6. Đóng góp của luận văn
3.2.1. Di tích của hình ảnh
Xã hội Dublin phụ thuộc hoàn toàn vào con mắt để nhìn nhận và nắm bắt vạn vật. Chúng tôi gọi sự chi phối đó của mắt là di tích của hình ảnh. Hầu hết các nhân vật trong tập truyện dường như chỉ sử dụng mắt trong việc cảm nhận thế giới xung quanh. Bởi vậy, tập truyện xuất hiện nhiều các hình ảnh trong đôi mắt làm thước đo cho cuộc sống của Người Dublin. Việc sử dụng nhiều màu sắc và hình dạng mê cung vòng tròn mà chúng tôi đã phân tích ở mục trước đã phần nào minh chứng cho biểu hiện di tích của hình ảnh trong đời sống của người dân nơi đây. Tuy nhiên, điều này được hiện lên rõ nét trong các chi tiết cụ thể ở mỗi câu chuyện.
Mở đầu là những câu chuyện thời thơ ấu với cái nhìn, sự quan sát của các cậu bé. Chị em gái mở ra với hình ảnh cậu bé trong đêm tối quan sát vuông cửa sổ sáng đèn như mở đầu cho thói quen sử dụng mắt được lặp đi lặp lại trong truyện ngắn này cũng như cả tập truyện. Mặc dù câu chuyện sử dụng những lời đồn đại để tạo nên yếu tố cốt truyện, gây cảm giác cho người đọc về việc sử dụng thính giác nhưng để ý thật kĩ sẽ thấy nhận thức của cậu bé xưng “tôi” lại chủ yếu dựa trên đôi mắt. Cậu bị thôi miên trong mê cung của
mắt khi tưởng tượng ra khuôn mặt xám xịt của người liệt và những bí ẩn của các nghi thức nhà thờ. Những biểu hiện của âm thanh trở nên vô dụng bởi đó là sự mấp máy, là những giọng nói thầm thì. Chìm đắm trong mê cung của mắt, cậu bé đã thực sự nắm bắt được cái chết của Đức Cha là hoàn toàn đúng và bản chất con người ông cũng đã được cậu khám phá.
Nếu Chị em gái là hành trình khám phá sự thật về bản chất một con người thì Một cuộc chạm trán lại là hành trình khám phá thế giới xung quanh để xua đuổi những mệt mỏi của trường học. Trường học chính là không gian các cậu bé đọc các cuốn sách được in ấn, cái mà chủ yếu sử dụng đôi mắt để nhận thức. Thoát khỏi mê cung của mắt trong các trang sách lịch sử, các cậu bé rơi vào mê cung mắt của những tờ báo cũ Union Jack, Pluck và Halfpenny Marvel để ngắm nhìn Miền Tây hoang dã. Và trong hành trình phiêu lưu, đôi mắt của các cậu lại được cảm nhận những con phố, ngó nhìn đám trẻ con, những đoàn thuỷ thủ… Và với việc khám phá bằng đôi mắt, các cậu bé vẫn chưa thoát khỏi thế giới của sự chán nản, tê liệt, và các cậu vẫn chưa nhận thức được bản chất cuộc sống bên ngoài.
Araby là một câu chuyện tình yêu nảy nở. Cậu bé trong truyện cảm tình với cô chị hàng xóm chủ yếu dựa trên sự ngắm nhìn bằng đôi mắt. Hình ảnh của cô cứ thế mà toả thơ mộng trong trái tim của cậu. Sự thích thú trong đôi mắt ấy cậu lại chẳng được thể hiện bằng lời và cậu cũng không hề nói chuyện, tâm sự với cô. Tình yêu đó không thể trò chuyện cũng chẳng thể giãi bày. Trong cuộc sống thường ngày, cậu yêu thích các cuốn sách đã quăn mép và ẩm mốc. Trong quá trình tới hội chợ, cậu chỉ quan tâm tới khung cảnh xung quanh mà ít chú ý tới âm thanh. Âm thanh kết thúc tác phẩm là dấu hiệu của sự bừng ngộ.
Ngay từ lúc còn thơ ấu, mê cung của mắt đã tràn ngập trong nhận thức của các cậu bé. Việc chủ yếu sử dụng một giác quan trong việc quan sát, đánh
giá hiện thực là phiến diện, một chiều, không phản ánh đúng bản chất của con người, sự vật, hiện tượng. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là không chỉ các cậu bé, mà hầu hết mọi tầng lớp, lứa tuổi trong xã hội Dublin đều bị sự chi phối của mắt trong cuộc sống thường ngày.
Câu chuyện của cô nàng Eveline trong Eveline xuất hiện với hình ảnh “cô ngồi bên cửa sổ ngắm buổi tối lan dần vào phố” [33, tr.76]. Với hình ảnh đó, có lẽ nhiều người sẽ tưởng tượng ra khung cảnh một thiếu nữ ngồi tư lự, chiêm nghiệm về cuộc sống, xung quanh đều im ắng, cô chỉ quan sát bằng mắt. Ngắm nhìn ngôi nhà của mình, cô bị mê cung của mắt gây khó chịu với những hạt bụi, những món đồ thân quen, với bức ảnh ố vàng, cùng bản in màu bài hứa nguyện… Đó là những hình ảnh kéo cô vào trong sự tê liệt của cuộc sống hàng ngày. Anh chàng Little Chandler trong Đám mây nhỏ thường có cảm giác u sầu mỗi khi ngắm nhìn ra cửa sổ văn phòng. Anh cũng là một con người hoàn toàn phụ thuộc vào cách xem nhìn. Công việc của anh là phụ thuộc vào những trang viết; sở thích của anh là những quyển thơ chất đầy trên giá sách. Nhưng sự ngượng ngùng đã làm những âm hưởng của thơ chỉ dừng lại trong những trang sách mà không thể bật thành lời. Những âm thanh duy nhất của những lời thơ đó là những tiếng lẩm nhẩm. Công việc hàng ngày của Farrington trong Những bản sao là sao chép lại các loại giấy tờ, nghĩa là cũng sử dụng thị giác là chủ yếu, ít sử dụng thính giác. Ông Duffy trong Một trường hợp đau lòng có niềm yêu thích những cuốn sách như anh chàng Little Chandler. Và Gabriel Conroy cũng chủ yếu bị ấn tượng bởi những quang cảnh phòng bên mà bỏ qua tất cả những âm thanh trong bữa tiệc dạ hội…
Như vậy, hầu hết các nhân vật trong Người Dublin đều bị rơi vào mê cung của một giác quan là mắt mà không có sự vận dụng linh hoạt các giác quan khác. Khi nhân vật huy động các giác quan để nhận thức hiện thực cũng là khoảnh khắc họ được bừng ngộ. Đến đó vai trò của các giác quan đã được thực hiện.
Người Dublin chủ yếu quan sát bằng mắt. Tuy nhiên, thật đáng thất vọng là cái nhìn, sự quan sát của họ lại rất mờ nhạt. Họ nhìn nhận mọi thứ không được rõ ràng. Trong Người chết, Gabriel “bị nhức mắt bởi cái sàn nhà đánh sáp sáng loá dưới cây đèn chùm nặng nề, bèn nhìn sang bức tường phía trên cây đàn piano” [33, tr.337 - 338]. Còn trong Nhà trọ, anh chàng Doran phải lau chiếc kính của mình để nhìn được rõ hơn: “Đi xuống thang gác, kính của anh phủ đầy hơi mờ đến nỗi anh phải gỡ chúng ra lau” [33, tr.133]. Một số nhân vật khác bị chặn lại bởi những giọt nước mắt. Cậu bé trong Araby mắt thường đẫm lệ mà không thể giải thích tại sao. Và Joe trong Đất sét cũng vậy “mắt nó đẫm lệ đến nỗi nó không tìm được thứ nó đang tìm” [33, tr.197].
Tất cả những nhân vật nhận thức về môi trường sống chỉ thông qua thị giác đã tạo nên sự bị mắc lừa bởi việc thôi miên của mắt từ những hiện trạng của Ailen. Xã hội Ailen là xã hội bị chi phối bởi các nhà thờ Công giáo và chính các nhà thờ này đã thúc đẩy việc đọc sách in, mà chủ yếu là các Kinh Thánh đã tạo nên một sự thiên vị thị giác trong số các giác quan. Việc phụ thuộc vào mắt để nắm bắt thông tin đã làm xáo trộn, đánh mất sự cân bằng của các giác quan khác. Do đó, tập trung vào mắt là một sự cực đoan, một chiều gây cho nhân vật rơi vào mê cung của mắt, đồng thời cũng khiến nhân vật chìm trong trạng thái tê liệt của một giác quan. Đắm chìm trong một giác quan cũng đem tới sự tê liệt của các giác quan khác, chúng không hoạt động và đánh mất vai trò của mình. Sự phiến diện trong việc sử dụng giác quan là cơ sở cho sự phiến diện trong cách nhìn nhận, đánh giá hiện thực, do đó cũng là nguyên nhân ngăn những công dân Dublin bừng ngộ về chính cuộc sống của họ.
Tuy nhiên, nếu thị giác có sự kết hợp với các giác quan khác thì sẽ tạo nên một bước ngoặt: bước ngoặt của sự bừng ngộ. Và trong Người Dublin, chúng tôi nhận thấy có sự đụng độ của thị giác và thính giác là nguồn cội tạo nên bước ngoặt đặc biệt đó. Nếu trước đó, với Người Dublin chỉ toàn di tích của hình ảnh thì với sự đụng độ này, tác phẩm có sự tiến triển từ hình ảnh tới âm thanh.