6. Cấu trúc luận văn
3.1.1.2. Ngôi kể thứ ba
Tiếp theo, cần nói tới ngôi kể thứ 3, tức tác giả. Tác giả không phải là người chép lại sử theo đúng nghĩa của từ này. Ông biết thêm vào các chi tiết bất ngờ, các hình ảnh mang ẩn ý cao làm tác phẩm trở nên lôi cuốn. Đại đa số, tác giả đứng riêng nhưng cũng có lúc, ông nhập vào một nhân vật, cùng nhân vật kể lại câu chuyện.
Nhiều chi tiết người đọc bất ngờ vì sự sáng tạo của ông, ví dụ chi tiết tiếng voi giữa cuộc hành hình: “Tiếng voi như báo một điềm lạ. Tiếng voi thảm thiết, rợn người, đã hằn sâu vào óc người dân kinh kỳ. Nhắc đến chuyện
con voi, người ta lại nhớ đến Nguyên Uyên. Nhớ đến Nguyên Uyên. người ta lại nhớ đến câu nói của ông ta: “Các ông đừng vội cười... Sau tôi sẽ có những người khác...” [14, tr. 79]. Tiếng voi chính là âm thanh báo hiệu sự suy sụp của Đại Việt khi ngay nội bộ cũng mâu thuẫn. Con voi trung hiếu đương nhiên sẽ căm ghét kẻ làm phản, dẫn giặc về nhà. Tiếng nó gầm rú nhiều ngày báo hiệu còn nhiều kẻ phản loạn, ngu dốt như vậy nữa.
Hay chi tiết miêu tả việc giữ giấc ngủ của vua Thuận Tông cũng rất độc đáo: “Trời lại mưa to như đêm hôm trước. Ông lang Điền ngồi bên giường bệnh nghe tiếng mưa rả rích, lòng lo lắng, chỉ sợ tiếng lũ ếch nhái lại đột ngột cất lên. Ông vua con được uống thuốc ngủ đã yên giấc nồng. Không một tiếng ếch nhái chẫu chuộc... Chỉ có tiếng mưa rơi như một khúc đàn tí tách, nó làm vơi nhẹ, xoa dịu: nó kéo con người vào một giấc ngủ sâu, an lành, một giấc ngủ mà một tháng nay ông vua con chưa bao giờ gặp. Ông vua con nào đâu có biết, trong lúc ông cuộn tròn trong chăn ấm, thì trăm người lính phải cởi trần đứng giăng khắp ao sen; tay mỗi người lính cầm một chiếc roi tre nhỏ liên tục đập xuống mặt nước, để nhắc nhở loài ếch nhái phải im lặng, để bắt chúng phải lặn xuống đáy ao sâu. Ngâm mình suốt đêm lạnh lũ lính môi thâm sịt, run rẩy.” [14, tr. 86]. Miêu tả kĩ cách giữ giấc ngủ cho vua, chắc hẳn tác giả đã từng đọc rất nhiều tác phẩm về vua chúa. Chi tiết ấy cho thấy đời sống quyền lực, tốn kém trong cung vua phủ chúa. Vì một giấc ngủ ngon cho nhà vua thôi mà quá nhiều người vất vả.
Chi tiết về con gà của quan coi ngục cũng là chi tiết giàu ý nghĩa: “Lúc tôi mới mua về, nó hăng lắm. Nghe thấy tiếng gà lạ, là nó giương cổ gáy đáp lại. Tôi nghĩ nó vẫn còn hăng lắm, chưa đá được. Một tháng sau, trông thấy bóng gà lạ, nó vẫn còn sục sặc lồng lộn. Tôi lại nghĩ: nó vẫn còn hăng, Chưa được! Ba tháng sau, nó như con gà gỗ, nghe gà lạ, trông thấy gà lạ, nó cứ dửng dưng như không. Lúc đó tôi mới bảo: Được rồi đây... Từ đó con chọi
của tôi đá rất hay, nổi tiếng khắp kinh thành...
Nghe ngục quan nói, đôi mắt Sử Văn Hoa như dần dần hồi tỉnh. Nét mặt bừng bừng nhìn vào không trung của ông dãn ra. Ông lặng lẽ ngồi rất lâu, rồi bỗng giật mình. Ông quay lại, lấy hai cái chén rót rượu và đưa cho ngục quan một chén.
- Kẻ tù tội này đã cả đời đèn sách mà không đạt đạo được như bác. Nhờ bác đem lời vàng ngọc của Nam Hoa Kinh ra chỉ dẫn, tôi mới giật mình tỉnh ngộ. Xin bác nhận cho một lạy này để tỏ lòng cảm tạ của tôi.” [14, tr. 149]
Con gà là tượng trưng cho con người trên con đường trưởng thành. Khi con người còn chưa tĩnh tâm trước mọi việc thì chưa có cái nhìn đúng đắn và từ đó chưa thể thắng được người khác. Thắng bản thân là cái thắng đầu tiên và quan trọng. Khi hiểu điều đó, quan sử đã bình tĩnh lại và sau đó chuyên tâm viết sử, mặc kệ cái án chém trước mắt.
Hoặc chi tiết miêu tả sở thích chơi lửa của Hồ Quý Ly thuở nhỏ. Nó nhất quán với tính cách của ông khi lớn lên – một tính cách mạnh mẽ, thích đối đầu khó khăn, kiên trì và nhiệt huyết.
Có nhiều đoạn tác giả đã sáng tạo các hình ảnh đậm chất thơ để từ đó tác giả thể hiện suy nghĩ của mình về cuộc sống: “Mưu sâu kế lạ ư? Tàn bạo giết chóc đến sởn gáy ư? Tư tưởng thâm trầm nhân nghĩa ư? Cứu dân độ thế ư?... Tất cả rút cuộc cũng chỉ có thể làm cho cái khí âm dương của đất trời ngơi nghỉ lại trong chốc lát, trong cái thế hoà hoãn. Cũng ví như kẻ du hành đi trên cánh đồng nắng chang chang bỗng gặp một gốc cổ thụ bên đường, anh ta dừng chân ngơi nghỉ, để rồi lại tiếp tục dấn thân vào con đường nắng chang chang trước mặt. Cánh đồng nắng là chủ yếu, gốc cây bên đường là chốc lát. Điều kỳ lạ: con người phải mất bao tâm huyết vật lộn để tìm bóng mát ấy, nhưng tại sao phút mát mẻ kia, cái bóng cây an dịu kia lại chỉ là thoảng qua,
chỉ là ngắn ngủi.” [14, tr. 154]. Ông coi cuộc đời là cuộc hành trình tìm thành công, hạnh phúc nhưng hạnh phúc lại thoáng qua nhanh quá.
Không chỉ sáng tạo chi tiết giàu ý nghĩa, ông còn sáng tạo các chi tiết hư cấu nhằm lí giải các biến cố lịch sử lớn. Ví dụ chi tiết vua Chế tát tên lính dẫn tới việc nước Chiêm bị thua, vua Chế bị giết. Hay chi tiết miêu tả vua Thuận Tông chết do bệnh. Rõ ràng, ông có sự lí giải lịch sử riêng. Có thể không giống lịch sử nhưng nó hoặc làm câu chuyện nhân văn hơn hoặc tạo tình huống bất ngờ, giàu ý nghĩa.
Các sự kiện sáng tạo cũng được tác giả đưa vào để thể hiện những bài học nhân sinh, như sự kiện về cái chết cùa quan chép sử: “Bọn bịt mặt giết hai vợ chồng ông bà già xong, liền phóng hoả đốt chùa. Lửa cháy ngùn ngụt cho đến sáng. Người ta đến thấy xác vợ chồng ông Sử bị cháy đen. Và có một điều rất dã man và rất kỳ quặc.
- Điều gì kỳ quặc?
- Bọn bịt mặt đã dùng dao sắc cắt toàn bộ cụm ngọc hành của cụ Sử Văn Hoa...
Cắt sạch! tại sao lại cắt? Tại sao phải dã man như vậy? Là một tín hiệu gì hay một sự đe doạ? Ai đã làm việc này? Cũng có thể họ muốn tìm ta. Cũng có thể cụ Sử đã chửi rủa hoặc làm phật ý một nhóm người nào đó?” [14, tr. 190]
Đây là sự kiện đau lòng cho thấy số phận mỏng manh của người trí thức và cao hơn là sự coi thường lịch sử thời đó. Người viết sử và pho sách sử ấy chẳng biết lúc nào thì bị cháy thui. Có lẽ bởi pho sử ấy có nhiều lời nói thẳng, có nhiều thứ liên quan tới chính trị. Cũng có thể nó là tinh hoa đời người mà những kẻ u muội, bệnh hoạn thì không thích lưu giữ. Tư tưởng này thể hiện rõ nhất trong suy nghĩ của Phạm Sinh trước cái chết của cụ Sử: “Vậy thì ai là người đã giết chết Sử Văn Hoa? Ai là người đã đang tâm giết một con người đã cõng một bồ sử trên lưng, leo đèo lội suối, trốn tránh một hôn quân để đi
tìm một chân mạng thiên tử? Ai là kẻ đã dã man giết một con người nhân hậu chỉ muốn đi tìm cách giải giấc mộng cuồng ở đời? Ai là kẻ đã mất hết nhân tính đến mức giết một người suốt đời ghi chép sử di tìm hồn của núi sông, dù trong tù ngục vẫn giải một câu đố về sự thái hoà dân tộc?” [14, tr. 190]
Là người đứng giữa, ông rất khách quan khi đánh giá về nhân vật. Ông sẵn sàng đưa vào tác phẩm những câu chửi mắng gay gắt của phe đối địch với Quý Ly. Nguyên Uyên gay gắt, cho Hồ Quý Ly là kẻ tàn tặc và chắc chắn Quý Ly sắp sửa lên ngôi. Cơ nghiệp nhà Trần sắp mất. Vả lại, Quý Ly đa sát, nhiễu sự. Lên ngôi, hắn sẽ là một bạo chúa, một Tần Thuỷ Hoàng của nước Việt. Mà đối với một kẻ bạo tàn như vậy thì biện pháp bất kể thế nào cũng là tốt, cũng được phép. Song khi ông nhập vào nhân vật Quý Ly để bày tỏ tâm sự của nhân vật thì ta lại thấy sự thấu hiểu, thông cảm của ông dành cho nhân vật này. Trong đó, cái giúp tác phẩm của ông vượt thoát khỏi liệt kê lịch sử chính là lúc ông nhập hồn vào nhân vật, bày tỏ sự đánh giá nhân văn hơn so với lịch sử. Ông còn có cái nhìn đánh giá khách quan về nhiều nhân vật khác. Nhân vật Chế Bồng Nga là vị vua thất bại trong âm mưu xâm lược Đại Việt nhưng trong lời văn của Nguyễn Xuân Khánh, đó đầu tiên là con người tài trí. Việc chuẩn bị tấn công của Chế Bồng Nga khá hoàn hảo. Ông ưa sự chu đáo, tỉ mỉ. Ông nói với La Ngai: Trong việc dụng binh, phải chú ý cả đến những điều nhỏ nhặt nhất. Ngay cả Phạm Sư Ôn – nhà sư làm giặc cũng được tác giả ưu ái dành cho nhiều chi tiết đẹp. Đây là chi tiết về ngoại hình Ôn: “Cậu bé được trời phú cho một sức sống phi thường. Chùa nghèo, đói khát, bữa ăn chỉ có sắn khoai. lại không có bàn tay đàn bà chăm chút cậu sống như cỏ dại, nhưng lại lớn nhanh như thổi. Lớn lên, thân xác và sức mạnh của cậu đều gấp bội người thường.” [14, tr. 91]. Cậu bé Ôn từ bé đã thông minh. Khi được giao trông đàn chim, chú đã có kế lạ giúp nhà chùa. Lũ chim phá ruộng chùa, tức là phá tam bảo, nên phải trừng trị. Chim quạ là chim ác. Bọn mục đồng
dạy chú cách bẫy quạ. Bẫy một hôm lũ chim chưa sợ vẫn lăn xả vào. Bẫy mười hôm. quạ đến thưa thớt dần. Bẫy một tuần trăng thì không còn con nào dám bén mảng. Người ác phải đoạ địa ngục. Chim ác cũng phải bị trừng phạt. Vì thông minh nên dù làm giặc, Ôn cũng vẫn biết nhìn người. Khi gặp Văn Hoa, Ôn đã hỏi thẳng thắn rồi tha cho Hoa. Vì Sử Văn Hoa không biết nịnh nọt, cũng không quá khích đại ngôn nên hắn tha cho. Để ông ta sống, làm nhà chép sử cho non sông.