Ngôi kể thứ nhất

Một phần của tài liệu Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh. Từ lịch sử đến tiểu thuyết ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 79)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.1.1. Ngôi kể thứ nhất

Đầu tiên phải nói tới ngôi thứ nhất – “tôi”, mà đa số là của Hồ Nguyên Trừng. Nhân vật này xuất hiện ngay ở phần đầu tác phẩm, sau chương kể về hội Đồng Cổ. Ông xuất hiện trong cái mệt của một người vừa hoàn thành nhiệm vụ cha giao mà quên tham dự lễ hội. Nhưng ông vẫn hỏi han về lễ hội, đặc biệt về những cử chỉ khác lạ của Nghệ Hoàng, của cha ông. Chi tiết này đã cho thấy ông sẽ là người kể sắc sảo khi tái hiện sự việc. Tiếp đó, qua Nguyên Trừng ta được gặp Quý Ly trong không gian của gia đình, được nghe về những dự định lớn lao, thậm chí cả những mâu thuẫn, cô đơn dấy lên trong tâm hồn cha. Đây là những đoạn kể quý giá bởi có lẽ chẳng có tác phẩm lịch sử nào đi sâu vào Hồ Quý Ly mà hiểu về ông cả. Ngoài ra, Nguyên Trừng còn được tái hiện trong âm mưu thông gia của cha mình và Nghệ Hoàng – điều mà chàng vốn ý thức rõ và buồn bã chấp nhận. Nỗi buồn của Nguyên Trừng dâng lên khi người vợ đầu ra đi. Tới lúc này, chàng bước vào thế giới khác của rượu, bỏ quên sự đời. Vai trò người kể của Trừng mờ nhạt đi khi tác giả chen vào kể về Nghệ Hoàng, về thời đại nhà Trần với nhiều biến động. Chỉ tới khi nhân vật Trừng tới gặp thượng tướng Khát Chân và gặp cô kĩ nữ Thanh Mai thì vai trò người kể của Nguyên Trừng mới trở lại. Lúc này, vai kể của Nguyên Trừng như mê đi theo cuộc tình với Thanh Mai song vẫn chịu vang động của các sự kiện chính trị khủng khiếp thời kì đó. Giữa những giấc mơ về người tình vẫn có lúc ông chợt tỉnh, bàng hoàng về biến cố xảy ra ở kinh thành. Lúc ấy, cảm xúc của vừa Nguyên Trừng hướng về cha, về mối đối

địch trong triều đình vừa hướng về Thanh Mai. Những chương kết thúc tác phẩm, tác giả tái hiện không khí u ám của Thăng Long trong cái nhìn buồn bã, lo sợ nhưng cũng bình tĩnh của Nguyên Trừng. Ở đó, có cuộc chia tay của ông với Thanh Mai, có những lời dặn của người cha và một dự báo không lành cho tương lai Đại Việt.

Đây thật sự là một phương pháp đặc sắc trong dòng văn học dã sử. Trong các tiểu thuyết dã sử của cả phương Tây (Ai-van-hô, Robinhood, Chiến tranh và hòa bình…) hay phương Đông (Thủy Hử, Tam Quốc diễn nghĩa, Nho lâm ngoại sử…), các nhân vật thường ở ngôi thứ ba nhằm mục đích thể hiện tính khách quan trong các sự kiện. Nhưng ở tác phẩm này, mọi sự kiện, xung đột hầu đều được nhìn nhận và đánh giá qua con mắt của Hồ Nguyên Trừng. Bằng phương pháp này, tác phẩm tạo được một hiệu ứng khác so với những tác phẩm văn học dã sử trước đó. Nó làm tác phẩm có tính chủ quan rõ rệt.

Tính chủ quan thể hiện rõ trong cảm nhận riêng của Nguyên Trừng về thời cuộc. Đó chính là cuộc đấu tranh ngầm giữa hai phe canh tân và thủ cựu trong triều. Những chi tiết được kể đầy chân thực qua con mắt người đứng giữa hai phe. Người đọc còn cảm nhận thấy mình như người trong cuộc, cũng được chứng kiến tận mắt cuộc cách tân của Hồ Quý Ly. Tất cả mọi cách tân của cha, Nguyên Trừng đều hiểu cả. Bằng cái nhìn của kẻ đa cảm và thông minh, ông hiểu những cải cách ấy là tiến bộ song không hợp lòng dân. Ông cũng nhiều lần khuyên can Hồ Quý Ly song không được:

“- Đức phu tử muốn trong một nước, người nào lo việc người nấy. Dân lo việc của dân, quan lo việc của quan, vua lo việc của vua. Không được lạm bàn việc người trên. Nay, cha làm quan lại bàn việc của vua, thậm chí lại dám khen chê cả lời của Phu Tử. Vì muốn nhanh nên chẳng theo vết người xưa. Cha đã phạm chính danh. Chính vì vậy kẻ sĩ trong nước nhao nhao phản đối. Lại cũng vì muốn nhanh, nên chính sách thay đổi. Người dân đen chỉ muốn ăn

no ngủ kỹ. Trong khi đó, lúc thì cha ban chiếu tiền giấy, lúc thì hạn nô, rồi hộ khẩu, chính sách liêm phóng... Kẻ thừa hành nhân cơ hội đục nước béo cò. Cha ơi cha? Xin hãy nghe con. Con xin dâng lời nói thẳng: Lòng dân không theo cha đâu.

- Nào, nào? Bình tĩnh lại đi Nguyên Trừng. Ta biết, nhiều điều con nói đúng. Nhưng con vẫn thiếu sót ở một điều cơ bản: đó là đất nước ta quá ư hỗn loạn, cần có một thay đổi, cần có một sự đảo lộn. Lẽ dĩ nhiên, tàn nhẫn đấy, đau thương đấy, nhưng ta sẽ cố gắng cho bớt đầu rơi máu chảy. Chỉ duy có một điều bất lợi cho ta: Nhà Minh đang lăm le nhòm ngó. và họ đã ổn định, đã hùng cường rồi. Trong khi đó công việc của nước ta còn đang bê bối. Việc chưa xong, lòng người lại khảng tảng. Ta chỉ cầu mong trời cho ta được hai chục năm nữa... Nguyên Trừng? Hãy tỉnh lại đi! Đừng uỷ mị thế, con... Chỉ cần hai mươi năm nữa thôi, ta sẽ đào tạo một lớp kẻ sĩ mới. Bọn thủ nho này lúc đó đã chết, lo gì lòng dân chả ngả về ta...” [14, tr. 44]

Hơn nữa, ông còn cảm thấy cái thân phận nhỏ bé của mình, của bao nhiêu con người trong guồng máy chính trị. Bản thân ông là một “con mồi” cho cha ông “bắt bóng”. Cả những người khác trong mắt ông cũng vậy như người vợ đầu tiên, Thanh Mai – người tình của ông cũng được cảm nhận qua cái nhìn nhiều bi kịch. Vì vậy, ông chán nản trước thời cuộc. Cũng qua nhân vật Hồ Nguyên Trừng, nhà văn gửi gắm được suy tư, nỗi đau thân phận của người trí thức trước bao biến thiên của lịch sử.

Đồng thời, qua lời kể của Nguyên Trừng, ta có cái nhìn khác về Hồ Quý Ly. Nếu lịch sử dành những lời thậm tệ cho Quý Ly thì ở những trang viết này, ta bắt gặp sự thông cảm, thấu hiểu. Vì là con, Nguyên Trừng hiểu những gì cha làm, hiểu cả tính cha như thuộc một bài học dài. Ông là người chiêu tuyết cho Quý Ly thoát khỏi những khắt khe của lịch sử. Ta thấy thương Quý Ly nhiều hơn ghét khi đọc những dòng kể của Nguyên Trừng.

Ngôi thứ nhất có khi lại được đặt vào nhân vật Hồ Quý Ly. Tuy không trực tiếp xưng tôi như nhân vật Hồ Nguyên Trừng nhưng Hồ Quý Ly vẫn có những trường đoạn độc thoại nội tâm. Lúc ấy, tác giả và nhân vật đồng hiện. Tác giả tái hiện những toan tính của Quý Ly, bên cạnh đó còn có những suy nghĩ về lẽ đời, về bản thân. Đó là những suy nghĩ mênh mông, phức tạp nhưng rất sâu sắc: “Ông hầu như thức suốt đêm. Ông miên man nghĩ: nghĩ tới Thuận Tôn, ông vua con rể đang tu đạo trong vườn uyển; nghĩ tới Nguyên Trừng người con trai tài hoa với nhiều ý tưởng ngông cuồng lắm lúc ngược với ông nhưng không phải không có lý; nghĩ tới Trần Khát Chân, Trần Nguyên Hàng, những con người đối địch với ông mà ông ra sức kéo níu, rồi cả tới Đoàn Xuân Lôi, Nguyễn Cẩn, Nguyễn Phi Khanh, Sử Văn Hoa... Đêm qua, ông vừa đọc xong thiên Minh Đạo Luận của Sử. Chao ôi? Minh Đạo? Một dàn nhạc khổng lồ mà những nhạc công vẫn còn tấu lên những điệu khúc theo cách của họ. Minh Đạo? Phải chăng nhiệm vụ của nó là làm cho những nhạc công ấy trở nên “người tấu cùng một điệu”. Ông trằn trọc, ông thở dài, ông suy ngẫm, ông ngồi dậy đốt nến và viết, rồi đứng lên ra khu sân rộng trước cung, đứng cạnh đôi rồng đá, vuốt ve chúng, rồi đi lại ngắm sao trên trời. Người đời bảo ông táo bạo, cương nghị, sắc sảo, cả gan làm đất trời rung chuyển. Có kẻ chê ông tàn nhẫn, gian hùng, xảo quyệt và lắm tham vọng. Những kẻ thô thiển thì nói ông mưu cầu hạnh phúc cho mình. Ông chợt cười trong lòng: Hạnh phúc ư? Ta sung sướng hay ta không sung sướng? Ông không nén được nụ cười thầm bật ra thành tiếng. Những tiếng cười giòn mà chỉ có mình ông nghe, chỉ có những ngôi sao tinh quái trên trời nghe. Tiếng cười làm lũ gà chọi, trong cung cấm đang bắt đầu gáy sáng cũng đột nhiên sợ hãi ngừng bặt. Tiếng cười thoả mãn, hay tiếng cười buồn, hay tiếng cười cô đơn? Có ai biết được? Hoạ chăng có mình ông biết, vì chỉ có riêng ông nghe thấy nó mà thôi. Lũ lính canh đêm đi vòng ngoài cung điện, vừa đi thỉnh

thoảng lại gõ lên một tiếng mõ, cũng chỉ nghe thấy tiếng cười ấy một cách mơ hồ...”.[14, tr. 187]

Rõ ràng, ông đâu phải kẻ máu lạnh. Bằng những đoạn văn này, ta thấy tác giả thật tài ba khi thổi hồn thứ hai vào cho Quý Ly. Cái hồn quyết liệt ai cũng biết, nhưng giờ qua độc thoại, ta mới biết cái hồn thứ hai: cũng tự trách móc, cũng tự soi xét bản thân để tìm hướng đi. Đặc biệt, hành động nghiêm khắc của ông với con cháu là vì quy định triều đình, còn bản thân ông, bằng trái tim người cha, người ông; cũng có lúc ông thấy xót thương cho con cháu một cách chân thành: “Ông cúi xuống, ôm đứa cháu ngoại vào lòng, rồi bế nó lên đùi, ngồi vào chiếc ghế bành đặt giữa đại đường. Ông ôm cháu, nhưng chợt cảm thấy thiếu vắng một điều gì đó. Ông nghĩ mãi không ra. Chợt ông nhìn vào đôi mắt buồn bã của thằng bé, và ông rùng mình hiểu ngay. Thiếu vắng cái gì ư? Có lẽ đó là tiếng bi bô của thằng bé, có lẽ đó là hơi ấm da thịt, của đôi cánh tay mũm mĩm mà chú bé vẫn quàng vào cổ ông mỗi khi ông đến. Ông cảm thấy mất mát. Phải rồi, từ nay ông sẽ bị mất sự đầm ấm của đứa trẻ vẫn ban phát cho tuổi già, và thay thế vào đó là sự lạnh lẽo hờn giận của đôi mắt ngây thơ... Nhưng biết làm sao được! Số phận của các bậc vua chúa là thế ư?” [14, tr. 156]

Có lúc, tác giả còn để Quý Ly kể về những giấc mơ của mình. Trong đó, cảm xúc nhân vật được tái hiện rõ rệt để minh chứng cho những nỗi lo sợ thường trực trong con người ông lúc đó: “Lại một cơn ác mộng. Từ lúc đó mắt ông cứ chong ra, không ngủ lại được nữa. Mới đến canh ba. Ông nghĩ ngợi liên miên: “Ta lại gặp ông ấy, Thật quái quỷ...” Trong giấc mộng, thái sư đã gặp Nghệ Hoàng. Ông vua già đang nằm võng đọc sách. Gió hây hây. Ông già đặt cuốn sách lên chiếc đôn sứ ở phía đầu võng, rồi che chiếc quạt trầm hương lên mặt, thiu thiu ngủ. Thái sư bước vào; ông tò mò cầm cuốn sách lên, nhìn vào trang giấy Nghệ Hoàng đọc dở...” Cái lo của nhà vua là ở chỗ tin

người. Mình tin người sẽ bị người kiềm chế... Gần đến như vợ, thân đến như con, còn không thể tin; cho nên không thể tin ai vậy...” [14, tr. 157]. Đó là phần đầu chương “phòng bị bên trong” của Hàn Phi, cuốn sách mà ông hầu như đã thuộc lòng. Thái sư lặng lẽ đặt cuốn sách xuống, rồi chậm chạp ngồi trên ghế chờ Nghệ Hoàng thức dậy. Trong lòng ông, trăm ý nghĩ vấn vương. Ông vua già tỉnh giấc ngay sau đó. Ông nhìn thái sư và cười. Nói đoạn, ông vua già chồm đến với tất cả sức mạnh thù hận. Những ngón tay khô gầy, dài ngoẵng như những vuốt sắt, bám chặt vào cổ Quý Ly, để cấu xé, để phanh toạc; ông muốn như loài bạch tuộc, rút kiệt thứ máu tanh hôi, phản trắc. Hồ Quý Ly hét lên, cố giẫy giụa để thoát ra khỏi hai cánh tay gầy guộc, khỏi những nanh vuốt thù hận, độc địa, nhưng không tài nào thoát nổi. Không hiểu sao, tay ông lại có sẵn một con dao, ông cũng dùng hết sức đâm vào cái bóng ma già nua, gầy guộc của Nghệ Hoàng. Ông đâm liên hồi, còn những móng vuốt của Nghệ Tông cũng siết chặt thêm, hình như một chiếc vuốt sắc móc cả vào tận trái tim ông. Máu của cả hai bên ồ ồ chảy ra, nhấn chìm cả Quý Ly và Nghệ Tông xuống cái ao mầu đỏ. Quý Ly đau một cái đau khủng khiếp, điếng dại cả tâm hồn. Ông ú ớ, rồi thét lên, gào lên như muốn phá tan lồng ngực và cả khối óc nữa, cho cái đau tan loãng đi.”. Tiếng hét ấy làm ông tỉnh giấc. người lạnh toát, quần áo ướt sũng.”

Có lúc ngôi thứ nhất còn được đặt vào nhân vật Nghệ Tông. Ông vua già Nghệ Tông là minh chứng cho sự thối nát, suy kiệt của vương triều nhà Trần mà bản thân ông muốn cứu cũng không được. Tác giả để ông kể về chính vương triều ấy, đặc biệt là tâm trạng nuối tiếc, trăn trở về nguyên nhân sụp đổ của vương triều. Chỉ có Nghệ Tông mới nói được đầy đủ nỗi đau của một vị vua yêu nước, nhân từ song lại bất lực nhìn cảnh đất nước đi xuống. Chỉ ông mới làm rõ được bi kịch đương diễn ra trong tâng lớp quý tộc phong kiến thời mạt Trần. Những lời băn khoăn về lí do sụp đổ của nhà Trần cứ lặp đi lặp lại.

Vua Nghệ Tông còn băn khoăn cả về việc Quý Ly có chiếm ngôi không. Ông lúc tin, lúc ngờ thái sư. Có lúc ông dường như đã tiên đoán được tương lai chiếm ngôi của Quý Ly nhưng có lúc ông lại tự an ủi: con cháu của ông cũng là của Quý Ly, lẽ nào hắn lại làm phản. Ông không biết làm gì hơn ngoài việc thông qua các cách gián tiếp ngầm dạy bảo Quý Ly về đạo trung với vua. Những cảm xúc của vua Nghệ Hoàng được tái hiện rõ nhất lúc ông gần mất. Trong đó, có lời độc thoại nội tâm lúc ông làm lễ Đồng Cổ và lúc ông gặp người con trai Thuận Tông lần cuối cùng. Trong lễ Đồng Cổ, ông thể hiện mong muốn cháy bỏng, thường trực về sự trung hiếu của Quý Ly qua câu nói bất chợt, sau đó ông quay ra Quý Ly ý thăm dò. Lúc gần mất là khi ông tổng kết về đời mình, về vương triều Trần với bao nỗi đau . Đặc biệt chi tiết ông gọi Văn Hoa tới để đoán mộng. Đây là sự cụ thể hóa mối lo lắng về việc Quý Ly chiếm ngôi song vẫn phải ngụy trang dưới hình thức giấc mơ.

Qua cái nhìn của Nghệ Tông, ta còn có thêm hiểu biết rất khách quan và nhân từ về nhiều nhân vật khác. Quý Ly – trong con mắt Nghệ Hoàng – đầu tiên vẫn là một con người nhanh nhẹn, thông minh, có tư duy cải cách. Văn Hoa – nhà sử học tài năng cũng được phát hiện tài năng và được Nghệ Hoàng nhìn với con mắt trân trọng.

Một phần của tài liệu Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh. Từ lịch sử đến tiểu thuyết ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)