6. Cấu trúc luận văn
3.1.2.1. Miêu tả thông qua ngoại hình, hành động nhân vật
Ngoại hình, hành động là thứ thể hiện tâm lí nhân vật một cách gián tiếp, đầy ẩn ý. Ngay từ đầu tác phẩm, tác giả đã tái hiện hành động của vua Nghệ Tông trong buổi hội Đồng Cổ. Từ lúc lên kiệu ở điện Đại Minh, tay ông vua già luôn run bắn. Ông không thể làm chủ được hai bàn tay; để tránh mọi
người nhìn thấy, ông phải giấu chúng vào hai ống tay áo, ông thọc bàn tay nọ vào ống tay áo kia và đặt chúng trước ngực. Nhưng kỳ lạ chưa, từ lúc rót rượu trong đền, đôi bàn tay ông bỗng nhiên bình tĩnh trở lại, chúng hết run rẩy. Và lúc này, cầm chén rượu máu, bàn tay ấy bỗng cứng cáp như hồi ông còn trẻ. Tay ông run vì tuổi già hay vì ông biết đây là buổi lễ cuối cùng trong đời mình, mà lúc ấy ông vẫn còn nhiều lo sợ cho vận mênh đất nước. Ông cố giấu mọi người tuổi tác và tâm trạng bồi hồi ấy. Nếu liên hệ với các chi tiết sau, ta có thể phán đoán đó là vì ông lo lắng có kẻ cướp ngôi, ánh mắt ông liếc sang thái sư Quý Ly để tìm dấu hiệu của sự phản loạn ấy. Vì thế, câu nói hô vang của ông trong buổi lễ thực tế là lời căn dặn, đe dọa chính Quý Ly.
Tâm lí nhân vật cũng được thể hiện qua những thói quen rất nhỏ, như cách cười của Quý Ly: “Kìa, nghe cha ta đang cười. Tiếng cười đang vang giòn bỗng tắt dần và trở thành những tiếng khục khục lịm đi trong cổ họng. Tiếng cười kết thúc sao mà ngơ ngác...Ôi! Tiếng cười sao mà cô độc. Quý Ly chợt đặt tay lên vai con trai, nhìn lạnh lẽo vào đôi mắt Trừng, chắc ông tìm thấy cái ý nghĩa trong những tia nhìn của người con, chắc ông hiểu những ý nghĩ của Trừng, bởi vì Trừng thấy ông quay mặt đi, lặng lẽ nhìn lên những vòm lá cây hòe.”.[14, tr. 75]
Tâm lí vua Nghệ Hoàng và Thuận Tông được thể hiện rất rõ trước khi vua Nghệ Hoàng ra đi. Tác giả đã miêu tả nhiều hành động, ngoại hình phù hợp với tâm trạng đau khổ, băn khoăn của cả hai nhân vật. Khi thấycon quỳ bên cạnh đầu giường, nước mắt ròng ròng, ông vua già thở dài, thầm nghĩ sao nó giống ông đến thế. Khi đứa con út ra đời, rồi lớn lên, cả hoàng tộc đều vui mừng vì ông đã sinh được quý tử Hoàng tử Ngung giống cha một cách lạ lùng, từ khuôn mặt khôi ngô đến cái vóc dáng gầy guộc, thâm trầm, từ nết chăm chỉ đọc sách đến đức độ nhân từ hiếm có, sự nhân từ mà người đời vẫn
hằng ca tụng ở các đấng minh quân. Nhưng mà cũng vì tính cách ấy, nó lại chẳng ham muốn chính sự, chỉ đi theo nghiệp tu hành.
Trong lần gặp mặt giữa Quý Ly và Văn Hoa để hỏi về cuốn “Minh Đạo luận”, Quý Ly cũng được miêu tả trong bộ quần áo khác biệt với chủ đích thử lòng Văn Hoa. Quý Ly giơ ra, chiếc áo thụng tay giang rộng như lá cờ, Sử Văn Hoa mới nhận ra mầu vàng của nó. Xưa kia, Quý Ly vẫn mặc đồ tía, đúng với hàng nhất phẩm của thái sư. Nhưng, thực ra sự thay đổi mầu sắc ấy cũng chẳng làm Sử Văn Hoa ngạc nhiên. Ông đã biết sẽ như thế từ lâu rồi. Chỉ có khác, giá như trước kia nhìn thấy màu sắc đó, hẳn ông sẽ bừng bừng nổi giận, còn bây giờ, ông chỉ thấy thờ ơ... Đây là lần đầu tiên Sử thấy thái sư mặc màu vàng... chắc hẳn ông ta muốn trưng bày thẳng thắn ý của ông ra, có thể để thàm dò Sử.
Hồ Nguyên Trừng cũng được miêu tả trong nhiều hành động nhưng nó chủ yếu tập trung vào sự chán nản trước thời cuộc và sự say đắm trong mối tình với Thanh Mai. Nguyên Trừng từng đau đớn khi nhìn cái hòm đen tố giác tội phạm làm phản – một bằng chứng của sự tan vỡ khối đoàn kết nội bộ: “Tôi đứng lặng nhìn cái hòm đen to tướng nằm chềnh ềnh ở trước cửa Tiền. Nó được sơn đen bóng nhẫy, được khoá bằng chiếc khoá đồng vàng, to bằng cổ chân. Nó nằm ngay giữa đường, gần cổng giữa, nơi có hai người cấm binh cầm giáo oai nghiêm đứng gác. Người dân đi qua nem nép sợ hãi. Nhiều người chẳng dám nhìn.”[14, tr. 201]. Đồng thời, trước thời cuộc ấy, tâm tưởng Trừng vẫn hướng về người tình. Trừng luôn mơ thấy Mai trong những giấc mơ khủng khiếp. Thanh Mai chới với gần như chết chìm trong một biển máu. Nàng giơ đôi tay tuyệt vọng về phía Trừng và kêu lên: “Chàng cứu em với”.”