sự phân định rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn giữa các thành viên, cũng như giữa các khâu, các bộ phận của guồng máy. Năng lực quản lý của người lãnh đạo có tầm quan trọng đặc biệt đối với hoạt động của KBNN nói chung và công tác
KSC thường xuyên NSNN qua KBNN nói riêng. Nếu năng lực quản lý yếu, bộ máy tổ chức không hợp lý, sách lược không phù hợp với thực tế thì việc KSC thường xuyên NSNN kém hiệu quả, dễ gây thất thoát, lãng phí và ngược lại.
- Năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ: Năng lực chuyên môn của người cán bộ là yếu tố quyết định đến hiệu quả đến công tác KSC thường xuyên NSNN. Nếu năng lực chuyên môn cao, khả năng phân tích, tổng hợp tốt, nắm chắc, cập nhật kịp thời và áp dụng chính xác các chế độ chính sách, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu… thì hiệu quả KSC sẽ cao, giảm thiểu thất thoát lãng phí vốn NSNN cho chi thường xuyên NSNN và ngược lại.
- Tổ chức bộ máy: Đây là vấn đề hết sức quan trọng. Trong bộ máy tổ chức phải được sắp xếp, bố trí hợp lý, phù hợp với năng lực và trình độ chuyên môn của từng cá nhân, phù hợp với yêu cầu của công việc, đồng thời quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng khâu, từng bộ phận, từng vị trí công tác. Bộ máy tổ chức gọn nhẹ, hợp lý vận hành đồng bộ sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kiểm soát thanh toán, hạn chế tình trạng sai phạm, rủi ro trong quản lý.
- Quy trình nghiệp vụ: Quy trình phải phù hợp với pháp luật, chế độ hiện hành của Nhà nước, đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả. Quy trình phải mang tính ổn định, tránh thay đổi nhiều để thuận lợi cho việc triển khai thực hiện. Quy trình nghiệp vụ được xây dựng rõ ràng, dễ hiểu, đồng bộ theo hướng cải cách thủ tục hành chính, quy định rõ trách nhiệm, mối quan hệ giữa các cá nhân, các bộ phận và thời gian xử lý, đảm bảo vừa kiểm soát chặt chẽ, vừa thuận lợi cho đơn vị SDNS.
- Công nghệ quản lý: Trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật, mức độ ứng dụng công nghệ hiện đại cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả công tác KSC thường xuyên NSNN qua KBNN. Việc ứng dụng công nghệ tin học
trong công tác công tác KSC thường xuyên NSNN giúp tiết kiệm được thời gian xử lý công việc, rút ngắn thời gian thanh toán, cập nhật, tổng hợp số liệu nhanh chóng, chính xác tạo tiền để cho những cải tiến quy trình nghiệp vụ một cách hiệu quả hơn, phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo điều hành. Chính vì vậy công nghệ thông tin là một trong những nhân tổ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý chi thường xuyên NSNN.
b. Nhóm nhân tố bên ngoài
Các nhân tố bên ngoài ảnh hưởng đến công tác KSC thường xuyên NSNN qua KBNN như: Cơ chế quản lý NSNN; hệ thống pháp luật, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu NSNN.
- Cơ chế quản lý NSNN: NSNN được sử dụng trong chi thường xuyên nhằm đạt được những mục tiêu trong từng thời kỳ, phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của đất nước trong từng thời kỳ nhất định, tùy theo mục tiêu cụ thể mà Nhà nước có những cơ chế áp dụng phù hợp, vì vậy cơ chế KSC thường xuyên NSNN cũng phải thay đổi theo. Sự thay đổi cơ chế quản lý chi NSNN có tác động không nhỏ đến hoạt động KSC thường xuyên NSNN của KBNN. Cơ chế quản lý chi thường xuyên NSNN thể hiện ở sự phân định chức năng, nhiệm vụ quản lý chi NSNN của các cấp quản lý, cơ chế về tài chính đối với đơn vị SDNS.
- Hệ thống pháp luật, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu NSNN: Pháp luật là bộ phận không thể thiếu trong một nhà nước pháp quyền. Để hệ thống pháp luật với vai trò hướng dẫn và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế trong xã hội hoạt động trong trật tự khuôn khổ pháp luật, đảm bảo công bằng, an toàn và hiệu quả thì đòi hỏi nó phải được đầy đủ, chuẩn tắc và đồng bộ. Từ đó, công tác KSC thường xuyên NSNN qua KBNN cũng phải được cải tiến cho phù hợp với pháp luật. Hệ thống chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu của Nhà nước vừa là căn cứ quan trọng để xây dựng dự toán,
phân bổ dự toán và KSC, vừa là một trong những chỉ tiêu đánh giá chất lượng quản lý và điều hành ngân sách của các cấp chính quyền. Việc ban hành các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu một cách hợp lý, khoa học sẽ góp phần vào việc nâng cao hiệu quả KSC thường xuyên NSNN qua KBNN.
Kết luận chương 1: Chi thường xuyên NSNN là một bộ phận của chi NSNN. Cũng như các khoản chi NSNN khác, chi thường xuyên NSNN cũng tuân theo một chu trình chi NSNN: từ giai đoạn lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán NSNN. KSC thường xuyên NSNN được thực hiện trong cả ba giai đoạn của chu trình này, trong đó gồm nhiều cơ quan, đơn vị tham gia vào quá trình KSC. Từ việc xác định vai trò của KBNN trong KSC thường xuyên NSNN, đề tài đã phân tích nội dung, phương pháp KSC thường xuyên thực hiện tại KBNN. Đồng thời phân tích những tiêu chí đểđánh giá công tác KSC cũng như những nhân tố ảnh hưởng đến công tác KSC thường xuyên NSNN qua KBNN, làm cơ sở lý luận cho việc phân tích thực trạng và đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện công tác KSC thường xuyên NSNN qua KBNN Cẩm Lệ.
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG CÔNG TÁC KIỂM SOÁT CHI THƯỜNG XUYÊN NSNN QUA KBNN CẨM LỆ
2.1. KHÁI QUÁT VỀ KBNN CẨM LỆ
2.1.1. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KBNN Cẩm Lệ
Trên cơ sở Nghị định 102/NĐ-CP ngày 05/8/2005 của Chính phủ về việc thành lập đơn vị hành chính trực thuộc Thành phố Đà Nẵng, Bộ Tài chính đã ra Quyết định số 3541/QĐ/TCCB thành lập KBNN Cẩm Lệ và đi vào hoạt động kể từ ngày 01/01/2006.
KBNN Cẩm Lệ là tổ chức trực thuộc KBNN Đà Nẵng, thực hiện chức năng, nhiệm vụ và có tổ chức bộ máy được quy định tại Quyết định số 163/QĐ – KBNN ngày 17/3/2010 của KBNN.
a. Chức năng của KBNN Cẩm Lệ
- KBNN Cẩm Lệ có chức năng thực hiện nhiệm vụ KBNN trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
- KBNN Cẩm Lệ có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu riêng và được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại trên địa bàn để thực hiện giao dịch, thanh toán theo quy định của pháp luật.
b. Nhiệm vụ của KBNN Cẩm Lệ
- Tập trung các khoản thu NSNN trên địa bàn, hạch toán các khoản thu cho các cấp ngân sách.
- Tổ chức thực hiện kiểm soát thanh toán, chi trả các khoản chi NSNN trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
- Quản lý quỹ ngân sách Quận và các quỹ tài chính khác được giao; quản lý các khoản tạm thu, tạm giữ, tịch thu, ký cược, ký quỹ, thế chấp theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; quản lý tiền, ấn chỉ đặc biệt,
tài sản, các loại chứng chỉ có giá của Nhà nước và của các đơn vị, cá nhân gửi tại KBNN Cẩm Lệ.
- Thực hiện công tác phát hành, thanh toán trái phiếu Chính phủ theo quy định.
- Quản lý ngân quỹ KBNN Cẩm Lệ theo chế độ quy định.
- Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn kho, quỹ tại KBNN Cẩm Lệ.
- Mở tài khoản, kiểm soát tài khoản và thực hiện thanh toán bằng tiền mặt, bằng chuyển khoản đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân có quan hệ giao