* Biện pháp phòng bệnh giun tròn
Phòng bệnh ký sinh trùng có nhiều biện pháp nhưng đều nhằm mục đích không cho mầm bệnh ký sinh trùng phát triển, thực hiện tốt các chu trình tiến hóa của nó, để nó không thể sinh ra ký sinh trùng trưởng thành mới được.
Theo Nguyễn Thị Kim Lan và cs (1999) [4], các phương pháp tấn công ký sinh trùng ở từng giai đoạn như sau:
+ Chống giai đoạn thứ nhất: Ký sinh trùng trưởng thành đẻ trứng ở ký chủ cuối cùng. Có thể tiêu diệt nó bằng hai phương pháp: Dùng thuốc đặc hiệu diệt ký sinh trùng (việc tẩy ký sinh trùng này có tính chất dự phòng tức là thực hiện trước khi súc vật phát hành triệu chứng bệnh và trước khi súc vật gieo rắc mầm bệnh ra bên ngoài môi trường), tiêu diệt ký sinh trùng bằng cách giết tất cả những vật mắc bệnh (phương pháp này triệt để nhưng tốn kém mặc dù thịt gia súc vẫn sử dụng được).
+ Chống giai đoạn thứ hai: Trứng
Có thể dùng hai phương pháp: Tiêu diệt hết trứng bằng cách thu nhặt hết phân của gia súc ốm trong chuồng và đem chôn (biện pháp này phải làm đi làm lại nhiều lần để trứng không có thời gian phát triển thành phôi thai) hoặc có thể ủ phân theo phương pháp nhiệt sinh vật học. Đối với súc vật chăn thả, phải ngăn không cho trứng trên đồng cỏ phát triển bằng cách làm cho đồng cỏ khô ráo.
+ Chống giai đoạn thứ ba và thứ tư: Phôi thai và ấu trùng tự do ngoài thiên nhiên có hai cách:
Diệt toàn bộ phôi thai và ấu trùng ngoài đồng cỏ và ao tù bằng vôi bột, sufat sắt, sunfat đồng với lượng dùng 400 kg cho 1 ha đồng cỏ, 5kg cho 100m3 nước ao.
Không cho phôi thai hay ấu trùng xâm nhập vào cơ thể ký chủ (cách ly súc vật ốm, tiêu độc dụng cụ và chuồng nuôi, vệ sinh thức ăn, nước uống, diệt ký chủ trung gian).
Quan điểm của K. I. Skrjabin (1977) [26], đã đề ra học thuyết tiêu diệt tận gốc bệnh giun sán. Học thuyết này có thể áp dụng cho các bệnh ký sinh trùng khác. Nội dung của học thuyết là dự phòng có tính chất chủ động như dùng tất cả các biện pháp cơ giới, vật lý, hóa học, sinh vật học nhằm tiêu diệt ký sinh trùng trên cơ thể ký chủ, tiêu diệt ký sinh trùng ngoại giới, tiêu diệt ký sinh trùng ở tất cả các giai đoạn phát dục, tiêu diệt ký sinh trùng ở cả người và gia súc.
Về mặt điều trị gia súc bệnh, nội dung của nó cũng là dự phòng: Chữa cho một súc vật khỏi bệnh, diệt được ký sinh trùng trong cơ thể nó là trừ được một con vật mang ký sinh trùng, trừ được một nguồn gieo mầm bệnh.
Như vậy, đối với con vật mắc bệnh là điều trị nhưng đối với các con khác là tích cực đề phòng. Vì vậy, việc phòng và trị bệnh giun sán tuy là hai vấn đề khác nhau nhưng chúng lại có mối quan hệ mật thiết với nhau, hỗ trợ nhau để tiêu diệt giun sán tận gốc, tránh lây lan mầm bệnh.
Mỗi hộ gia đình, mỗi trại chăn nuôi cần phải thực hiện các biện pháp phòng trừ tổng hợp như sau:
+ Định kỳ cho thuốc tẩy giun sán.
+ Dùng thuốc đặc hiệu để tẩy giun sán, chống tái nhiễm, bội nhiễm. + Nuôi dưỡng chăm sóc tốt.
+ Xử lý phân để diệt các mầm bệnh giun sán. + Điều trị trên quy mô lớn.
+ Đảm bảo vệ sinh chuồng trại và môi trường hạn chế việc lây nhiễm mầm bệnh.
Theo Phạm Sỹ Lăng và cs (1997) [8], căn cứ vào kết quả nghiên cứu sinh thái, chu trình sinh học của giun đũa lợn, kết quả nghiên cứu thuốc điều trị giun đũa cần thực hiện các biện pháp phòng trừ tổng hợp và các khâu sau:
Diệt căn bệnh ở cơ thể lợn
Tẩy giun 3 tháng một lần. Sau khi tẩy vệ sinh tốt, cho ăn chín thì một đời lợn bột chỉ cần tẩy một lần vào lúc tách mẹ.
Đối với lợn có chửa và đang nuôi con và lợn con theo mẹ thì không tẩy. Đối với lợn nuôi tập chung thì 3 - 4 tháng tẩy một lần cho tất cả lợn ở diện tẩy.
Phải giữ vệ sinh, không cho lợn uống nước và ăn bẩn, nếu cho lợn ăn rau bèo sống thì phải rửa sạch. Không thả rông lợn, làm hố xí cho người, làm chuồng nuôi và hố ủ phân cho lợn (Trịnh Văn Thịnh, 1977) [20].
* Một số thuốc dùng đểđiều trị bệnh giun tròn ở lợn
Theo Nguyễn Thị Kim Lan và cs (1999) [4], việc dùng thuốc tẩy giun phải đạt được những yêu cầu sau.
Trước hết phải tiêu diệt ký sinh trùng, dùng thuốc tẩy trùng cho vật nuôi. Chữa cho con vật ốm khỏi bệnh và đảm bảo cho ngoại cảnh không bị nhiễm bệnh giun sán. Tránh mầm bệnh nhiễm vào những con vật khác. Phải dùng thuốc tẩy giun sán từ lúc nó chưa trưởng thành, chưa đẻ trứng và phải tiêu độc thật tốt phân có trứng giun.
Dùng thuốc tẩy giun sán thì phải dùng thuốc hướng ký sinh trùng, tức là độc với giun sán mà không độc với ký chủ, nên chọn thuốc có hiệu lực nhất đối với ký sinh trùng, đồng thời ít nguy hiểm nhất đối với ký chủ, rẻ tiền và dễ dùng nhất.
Ngăn chặn không cho con vật ốm tái nhiễm, chăm sóc nuôi dưỡng tốt, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, đưa con vật ra khỏi nơi có bệnh, tiêu độc chỗ đó trước khi cho con vật vào lại.
Một hướng mới trong việc chữa bệnh ký sinh trùng là tìm những thuốc có hiệu lực chống được nhiều loài ký sinh trùng như: Mebendazol, Levamisol: có tác dụng tẩy nhiều loại giun tròn. Sau đây là một số loại thuốc điều trị giun tròn đường tiêu hóa lợn.
Levamisol: Là thuốc chống giun tròn phổ tác dụng rộng trên nhiều loài
vật chủ (dê, cừu, lợn, gà…). Ưu điểm của thuốc chủ yếu là có tác dụng tốt điều trị các bệnh giun tròn đường tiêu hóa, nó có thể ở dạng viên, cho uống hay bổ sung vào thức ăn hoặc dùng để tiêm dưới da. Thuốc có tác dụng đối với cả ấu trùng và giun trưởng thành. Hiệu lực từ 90 - 100%.