6. Đóng góp của luận văn
2.3.1. Ailen – một dân tộc đói nghèo
Dublin là thủ phủ của Ailen, là trung tâm hành chính của chính quyền Anh tại Ailen, thế nhưng nền kinh tế của Dublin lại rất trì trệ, nhân dân chủ yếu tồn tại trong đói nghèo. Chỉ thông qua hình ảnh của thủ đô Dublin là người đọc hoàn toàn có khả năng bừng ngộ về dân tộc Ailen. Sự bừng ngộ
này xuất hiện từ những hình ảnh, những cảm xúc, những lời nói có liên quan tới vấn đề dân tộc của các nhân vật trong tập truyện. Đó có thể là sự bừng ngộ của chính nhân vật, cũng có thể là sự bừng ngộ của độc giả.
Sự nghèo đói của dân tộc Ailen được hiện lên thông qua căn phòng nhỏ tối tăm của Cha Flynn trong Chị em gái, qua những ngôi nhà hoang trong
Araby hay ngôi nhà cổ ảm đạm của Duffy trong Một trường hợp đau lòng: “Ông sống trong một ngôi nhà cổ ảm đạm và từ cửa sổ ông có thể nhìn vào một nhà máy rượu bỏ hoang hoặc nhìn xa lên phía dòng sông cạn nước chia đôi Dublin. Bốn bức tường cao trong căn phòng không trải thảm của ông không treo bức tranh nào…” [33, tr. 198]. Cảm nhận của Little Chandler về thành phố này lại khiến nó trở nên thảm hại hơn bao giờ hết: “Khi qua cầu Grattan, anh nhìn xuống sông về phía bờ ke thấp phía dưới và thương hại những ngôi nhà lụp xụp nghèo khó. Trông chúng như những đám người lang thang nằm rúc lại với nhau dọc hai bờ sông, những mảnh áo khoác cũ lấm đầy bụi và bồ hóng, trông càng u độn hơn trong cảnh hoàng hôn hùng vĩ, đang đợi chờ làn hơi lạnh đầu tiên của buổi tối đến đánh thức, lay họ dậy bước đi” [33, tr. 141].
Cái nghèo đói không chỉ hiện lên qua những căn phòng, hay ngôi nhà mà nó còn hiện lên thông qua những người dân nơi đây. Đó là hình ảnh những đứa trẻ rách rưới chạy toán loạn dưới con mắt của cậu bé xưng “tôi” trong Một cuộc chạm trán; những cô bé phục vụ nhếch nhác ở những hiệu đồ ăn trong Hai chàng ga lăng; “lũ trẻ cáu bẩn, tụ tập trên phố. Chúng loăng quăng dưới lòng đường, bò lên bậc thang phía trước những cánh cửa khép hờ hoặc ngồi lổm ngổm như lũ chuột con trên thềm nhà… một cuộc sống chuột bọ vụn vặt” [33, tr. 138) trong Đám mây nhỏ. Eveline trong Eveline phải làm việc cật lực để giữ cho cả nhà được tồn tại. Corley và Lenehan trong Hai chàng ga lăng phải làm cả những việc đê tiện để kiếm được miếng cơm manh áo. Các bà xơ chăm sóc Cha Flynn không có nổi tiền để lo được đám tang cho ông…
Người đọc còn bừng ngộ về sự nghèo đói của Dublin thông qua những bộ trang phục: bộ quần áo bạc phếch và đen xỉn của Cha Flynn trong Chị em gái; chiếc áo mà Cha Keon mặc không phân biệt được là trang phục của thày tu hay là của người thường trong truyện Ngày Thường xuân trong phòng Hội đồng; những chiếc váy xếp nếp cẩu thả và gót tất len bị tuột hẳn sang một bên của các bà xơ trong Chị em gái…
Không chỉ trang phục mà ngay cả đồ ăn cũng toát lên sự nghèo nàn của một thành phố: những chiếc bánh quy nằm trắng mốc trong cửa hiệu tạp phẩm (Một cuộc chạm trán); những tảng thịt ôi thiu trong cửa hàng bà Mooney (Nhà trọ); một bữa ăn chỉ có đậu và bia gừng nhẹ (Hai chàng ga lăng); món bánh nhân mận của Maria nghèo khó (Đất sét);… đặc biệt là hình ảnh chiếc lò sưởi trống rỗng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong Chị em gái và chiếc lò bị tắt trong Những bản sao.
Như vậy, dễ dàng cảm nhận được sự nghèo đói là vấn đề nan giải của dân tộc Ailen. Các nhân vật của Người Dublin đều nhận thức được sự nghèo đói của mình; đó cũng là một trong các yếu tố khiến cho họ đắm chìm trong sự tê liệt của cuộc sống. Eveline trong tác phẩm cùng tên bế tắc trong cuộc sống hàng ngày với cái khốn khó vì trách nhiệm gia đình. Lenehan trong Hai chàng ga lăng căm ghét cuộc sống vì sự thiếu thốn của mình đến nỗi phải chấp nhận làm cái nghề đê tiện để kiếm sống. Little Chandler trong Đám mây nhỏ bất lực trong giấc mộng đổi đời. Farrington của Những bản sao vì nghèo khó mà trở nên đổ đốn thành kẻ nghiện rượu…
Sống trên một đất nước mà chỉ toàn những nghèo đói, thiếu thốn, trì trệ; thế giới Người Dublin bị bế tắc, đau khổ vì chật vật về kinh tế. Họ phải làm sao để tạo dựng một cuộc sống ấm no? Có lẽ họ phải vượt thoát. Có vượt thoát mới có chút ít hi vọng cho một tương lai tốt đẹp. Quê hương đất nước họ chẳng thể mang tới niềm hạnh phúc cho họ, thế nên họ mới khao khát được đến một vùng đất mới để thay đổi cuộc đời.