6. Đóng góp của luận văn
2.2.2. “Ân sủng” của Chúa là vô vọng, bi kịch
Tôn giáo trong tập truyện của Joyce thực tế không đẹp đẽ như đúng nghĩa của nó. Chúng tôi xin mượn tiêu đề một truyện ngắn mà Joyce sáng tạo ra để chỉ sự cứu giúp, ban ơn mà Chúa dành cho những con chiên của họ: “ân sủng”. Người Dublin chờ đợi “ân sủng” từ Chúa quả là một sự vô vọng và nhận “ân sủng” đó thì là bi kịch của con người.
Cậu bé trong Araby muốn Chúa giúp mình đáp ứng một niềm vui nho nhỏ thủa đầu đời trong hội chợ từ thiện của Công giáo. Và cậu đã đến đó, tìm tới không gian có sự bảo hộ của Chúa. Thế nhưng, mong muốn của cậu là mang một món quà nhỏ xinh về cho người con gái cậu ao ước đã không được thoả mãn, không những thế hội chợ còn khiến cho cậu “rực lên uất ức và giận dữ”, cậu cảm thấy mình bị chế giễu và cười nhạo bởi thế giới phù hoa. Lẽ nào dưới ánh sáng của Thiên Chúa mà một chú bé đáng thương như vậy lại không được Chúa giúp đỡ, chở che mà còn khiến cậu bị trêu chọc, tổn thương. Hình ảnh cậu bé ở cuối câu chuyện còn tạo nên dư âm đầy cảm thương trong lòng người đọc. Qua khoảnh khắc của cậu bé ở cuối truyện, Joyce như khiến nhân vật và người đọc bừng ngộ một điều rằng: đừng có ảo tưởng ở Chúa, chạm vào Chúa để rồi bạn sẽ bị tổn thương và trở lên xấu hổ.
Trong phút giây dùng dằng giữa đi và ở, với trạng thái vô cùng tuyệt vọng, Eveline trong câu chuyện cùng tên đã “cầu Chúa soi đường cho cô, dẫn dắt cho cô”. Nhưng lời cầu nguyện của cô chưa thấu tới Đức Chúa hay chăng mà cô chỉ càng cảm thấy tuyệt vọng hơn nữa? Thay vì phải tự mình soi xét, đánh giá vấn đề thì Eveline lại tiếp tục “mấp máy môi thầm thì lời cầu nguyện thành kính” để rồi “cơn tuyệt vọng làm dấy lên trong cô cảm giác say sóng” và “tất cả đại dương trên thế giới quay cuồng trong cô. Anh đang lôi tuột cô vào chúng. A sẽ dìm chết cô”. Và có lẽ sự thành kính Chúa của cô đã được đền đáp. Chúa đã dõi theo cô để ban “ân sủng” này cho cô: “Hai tay cô nắm
chặt hàng rào sắt trong cơn mê loạn. Giữa đại dương cô hét lên đau đớn: Eveline! Evvy!... Cô quay khuôn mặt trắng bợt của mình về phía anh, bị động như một con thú tuyệt vọng. Ánh mắt cô nhìn anh không có chút biểu hiện nào, không tình yêu hay lời vĩnh biệt hay nhận ra anh” [33, tr. 86]. Sẽ có quan điểm cho rằng, ở đây Chúa đã bỏ rơi Eveline nhưng theo niềm tin tôn giáo thì Chúa luôn dõi theo con người và lắng nghe lời cầu nguyện của họ. Bởi vậy, theo chúng tôi, trong trường hợp này Chúa vẫn luôn dõi theo Eveline có điều “ân sủng” mà Chúa ban cho cô là như thế nào mà thôi. Và điều “ân sủng” đó còn ám ảnh mãi với người đọc về trạng thái bất lực cùng tận “như một con thú tuyệt vọng” [33, tr. 86] của Eveline.
Không đau đớn, tuyệt vọng như Eveline, nhưng “ân sủng” mà Chúa đã rộng lòng ban cho anh chàng Doran trong Nhà trọ chính là một sự ghê tởm khủng khiếp. Doran đã có quan hệ với Polly - con gái của bà chủ nhà trọ. Anh phải thừa nhận lỗi lầm đó của mình nhưng anh không muốn kết hôn với cô bởi “cô thực sự chỉ là một con bé ba xu”. Anh đến nhà thờ để xưng tội, cầu mong một sự giải thoát. Và “hình ảnh buổi xưng tội tối qua ám ảnh làm anh đau nhói; ông linh mục đã lôi ra từng chi tiết lố bịch nhất của vụ yêu đương, và đến lúc cuối đã phóng đại tội lỗi của anh đến nỗi anh gần như cảm thấy biết ơn vô vàn khi được ban một cơ hội chuộc tội. Anh đã gây thiệt hại. Giờ đây anh có thể làm gì được ngoài chuyện cưới cô làm vợ hoặc cao chạy xa bay? Anh không thể chối tội… Anh cảm thấy tim mình đang bị bóp nghẹt và máu nóng dồn lên cổ họng…” [33, tr. 129]. Như vậy, tôn giáo đã trở thành đồng phạm cùng với mẹ con bà Mooney khiến cho anh chàng Doran phải chấp nhận cưới Polly. Nếu Chúa thực lòng muốn cứu giúp con người thì đã không phóng đại tội lỗi của anh đến mức như vậy. Sự yêu thương và cứu giúp của Chúa đã dành cho anh đúng là một “sự tuyệt vời trên cả ghê tởm”.
“Ân sủng” của Chúa đối với Little Chandler trong Đám mây nhỏ thì như thế nào? Anh là một con chiên ngoan đạo, rất kỉ cương, tỉ mỉ và nghiêm trang.
Nhưng dù có ngoan đạo đến đâu, sự “ân sủng” Chúa dành cho anh cũng thật nhỏ bé như chính cái tên của anh. Vốn là một người đàn ông, chủ của một gia đình yên ấm nhưng Chúa lại ban cho anh một “thân hình mỏng mảnh, giọng yếu ớt và cử chỉ nhỏ nhẹ”. Anh đã không có được sự tự tin, mạnh mẽ mà luôn sợ sệt, nhỏ nhẹ. Cuộc đời và sự nghiệp theo như cảm nhận của chính anh thì thật là đáng buồn. “Ân sủng” Chúa dành cho anh có lẽ đã không tương xứng với khả năng thực sự của anh? Nhờ Chúa, anh đã rơi vào bi kịch vỡ mộng – giấc mơ đã bị tan vỡ.
Maria trong truyện Đất sét là một người ngoan đạo đồng thời cũng là phụ nữ tốt – nhà hoà giải của mọi xung đột. Thế nhưng, hành trình đi lễ hàng tuần vẫn không mang tới một cuộc sống tốt đẹp cho Maria. Bà sống nghèo khó, và cũng không có một gia đình êm ấm – một trong những điều quan trọng nhất của người phụ nữ. Bà không có chồng chỉ có hai đứa con nuôi, nhưng chúng lại xung đột với nhau. Bài hát mà bà hát ở cuối tác phẩm chính là giấc mơ bà hằng ao ước. Bài hát cất lên cũng đồng nghĩa với nỗi cô đơn, tuyệt vọng trong lòng bà. Người phụ nữ đó có lẽ cũng sẽ sớm về với Chúa khi bà bắt phải đất sét trong ngày Halloween. Maria là hình ảnh gần nhất với bản tính của Đức mẹ nhưng hình dáng bề ngoài của bà lại giống một phù thuỷ bởi “bà có một cái mũi vô cùng dài, và một cái cằm vô cùng dài” [33, tr. 185]. Sự đan xen hình ảnh cao cả của Đức mẹ với hình ảnh của phù thuỷ trong nhân vật Maria như cho thấy sự chênh vênh, giao chuyển lẫn nhau giữa hai thực thể này trong con người nhân vật. Một người như Maria cuối cùng cũng sớm từ giã cõi đời. “Ân sủng” Chúa dành cho cô là bi kịch về cái chết.
Người Dublin mà cụ thể là truyện ngắn Đất sét có sự chuyển giao giữa thực thể tốt đại diện cho Chúa là Đức mẹ và thực thể xấu xa, độc ác là phù thuỷ trong con người nhân vật. Bởi thế cho nên, những lời nguyện cầu thành kính với Thiên Chúa của thế giới Người Dublin đôi khi trở thành những lời
man dại, những lời nguyền hay là sự mê tín dị đoan. Có thể nhận thấy điều đó trong lời hét đau đớn “Eveline! Evvy!” của Eveline ở cuối câu chuyện cùng tên. Hay lời van nài bố của cậu con trai trong truyện Những bản sao “Con sẽ đọc bài kinh Kính mừng cho bố, bố ơi, bố đừng đánh con”. Cậu bé tin rằng lời nói đó của mình sẽ giúp bố bớt giận và không đánh cậu nữa. Thế nhưng, có lẽ người đọc cũng dự đoán được rằng: cậu càng nói lời đó thì cha cậu sẽ càng hung dữ, tức giận mà đánh mạnh hơn, đánh nhiều hơn. Lời nguyện cầu của cậu đã trở thành lời mê tín bùa chú và cậu sẽ càng trở nên đau đớn hơn trước đòn roi của bố.
Nếu Chúa đã mang tới bi kịch hôn nhân cho anh chàng Doran, bi kịch vượt thoát cho cô nàng Eveline,… thì Chúa cũng mang tới bi kịch vỡ mộng cho các cậu bé trong những câu chuyện đầu tiên. Cậu bé trong Araby bị vỡ mộng chính trong hội chợ từ thiện được bảo trợ bởi nhà thờ Công giáo. Còn cậu bé trong Chị em gái vỡ mộng về sự giáo dục, dạy dỗ, chỉ bảo của Đức Cha đối với mình. Thoát khỏi tôn giáo, thoát khỏi hệ thống giáo dục đó, cậu thấy mình được tự do vượt thoát, học hỏi. Giống như cậu bé trong Chị em gái, nếu thoát khỏi niềm tin tôn giáo thì có lẽ anh chàng Doran sẽ không cảm thấy quá tội lỗi để mà chấp nhận một cuộc hôn nhân không hạnh phúc; còn Little Chandler sẽ không còn rụt rè, sợ hãi và sự nghiệp của anh cũng sẽ thành công hơn…
Như vậy, qua một loạt các dẫn chứng, chúng tôi có thể nhận định rằng
Người Dublin chứa đựng rất nhiều yếu tố dẫn tới sự bừng ngộ về tôn giáo. Nếu thế giới người đó vẫn chìm sâu vào trong tôn giáo thì cái mà họ nhận được chính là sự cô đơn, nỗi tuyệt vọng và những bi kịch của bản thân. Muốn thoát khỏi những “ân sủng” đặc biệt đó của Chúa, Người Dublin phải tự tin, mạnh mẽ tin vào sức mạnh của mình, tin vào sự suy xét, tính quyết đoán của họ.
Dễ dàng nhận thấy, những người Dublin muốn cầu cứu sự giúp đỡ của Chúa chính là thế giới trẻ thơ, là những con người vốn cô đơn, tê liệt trong
cuộc sống (Eveline, Little Chandler,…) hay là những con người bị mắc kẹt trong tội lỗi của mình như chàng Doran… Thời điểm họ ngóng trông sự “ân sủng” chính là những lúc khó khăn, bất lực trong cuộc sống.
Trong Người Dublin, tôn giáo đã không thể mang tới sự vững tin cho con người vào một tương lai tốt đẹp hơn, hay cứu giúp họ thoát khỏi bế tắc… đó chính là những biểu hiện của việc đánh mất chức năng tôn giáo. Cũng từ đó, tôn giáo Dublin cũng rơi vào trạng thái như các biểu hiện khác của xã hội như đạo đức, nghệ thuật, chính trị, kinh tế, con người… - trạng thái tê liệt. Điều đáng nói là nhiều nhân vật của Người Dublin đã bừng ngộ về bản chất tê liệt của tôn giáo, nhưng không phải ai cũng có thể vượt thoát được ràng buộc đó.