Bệnh ký sinh trùng ở đường tiêu hóa của lợn thường tiến triển ở thể mãn tính. Vì vậy, các triệu chứng biểu hiện thường không rõ ràng và thường bị các triệu chứng khác che lấp, nên người ta thường ít quan tâm đến.
Con vật nhiễm bệnh thường gieo rắc mầm bệnh ra bên ngoài, lây lan từ con này sang con khác, làm cho mầm bệnh có điều kiện phát sinh. Những con mắc bệnh thì cơ thể gầy còm, thiếu máu, giảm sức đề kháng. Sở dĩ có tác hại như vậy là do các tác động của ký sinh trùng đến cơ thể vật chủ.
- Tác động cơ giới: Hầu hết các ký sinh trùng đều gây nên những biến loạn cơ giới, ngăn trở ít hay nhiều khí quan mà nó xâm nhập, làm tắc, chèn ép, phá vỡ các tổ chức hoặc làm thủng, rách, do khí quan bám hút của ký sinh trùng mà làm tróc niêm mạc, gây xuất huyết và viêm thường gặp ở thể cấp tính, thứ cấp tính, mãn tính.
- Tác động chiếm đoạt: Ký sinh trùng tự nuôi dưỡng cơ thể bằng cách ăn tổ chức của ký chủ, cướp một phần thức ăn của ký chủ đã tiêu hóa, hút máu ký chủ. Tác động này tiếp diễn liên tục bởi rất nhiều ký sinh trùng, gây nên tổn hại rất lớn cho ký chủ như thiếu máu, gầy còm, niêm mạc nhợt nhạt, lông xù, tiêu chảy…
- Tác động đầu độc: Ký sinh trùng bài tiết các chất độc hàng ngày, ký chủ hấp thụ chất độc, sinh ra những biến loạn khác nhau như thường thấy nhất là biến loạn thần kinh và tuần hoàn. Nói chung, chất độc do ấu trùng bài tiết mạnh hơn thành trùng.
- Tác động truyền bệnh: Một số loài tiết túc đốt súc vật, làm cho con vật khó chịu có thể bị viêm ngoài da nhưng không nguy hiểm mà cái nguy hiểm là chúng có thể truyền nhiễm có thể thành dịch lưu hành giết hại nhiều súc vật. Ngoài ra, giun tròn cắn các niêm mạc gây thương tích cũng phá vỡ phòng tuyến thượng bì, mở đường cho các vi khuẩn từ môi trường chúng xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn gây bệnh ghép với bệnh ký sinh trùng. Ký sinh trùng và vi trùng thường kết hợp làm tổn hại thêm cho ký chủ.
* Bệnh giun đũa lợn
Thời kỳ ấu trùng hay trưởng thành đều gây bệnh. Ấu trùng di hành gây tổn thương, mở đường cho vi khuẩn vào cơ thể. Ấu trùng di hành qua phổi làm cho suyễn lợn càng nặng hơn và tỷ lệ phát bệnh có thể tăng gấp 10 lần.
Theo Anderdal (1957) [25], nếu cho lợn khỏe nuốt trứng giun đũa, sau 5 ngày cho nhiễm bệnh suyễn thì bệnh tích ở phổi rộng gấp 10 lần so với lợn chỉ bị bệnh suyễn. Khi ấu trùng theo máu vào gan gây lầm tấm xuất huyết, đồng thời gây hủy hoại tế bào gan. Khi ấu trùng từ mạch máu di chuyển tới phế bào gây ra vỡ mạch máu, ở phổi có nhiều điểm xuất huyết, phổi bị viêm, triệu chứng viêm phổi có thể kéo dài 5 - 14 ngày, có khi làm con vật chết. Khi là giun trưởng thành thì làm loét niêm mạc ruột non, gây đau bụng, nếu nhiều thì làm tắc ruột, khi chui vào ống dẫn mật tắc gây hoàng đản. Giun đũa tiết độc tố gây nhiễm độc thần kinh trung ương và mạch máu, con vật có triệu chứng thần kinh như tê liệt hoặc hưng phấn, co giật.
Giun lấy chất dinh dưỡng của ký chủ, thải cặn bã gây độc cho ký chủ. Kết quả là làm cho ký chủ gầy còm, chậm lớn. Giun đũa nhiều làm tắc ruột có khi thành búi, ruột có thể rách hay thủng.
Lợn bị giun đũa thường xuyên yếu ớt, mệt mỏi, lông xù, dần dần gầy còm. Nếu làm rách ruột thì lợn chết đột ngột. Giun có thể chui lên dạ dày, thực quản, da, mõm hoặc qua yết hầu vào phổi gây ngạt thở.
* Bệnh giun lươn ở lợn
Tác hại cơ giới: Ấu trùng chui qua da, mạch máu phổi, gây viêm phổi. Giun cái trưởng thành ở ruột non gây viêm ruột, rối loạn tiêu hóa.
Tác hại mang trùng: Ấu trùng có thể mang vi khuẩn phó thương hàn từ bên ngoài, qua da vào cơ thể ký chủ, gây bệnh truyền nhiễm ghép với bệnh ký sinh trùng.
* Bệnh giun kết hạt ở lợn
Ấu trùng chui vào niêm mạc ruột tạo thành hạt (u kén). Những hạt này thường bị mưng mủ do ấu trùng giun mang vi khuẩn vào gây bệnh.
Giun trưởng thành hút máu ký chủ và ăn các tế bào niêm mạc ruột già làm cho con vật bị mất máu, loét niêm mạc gây rối loạn tiêu hóa nặng.
Giun tiết độc tố gây trúng độc cho ký chủ làm cho gia súc non chậm lớn, gia súc trưởng thành giảm khả năng sinh sản.
* Bệnh giun tóc ở lợn
Giun tóc có phần đầu nhỏ, dài, phần này cắm sâu vào niêm mạc ruột gây tổn thương, mở đường cho vi khuẩn gây bệnh vào cơ thể ký chủ. Trong quá trình sống, giun tóc tiết độc tố, cặn bã làm con vật trúng độc.
Giun tóc lấy dịch tổ chức niêm mạc ruột để sống gây ra hiện tượng xuất huyết, viêm ruột và dẫn đến ỉa chảy.