Từ hình ảnh tới âm thanh

Một phần của tài liệu Các hình thức “bừng ngộ” trong tập truyện Người Dublin của J..JOYCE (Trang 86)

6. Đóng góp của luận văn

3.2.2. Từ hình ảnh tới âm thanh

Người Dublin có sự thay đổi từ hình ảnh tới âm thanh, từ tranh ảnh tới biểu tượng, từ phân mảnh tới trọn vẹn, từ bán cầu não trái tới bán cầu não phải. Khi có thính giác đột nhập vào mê cung của mắt sẽ tạo ra một cuộc đối đầu trực tiếp, phá vỡ mê cung đó mang đến cho nhân vật sự bừng sáng. Chúng tôi gọi cơ chế đó là sự đụng độ của thị giác và thính giác. Trong cơ chế này, dưới sự tác động của âm thanh, tầm nhìn sẽ mờ đi, đồng thời có sự tác động qua lại giữa các giác quan. Và chính việc sử dụng đồng thời các giác quan đã khiến sự bừng ngộ được khai triển. Như vậy, một trong các cơ chế xuất hiện bừng ngộ chính là sự cộng hưởng chức năng của các giác quan và trong khoảnh khắc hiếm hoi này không có gì là tuyến tính hoặc tuần tự.

Cậu bé trong Chị em gái ban đầu bị thôi miên trong mê cung của mắt. Tuy nhiên, sau cùng cậu nhận ra Đức Cha đã chết và cậu cảm thấy một sự tự do hơn là bi ai sau cái chết của ông. Để có thể nhận chân được bản chất con người thực, cậu bé đã có hành trình trải qua sự vận động của tất cả các giác quan. Thời khắc bừng ngộ chính là thời điểm có sự hội tụ của tất cả các giác quan đó. Bước khởi điểm cho hành trình này chính là từ “những âm thanh rì rầm của của người đàn bà làm tôi xao nhãng” [33, tr.39]. Nghe, rồi cậu nhìn, quan sát Đức Cha nằm đó, “nghiêm trang và đầy suy tư, mặc lễ phục như chuẩn bị lên trước bàn thờ Chúa, hai bàn tay lớn nắm hờ cốc rượu thánh. Khuôn mặt ông trông rất hung ác, xám xịt và thô kệch, hai lỗ mũi đen sâu hoắm xung quanh phủ một viền lông bạc” [33, tr.39]. Tiếp đó có sự hỗ trợ của khứu giác: một mùi nặng – mùi hoa sực vào mũi cậu. Rồi cậu trải qua sự thưởng thức từ vị giác: cậu đi tới cái bàn và nếm li rượu sherry của mình. Đến đây, cậu đã tiếp cận được đầy đủ các giác quan bắt chúng phải phục vụ cho nhu cầu nhận thức của mình. Và cuối cùng sự bừng ngộ đã đến thông qua dấu hiệu âm thanh lời nói của người xơ chăm sóc Cha, Eliza. Với cậu, ông không

chỉ là một con người chết vì bệnh liệt – cái liệt thể xác mà còn là người bị liệt về tinh thần – điều khiến “ông ấy đã khá cam chịu” [33, tr.43]. Như vậy, sự bừng ngộ dần dần đã hé mở đối với cậu và nó hoàn thành khi cậu nghe, rồi ngửi mùi hoa, nhìn thấy quan tài, quỳ gối chạm đất trước xác chết và nếm thử rượu, cuối cùng là cố tình lắng nghe âm thanh: “Tôi cũng lắng nghe, nhưng không hề có một tiếng động trong ngôi nhà: và tôi biết rằng ông linh mục già đang nằm im trong quan tài của ông như chúng tôi đã nhìn thấy ông lúc trước, nghiêm trang và hung ác trong cái chết, một cốc rượu thánh hờ hững trên ngực” [33, tr.46]. Thế là cậu bé đã hoàn toàn được bừng ngộ về sự tê liệt của Đức Cha. Thông qua việc chuyển sang chiều hướng âm thanh, cậu bé nhận ra rằng mình đã rơi vào trong mê cung của mắt – thế giới của những hình ảnh trừu tượng. Sau cái chết của Cha, phải chăng cậu cũng không phải bị định hướng trở thành mục sư, không phải đọc những cuốn sách về những bí tích của nhà thờ, về bí mật những lời nguyện cầu – không gian mà chỉ có đôi mắt ngự trị trên những trang sách. Sự bừng ngộ của cậu không đánh dấu như một kinh nghiệm cho chính bản thân cậu mà đơn giản nó chỉ là một khoảnh khắc của sự thật và sự hiểu biết.

Trong Một cuộc chạm trán, cậu bé rơi vào trong mê cung của mắt mà chúng tôi đã dẫn chứng ở trên. Đặc biệt trong mê cung này cậu không thể có sự bừng ngộ. Sự bừng ngộ xuất hiện khi có sự đụng độ với âm thanh trong cuộc gặp gỡ với ông già trên bãi cỏ. Những lời nói của lão làm cho cậu từ tức giận tới sợ hãi. Qua những lời nói đó, cậu nhận chân được vấn đề, phát hiện ra bản chất con người và thế giới bên ngoài mà cậu khao khát phám phá không phải lúc nào cũng đẹp đẽ như trong những truyện phiêu lưu. Cậu vỡ mộng.

Vẫn là sự đụng độ giữa thị giác và âm thanh, trong Araby, cậu bé đã nhận ra được sự phù phiếm của cuộc đời và tính chất phù hoa trong cảm nhận về tình yêu đầu đời của mình. Sau những quan sát tại bến tàu và hội chợ, cậu

chợt “lắng nghe tiếng những đồng xu rơi xuống” [33, tr.74], sau đó là cuộc hội thoại của một quý cô với hai người đàn ông trẻ; cuối cùng cậu nghe thấy một giọng cất lên thông báo đèn sẽ tắt. Âm thanh kết thúc và bóng tối bao phủ, cậu chợt bừng ngộ, khiến “hai mắt cậu rực lên uất ức và giận dữ” [33, tr.75]. Thế giới của thị giác đã bị phá vỡ. Trong cuộc đụng độ với âm thanh, tầm nhìn thị giác của cậu đã được thay thế bằng một cái nhìn bên trong đầy sâu sắc.

Có thể nói sự bừng ngộ trong ba câu chuyện đầu tiên của thời thơ ấu cho người đọc cảm nhận như là thời điểm của sự tăng trưởng, chứ chưa thể hiện là những kinh nghiệm cá nhân. Đến những câu chuyện tiếp theo, sự bừng ngộ tích thêm kinh nghiệm cho các nhân vật Người Dublin. Trong Eveline, xoá bỏ sự thống trị của thị giác với những hình ảnh trực quan, truyện vang lên những âm thanh lạ khiến cô thay đổi cách nhìn về cuộc đời của chính mình. Trước hết đó là giọng mẹ lặp đi lặp lại trong man dại: “Derevaun Seraun! Derevaun Seraun!” [33, tr.84] khiến cô bật dậy kinh hoàng. Cô phải chạy trốn. Tại sao lại vậy? Bởi cô hiểu và người đọc có lẽ cũng sẽ hiểu: âm hưởng cuộc đời mẹ cô sẽ lại bao trùm lên cuộc đời cô – “một cuộc đời chỉ toàn những hi sinh vụn vặt để rồi kết cục là những cơn điên loạn” [33, tr.84]. Nếu đến với Frank liệu cô có hạnh phúc? Frank là chàng trai đại diện cho thế giới của âm thanh. Bởi anh thường cất tiếng hát về người con gái đem lòng yêu một chàng thuỷ thủ và khiến cô cảm thấy sung sướng. Những âm thanh cất lên từ anh như một luồng gió mới thổi vào cuộc sống đầy cô đơn, u ám của cô. Lúc cô đang ngây ngất hạnh phúc trong tình yêu đó thì “một hồi chuông làm nhói tim cô” [33, tr.85]. Lại là sự tác động của âm thanh. Âm thanh làm cô thức tỉnh ý thức về cuộc đời mình: “Cô cảm thấy tay anh kéo chặt tay cô… Tất cả đại dương trên thế giới đang quay cuồng trong cô. Anh sẽ lôi tuột cô vào chúng: anh sẽ dìm chết cô” [33, tr.85]. Nhân vật đã bừng ngộ: thế giới viễn tưởng với Frank có lẽ sẽ chẳng thể tốt hơn cái thế giới mà cô đang thực sự sống, cho dù thế giới

đó có đầy đau khổ và bế tắc chăng nữa. Cũng như hầu hết các truyện ngắn khác, kết thúc thường là một sự thắng thế của âm thanh trước hình ảnh (Chị em gái, Sau cuộc đua, Nhà trọ…), hoặc là sự vô hiệu hoá của thị giác trước thính giác (Một cuộc chạm trán, Araby…) thì Eveline là câu chuyện thuộc vào trường hợp thứ hai: “Ánh mắt cô nhìn anh không có chút biểu hiện nào, không tình yêu, không lời vĩnh biệt hay nhận ra anh” [33, tr.86]. Thị giác đã đánh mất vai trò của nó trong việc nhận thức của Eveline.

Cũng với tin nhắn âm thanh, Jimmy trong Sau cuộc đua đã ý thức được về sự điên rồ của mình. Trước đó, thế giới thị giác đang chen lấn trong nhận thức của anh ta: “anh ta luôn nhầm lẫn bài của mình với người khác và những người khác lại tính nợ hộ anh ta” [33, tr.98] thì âm thanh ập đến trong tiếng đánh thức của người bạn Hunggary “Bình minh rồi, các ngài!” [33, tr.99] đã kéo nhận thức của anh ta ra khỏi cái u mê, tăm tối của mình.

Trong Hai chàng ga lăng, thế giới của hai anh chàng Colley và Lenehan là nghiêng về thị giác như chính sự lang thang tê liệt theo vòng tròn của họ. Nhưng thông qua âm thanh thể hiện ở cuộc độc thoại nội tâm của nhân vật Lenehan mà người đọc đã được bừng ngộ về sự tê liệt trong tác phẩm.

Đến với Nhà trọ khuynh hướng âm thanh lại xuất hiện trong trí tưởng tượng của anh chàng Doran “Anh cảm thấy tim mình đang bị bóp nghẹt và máu nóng dồn lên cổ họng khi hình dung ra cảnh Mr Leonard già gọi to với cái giọng khàn khàn: Cho mời ngài Doran vào đây” [33, tr.129] khiến cho anh nhận thức về tình trạng mình đang bị mắc kẹt. Doran – một anh chàng chìm đắm trong thế giới của hình ảnh nên đã rơi vào cuộc “lừa tình” của mẹ con bà Mooney. Với lời nhắc nhở của Mary mời anh lên gặp bà Mooney, anh đã hoàn toàn nhận thức được tình trạng tuyệt vọng hơn bao giờ hết trong hoàn cảnh của chính mình.

Sự bừng ngộ là kết quả của cuộc đụng độ trực tiếp giữa tai và mắt xuất hiện khá rõ ràng trong những câu chuyện của cuộc sống trưởng thành. Cũng

giống như nhiều công dân khác của Dublin, tầm nhìn của Little Chandler trong Đám mây nhỏ đã bị hạn chế: “Anh nhìn quanh, nhưng cái nhìn của anh bị làm cho lẫn lộn bởi cơ man những li rượu màu xanh đỏ” [33, tr.143]. Trong truyện có hai thời khắc bừng ngộ của nhân vật. Thời điểm thứ nhất xảy ra khi có cuộc nói chuyện với người bạn là Gallaher, tức là có sự tác động của âm thanh, anh đã nhận ra thành công của bạn chỉ là vẻ bề ngoài và đầy thô tục, cái mà trước thời điểm đó anh chỉ nhìn thấy khía cạnh hấp dẫn nhất: coi bạn mình như một nhân vật xuất sắc nhất của báo chí London. Khoảnh khắc thứ hai diễn ra khi anh đang đi trong mê cung của mắt, lần đầu anh tập trung ngắm nhìn bức ảnh của vợ mình rồi có sự tác động của tiếng gào hét của vợ, cùng lời dỗ dành ngọt ngào của cô với con, anh đã bừng ngộ về cuộc đời của chính mình: anh là tù nhân của cuộc sống. Cũng giống như Eveline, anh không thể xoá bỏ trách nhiệm với gia đình, với những thói quen hàng ngày để đến một chân trời mới. Anh ý thức về cuộc đời tê liệt không thể di chuyển của mình. Có lẽ anh sẽ vẫn ở lại Dublin bởi anh nhận ra rằng London và Paris cũng có thể đem tới cho anh một sự thất vọng hơn nữa: thất bại của cuộc đời anh sẽ có nhiều bi thảm hơn là ở Dublin này. Sự bừng ngộ của Litter Chandler cũng giống như “một đám mây nhỏ” bởi vì nó chỉ gây ra một vài giọt nước mắt rơi trên mảnh đất hoang trong sự tồn tại của nhân vật.

Sự bừng ngộ trong Đất sét cũng là kết quả của sự đụng độ thị giác với âm thanh. Sự bừng ngộ thứ nhất diễn ra với người đọc và cả với các nhân vật khác khi có những lời nói thầm thì trong sự tức giận của vợ Joe với hai cô bé hàng xóm. Nguyên nhân của những lời trách đó là bởi vì hai cô bé đã để đất sét vào trò chơi và Maria bã bốc được. Maria được bốc lại nhưng lần này là một quyển kinh nhật tụng – vẫn là biểu tượng của sự chết chóc. Sự bừng ngộ thứ hai ở cuối tác phẩm khi Joe nghe Maria hát một ca khúc tình yêu nhưng bà lại bỏ qua những câu kệ liên quan tới tình yêu và hôn nhân. Những lời hát đó

khiến cho Joe nhận ra về cuộc đời thiếu hụt hạnh phúc của bà. Xót xa, thương bà, “mắt anh đẫm lệ đến nỗi không tìm được thứ đang tìm” [33, tr.197].

Một trường hợp đau lòng lại mang tới một sự bừng ngộ có khả năng đổi mới, có khả năng cải cách cho nhân vật chính. Sự bừng ngộ này cũng là kết quả của cuộc đối đầu trực tiếp giữa tai và mắt khiến ánh nhìn của mắt bị hạn chế. Thế giới biết chữ, thế giới của thị giác luôn lấn át Duffy thì bà Sinico lại luôn sẵn sàng lắng nghe, trong khi ông chỉ lắng nghe những âm thanh của giọng nói chính mình. Việc từ chối âm thanh được hoàn tất khi ông tránh xa những buổi nhạc. Đọc báo về cái chết của bà, ông thấy ghê tởm chính bản thân mình và sự im lặng của nỗi cô đơn đã trở thành chìa khoá cho sự bừng ngộ của ông. Quá khứ hiện về và ông cảm thấy tội lỗi ở thời điểm hiện tại “Ông chờ mấy phút nữa, lắng nghe. Ông không nghe thấy gì hết: màn đêm im lặng tuyệt đối. Ông lắng nghe lần nữa: im lặng tuyệt đối. Ông cảm thấy ông chỉ còn lại một mình” [33, tr.217]. Đây là sự bừng ngộ mang tính chất cải cách. Sau cái chết của bà Sinico, sự bừng ngộ có thể hứa hẹn một sự đổi mới về lối sống, về cuộc đời chính bản thân ông.

Câu chuyện cuối cùng Người chết là một quá trình tổng hợp và là đỉnh cao của Người Dublin – tác phẩm duy nhất có nhiều ý nghĩa về sự bừng ngộ (chết trong cuộc sống, cuộc sống trong cái chết, lí tưởng, tình yêu đích thực…). Đây là một sự lựa chọn hoàn hảo cho câu chuyện cuối cùng mà Joyce đã dán nhãn bừng ngộ. Lễ hội của gia đình Morkan nhắc nhở người đọc và Gabriel về một cái chết tinh thần, đó là tình trạng tê liệt cốt lõi trong xã hội Dublin mà trong đó có Giáo hội Công giáo là nguyên nhân chính. Như những người Dublin khác, Gabriel định hướng thế giới chủ yếu bằng mắt. Trong buổi dạ hội, anh đã bỏ qua các bài hát và âm nhạc, mà chú ý tới những hình ảnh ở phòng kế bên. Hơn nữa, anh không thể chịu nổi sự quyến rũ của những cuốn sách: “những quyển sách anh nhận được để viết lời bình đối với anh thậm chí còn giá trị hơn tờ séc nhỏ nhoi kia. Anh thích cảm giác các đầu ngón tay mình được lật giở trang bìa

và bên trong những quyển sách mới in còn thơm mùi mực” [33, tr.341]. Gretta thì lại khác, cô là người nhạy cảm với âm nhạc. Thật thú vị là trong khoảnh khắc bừng ngộ, cô hoàn toàn say đắm trong các giai điệu và hoà vào làm một với nó. Cặp vợ chồng Gabriel – Gretta gợi nhớ tới ông Duffy và bà Sinico khi hai giới thuộc về hai chiều ngược sóng nhau: Gabriel và Duffy có thiên hướng với thị giác, Gretta và Sinico lại bị áp đảo bởi những âm thanh thuộc về thính giác. Trong cảnh quan trọng tại khách sạn, Gabriel không chỉ nhìn ra ngoài cửa sổ mà còn nghe tiếng “ánh sáng le lói chạm vào kính cửa sổ làm anh quay ra” [33, tr.402]. Người chết trình bày sự bừng ngộ một cách rộng rãi nhằm hấp thu tất cả các sự bừng ngộ nhỏ hơn trong các câu chuyện trước đó và chỉ ra một lời hứa đổi mới từ Gabriel. Trong khi cậu bé của Araby chỉ đơn giản là ý thức rằng mình còn lại trong bóng tối thì trái lại Gabriel dường như quan tâm tìm cách thoát khỏi nó: anh chìm trong bóng tối và phát hiện ra hình ảnh của mình ở trong gương. Anh nhận ra rằng bây giờ anh phải bắt đầu tự khám phá bản thân mình bằng cách tập trung linh hồn Ailen trong bản thân mình.

Như vậy, trong Người Dublin, Joyce đã trình bày một chuỗi các sự bừng ngộ. Bừng ngộ ban đầu chỉ dừng lại là về một đối tượng nào đó, một cá nhân nào đó, dần dần trở thành bừng ngộ về cả một thành phố. Câu chuyện cuối cùng đã thu lượm tất cả các công dân của thành phố với nhau tạo nên sự bừng ngộ về cả một xã hội – bừng ngộ về sự tê liệt xuất hiện tràn lan. Biểu hiện chính của tình trạng này xét trên phương diện các giác quan chính là sự cô lập về mặt thị giác, làm cho các nhân vật nhận thức một cách phiến diện. Trong thời điểm

Một phần của tài liệu Các hình thức “bừng ngộ” trong tập truyện Người Dublin của J..JOYCE (Trang 86)