Tôn giáo – một thế giới tê liệt

Một phần của tài liệu Các hình thức “bừng ngộ” trong tập truyện Người Dublin của J..JOYCE (Trang 52)

6. Đóng góp của luận văn

2.2.3.Tôn giáo – một thế giới tê liệt

Sự bừng ngộ trong Người Dublin về sự tê liệt của tôn giáo xuất phát từ chính việc trông thấy, cảm nhận thấy những hình ảnh, hoạt động của tôn giáo trong các vị linh mục, nhà thờ, hay Giáo hội và tác động của nó đối với nhân vật đồng thời cũng thông qua niềm tin kính Chúa của con người Dublin.

Một trong những biểu hiện tê liệt của tôn giáo xuất phát từ hình ảnh các vị linh mục đại diện của Giáo Hội Dublin, đó chính là ba vị: Cha Flynn, Cha Keon và Cha Purdon. Mỗi vị linh mục thể hiện một khía cạnh khác nhau của tôn giáo. Dễ dàng nhận thấy, Cha Purdon cho thấy một sự thỏa hiệp có thể tồn tại giữa nhu cầu tôn giáo và nhu cầu của công chúng. Trong khi đó, Cha Keon đã phát hiện ra rằng không có sự tương phản giữa tôn giáo và chính trị, ngược lại đó lại là mối quan hệ gắn bó khăng khít. Cha Flynn lại được nhìn nhận trong mối quan hệ giáo dục của ông đối với một cậu bé:

“Ông đã dạy tôi phát âm tiếng Latinh sao cho đúng. Ông còn kể cho tôi nghe những câu chuyện về các khu hầm mộ và về Napoleon Bonaparte, và ông đã từng giải thích cho tôi ý nghĩa của các lễ Misa khác nhau và về những kiểu lễ phục khác nhau của linh mục. Đôi khi ông giải khuây bằng cách đặt

câu hỏi khó cho tôi [...]. Những câu hỏi của ông làm tôi thấy được sự phức tạp và huyền bí của một số thể chế nhà thờ [...]. Những trách nhiệm của linh mục đối với Thánh lễ và về bảo mật lời xưng tội nghe hệ trọng đến nỗi tôi tự hỏi làm sao người ta lại có thể có được can đảm để gánh lấy chúng [33, tr. 37].

Qua đôi mắt của cậu bé trong Chị em gái, sứ mệnh của Giáo hội là dạy giáo lí nhưng thứ giáo lí đó nghe có vẻ phức tạp, huyền bí với các thể chế, với những trách nhiệm bảo mật lời xưng tội và Giáo hội như một cơ quan chủ quản và một cái máy bố cáo luật rộng lớn.

Nếu Cha Flynn đã phải nghỉ hưu sớm vì sự cố làm vỡ chiếc cốc thánh, và cậu bé xưng “tôi” là người khán giả duy nhất còn lại với ông ta thì Cha Purdon lại có một thành công lớn và chiếm một vị trí tiêu biểu hơn trong Giáo hội Dublin:

“Ông ấy sẽ không khắt khe quá với bọn mình đâu ...; Ông ấy cũng là người bình thường như bọn mình thôi ... Đó không hẳn là một buổi thuyết giáo, cậu biết đấy. Đó chỉ là một buổi nói chuyện thân tình thôi mà, kiểu thông thường ấy” [33, tr. 299 – 300].

Và chủ nhật sau đó, trong Giáo hội trên phố Gardiner, Cha Purdon đã không quá khắt khe với họ, ngược lại, ông ta nói với họ rằng họ không cần phải thay đổi hành vi để đạt được “ân sủng” của Thiên Chúa. Nhờ ẩn dụ phức tạp của ông, “ân sủng” của Thiên Chúa trở nên chỉ dành riêng cho giới thương gia hay những con nợ và những kẻ cho vay nặng lãi. Tôn giáo vận hành như một cái máy tính tiền tâm linh, vị cứu tinh của các tài khoản: “Nếu dùng phép ẩn dụ, ông nói, thì ông sẽ là viên kế toán tinh thần của họ; và ông muốn các thính giả của ông hãy mở những cuốn sổ của họ ra, những cuốn sổ đời sống tinh thần của họ, hãy xem chúng có ăn khớp hoàn toàn với lương tâm hay không” [33, tr. 318]. Và “nếu có sự sai lệnh, hãy thừa nhận sự thật, hãy thẳng thắn và nói như một người đàn ông rằng:

Vâng. Tôi đã xem xét các tài khoản của tôi. Tôi thấy cái này và cái kia không được đúng đắn lắm. Nhưng nhờ ân sủng của Chúa, tôi sẽ chỉnh lại cái này và cái này. Tôi sẽ chỉnh lại các tài khoản của tôi” [33, tr. 318].

Kernan trong buổi cầu “ân sủng” của mình đã nhận thấy hết sự giả dối, kệch cỡm của Giáo hội cũng như các vị mục sư. Ông bừng ngộ về sự “ân sủng” đặc biệt của mình. Và nhắc tới tên Cha Purdon, Kernan như được gợi nhắc đến con đường “đèn đỏ” của Dublin thời kì đó. Ở đây, tôn giáo, trong đó có nhân cách của Giáo hội và các vị Cha xứ đã trở thành một thứ mại dâm để bán những giá trị tinh thần lấy những tiện nghi vật chất và uy tín trong giới thương gia. Nếu với Cha Flynn, tôn giáo đã bị tước đoạt đi hết các giá trị tinh thần với hệ thống giáo dục tồi tệ cho bọn trẻ, thì ở đây hình ảnh Cha Purdon được xem như một phương tiện để có được ân sủng xã hội với sự đông đảo của công chúng, mà chủ yếu là với giai cấp tư sản.

Nói đến Cha Keon trong truyện ngắn Ngày Thường xuân trong Phòng Hộiđồng, tính hai mặt của ông ta đã được nhận dạng dưới cái vẻ bề ngoài:

“Một người trông giống một tu sĩ khuất thực hoặc một diễn viên nghèo khổ xuất hiện ở cửa. Bộ quần áo màu đen của ông ta được cài bó sát thân hình thấp lùn và khó có thể nói cái cổ áo ông ta đang mặc là của thày tu hay của người thường, bởi cổ chiếc áo dài đã sờn của ông ta, có những chiếc khuy không cài lấp lánh phản chiếu ánh nến được lật lên. Ông ta đội một chiếc mũ tròn đen kịt… Ông ta đột ngột há cái miệng rất dài của mình ra thể hiện sự thất vọng và cùng lúc giương lớn đôi mắt màu xanh rất sáng thể hiện sự ngạc nhiên và hài lòng” [33, tr. 232].

Dưới con mắt của Mr Henchy, ông ta vừa là một linh mục, đồng thời cũng là “một con chiên ghẻ” bởi ông ta đã lợi dụng tôn giáo để liên kết với cái xấu xa của chính trị, bảo trợ cho quyền lực chính trị. Ông ta chính là hiện thân cho mối quan hệ tôn giáo và chính trị. Đó chính là biểu hiện của từ “simony”

(buôn thần bán thánh, mua bán chức quyền…) – từ in nghiêng ở phần đầu câu chuyện đầu tiên và thấm vào toàn bộ cuốn truyện như một sự báo trước và thể hiện cho sự tê liệt của tôn giáo Dublin. Giáo hội ở đây có thể sẵn sàng nhắm mắt làm ngơ cho sự diễn ra của đạo đức giả trong chính trị để có được một số lợi ích vật chất từ nó.

Như vậy, dưới con mắt của ba nhân vật trong tập truyện, hình ảnh ba linh mục đã chỉ ra sự tê liệt về tôn giáo của Dublin. Tôn giáo không có gì khác hơn là một chiếc áo choàng đen bên ngoài che đậy cái xấu xa bên trong; nó đã liên minh với quyền lực, với tiền bạc, đạo đức giả và vô đạo đức.

Không chỉ thông qua các vị linh mục, mà sự tê liệt của tôn giáo Dublin còn được hiện lên thông qua các cơ sở Giáo hội. Cụ thể là Giáo hội đã bị nhiễm lợi ích kinh tế, và nó tồn tại bên cạnh quán rượu, chứ không phải là đối diện để đối đầu với nó (quán Kavanagh trong Ngày Thường xuân trong phòng Hội đồng); Giáo hội bảo trợ cho việc buôn bán xa hoa, ăn chơi vô độ dưới cái mác một hội chợ từ thiện (Araby); hay hình ảnh đối lập giữa một người vợ hướng đến Thiên Chúa và một người chồng suốt ngày say mèm trong rượu

(Những bản sao). Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ giữa rượu và tôn giáo. Sự song hành giữa rượu và tôn giáo cho thấy sự tê liệt, sa đoạ của tôn giáo Dublin. Tôn giáo cũng như rượu – một thứ thuốc độc gây hại con người cả vật chất lẫn tinh thần.

Dưới ảnh hưởng của tôn giáo thì niềm tin tôn giáo của chính những giáo dân Thiên Chúa thực sự là như thế nào? Joyce đã chỉ rõ niềm tin ấy trong các nhân vật cụ thể của tập truyện.

Kernan đã cải đạo sang đạo Thiên Chúa giáo nhưng anh ta “hai mươi năm nay vẫn đứng ngoài Giáo hội. Thêm nữa, anh ta còn thích châm chọc Thiên Chúa giáo” [33, tr. 285]. Còn vợ anh ta, một tí đồ Thiên Chúa giáo thì lại quan niệm: “tôn giáo thì vẫn là tôn giáo… có thể mang lại điều tốt, ít nhất

thì nó cũng chẳng hại gì. Đức tin của chị ta đâu có quá mức gì. Chị ta một lòng tin Thánh Tâm là gần như có ích nhất trong các phụng hiến Thiên Chúa giáo và ủng hộ tất cả các bí tích. Đức tin của chị ta bị giới hạn bởi cái bếp của chị ta, nhưng nếu có thể, chị ta cũng sẽ tin vào thần Banshee và Chúa Thánh thần” [33, tr. 287]. Như vậy, với cặp vợ chồng trong truyện ngắn Ân sủng thì người chồng châm chọc tôn giáo, người vợ lại coi tôn giáo như một niềm tin lửng lơ, có cũng được, cũng tốt mà không có thì cũng chẳng sao, đức tin tôn giáo đối với chị ta thật ra cũng chỉ là “một thói quen” [33, tr. 286]. Tôn giáo với chị ta là một sự thận trọng. Cô cho phép tôn giáo đi vào cuộc sống của mình với điều kiện là nó không làm thay đổi cân bằng cuộc sống hàng ngày của cô. Giống quan niệm của vợ Kernan, người vợ trong Những bản sao cũng coi tôn giáo như một thói quen đi lễ hàng tuần. Còn ông chồng Farrington thì nhại lại lời thằng con “Đi lễ. Đi lễ. Đi lễ ạ” cũng như nhắc nhở mình tôn giáo như một trò đùa vẩn vơ.

Với những người sùng đạo như Bob Doran và Eveline thì như thế nào? Doran lo sợ tôn giáo nhiều như những tin đồn ở Dublin, và đạo đức giả của tôn giáo được phản ánh trong hình ảnh bà Mooney, với cái tên đáng kính “Madam”. Giáo hội ở Dublin là một mạng lưới với một tác động độc tài, đặc biệt tác động tới cuộc sống gia đình, và là cái bẫy tinh thần những con người muốn vượt thoát như Eveline và Bob. Cả hai nhân vật này đều là những người nhút nhát, và họ có thể không bị áp lực bởi một hệ thống xã hội cứng nhắc chi phối mà là bởi các mệnh lệnh đạo đức giả có gắn lực lượng bí mật là tôn giáo. Trong Araby, hội chợ này chỉ vì lợi nhuận và sự thờ ơ, vô tâm của Giáo hội trong việc quản lí hội chợ chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến cảm giác tuyệt vọng cho cậu bé. Ở đây, niềm tin tôn giáo và ảnh hưởng của Giáo hội đối với cậu bé đã dần dần mờ đi trong ánh sáng của nó.

Trong Người Dublin, tôn giáo hiện diện rất nhiều ở mỗi câu chuyện, nhưng chúng ta nhận ra rằng không có bất kể dấu hiệu cho thấy tôn giáo có thể

giúp con người có một cuộc sống cân bằng. Tinh thần thực sự của tôn giáo đã bị biến dạng và Dublin là thế giới không có giá trị và đức tin. Giáo hội đã cho phép đạo đức giả làm chủ nó, và bản thân nó đã liên minh với quyền lực, vớisự vô đạo đức và giả dối để mà hỗ trợ các lực lượng chính trị, kinh tế và xã hội thu “lợi nhuận”. Ở Người Dublin, thay vì là một lực lượng giải phóng mỗi cá nhân, tôn giáo lại làm cho con người cảm thấy bị tê liệt trong sự cứng nhắc và độc tài của nó. Đặc biệt, tôn giáo bị tê liệt nhưng nó vẫn là một lực lượng kiểm soát và điều khiển xã hội Dublin vô cùng mạnh mẽ. Và con người Dublin trong vòng quay của họ đã góp phần làm tăng thêm sự cứng nhắc và tê liệt của tôn giáo.

Sự “bừng ngộ” về tôn giáo mà chúng tôi đã trình bày là kết quả của việc nghiên cứu và khảo sát trực tiếp trong tập truyện Người Dublin của James Joyce do dịch giả Vũ Mai Trang dịch năm 2009, nghĩa là phạm vi của những nội dung trên chỉ là trong tập truyện của Joyce, chứ không phải là quan điểm của chúng tôi về thế giới tôn giáo trong xã hội thực.

Một phần của tài liệu Các hình thức “bừng ngộ” trong tập truyện Người Dublin của J..JOYCE (Trang 52)