Yếu tố thuận lợi

Một phần của tài liệu Vai trò của phụ nữ trong sự phát triển hộ ở xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. (Trang 67)

- Điểm mạnh:

Tỷ lệ nữ tham gia vào các cấp, các ngành ngày càng cao, góp thêm tiếng nói trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện, giám sát việc thực hiện các chủ trương chính sách trong phát triển kinh tế nói chung và các chính sách liên quan đến phụ nữ nói riêng.

Tổ chức hội phụ nữ từ huyện đến cơ sở thường xuyên được kiện toàn và hoạt động có chiều sâu, là chỗ dựa vững chắc cho chị em phụ nữ trong hoạt động kinh tế, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ.

- Cơ hội:

Hệ thống chính sách để hỗ trợ phát triển kinh tế của vùng nông thôn miền núi khá toàn diện, tác động vào nhiều mặt của người dân địa phương. Một số chính sách theo lĩnh vực như sau:

+ Kinh tế: Xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, chính sách trợ giá trợ cước, khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn (chương trình 134). Trong những năm qua, hiệu quả của các chương trình phát triển này đã được thể hiện thông qua: Sự ổn định sản xuất của người dân, người dân chuyển hướng thâm canh, áp dụng KH - KT mới vào sản xuất, thu nhập của hộ gia đình được nâng cao, chất lượng cuộc sống được cải thiện. Tỷ lệ nữ được đi học phổ thông không ngừng tăng, hoạt động sản xuất của phụ nữ giảm sự vất vả và có nhiều thời gian giành cho bản thân hơn.

+ Văn hoá: Nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân (xây dựng nhà văn hoá và đặt cụm loa tới các xóm, thường xuyên tổ chức hoạt động văn hoá lưu động); bảo tồn văn hoá truyền thống; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá. Với chính sách này đã giúp cho phụ nữ đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số nâng cao hiểu biết về KH - KT, bình đẳng giới, chăm sóc sức khoẻ sinh sản.

+ Y tế: Cải thiện trang bị cơ sở vật chất cho vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, tăng cường đội ngũ cán bộ về thôn bản; khám chữa bệnh miễn phí; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; chăm sóc sức khoẻ sinh sản, thực hiện kế hoạch hoá gia đình.

+ Giáo dục: Cải thiện trang bị, cơ sở vật chất cho trường, lớp,... tăng cường và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; có chính sách cử tuyển, miễn học phí, cấp phát giấy vở cho học sinh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục. Kết quả là số học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số được đi học ngày càng tăng, tỷ lệ học sinh nữ bị bỏ học đã giảm rõ rệt.

+ Khoa học, công nghệ: Chuyển giao khoa học, công nghệ cho người dân làm thay đổi tập quán canh tác và năng lực sản xuất. Hàng năm đã mở lớp dạy nghề, đào tạo nghề cho nông dân tới tận xóm bản nhằm cuốn hút đông đảo phụ nữ tham gia.

+ Quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ nữ: Đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; cử và quan tâm tạo điều kiện để cán bộ nữ được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị, quản lý.

Một phần của tài liệu Vai trò của phụ nữ trong sự phát triển hộ ở xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. (Trang 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(85 trang)