6. Đóng góp của luận văn
3.1. Màu sắc của sự trì trệ và hình dạng mê cung vòng tròn
3.1.1. Màu sắc của sự u ám, trì trệ
Ngôn từ của Joyce là ngôn từ của sự tiết giản, bởi vậy, mỗi câu mỗi chữ đều có giá trị to lớn của nó, trong đó các màu sắc trong các câu chuyện cũng được Joyce lựa chọn hết sức tinh tế để làm nền cho sự bừng ngộ của nhân vật. Dublin là thành phố đầy màu sắc. Tuy nhiên, những sắc màu đa dạng đó lại toàn là sắc màu của mùa thu và mùa đông. Dublin được bao phủ chủ yếu bởi
sắc vàng, xanh, nâu, xám. Trong đó, màu nâu được Joyce sử dụng để biểu hiện cho trạng thái phân rã, suy tàn; xanh lá cây là sắc thái của sự thái hoá;
màu xám là tượng trưng cho tính chất hai mặt của nhân cách, cuộc đời; màu vàng là biểu tượng của sự già nua và bụi bẩn, nghèo đói.
Màu vàng xuất hiện nhiều trong các câu chuyện của Người Dublin để thể hiện cái già tuổi tác và bản chất xấu xa đê tiện của một con người. Tập truyện được mở đầu với hình ảnh ông mục sư Flynn, người để lộ hàm răng xỉn màu khi mỉm cười như một chi tiết giúp người đọc và cậu bé xưng “tôi” bừng ngộ về con người thật không mấy tốt đẹp của ông. Trong Một cuộc chạm trán, cậu bé đã nhìn thấy người đàn ông già có hàm răng thưa đã ngả vàng như một dấu hiệu giúp cậu chợt khám phá ra con người xấu xa, đê tiện, tàn ác của lão. Cũng với màu vàng, hình ảnh ông linh mục trong truyện ngắn Eveline hiện lên cùng bức ảnh ố vàng treo phía tường bên trên như một biểu tượng tôn giáo đã giáo dục Eveline và nhắc nhở cô với trách nhiệm gia đình. Nó cho người đọc khám phá ra cội nguồn của tình trạng tê liệt trong cuộc sống của cô.
Màu vàng cũng là sắc thái của bụi bẩn, nghèo đói. Trong truyện Đám mây nhỏ là một “làn bụi vàng lấp lánh”: “Ánh chiều thu toả trên thảm cỏ và lối đi. Nó phủ một làn bụi vàng lấp lánh lên những cô y tá ăn vận lôi thôi và những ông già hom hem ngồi gà gật trên ghế; nó rung rinh trên tất cả những gì đang chuyển động – lên lũ trẻ đang chạy hò hét trên lối đi rải sỏi và lên bất kì ai đi ngang qua khu vườn” [33, tr. 137]. Ánh vàng đó khiến cho anh chàng Little Chandler cảm nhận một nỗi buồn về “số phận: cái gánh nặng thông thái hàng đời đã chất lên anh”, nghĩa là bản thân anh đã từng bừng ngộ về chính cuộc đời của mình nhờ thứ ánh vàng đó. Còn trong Người chết, đó là sắc thái của một “ánh sáng vàng mờ nhạt phủ lên những ngôi nhà và dòng sông và bầu trời dường như đang trĩu xuống” báo hiệu cho cuộc vui đã tàn và mang tính chất dự báo ý nghĩa của câu chuyện, đem đến cho người đọc những cảm nhận sâu sắc về một thế giới như đang dần dần “trĩu xuống” một cách trầm lặng.
Bên cạnh màu vàng, Người Dublin còn được bao phủ bởi màu xanh lá cây. Thường nghĩ tới màu xanh lá cây, con người thường nghĩ tới niềm hi vọng với sự thay đổi diệu kì. Tuy nhiên, trong Người Dublin, màu xanh lá cây
lại biến thành một cái gì đó bí ẩn, tăm tối như một cạm bẫy; nó trở thành biểu tượng cho sự thoái hoá tinh thần. Trong truyện Một cuộc trạm chán, hình ảnh đôi mắt màu xanh lá cây trở thành một cái gì đó nguy hiểm và đáng sợ hãi, đại diện cho sự truỵ lạc và điên rồ của người đàn ông mà hai cậu bé đã gặp trên hành trình phiêu lưu. Trong Hai chàng ga lăng thì bữa ăn của Lenehan phản ánh màu sắc của lá cờ Ailen, đó là đậu xanh và màu cam bia gừng. Nhưng màu sắc đó lại không tượng trưng cho sự tái sinh của dân tộc Ailen mà qua đó, người đọc cảm nhận được một sự xuống cấp, mất niềm tin tinh thần về dân tộc của những người Dublin. Điều đó được thể hiện rõ ràng trong câu chuyện Ngày Thường xuân trong phòng Hội đồng. Một nhóm người vận động tranh cử hội đồng thành phố bàn về chính trị, về vị anh hùng dân tộc Parnel với một thái độ thờ ơ, vô vị.
Người Dublin còn được bao trùm bởi sắc màu nâu. Màu nâu như một biểu tượng của sự phân rã, phân huỷ trong thế giới Người Dublin. Trong truyện Một trường hợp đau lòng, màu nâu phản ánh tâm trạng và ngoại hình của ông Duffy: “Mặt ông, mang toàn bộ câu chuyện cuộc đời ông, có màu nâu của những con phố Dublin” [33, tr. 200]. Bộ mặt màu nâu ấy chứa đựng một con người mà “trên cái đầu dài và khá to của ông mọc những đám tóc đen và khô và một bộ ria nâu vàng không đủ để che một cái miệng không được dễ ưa lắm. Hai gò má cao cũng làm cho khuôn mặt ông thêm nét khắc nghiệt; nhưng không hề có chút gì tàn nhẫn trong đôi mắt, nhìn thế giới từ phía dưới cặp lông mày nâu vàng, đôi mắt mang lại cảm giác về một người đàn ông luôn sẵn sàng đón nhận những bản chất tốt đẹp từ người khác nhưng lại thường bị thất vọng. Ông sống hơi cách xa thân thể mình, ngắm nhìn những hành động của chính mình một cách hoài nghi. Ông có một thói quen tự sự lạ lùng, thói quen làm ông thỉnh thoảng tạo ra trong đầu một câu ngắn về chính bản thân, sử dụng chủ ngữ ở ngôi thứ ba và động từ ở thời quá khứ. Ông không bao giờ
cho tiền ăn mày và luôn bước đi thẳng tắp, tay gõ một cây can gỗ phỉ” [33, tr. 200]. Chính màu nâu của cuộc đời ông đã dẫn người đọc tới sự bừng ngộ về chính con người ông Duffy: một con người luôn hoài nghi chắc chắn sẽ có lúc ân hận; một con người không bao giờ cho tiền ăn mày sao có thể thực sự đồng cảm với những cảnh ngộ giống mình như bà Sinico; một con người sống theo thói quen sẽ có ngày chết vì thói quen đó nếu không linh hoạt thay đổi… Tất cả những điều đó, màu nâu đã bao trùm trên khuôn mặt để biến ông thành một con người ích kỉ trong thế giới này. Màu nâu đó sẽ giúp ông bừng ngộ về chính số phận cô đơn, lẻ loi của mình; không có ai với ông và ông cũng không thể cùng một ai đó… Màu nâu cho thấy một con người tự phân rã mình ra khỏi thế giới cộng đồng con người, đó cũng là biểu tượng của một thế giới phân mảnh – nơi những sinh linh dần dần trở thành bé tí tẹo cả về thể chất lẫn tinh thần, cứ thế dần dần phân nhỏ hơn rồi lụi tàn, chết theo ngày tháng. Theo đó, Người Dublin giúp người đọc bừng ngộ về một thế giới thực đã và đang xảy ra, vẫn có thể xảy ra trong tương lai: một sự cô đơn đến tột cùng, cô đơn trong cả cái chết của con người hiện đại. Sự vĩ đại của Joyce, do đó, được tạo nên từ chủ nghĩa nhân đạo cao cả, một nhà văn luôn muốn con người hướng tới sự thay đổi để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Màu nâu trong tiếng Anh là Browne. Trong Người Dublin, tên nhân vật cũng đồng thời là màu sắc xuất hiện, theo lời dì Kate trong truyện ngắn cuối cùng Người chết: “Browne ở khắp mọi nơi” [33, tr. 373] phần nào đã cho thấy ý đồ sáng tạo của nhà văn. Tất cả đều màu nâu và màu nâu xuất hiện ở hầu hết mọi nơi, ở bộ tóc màu nâu sẫm đã lỗi mốt của dì Kate, ở món ngỗng quay màu nâu, trong cái tên Brown ở mọi chỗ mọi lúc… như biểu hiện màu sắc cho thế giới Người Dublin. Màu nâu đã trở thành dấu hiệu báo động cho tình trạng cô đơn, lẻ loi, một trạng thái độc hại của xã hội Dublin. Nếu không có sự thay đổi, con người sẽ trở thành một bản thể cô độc.
Màu xám và bóng tối bao trùm nhiều câu chuyện của Người Dublin. Nó thể hiện nét đặc trưng trong tâm hồn của nhiều con người nơi đây. Đó là đạo đức giả, là những xấu xa tâm hồn được hé lộ. Màu xám và bóng tối biểu tượng cho tính chất hai mặt của thế giới Dublin.
Màu xám xuất hiện trong hình ảnh “người bạn Hungary đứng trong một làn ánh sáng xám mờ” với câu nói: “Bình minh rồi các ngài!” ở cuối truyện
Sau cuộc đua đã đặt dấu chấm hết cho những ước vọng, những sung sướng của anh chàng Jimmy, để trong anh chỉ còn có sự hối hận, tức giận. Màu xám ở đây đã thức tỉnh trong Jimmy về sự sa đoạ trong đời sống tinh thần của chính bản thân anh và cao hơn cả là thức tỉnh sự bất lực trong tình yêu Tổ quốc Ailen của anh. “Làn ánh sáng xám mờ” khiến cho người đọc cảm nhận được một sự mê muội, sự tê liệt của con người Ailen dành cho đất nước của họ.
Nếu Sau cuộc đua, hình ảnh “làn ánh sáng xám mờ” xuất hiện ở cuối câu chuyện báo thức bình minh thì truyện Hai chàng ga lăng lại được mở đầu bằng một “buổi tối tháng Tám xám nhạt ấm áp phủ lên thành phố” [33, tr.100] để báo hiệu thời gian đêm tối. Trong thời gian đó, “chuỗi sinh vật thả lên bầu không khí buổi tối xám nhạt ấm áp một tiếng rì rầm không đổi, không dứt” [33, tr.100]. Vậy “buổi tối tháng Tám xám nhạt ấm áp” đó có gì đặc biệt? Hai anh chàng ga lăng ấy đã vui mừng khôn xiết khi trong tay Corley có một đồng tiền vàng sáng loáng. Bởi vậy, đó đúng là một đêm “xám nhạt ấm áp” biết chừng nào đối với họ. Thời gian đêm tối xuất hiện cùng hình ảnh hai con người kiếm ăn gợi cho người đọc nhớ đến những khách điếm bán thân kiếm tiền và anh chàng Corley cũng vậy, anh ta chẳng khác nào một trai điếm.
Màu xám của đôi mắt Polly trong truyện Nhà trọ như có một ý nghĩa tương tự với Hai chàng ga lăng: “Mắt cô màu xám, có ánh xanh biếc phản chiếu thường ngước lên mỗi khi nói chuyện, khiến cô trông giống một cô gái đồng trinh nhỏ bé bướng bỉnh” [33, tr.124]. Đôi mắt màu xám đầy sự lẳng lơ
lại có ánh xanh biếc phản chiếu thể hiện cho sự giả dối, như sẵn sàng lừa tình một anh chàng nào đó. Và chàng Doran đã bị mắc bẫy nhưng sự nhận ra của anh thì lại quá muộn màng.
Đôi mắt màu xám biểu hiện của con người lừa tình Polly thì cũng với màu xám trong mái tóc và khuôn mặt của dì Julia trong tuyệt phẩm Người chết lại thể hiện cho sự già nua, đang chết dần chết mòn, gần với thế giới bên kia như chính tiêu đề của câu chuyện: “tóc dì, để trễ phủ trên vành tai, đã chuyển sang màu xám; và cũng một màu xám với sắc đậm hơn một chút, là khuôn mặt to bè, nhão nhợt của dì… đôi mắt lờ đờ và đôi môi trễ của dì tạo ấn tượng một phụ nữ không biết mình đang ở đâu hoặc không biết mình đang đi đâu” [33, tr.326]. Dì Julia – một thực thể vẫn đang sống nhưng với màu xám bao trùm khuôn mặt và mái tóc, người đọc cảm nhận bà như một người sắp thuộc về một thế giới mới, một tương lai mới – cõi chết. Cõi chết ấy không chỉ phủ lên những người đã chết mà nó còn tiệm cận tới những người đang sống, đang vui vẻ, nhộn nhịp với tiệc tùng; nó trùm lên toàn bộ thế giới câu chuyện Người Dublin và hơn thế nữa là toàn bộ đất nước Ailen. Cuối câu chuyện, chàng Gabriel đã nghĩ tới một thế giới xám xịn và chính bản thân anh cũng đang tan mờ dần vào thế giới xám xịn đó. Trong suy nghĩ của anh “Thế giới xám xịn: chính cái thế giới hiện hữu, nơi những người chết có một thời từng sống, giờ cũng đang tan ra và mòn đi” [33, tr.402]. Thế giới xám xịn của
Người chết đã thu gọn cả thế giới Người Dublin, bao phủ lên toàn bộ tập truyện. Đó là thế giới mà chính những người Dublin đang sống, thế giới đó có những con người đã chết và những con người đang sống nhưng lại đang dần chết mòn cả về thể xác lẫn tinh thần. Đó là thế giới của u ám, của tăm tối, nơi ngự trị của những điều xấu xa, thấp hèn. Thế giới đó đã, đang và sẽ dìm chết những người Dublin nếu họ không nhận chân được thực tại và thay đổi theo hướng có lợi cho cuộc sống của mình. Màu xám, bởi thế, chính là biểu tượng cho sự không lối thoát trong cuộc sống trì trệ, tê liệt của thế giới Người Dublin.
Màu xám như một biểu tượng về một cõi chết, bởi vậy, song hành cùng màu xám thường là hoàng hôn và bóng đêm. Hoàng hôn và bóng đêm xuất hiện hầu khắp các câu chuyện của Người Dublin, như là điều kiện chi phối lấy cuộc sống con người nơi đây. Đêm ở khắp mọi nơi, với sự thống trị của những hình ảnh sáng tối và nến, lửa, điện đèn tương phản mạnh mẽ với hình ảnh bóng tối xảy ra trong các câu chuyện.
Tập truyện mở ra bằng bóng tối với hình ảnh một cậu bé nhìn chằm chằm vào một cửa sổ có ánh sáng yếu ớt bên trong và nghĩ về người đã chết: “lần này không còn hi vọng gì về ông nữa: đây là cơn đột quỵ thứ ba. Hằng đêm nay, đêm nào tôi cũng đi ngang ngôi nhà và quan sát vuông cửa sổ sáng đèn và hằng đêm nay đêm nào tôi cũng thấy nó sáng cùng một kiểu, mờ nhạt và bình thản… Mỗi đêm nhìn lên cửa sổ nhà ông tôi lại thầm thì từ tê liệt” [33, tr.29]. Với sự mở đầu bằng bóng tối của câu chuyện đầu tiên Chị em gái,
Người Dublin của Joyce đã bị bao phủ hoàn toàn bằng bóng tối, đó là thế giới vĩnh viễn tối, không có bầu ánh sáng mặt trời hoặc cảnh quan vui vẻ thắp sáng những câu chuyện này. Thay vào đó là quang phổ của màu xám hoặc màu đen ảm đạm bao trùm các giai điệu cuộc sống của họ. Các nhân vật đi qua Dublin vào lúc hoàng hôn; có một thời gian sống trong sự dao động giữa hoạt động ban ngày và sự yên tĩnh của bóng đêm; những khoảnh khắc quan trọng nhất của họ là chìm trong bóng tối của giờ muộn. Những phông nền tối gợi lên một nửa cuộc sống của người Dublin hoặc ở giữa các trạng thái về thể chất và tinh thần, gợi lên sự giao tranh giữa sự sống và cái chết trong mỗi câu chuyện. Trong trạng thái giao tranh này, cuộc sống vẫn có thể tồn tại và tiếp tục nhưng bóng tối làm cho thế giới của Người Dublin luôn chìm trong sự cô đơn, sự trì trệ của số phận. Các ánh sáng của đèn đường, của ánh lửa, của ánh sáng ga… được thiết lập nơi sinh sống của người Dublin để thắp sáng bóng tối và nhắc nhở người đọc về bản chất hư không của cuộc sống và những nguy hiểm rình
rập họ, cũng như những khả năng tiềm ẩn khó khăn và dồn nén con người nơi đây. Những ngọn nến như cơ thể của Chúa Kitô, ánh sáng của nó chính là linh hồn Chúa mang đến cho con người. Tuy nhiên, trong truyện Chị em gái, ngọn lửa được thắp sáng bởi nến trong phòng Cha Flynn là “mờ nhạt và bình thản” [tr.29]. Đó là biểu tượng không có sự hiện diện của Thiên Chúa, cũng đồng nghĩa với việc đại diện cho cuộc sống: một cuộc sống chết.
Trong truyện Araby, cậu bé đi tới hội chợ từ thiện vào một buổi tối thứ bảy. Khi cậu đi tới phiên chợ thì “hầu hết các gian hàng đã đóng cửa và phần chính của sảnh chìm trong bóng tối” [33, tr.74] và cuối cùng tất cả các đèn đều tắt, “phần trên của sảnh hoàn toàn tối đen” [33, tr.75]. Cũng như cậu bé trong truyện, các nhân vật khác của Người Dublin cũng đều rơi vào trạng thái bất lực để vượt qua được bóng tối, xua tan bóng tối. Cuốn sách kết thúc với hình ảnh một người đàn ông trưởng thành – chàng Gabriel, trong một căn phòng tối tăm nhìn qua cửa sổ với ánh sáng bên ngoài và suy nghĩ về sự chết.