7. Kết cấu và tóm lược đề tài
2.3.2.1. Nhận định việc tuân thủ các quy định về chứng từ chuyển giá
Theo Phó trưởng phòng Kiểm tra thuế, mặc dù Thông tư chính thức ban hành vào cuối năm 2005, đến nay đã được thay thế bằng thông tư 66/TT- BTC ngày 22/04/2010. Tuy nhiên, đa phần các doanh nghiệp có giao dịch liên kết không nộp bản khai báo các giao dịch liên kết khi nộp tờ khai thuế thu nhập doanh ngiệp hàng năm như quy định. Việc tuân thủ các mẫu biểu là rất ít và việc tuân thủ quy định về chứng từ lại càng ít.
Theo trưởng nhóm chuyên trách về dịch vụ tư vấn thuế quốc tế, tuy Thông tư đã có hiệu lực thi hành từ tháng giêng năm 2006 nhưng cơ quan thuế vẫn chưa kiểm tra một cách toàn diện tình hình tuân thủ của các doanh nghiệp. Bắt đầu từ cuối năm 2006, các doanh nghiệp đã phải thực hiện kê khai các giao dịch với bên liên kết khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp như quy định. Tuy nhiên, cho đến năm 2009, do các cơ quan thuế vẫn chưa có những hành động quyết liệt đối với các doanh nghiệp không nộp bản khai các
giao dịch liên kết vào cuối năm, nên việc tuân thủ về chứng từ chuyển giá của các doanh nghiệp có thể nói là rất tệ.
2.3.2.2. Nhận định về vai trò của chứng từ chuyển giá
Theo Phó trưởng phòng Kiểm tra thuế, vai trò của chứng từ chuyển giá là rất quan trọng đối với cả cơ quan thuế và doanh nghiệp. Cụ thể:
Đối với cơ quan thuế: Quản lý thuế đối với giao dịch trong các tập đoàn đa quốc gia trên toàn cầu đang ngày càng trở nên phức tạp và được xem như là một thử thách đối với cơ quan thuế, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Các cơ quan thuế ở nhiều nước đang rất đau đầu về vấn đề làm thế nào để chắc chắn rằng việc thiết lập chuyển giá là phù hợp với ALP và các báo cáo thuế phù hợp trong việc áp dụng luật thuế. Các cơ quan thuế cần biết những thông tin phù hợp và bằng cách nào các tập đoàn đa quốc gia thực hiện được chuyển giá đối với các giao dịch nội bộ thực tế có liên quan. Do thiếu chứng từ và dữ liệu, đặc biệt là thông tin liên quan đến đối tác ở nước ngoài của các tập đoàn đa quốc gia, cơ quan thuế không có khả năng định giá đúng trong trường hợp chuyển giá. Vì vậy cơ quan thuế yêu cầu các công ty này phải cung cấp tài liệu và thông tin liên quan trong việc xác định giá giao dịch, thậm chí trong những trường hợp thiếu tính pháp lý cơ bản.
Đối với doanh nghiệp: Do hiểu biết của các doanh nghiệp còn hạn chế, hoặc không biết, hoặc biết rất ít. Có thể họ chưa hiểu cặn kẽ nên trong thời gian qua việc tuân thủ quy định về chứng từ nói chung không tốt. Các doanh nghiệp cần phải hiểu rằng những chứng từ phù hợp liên quan đến giao dịch nội bộ trong tập đoàn là một cách thức để các tập đoàn đa quốc gia chỉ ra các giao dịch thực tế mà họ kiểm soát. Ở nhiều nước trên thế giới, nếu người nộp thuế không tuân theo quy tắc trong chuyển giá, cơ quan thuế có thể ấn định và đưa ra những hình phạt. Tập hợp và giữ gìn tài liệu liên quan đến giá giao
dịch giúp người nộp thuế tránh được rủi ro và là bằng chứng khi cơ quan thuế kiểm tra.Vì vậy, người nộp thuế nên thực hiện đầy đủ chứng từ và lưu giữ sổ sách để chứng minh một cách thuyết phục trong chuyển giá, đồng thời thuận tiện cho việc kiểm tra thuế.
Chứng từ chuyển giá rất quan trọng đối với người nộp thuế, đặc biệt là ở những nước mà trách nhiệm chứng minh thuộc về người nộp thuế như ở Việt Nam. Ở các nước khác, chứng từ giúp người nộp thuế chứng minh với cơ quan thuế rằng giá giao dịch của họ phù hợp với ALP. Ở một số nước, nghĩa vụ chứng minh ban đầu thuộc về cơ quan thuế, nhưng nếu người nộp thuế không thực hiện đầy đủ chứng từ chuyển giá thì cơ quan thuế có quyền ấn định thuế đối với người nộp thuế; và sau đó nghĩa vụ chứng minh chuyển từ cơ quan thuế sang người nộp thuế. Ví dụ như ở Đức, nghĩa vụ chứng minh ban đầu thuộc về cơ quan thuế nhưng nếu người nộp thuế không thực hiện đầy đủ chứng từ chuyển giá thì cơ quan thuế sẽ ước định và điều chỉnh các thu nhập mà người nộp thuế kê khai dựa trên cơ sở mức thu nhập cao hơn. Chính vì vậy tất cả các chứng từ chứng minh chuyển giá rất quan trọng để bảo vệ người nộp thuế.
Cùng nhận định về vai trò của chứng từ chuyển giá, theo trưởng nhóm chuyên trách về dịch vụ tư vấn thuế quốc tế, chứng từ chuyển giá là rất quan trọng. Điều này đã được Ernst & Young làm sáng tỏ: theo điều tra của Ernst & Young từ 2007 đến 2008, chuyển giá tiếp tục là một loại thuế quốc tế mang lại lợi ích cho các tập đoàn đa quốc gia và 65% các công ty mẹ cho rằng chứng từ chuyển giá hiện tại được xem rất quan trọng so với 2 năm về trước. Hầu hết các doanh nghiệp trong cuộc điều tra đều cân nhắc để làm giảm rủi ro trong quá trình chuẩn bị chứng từ chuyển giá. Bởi vì về mặt pháp lý chứng từ chuyển giá là để chứng minh giá giao dịch sòng phẳng (giá thị trường), người nộp thuế cần tuân theo đầy đủ các quy định về chứng từ chuyển giá liên quan
đến việc xác định giá. Thậm chí nếu luật pháp không yêu cầu thì cũng rất có ích cho tập đoàn trong việc tập hợp và giữ gìn chứng từ có liên quan đến chính sách chuyển giá của tập đoàn. Làm như vậy người nộp thuế có thể tránh được những vấn đề tiềm tàng khi có kiểm tra chứng từ chuyển giá trong tương lai của cơ quan thuế, cụ thể là có thể tiếc kiệm rất nhiều thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, giúp hạn chế việc ấn định thuế, trùng thuế và các hình phạt có liên quan.
Cũng theo ý kiến của vị phụ trách này, việc kê khai các giao dịch liên kết là cơ sở để cơ quan thuế đánh giá rủi ro về định giá giao dịch sòng phẳng không hợp lý của doanh nghiệp. Do đó, việc kê khai đầy đủ, xác đáng có thể giảm bớt rủi ro nghi vấn từ phía cơ quan thuế. Kinh nghiệm tại nhiều nước khác của công ty tư vấn quốc tế này cho thấy, thường chưa thể có câu trả lời xác đáng trong phần kê khai về phương pháp định giá nếu doanh nghiệp chưa tiến hành phân tích xác định giá thị trường. Một phân tích như vậy về cơ bản bao gồm việc lựa chọn phương pháp xác định giá phù hợp nhất tùy thuộc theo điều kiện/hoàn cảnh cụ thể của doanh nghiệp, và phân tích kinh tế dựa trên cơ sở dữ liệu các giao dịch hoặc doanh nghiệp độc lập tương đương được tiến hành theo những tiêu chuẩn trong các quy định về xác định giá thị trường.
Theo quan sát của công ty tư vấn này, các công ty đa quốc gia thường tiến hành phân tích xác định giá thị trường toàn cầu, và chính sách xác định giá của các bên liên kết được xây dựng dựa trên phân tích đó được áp dụng cho các doanh nghiệp thành viên. Để đạt được hiệu quả kê khai theo yêu cầu trên, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nên yêu cầu sự hỗ trợ từ văn phòng quốc tế hoặc khu vực có trách nhiệm phối hợp cho việc tuân thủ trong xác định giá thị trường. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý rằng những việc này không thay thế công việc tuân thủ về xác định giá thị trường trong giao dịch liên kết tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp mà họ tư vấn chưa thực sự chú trọng việc tuân thủ các quy định của Thông tư bằng cách lập hồ sơ chuyển giá, đánh giá rủi ro chuyển giá, thực hiện phân tích chức năng doanh nghiệp, cũng như nghiên cứu, rà soát lại quy trình thực hiện chứng từ chuyển giá. Đa số những doanh nghiệp này đều thuê dịch vụ của các công ty tư vấn để thực hiện những công việc trên. Cho tới nay, hầu như ở tất cả các doanh nghiệp, bộ phận kế toán/tài chính đóng vai trò kiêm nhiệm trong việc tuân thủ các quy định về chuyển giá, doanh nghiệp chưa xây dựng được một đội ngũ chuyên gia riêng của mình.
Bảng 2.11: Một số dịch vụ chính mà công ty tư vấn đã cung cấp từ năm 2006 tới cuối năm nay
Dịch vụ
Kê khai mẫu GNC-01/TNDN cho cơ quan thuế về các giao dịch với bên liên kết trong năm Chuẩn bị hồ sơ chuyển giá
Đánh giá rủi ro về chuyển giá Hoạch định chính sách giá
Hỗ trợ phản biện với cơ quan thuế
Phân tích chức năng và tư vấn các vấn đề thuế liên quan Tư vấn các quy định về bên liên kết
Quản lý thuế toàn cầu Tìm hiểu thông tin chung
Nguồn: Tổng hợp từ dữ liệu của các chuyên gia được phỏng vấn
Theo ý kiến chung của cả hai ông, ở Việt Nam, việc tuân thủ Thông tư về chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chủ yếu chỉ mới dừng lại ở việc kê khai hàng năm các giao dịch với bên liên kết. Lý do là tập đoàn đã chuẩn bị sẵn những tài liệu liên quan ở nước ngoài và các doanh nghiệp đều tự cho rằng rủi ro về “chứng từ chuyển giá không hợp lý” của doanh nghiệp mình không cao.
Theo các chuyên gia, mức độ tuân thủ Thông tư về chuyển giá tại Việt Nam của doanh nghiệp còn tùy thuộc vào kinh nghiệm tuân thủ những quy định tương tự của tập đoàn. Những doanh nghiệp xuất xứ từ những quốc gia mà các quy định về chuyển giá đã đi vào khuôn khổ có xu hướng chú trọng nhiều hơn đến việc tuân thủ các quy định mới tại Việt Nam (ví dụ như Nhật Bản, Hàn Quốc…).
Ở những quốc gia mà các quy định về chuyển giá đã được thực thi trong một thời gian dài, cơ quan thuế có xu hướng tập trung kiểm soát những giao dịch phức tạp và các giao dịch vô hình. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Việt Nam sẽ tập trung kiểm tra trước tiên những giao dịch hữu hình như chuyển giá tài sản cố định, nguyên vật liệu và thành phẩm ở giai đoạn đầu.