6. Đóng góp của luận văn
2.2.1. Giáo hội Dublin – sự chồng chất của tội lỗi
Tôn giáo là nơi con người gột sạch tâm hồn. Lẽ tất nhiên, tôn giáo phải là nơi thanh mát và trong sạch vô trùng. Tuy nhiên, đọc Người Dublin, chúng ta sẽ cảm nhận thấy một sự nghịch đời đầy bi ai: tôn giáo Dublin trong tập truyện của Joyce chứa trong mình tội lỗi chồng chất.
Thông qua hình ảnh cái chết của Đức Cha James Flynn, Chị em gái là sự khởi đầu của cả tập truyện đồng thời cũng là bức rèm bí mật về tôn giáo và nhà thờ được mở ra. Cậu bé xưng “tôi” nhận được sự giáo dục của ông dường như cảm thấy được tự do và thoải mái sau khi ông chết. Tại sao lại như vậy? Con mắt trẻ thơ thật tinh tế và nhạy cảm. Cậu đã khám phá ra sự thật về con người Đức Cha. Thật ra, ông không hề tử tế như mọi người vẫn nghĩ. Những lời đồn đại của những người xung quanh cùng với giấc mơ của cậu, dường như cậu đã bừng ngộ về con người của ông: ông - một kẻ buôn thần bán thánh. Kiểu người như thế chỉ khiến cho những đứa trẻ bị hư hỏng dưới sự dẫn dắt của họ. Trong trí óc, cậu đã tưởng tượng ra “một khuôn mặt xám xịt của người liệt… Nó mấp máy và tôi hiểu nó muốn xưng tội” [33, tr. 33].
Sự xấu xa của tôn giáo không chỉ được cậu bé trong Chị em gái bừng ngộ ra mà sự bừng ngộ đó còn là của cậu bé trong Một cuộc chạm trán với hình ảnh về mầm mống của mục sư tương lai – Joe Dillion. “Joe Dillion là người đầu tiên giúp chúng tôi khám phá miền Tây hoang dã” [33, tr. 47]. Miền Tây hoang dã chính là khu vực miền tây của nước Mỹ với đặc trưng là cuộc sống ngoài vòng pháp luật, với hình ảnh của những chàng cao bồi, băng
cướp, quận trưởng và xung đột sắc tộc. Thứ miền Tây đó không phải là điều mà thế giới trẻ thơ cần học hỏi; thế giới đó chúng cần phải tránh thật xa. “Joe cũng là người chiến thắng trước chúng tôi với trò đánh úp, dàn trận và những đợt tấn công… Cậu ta luôn chiến đấu một cách quá hung bạo đối với chúng tôi, những đứa bé hơn và rụt rè hơn nó” [33, tr. 48]. Tuy nhiên, cậu bé nghịch ngợm, tàn bạo và hư hỏng đó lại có thiên hướng làm mục sư. Mọi người ai cũng hoài nghi về điều đó, nhưng thực “đúng là như vậy”. Đến đây cậu bé xưng “tôi” chợt bừng ngộ phần nào đó về cái xấu xa, đê tiện của nhà thờ Công giáo.
Công giáo La Mã có bảo trợ cho một hội chợ từ thiện mang tên Araby. Araby – cái tên của hội chợ Công giáo lại đầy thi vị, lãng mạn, dạt dào cảm xúc nhục dục của các cô gái vùng Trung Đông. Hội chợ lại có cả những chốn ăn chơi vui vẻ theo mốt của Pari thời đó. Con người trong đó lại có sự cãi vã nhau, đối xử với nhau một cách giả dối, bịa đặt. Giáo hội Công giáo lại bảo trợ cho một hội chợ với những xấu xa, thấp hèn đó hay sao? Sự bừng ngộ đã đến: Giáo hội Công giáo ắt hẳn phải là đồng phạm với những thứ xấu xa đó.
Sự giả dối, đầy tội lỗi của tôn giáo Dublin còn được hiện lên thông qua hình ảnh của Cha Keon trong Ngày Thường xuân trong phòng Hội đồng. Đây là câu chuyện có yếu tố chính trị nổi bật. Ngày mùng 6 tháng 10, kỉ niệm ngày mất của anh hùng Parnel, thủ lĩnh của phong trào Ailen, một nhóm người vận động tranh cử ngồi tán chuyện với nhau. Hình ảnh vị anh hùng dân tộc được lồng giữa những câu chuyện về sự mua quan, bán chức, vận động tranh cử hội đồng thành phố. Xen vào thế giới của những câu chuyện đó là câu chuyện về Cha Keon. “Ông ta có phải là linh mục?”. Câu hỏi được đặt ra và đã có câu trả lời “Tớ nghĩ là phải”. Vậy ông ta sống bằng tiền ở đâu? Một câu hỏi gây chú ý cho nhiều nhân vật, để rồi tuần tự đi tới sự thật về vị Cha này. “Ông ta là một người không may. Ông ta rất thân thiết với Fanning. Họ thường vào quán rượu Kavanagh”. Fanning là tay tranh chức hội đồng thành
phố, còn quán rượu đó chính là nơi quen thuộc của những chính trị gia và những người muốn thăng tiến bằng con đường chính trị ở Dublin. Vậy Cha Keon đến đó để làm gì? Tất nhiên là ông ta giúp họ để lấy chút lợi ích cho riêng mình rồi. Và sự thức tỉnh chợt vỡ oà, còn tôn giáo thì mất đi ý nghĩa đích thực của nó.
Bộ mặt thật của Giáo hội và nhà thờ không chỉ dừng ở đó mà còn hiện lên cực kì sinh động, đa diện trong cuộc nói chuyện về các Đức Cha của nhóm bạn Kenan trong truyện ngắn Ân sủng. Các Cha Dòng Tên thì chỉ chăm sóc linh hồn cho xã hội thượng lưu. Đó đều là những người tốt – theo cách riêng của họ, chỉ có một vài giáo sĩ triều ngu dốt, tự mãn. Còn các linh mục trong Lục địa thì thật là hổ danh. Cha Tom Burke là một nhà thuyết giáo bẩm sinh nhưng lại “không xứng đáng là một nhà thần học” và những gì ông ta giảng lại “không chính thống lắm”. Một số giáo hoàng thì không được hoàn hảo lắm, có cả những ông hư đốn. Trong số họ, dù là gã nghiện rượu nặng nhất, dù là tên vô lại nhất, không ai trong số họ từng giáo huấn thường toà dù chỉ một từ giáo lí sai trái nào. Thật đáng là kinh ngạc… Và cuối cùng là hình ảnh Cha Pudon – người cha chuyên nói chuyện với các thương gia, những kẻ cho vay nặng lãi, hay các con buôn… để chỉ cho họ cách làm ăn phi pháp và cách che giấu đi những giả dối, nguỵ biện. Ân sủng chính là một bức tranh vô cùng hoành tráng về Giáo hội để người đọc đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác về bản chất thực sự của tôn giáo.
Bao quát thế giới tôn giáo trong Người Dublin, Joyce đã để cho sự bừng ngộ cứ dần được hiện ra trước mắt của nhân vật và độc giả trung thành của ông. Tôn giáo trong tập truyện của Joyce không hề đẹp đẽ và đáng kính như lí thuyết của nó mà ẩn sâu bên trong, nó chứa bao cái xấu xa, đê hèn, tội lỗi. Những tội lỗi đó cứ ngày càng chồng chất và chẳng thể gột sạch. Không thể cứu giúp được bản thân mình thì tôn giáo có thể làm được gì cho những tín đồ của họ. Cái mà họ nhận được chính là sự vô vọng, đầy bi kịch.