6. Đóng góp của luận văn
1.1. Quan niệm “epiphany” trong tôn giáo và văn học nghệ thuật
“Epiphany” trong tôn giáo với ngữ nghĩa danh từ được gọi là Lễ Hiển linh. Lễ Hiển linh có nguồn gốc là một ngày lễ cổ xưa của người Kitô giáo tương tự với Lễ Giáng sinh và Lễ Phục sinh.
Từ Đông phương, Lễ Hiển linh lan sang Châu Âu vào khoảng thế kỷ thứ IV và được nói đến lần đầu tiên tại xứ Gaule vào năm 361. Đến cuối thế kỷ XIX, hầu hết các Giáo hội đều cử hành ngày lễ trọng này. Ban đầu, ở Tây phương, người ta có thói quen cử hành chung các biến cố hạ sinh của Giêsu vào ngày Giáng sinh, biến cố các đạo sĩ đến thờ lạy Chúa và cuộc tàn sát các Thánh Anh Hài. Nhưng khi Roma bắt đầu mừng Lễ Hiển linh thì hai biến cố cuối cùng này được tách rời ra khỏi ngày lễ 25 tháng Chạp để dành tôn kính các đạo sĩ là chủ đề chính cho ngày lễ trọng mới vào ngày
6 tháng Giêng. Lễ Hiển linh trong phụng vụ Roma mang thông điệp chính là sự mạc khải của Đức Kitô cho mọi dân tộc được biểu tượng qua các đạo sĩ. Với Giáo Hội Đông phương, Lễ Hiển linh đã trở thành đại lễ mừng thiên tính của Đức Kitô; mầu nhiệm Nhập thể và sự thờ lạy của các đạo sĩ vì thế được cử hành vào ngày Lễ Giáng sinh. Sau đó, Lễ Hiển linh ngày càng được hiểu như là Lễ Đức Kitô chịu phép rửa. Do đó mà ở Đông phương có tục lệ làm phép nước rửa tội, nước giếng rửa tội, các nguồn nước và sông suối vào dịp Lễ Hiển linh. Vào ngày này, nhiều đám đông kéo nhau đến bờ sông Giođan để dìm mình ba lần trong trong dòng sông theo như nghi thức rửa tội của Đông phương. Tuy nhiên, nhiều người đã bắt đầu áp dụng truyền thống phương Tây để kỷ niệm nó vào ngày 6 tháng Giêng, ngày thứ mười hai của Giáng sinh. Giáo hội Tin lành thường ăn mừng Lễ Hiển linh cả một mùa, kéo dài từ ngày cuối cùng của Giáng sinh cho đến khi Thứ tư Lễ Tro.
Trong tôn giáo, từ “epiphany” mang nghĩa là “hiển linh” được sử dụng khi một người nhận ra đức tin của mình, hoặc khi anh ta tin rằng một sự kiện xảy ra hoặc đã thực sự được gây ra bởi một vị thần hay là đức tin của mình. Trong Ấn Độ giáo, “hiển linh” có thể bàn đến việc nhận thức của Arjuna rằng Krishna - hiện thân của Thiên Chúa phục vụ như là người đánh xe ngựa trong “Bhagavad Gita”, thực sự là đại diện cho vũ trụ. Thuật ngữ Hindu cho “hiển linh” sẽ là “bodhodaya”; từ tiếng Phạn “bodha” - khôn ngoan và “udaya” - tăng. Trong Phật giáo, thuật ngữ này liên quan đến việc Phật cuối cùng cũng nhận ra bản chất của vũ trụ, và do đó đạt được Niết bàn, có nghĩa là “ngộ”, “đốn ngộ” hay “chứng ngộ”. Trong Thiền, thuật ngữ “kensho” cũng diễn tả khoảnh khắc này, đề cập đến cảm giác khi ta tìm ra câu trả lời cho một công án. Ngày nay, khái niệm “epiphany” – “hiển linh” thường được sử dụng, tuy nhiên nó thường và không có ý nghĩa tôn giáo như vậy, mà “hiển linh” chính là siêu nhiên, là phát hiện ra điều gì đó dường như đến bất ngờ từ bên ngoài.
Không mang nét nghĩa của tôn giáo, “epiphany” còn là một từ trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “biểu hiện, nổi bật xuất hiện”, một kinh nghiệm của sự bất ngờ và ấn tượng. Thuật ngữ này được dùng để mô tả bước đột phá khoa học, khám phá tôn giáo hay triết học, nhưng nó có thể áp dụng trong bất kỳ tình huống nào, trong đó một sự khai sáng cho phép một vấn đề hoặc tình huống phải được hiểu từ một góc nhìn mới và sâu sắc hơn. “Epiphany” được nghiên cứu bởi các nhà tâm lí và các học giả khác, đặc biệt là những nỗ lực để nghiên cứu quá trình đổi mới.
Trong văn học nghê thuật, “epiphany” cũng được các tác giả sử dụng với những ngữ nghĩa khác nhau. Như ở phần Mở đầu, trong mục Lịch sử vấn đề
về Bừng ngộ trong Người Dublin, chúng tôi đã chỉ ra các cách sử dụng đa dạng đó của các tác giả: đó có thể là “hiển linh”, là “mạc khải”, là “bừng ngộ”, là “thức ngộ”, “đốn ngộ” hay “căn vặn”, “băn khoăn”… Tuy nhiên, chúng tôi đồng ý với quan điểm với một số người nghiên cứu (Nguyễn Linh Chi, Lê Minh Kha…) và xác định rằng: trong Người Dublin “epiphany” mang nghĩa là “bừng ngộ”.
“Epiphany” với nghĩa “bừng ngộ” chính là một sự nhận thức thình lình, trực quan một cách đột ngột của cái nhìn sâu sắc vào thực tế hay ý nghĩa quan trọng của một cái gì đó, thường bắt đầu bằng một số cái đơn giản hoặc dựa trên kinh nghiệm phổ biến. Đây là một thuật ngữ trong phê bình văn học liên quan tới một hiện thực bất ngờ - một sự nhận ra trong nháy mắt một ai đó, một cái gì đó được nhìn thấy trong một ánh sáng mới. Hầu hết mọi người, ai cũng có ít nhất một thời điểm trong cuộc sống trải nghiệm một sự mạc khải mới hoặc một cái nhìn mới về một điều gì đó và xốc chúng ta ra khỏi trạng thái hiện tại của mình. Theo Navraj Narula trong bài viết Bừng ngộ như một khoảnh khắc phù du: một lát flash của ánh sáng trong Người Dublin của Joyce
James Joyce’sDubliners) thì tiểu thuyết gia Josep Conrad cho “bừng ngộ” chính là một trong những khoảnh khắc hiếm hoi của sự thức tỉnh, trong đó tất cả mọi thứ xảy ra trong nháy mắt. Nhà thơ Shelly mô tả nó như là “khoảnh khắc đẹp nhất và hạnh phúc nhất… phát sinh không lường trước được”…
Nhà văn thường sử dụng “epiphany” – “bừng ngộ” với nhiều mục đích khác nhau - để tiếp tục phát triển cốt truyện, phát triển nhân vật, để lộ ra một thời điểm siêu việt, làm cho câu chuyện thêm phần bí ẩn, hay là dấu hiệu kết luận của một câu chuyện… Những khoảnh khắc “bừng ngộ” có vai trò nhất định trong cuộc đời của nhân vật; nó có thể làm bất cứ điều gì để thay đổi quan điểm của nhân vật, nhắc nhở nhân vật thay đổi cuộc sống của mình, thúc đẩy một người mẹ phải từ bỏ đứa con của mình, hoặc cung cấp những lý do cho một nhân vật phản diện thực hiện hành vi tàn ác… Các nhà phê bình văn học cần phải nhận ra được sự “bừng ngộ” đó như một phương diện đánh giá các sáng tạo văn chương.
1.2. Quan niệm về sự “bừng ngộ” trong Ngƣời Dublin
Người Dublin là bộ sưu tập của mười lăm truyện ngắn. Tuy nhiên, bất chấp các chuẩn mực văn học đối với cấu trúc một truyện ngắn, Joyce đã phá vỡ định dạng cốt truyện trong sáng tác của mình. Ý nghĩa của Người Dublin
chủ yếu không được tạo nên bởi các yếu tố cốt truyện mà bằng sự “bừng ngộ” trong mỗi câu chuyện. Joyce đã thực hiện nhiệm vụ sáng tạo của mình bằng một loạt sự “bừng ngộ”, một chuỗi các khoảnh khắc liên quan tới cái nhìn sâu sắc và hiểu biết. Đó là khoảnh khắc mà “linh hồn được sinh ra” [46]. Và người nghệ sĩ phải có nghĩa vụ tìm kiếm được những khoảnh khắc đó tồn tại không phải trong các vị thần mà trong chính những con người bình thường, giản dị, không khoe khoang hoặc trong những con người thường mắc lỗi lầm hay tàn ác, xấu xa.
Trong những năm đầu của thế kỉ XX, Giáo hội Công giáo La Mã đã có một tác động lớn đến cuộc sống người Ailen. Đời sống xã hội cũng như đời sống của mỗi cá nhân được xây dựng trên đức tin Công giáo và quy tắc của nó. James Joyce cũng là một Công giáo Ailen và ông đã quá quen thuộc với những đức tin và các học thuyết Công giáo. Nhưng ông đã sử dụng thuật ngữ Kitô giáo “epiphany” với nhiều ý nghĩa khác nhau. Joyce đã thực sự táo bạo khi dùng giáo lí của Kitô giáo một cách thế tục với đầy sự nghi ngờ và chỉ trích đức tin Công giáo trong sáng tác của mình, bởi không ai được phép đặt câu hỏi về tôn giáo hoặc nói bất kể điều gì đó chống lại các quy tắc tôn giáo. Joyce đã từ chối đức tin của Công giáo, của nhà thờ khi ông được mười sáu tuổi. Trong nhiều câu chuyện của Người Dublin, có rất nhiều nhân vật nghi ngờ tôn giáo, hay thiếu niềm tin và trở nên thất vọng, chán nản dưới Giáo hội Công giáo. Người Dublin chính là một sáng tác mà Joyce phản ánh ý kiến của mình về vấn đề tôn giáo. Trong Stephen Hero, nhân vật chính Stephen là một người Công giáo và mong mỏi cuộc sống của một nghệ sĩ. Tuy nhiên, anh ta e rằng Giáo hội sẽ đè bẹp giấc mơ trở thành nghệ sĩ của mình… Do đó, không quá khó hiểu khi Joyce sử dụng thuật ngữ tôn giáo “epiphany” cho mục đích sáng tạo nghệ thuật của mình.
Khi đưa ra thuật ngữ này, Abrams đã gắn việc sử dụng thuật ngữ này với tên tuổi của Joyce – “người đã biến “epiphany” trở thành một trong những kĩ thuật viết chủ đạo” [10, tr.132]. Tuy nhiên, theo tác giả Nguyễn Linh Chi, “Joyce không phải là người đầu tiên khám phá ra sức mạnh của những phút giây loé rạng thiên khải đó trong tâm hồn con người. Trước ông đã có nhiều nhà văn đề cập đến những khoảnh khắc thần diệu đó như: Shelley, Tennyson, Wordsworth, Coleridge… Ashton Nichols trong cuốn phê bình văn học The Poetics of Epiphany đã tìm được nguồn gốc dấu vết đầu tiên của khái niệm này trong thơ của Wordsworth. Nằm trong xu hướng gắn “epiphany” với văn xuôi hiện đại, Morris Beja thậm chí đã không ngần ngại xác nhận quyền sở
hữu khái niệm này cho Joyce. Đến Joyce và chỉ với Joyce, epiphany mới được trao một ý nghĩa trọn vẹn về mặt mĩ học” [10, tr. 132]. “Epiphany” đã đạt tới mức độ tuyệt vời khiến cho nhiều nhà văn ngưỡng mộ - cái mà bây giờ các nhà phê bình, nghiên cứu gọi đó là “Joycen epiphany” trong văn học hiện đại.
“Epiphany trở thành một mắt xích quan trọng trong những chiếc chìa khoá hi vọng giúp chúng ta giải mã đôi điều trong vô số những bí ẩn mà Joyce tạo ra trong tác phẩm” [10, tr. 136). Dù thuật ngữ “epiphany” bao hàm nhiều ý nghĩa khác nhau (mà chúng tôi đã trình bày trong mục 1.1 của chương này) và với Joyce, nó cũng mang một ý nghĩa vô cùng sinh động và linh hoạt tuỳ thuộc vào từng hoàn cảnh. Tuy nhiên, chúng tôi đồng ý với quan điểm của nhà nghiên cứu Linh Chi rằng: “epiphany” trong Người Dublin có nghĩa là “bừng ngộ”. Đó là sự biểu hiện về mặt tinh thần, nhận thức, hay thức tỉnh về mặt tâm hồn, về cuộc đời, bất ngờ hiểu, chợt phát hiện ra bản chất hoặc ý nghĩa của một điều gì đó, của một ai đó. Đó là khoảnh khắc con người đánh giá lại các sự kiện vừa diễn ra hoặc đã xảy ra trong quá khứ để rồi họ nhận ra một sự thật bất ngờ với một cái nhìn mới đầy sâu sắc của bản thân mình.
Sự “bừng ngộ” trong Người Dublin luôn luôn gắn với tình trạng tê liệt.
Hay nếu câu hỏi là: Người Dublin “bừng ngộ” về cái gì?, thì câu trả lời cho nó chính là: “Bừng ngộ” về trạng thái tê liệt. Trạng thái tê liệt được coi là chủ đề chính bao trùm toàn bộ tập truyện Người Dublin. Cái mà thế giới người Dublin ấy, đồng thời cả độc giả của truyện được “bừng ngộ” chính là cái tê liệt xảy ra ở nhiều cấp độ: từ thơ ấu tới trưởng thành; từ cá nhân cho tới cộng đồng; từ tầng lớp thấp tới tầng lớp cao; từ mọi kiểu loại người cho tới mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội như tôn giáo, văn hoá, nghệ thuật, chính trị, kinh tế… tồn tại trong tác phẩm. Và Người Dublin được xem như là một chuỗi các sự “bừng ngộ” gắn kết sự tê liệt ở những khía cạnh khác nhau.
Câu mở đầu của truyện ngắn Chị em gái: “lần này không còn hi vọng gì…” đã chi phối toàn bộ cuốn truyện với cảm giác mất mát, tuyệt vọng với giá
trị con người bị thoái hoá, đi xuống trầm trọng… Tất cả hoàn toàn bị tê liệt. Tê liệt là một cái chết sống, một sự sống trong những mê cung không lối thoát, là trạng thái mà tất cả các giác quan chìm đắm trong bóng tối của mê cung. Nhưng đáng buồn thay, đó lại là thế giới tồn tại của những Người Dublin. Joyce đã tự khẳng định điều này trong một bức thư tháng 7/ 1904 tới Curran rằng: ông dự định viết Người Dublin chính là thành phố “bị phản bội linh hồn bởi chứng liệt một phần hoặc liệt hoàn toàn” [46]. Do đó, Joyce đã hình thành công việc sáng tạo của mình như một chuỗi các sự “bừng ngộ” như ông đã từng nói trong một bức thư ngày 8/ 02/ 1903 gửi tới Stanislaus: Ông viết Người Dublin là để cho những người Ailen có “một cái nhìn tốt vào chính bản thân mình trong chiếc gương soi bóng loáng tuyệt diệu” [46]. Như vậy, có thể coi
Người Dublin chính là một chiếc gương soi, nơi mà người Ailen có thể nhìn thấu chính mình và khám phá sự thật trong khoảnh khắc của chiếc gương soi. Tuy nhiên, gương vẫn luôn là ảo ảnh, sự “bừng ngộ” của họ mãi chỉ tồn tại trong thế giới hư vô của chiếc gương soi để rồi lại tan vỡ trong thực tại.
Và Joyce đã trung thành với ý định của chính mình, các câu chuyện của ông đã thể hiện tất cả sự bất lực, thất vọng và chết chóc. Thành phố Dublin chính là trung tâm của sự tê liệt về tinh thần, đạo đức, trí tuệ…, nơi mà các công dân của nó đều trở thành những nạn nhân đáng thương. Sự tê liệt như đeo bám Người Dublin từ truyện đầu tiên cho tới truyện cuối cùng. Tập truyện mở đầu bằng hình ảnh của người liệt, không thể cứu vãn nổi nữa và kết thúc bằng câu chuyện Người chết. Và Người chết đã đánh dấu sự lây lan tình trạng tê liệt trên khắp Ailen ở mọi cấp độ và mang tính phổ biến với sự nhấn mạnh hình ảnh tuyết bao phủ toàn bộ đất nước. Chính trị, nghệ thuật, tôn giáo trong câu chuyện đều bị tê liệt theo cách riêng của nó. Chính trị đã bị chết và đánh mất vai trò của nó trong chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và cuồng tín của cô Ivors. Tôn giáo bị bê tha, hư đốn với hình ảnh sinh động của các tu sĩ trong
những chiếc quan tài của họ. Còn nghệ thuật đi đến sự suy thoái với việc ca hát không có hiệu quả, không hấp dẫn người nghe. Mỗi câu chuyện của Người Dublin đã trình bày sự “bừng ngộ” khác nhau và tất cả các sự “bừng ngộ” đó đã tiết lộ tình trạng tê liệt của toàn Dublin nói riêng và Ailen nói chung.
Một trong những đặc điểm giúp chúng ta nhận dạng được sự “bừng ngộ” của Người Dublin chính là đối tượng hướng đến của sự “bừng ngộ”. Tập truyện là sự “bừng ngộ” không chỉ của nhân vật mà còn của cả người đọc nữa. Đọc mỗi câu chuyện, người đọc cũng chợt thức tỉnh về một sự thật nào đó diễn ra trong tác phẩm. Đây chính là điều đặc biệt của tập truyện Người Dublin. Dựa trên sự nhận dạng này thì mười lăm câu chuyện đều có sự “bừng ngộ”.
Những khoảnh khắc mà trong đó “linh hồn được sinh ra” được xem là sự “bừng ngộ” hoặc là của nhân vật diễn tả kinh nghiệm của họ hoặc là của người đọc, hoặc là cả hai; diễn tiến trong câu chuyện thể hiện sự thật về chính bản thân nhân vật hoặc trạng thái mà họ ở trong đó; trong khi đó, người đọc được hiển thị toàn bộ quá trình đó, đến lượt nó sẽ trở thành một sự “bừng ngộ” cho chính người đọc. Với người đọc, sự “bừng ngộ” mang ý nghĩa là sự hé lộ sự thật, một sự nhận thức đột ngột về bản chất của nhân vật hoặc thế giới có sự tồn tại của nhân vật. Có những câu chuyện, sự “bừng ngộ” phải phụ thuộc vào chính độc giả chứ không phải là nhân vật. Ví dụ như truyện Ân