Hình dạng mê cung vòng tròn

Một phần của tài liệu Các hình thức “bừng ngộ” trong tập truyện Người Dublin của J..JOYCE (Trang 73)

6. Đóng góp của luận văn

3.1.2.Hình dạng mê cung vòng tròn

Nếu muốn diễn tả hình dạng của Dublin một cách đơn giản mà không cần dùng nhiều giấy mực, chúng tôi sẽ vẽ một vòng tròn. Vòng tròn là một hình dạng đại diện vô cùng thích hợp với Dublin trong bộ sưu tập truyện ngắn

Người Dublin của Joyce.

Thông thường, vòng tròn gắn liền với cuộc sống và có nhiều ý nghĩa tích cực. Hình tròn là biểu trưng của khí, của bầu trời (cung Hoàng Đạo), của cuộc sống (vòng Âm Dương), của thời gian (mặt đồng hồ), của sự vận động và đối chuyển (bánh xe luân hồi), sự bảo hộ (cái khiên), sự bảo mệnh (nhẫn, vòng đeo tay)… Sự vận động theo hình tròn là một sự hoàn hảo, không có sự khởi đầu, cũng không có sự kết thúc, không có sự biến dạng. Đó là sự vận động mang tính đặc trưng của thời gian.

Tuy nhiên, bên cạnh sắc thái tích cực đó thì nhiều người quan niệm vòng tròn chính là một sự khép kín, tuần hoàn, đại diện cho sự bế tắc, thất bại bởi theo họ vận động theo vòng tròn sẽ không đạt tới một kết quả nào. Sắc thái này lại dường như phù hợp với thế giới Dublin của Joyce, tạo nên một hình dạng mê cung vòng tròn: biểu tượng cho sự trì trệ, tê liệt. Với Người Dublin, vòng tròn chính là một hình dạng vô hình, ngăn chặn các nạn nhân của nó, phủ nhận sự tiến bộ, tăng trưởng, và phát triển của họ. Không có cách nào thoát khỏi

vòng tròn của Dublin: một thành phố hoàn toàn bị tê liệt. Đó là một xã hội với những con người luôn khép kín, sống trong sự cô đơn, bế tắc. Họ muốn đào tẩu, muốn vượt thoát mà lại không thể để rồi trạng thái tê liệt luôn luôn là tuần hoàn với họ. Vòng tròn của Người Dublin đã liên kết các câu chuyện lại với nhau tạo thành một hình dạng mang tính chất bừng ngộ cho độc giả về sự tê liệt của thế giới Dublin trong sáng tác của Joyce. Sự tê liệt vòng tròn đã mở đầu ở câu chuyện đầu tiên với hình ảnh một cậu bé trong bóng tối “quan sát vuông cửa sổ sáng đèn” [33, tr. 29] và suy nghĩ về cái chết để rồi cậu cảm thấy linh hồn mình “lùi về một vùng dễ chịu và tội lỗi”[33, tr. 33]; và kết thúc với hình ảnh một người đàn ông trưởng thành – anh chàng Gabriel, khi tuyết rơi trong bóng tối nhìn vào một ô cửa sổ nghĩ về cái chết, rồi ý thức được rằng “hồn anh đã đến gần cõi ấy, nơi ở của cơ man người chết” [33, tr.401]. Đó là kết cấu vòng tròn đặc trưng của Người Dublin, không chỉ có vòng tròn thống nhất của cả tập truyện mà còn có cả các vòng tròn nhỏ trong mỗi câu chuyện giúp người đọc bừng ngộ về sự tê liệt của xã hội Dublin.

Trong Người Dublin, sự tê liệt ấy không chỉ xuất hiện trong các cá nhân riêng lẻ như cô Eveline (Eveline), Doran (Nhà trọ), ông Duffy và bà Sinico (Một trường hợp đau lòng)… mà còn là sự tê liệt của cả một tập thể, một cộng đồng người: mấy chị em (Chị em gái), nhóm cậu bé học trò (Một cuộc trạm chán), gia đình Eveline (Eveline), những người vận động tranh cử (Ngày Thường xuân trong phòng Hội đồng), những con người trong bữa tiệc nhà Morkan (Người chết)… Sự tê liệt của họ không chỉ diễn ra trên phương diện thể chất mà còn cả về mặt tinh thần. Trong thế giới Dublin đó, sự tê liệt không chỉ đày ải con người mà còn tóm lấy cả vạn vật xung quanh tạo nên sự rối loạn chức năng của chúng. Đó là chiếc lò sưởi trống rỗng trong Chị em gái, chiếc bơm xe đạp gỉ trong Araby, cái bàn đạp hơi bị hỏng trong Eveline, lò chưng cất rượu bỏ hoang trong Một trường hợp đau lòng, hay con ngựa đi

vòng quanh và bức tượng trong Người chết… Có thể nói, tình trạng tê liệt chính là một nạn dịch ở thủ đô Ailen – “căn bệnh” mà các nhân vật đang bị chìm đắm. Bởi vậy, một trong những phương pháp duy nhất để thoát khỏi trạng thái tê liệt này chính là chạy trốn khỏi Ailen. Điều đó lí giải vì sao trong bộ sưu tập truyện ngắn này lại có nhiều nhân vật đào tẩu như vậy.

Trong Người Dublin, hình dạng mê cung vòng tròn một phần được tạo nên từ cảm giác bóng tối. Xét trên phương diện thời gian, bóng tối đã bao trùm toàn bộ tập truyện tạo nên yếu tố mê cung vòng tròn luẩn quẩn. Cảm giác bóng tối đã được chúng tôi tìm hiểu trong mục trên của luận văn, tuy nhiên, ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, bóng tối không chỉ dừng lại ở phương diện về mặt thời gian chỉ buổi tối hoặc ban đêm mà nó còn là cảm giác, là tâm trạng của các nhân vật trong tập truyện. Chính cảm giác bóng tối đó đã bao phủ suy nghĩ của nhân vật, tác động tới tâm lí và nhận thức của họ, đôi khi tạo nên một kết thúc mù, một suy nghĩ mù. Sự bừng ngộ của cậu bé xưng “tôi” trong Chị em gái gắn liền với một buổi tối cùng cái chết của Đức Cha và những lời đồn đại không đầu không cuối của những người xung quanh. Cậu không thể hiểu mọi người đang muốn nói điều gì. Tuy nhiên, với cảm giác bóng tối, cậu bé đã tưởng tượng mình đang ở một thế giới khác, nơi chỉ có cậu và người chết. Ở đó, trong bóng tối, người chết như đang bắt đầu thầm thì xưng tội với cậu. Cũng trong bóng tối, cậu nhận ra được sự tê liệt của các chị em khi thiếu vắng Đức Cha. Đức Cha còn sống thì họ còn quẩn quanh làm việc, nhưng Đức Cha chết rồi họ lại sợ hãi việc thiếu vắng những việc quẩn quanh đó. Nó chỉ ra rằng tình trạng tê liệt đã ăn sâu vào trong con người của các chị em. Như vậy, cùng trong đêm tối, các nhân vật của Chị em gái

đều bị rơi vào mê cung, họ cảm thấy hoang mang trước cái chết của Đức Cha. Cậu bé đắn đo những lời đồn đại, còn các chị em lại hoang mang không biết làm gì sau khi Đức Cha chết. Trong Araby, mê cung bóng tối đã tạo nên sự

“uất ức và giận dữ” trong đôi mắt của cậu bé khi cậu không được thoả mãn khát vọng tình yêu đầu đời của mình. Bóng tối đã phủ màu u ám lên giấc mộng của cậu để rồi cũng từ đó cậu nhận ra được sự phù phiếm của cuộc đời. Còn trong Một trường hợp đau lòng thì ông Duffy quẩn quanh trong bóng tối với nỗi cô đơn không thể xoá nhoà của chính tâm hồn mình… Như vậy, chính bóng tối là yếu tố thời gian tạo nên mê cung trong Người Dublin để từ đó người đọc và cả nhân vật bừng ngộ về tình trạng tê liệt của chính bản thân nhân vật, của những người xung quanh và thế giới vạn vật.

Tạo nên hình dạng mê cung vòng tròn không chỉ có thời gian bóng tối mà còn có không gian là những con đường Dublin. Đó là những con đường uốn khúc của Dublin thường kết hợp với sự lang thang của các nhân vật để tạo nên một bế tắc mà chúng tôi gọi là mê cung vòng tròn. Đó là trạng thái đi bộ, quẩn quanh trong vòng tròn luẩn quẩn, không nhiều hành động của các nhân vật trong thành phố Dublin. Chính trong trạng thái đó, điểm bắt đầu lại trở thành điểm kết thúc, một trạng thái tê liệt dường như càng trở nên mạnh mẽ hơn. Và đứng trước cảnh ngộ đó của các nhân vật Người Dublin, người đọc không khỏi xót xa trước sự trì trệ, không vượt thoát của họ. Sự bừng ngộ của nhân vật cũng chính là khoảnh khắc thế giới Người Dublin nhận ra được sự bế tắc không thể đào tẩu của chính mình. Cậu bé trong Chị em gái lòng vòng từ nhà mình tới nhà Đức Cha để kiểm chứng cái chết của ông. Eveline trong tác phẩm cùng tên không thể vượt biển đến Buenos Ayres cùng chàng người yêu tên Frank dù cô đã chạy trốn khỏi Dublin nhưng cuối cùng cô cũng phải trở về nơi mà cô đã muốn từ bỏ. Hai con người trong Hai chàng ga lăng

đều có hành trình lơ vơ, lòng vòng rồi cuối cùng lại trở về vị trí cột đèn ban đầu. Trong Đám mây nhỏ, hành trình đến gặp người bạn của Little Chandler bắt đầu từ toà nhà King’s Inns rảo bước xuôi phố Henrietta – khu phố trung tâm tồi tàn của Dublin, rồi rẽ phải qua phố Capel và lẽ ra phải đến phố Corless thì sự mơ tưởng đã khiến anh đi quá con phố đó và phải quay trở lại.

Những con đường uốn khúc của Dublin còn được tạo nên từ hành trình khám phá phiêu lưu của hai cậu bé trong truyện Một cuộc chạm trán. Chúng bắt đầu hẹn nhau ở cây cầu Canal, rồi đi dọc theo đường North Strand, tới nhà máy Vitriol Works, rồi rẽ phải đi dọc Wharf Road. Chúng đi về phía gần sông và qua sông Liffey bằng phà, rồi chầm chậm vào Ringsend… Hành trình của hai cậu bé chính là một sự lòng vòng trong Dublin với những đường ngẹo phải, rẽ trái, đi thẳng. Cùng với hành trình này là việc đi lại của nhiều nhân vật khác trong tập truyện cũng diễn ra theo vòng tròn và sự quẩn quanh với những đường phố uốn lượn. Chính những điều đó đã mang đến cho người đọc cảm giác về mê cung – mê cung của chính những con đường và mê cung của tâm hồn nhân vật.

Người đọc nhận dạng về mê cung vòng tròn không chỉ dựa vào những con phố theo bản đồ Dublin dưới bước chân các nhân vật mà còn được cảm nhận trực tiếp từ những khao khát, những mong muốn của họ. Các nhân vật của người Dublin đều khao khát một sự đổi thay mang lại sự thoải mái và hạnh phúc cho họ, nhưng tất cả đều chỉ dừng lại ở mộng tưởng. Khao khát và niềm mong ước đó đã chẳng thể trở thành hiện thực. Một giấc mơ gia đình hạnh phúc của cô nàng Eveline trong Eveline mãi mãi không thể nắm bắt kể từ khi cô từ bỏ cơ hội trốn chạy. Niềm khao khát trở thành một nhà thơ dòng phái Celtic của Little Chandler trong Đám mây nhỏ đã thành vỡ mộng với những ràng buộc từ trách nhiệm gia đình và sự yếu kém trong con người bé nhỏ của anh. Một tình yêu đẹp thưở đầu đời đã trở thành một sự phù du, đầy mỉa mai đối với cậu bé trong Araby. Sự phiêu lưu thoát khỏi sự nhàm chán của trường học đối với các cậu bé của Một cuộc chạm trán đã trở thành sự vỡ mộng với nỗi sợ hãi… Như vậy, hầu hết giấc mộng của các nhân vật Người Dublin đều đã bị đánh bại. Niềm mơ ước một cuộc sống đầy đủ, cùng sự sáng tạo, hạnh phúc mãi chỉ dừng ở niềm mơ ước. Niềm khao khát đổi thay mãi chỉ có trong tâm tưởng.

Không chỉ những mong muốn, khao khát về một cuộc sống đầy đủ không thể thực hiện được mà đối với một số nhân vật, niềm vui của sự khám phá, của niềm đam mê du lịch hay đến một miền đất mới cũng bị ngăn cản bởi nhiều yếu tố khác nhau. Đó là trường hợp của Eveline (Eveline), của cậu bé xưng “tôi” (Một cuộc chạm trán), của Little Chandler (Đám mây nhỏ), Gabriel (Người chết)… Đó đều là những biểu hiện của sự bất động trong niềm khát vọng. Chính sự bất động đó đã tạo nên trạng thái tê liệt của con người Dublin cũng tạo nên mê cung vòng tròn quẩn quanh không lối ra của họ.

Sự bất động trong Người Dublin cũng một phần được tạo nên từ tính năng tuân thủ các điều kiện của xã hội Dublin của các nhân vật trong tập truyện. Chính tính năng tuân thủ này là chiếc chìa khoá chốt lại mọi khao khát ước muốn của họ. Cùng với tính năng tuân thủ là sự lặp đi lặp lại và tính tuần hoàn trong thói quen cuộc sống của các nhân vật. Tính tuần hoàn, lặp đi lặp lại luôn xuất hiện luẩn quẩn trong niềm khao khát khám phá và sự đào thoát của họ để tác động trở lại thành một cái bẫy bẫy các nhân vật trong vòng tròn của sự thất vọng, hạn chế và bất lực. Vòng tròn đó đã ngăn họ tiếp cận với những kinh nghiệm mới và hạnh phúc chờ đón phía trước.

Các cậu bé của Một cuộc chạm trán khao khát một thời gian nghỉ ngơi từ những thói quen chán nản ở trường thì họ gặp một ông già khiến cậu sợ hãi. Lão già trước khi tiếp cận hai cậu bé đã có những bước đi vòng tròn, vòng đi vòng lại như thể một cuộc đi bộ lặp đi lặp lại: “Một người đàn ông đang tiến lại từ cuối bãi… Ông ta đi chầm chậm dọc bờ sông… Ông ta liếc nhìn rất nhanh rồi lại tiếp tục đi tiếp… Khi đã đi tiếp được khoảng năm chục bước ông ta quay lại và bắt đầu đi lại con đường cũ… Ông ta tiến về phía chúng tôi thật chậm chạp… Ông ta dừng lại khi ngang chỗ chúng tôi nằm… và ngồi xuống thật chậm rãi, cẩn trọng trên dốc bên cạnh chúng tôi” [33, tr.57]. Ông ta thể hiện bài phát biểu của mình khiến cho cậu bé xưng “tôi” ấn tượng rằng “ông

ta đang nhắc lại một chuyện đã học thuộc lòng hoặc là bị cuốn đi bởi chính những từ ngữ trong bài diễn văn của mình, tâm trí ông ta đang chầm chậm vòng đi vòng lại theo một quỹ đạo không đổi… Ông ta nhắc đi nhắc lại những cụm từ, rồi biến hoá chúng, bao bọc chúng bằng cái giọng đều đều của ông ta… Tâm trí ông ta, như thể một lần nữa lại bị cuốn đi bởi bài diễn văn của mình, như đang quay vòng vòng chậm rãi quanh cái tâm mới của nó” [33, tr.59 – 61]. Những lời nói, bài phát biểu và cách đi bộ của lão già khiến cho cậu bé và người đọc cảm nhận một sự biến thái, sự trì trệ, lặp đi lặp lại một cách ám ảnh như một dạng tê liệt về tinh thần và tình cảm, nơi mạch cảm xúc của con người không thể giải thoát.

Trong Araby, cậu bé xưng “tôi” muốn đến hội chợ để mua một món quà cho người con gái cậu yêu nhưng cuối cùng cậu đã bị muộn vì phải đợi người bác của mình. Ông bác đã quên mất yêu cầu của cậu vì quá bận rộn và bị sa lầy trong các thói quen công việc hàng ngày của mình. Còn trong Eveline, cô nàng Eveline đã chọn một cuộc sống chán nản, buồn, ám ảnh với những thói quen trì trệ của mình thay vì lựa chọn một cuộc phiêu lưu tới một vùng đất mới cho một cuộc sống mới. Eveline như một nhân vật bị tê liệt bởi đạo đức với những trách nhiệm gia đình và lời hứa với người mẹ quá cố. Cô không có khả năng hành động và trở nên bất động về mặt thể chất. Eveline đã bị đóng băng như một con thú bất động, sợ cuộc sống xa nhà, sợ phải sống một cuộc sống mới, sợ phải xa lánh cái thành phố Dublin này. Và cuối cùng, cô đã từ bỏ ý định ra đi của mình. Cuộc đua xe trong Sau cuộc đua đã truyền tải một vòng tròn với những lời hát tròn lặp đi lặp lại, nơi bắt đầu và kết thúc là cùng một điểm. Nhân vật Jimmy trong truyện cũng bị mắc kẹt trong một tình bạn giả dối với các chàng trai người ngoại quốc. Trong Đám mây nhỏ, Little Chandler cũng trong vòng xoay của thuyết tự động. Anh ta “chăm sóc kĩ càng mái tóc hoe vàng mềm mại và bộ ria của mình, rắc nước hoa thoang thoảng

lên chiếc khăn mùi xoa. Móng tay anh tỉa hình bán nguyệt hoàn hảo…” [33, tr.137]. Và “khi chuông báo hết giờ làm vang lên, anh đứng dậy và rời khỏi bàn, chào tạm biệt đồng nghiệp, tất cả đều thật tỉ mỉ” [33, tr.138]. Sự vận động hàng ngày một cách hoàn hảo, như một cái máy tự động và với anh, người ta có thể dùng cụm từ “một cái máy tỉ mỉ”.

Tính chất lặp đi lặp lại tạo nên mê cung vòng tròn được diễn tả sâu sắc trong câu chuyện Những bản sao. Công việc của Farrington phản ánh chính cuộc sống gia đình và đời sống xã hội Dublin. Nhiệm vụ của anh là sao chép lại các tài liệu. Tiêu đề Những bản sao đã gợi lên cho người đọc một ấn tượng về sự lặp lại của công việc và cuộc sống. Và trong cuộc nói chuyện với đám

Một phần của tài liệu Các hình thức “bừng ngộ” trong tập truyện Người Dublin của J..JOYCE (Trang 73)