- Mục đích của đánh giá trong giáo dục:
3.2.4. Nâng cao chất lượng đề thi
3.2.4.1. Mục tiêu của giải pháp
Giảng viên phải biên soạn đề thi một cách khoa học, vận dụng các phương pháp, kỹ thuật để thiết kế đề thi đảm bảo cho hoạt động kiểm tra – đánh giá đạt được mục tiêu đề ra.
Nội dung đề thi phải phản ánh được năng lực nhận thức cũng như kỹ năng thực hành của sinh viên ở mức độ cao để có thể vận dụng vào thực tế và đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
3.2.4.2. Nội dung của giải pháp
Ban giám hiệu chỉ đạo cho Hội đồng khoa học đào tạo phối hợp, triển khai cho Phòng Đào tạo, Phòng Khảo thí và các khoa, tổ bộ môn chuyên môn một số nội dung để nâng cao chất lượng đề thi như: nội dung kiểm tra - đánh giá, phương pháp kiểm tra – đánh giá; kỹ thuật ra đề thi.
* Về nội dung kiểm tra - đánh giá: phải kiểm tra - đánh giá theo mục
tiêu học tập của học phần; kiểm tra – đánh giá theo các bậc nhận thức, các bậc kỹ năng, kỹ xảo và các bậc năng lực tư duy mà người học phải đạt được đối với từng học phần cụ thể.
- Xây dựng mục tiêu học tập:
Xác định mục tiêu cụ thể cho từng môn học hay chương trình học là vô cùng quan trọng. Điều này có nghĩa là phải xác định những tiêu chí, kỹ năng, kiến thức người học cần đạt khi kết thúc chương trình đào tạo và sau đó xây dựng quy trình, công cụ đo lường nhằm đánh giá xem người học có đạt được các tiêu chí đó không.
Các công cụ đánh giá có hiệu quả phải giúp xác định được kết quả học tập ở mọi cấp độ nói trên để đưa ra một nhận định chính xác về năng lực của
người được đánh giá về chuyên môn liên quan.
- Các động từ hành động thường dùng để viết các mục tiêu nhận thức
Theo định nghĩa kết quả học tập chuyên biệt là những nội dung dùng để khảo sát, kiểm tra người học, nhưng xác định mục tiêu nhận thức cho nội dung học tập này thường khó khăn. Vì vậy nhiều chuyên gia đề nghị giảng viên khi soạn mục tiêu nên sử dụng các động từ ứng với từng mức độ nhận thức Bloom (tham khảo phụ lục 5).
* Về phương pháp kiểm tra – đánh giá: nắm vững các phương pháp,
kỹ thuật đánh giá kết quả học tập của sinh viên và cách áp dụng; kết hợp đánh giá truyền thống và đánh giá thực; vận dụng linh hoạt các phương pháp kiểm tra – đánh cho phù hợp với từng học phần.
- Các phương pháp kiểm tra – đánh giá như:
+ Đánh giá truyền thống: Theo tác giả Lâm Quang Thiệp [23], về cách thực hiện trắc nghiệm có thể phân chia các phương pháp trắc nghiệm ra làm ba loại lớn: loại quan sát, loại vấn đáp và loại viết. Trong đó, Giảng viên thường hay sử dụng loại viết để đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Trắc nghiệm viết lại được chia thành 2 nhóm chính: trắc nghiệm khách quan và trắc nghiệm tự luận.
Với Các bài thi dùng câu hỏi trắc nghiệm khách quan chỉ yêu cầu sinh viên chọn câu trả lời đúng trong 4 -5 phương án chọn (hoặc 1 vài hình thức khác như đúng – sai, điền khuyết, ghép đôi v.v.). Mặc dù các câu hỏi trắc nghiệm khách quan thường chỉ kiểm tra được các kỹ năng tư duy bậc thấp (tái hiện, vận dụng) song những người cổ vũ cho hình thức đánh giá này vẫn cho rằng các bài trắc nghiệm khách quan cũng có khả năng làm bộc lộ kỹ năng tư duy bậc cao của sinh viên. Ngoài ra, bài trắc nghiệm khách quan rất dễ chấm điểm một cách chính xác và khách quan, rất thuận lợi cho các giảng viên là những người luôn không có đủ thời gian.
Các bài trắc nghiệm tự luận cũng là hình thức đánh giá được dùng khá phổ biến. Câu hỏi tự luận cấu trúc yêu cầu sinh viên phải tự viết câu trả lời trong một giới hạn từ nhất định (câu trả lời ngắn hoặc bài luận ngắn - essay).
Hình thức kiểm tra - đánh giá bằng bài luận có một nhược điểm lớn là rất khó đánh giá và cho điểm một cách khách quan và công bằng.
+ Đánh giá thực (hay còn gọi là đánh giá sự thực hiện - performance assessment)
Đánh giá thực được thực hiện trong một quá trình trong đó giảng viên sử dụng bài thi hay một nhiệm vụ mà sinh viên phải hoàn thành để thu thập thông tin về cách thức mà họ thực hiện nhiệm vụ đó.
Đặc trưng của đánh giá thực là:
• Yêu cầu sinh viên phải kiến tạo 1 sản phẩm chứ không phải chọn hay viết ra 1 câu trả lời đúng.
• Đo lường cả quá trình và cả sản phẩm của quá trình đó.
• Trình bày 1 vấn đề thực - trong thế giới thực cho phép sinh viên bộc lộ khả năng vận dụng kiến thức vào tình huống thực tế.
• Cho phép sinh viên bộc lộ quá trình học tập và tư duy của họ thông qua việc thực hiện bài thi.
Đây chính là sự ưu việt của đánh giá thực, một hình thức đánh giá được cả mức độ nhận thức nội dung kiến thức cả về quá trình vận dụng kiến thức đó vào cuộc sống.
+ Kết hợp đánh giá truyền thống và đánh giá thực:
Đánh giá truyền thống và đánh giá thực không loại trừ nhau, mà ngược lại, bổ sung cho nhau nhằm đánh giá một cách toàn diện và chính xác nhất việc đạt mục tiêu của chương trình khoá học, môn học hay bài học.
Mục tiêu của chương trình khoá học, môn học hay bài học có thể ở nhiều lĩnh vực khác nhau (nhận thức, tình cảm, kỹ năng, năng lực v.v.) và cũng
không phải mục tiêu nào cũng yêu cầu sinh viên phải trình diễn năng lực vận dụng kiến thức hay kỹ năng. Thí dụ, mục tiêu của bài học chỉ là nắm vững kiến thức nào đó, thì một vài câu hỏi nhiều lựa chọn hoặc câu trả lời ngắn có thể đánh giá được mức độ đạt mục tiêu này. Nhưng để đánh giá năng lực hoàn thành một công việc, trình diễn 1 kỹ năng như hoàn thành 1 sản phẩm, kết thúc 1 quá trình, phát triển 1 hệ thống, giải quyết 1 vấn đề, trình bày 1 vấn đề, soạn thảo 1 báo cáo, vận hành 1 cỗ máy v.v. thì đánh giá thực là lựa chọn tối ưu của các giảng viên.
* Về kỹ thuật ra đề kiểm tra, đề thi: Kỹ thuật ra đề kiểm tra, đề thi tự
luận, đề trắc nghiệm và cách kết hợp hợp lý hình thức tự luận với hình thức trắc nghiệm cho phù hợp với nội dung kiểm tra và đặc trưng học phần; xây dựng ma trận đề thi; sử dụng kỹ thuật đánh giá thực.
Để biên soạn đề kiểm tra, đề thi cần thực hiện theo quy trình sau:
Bước 1.Xác định mục đích của đề kiểm tra, đề thi
Đề kiểm tra, đề thi là một công cụ dùng để đánh giá kết quả học tập của sinh viên sau khi học xong một chủ đề, một chương, một học kì, một lớp hay một cấp học nên người biên soạn đề kiểm tra, đề thi cần căn cứ vào mục đích yêu cầu cụ thể của việc kiểm tra, căn cứ chuẩn kiến thức – kỹ năng của chương trình và thực tế học tập của sinh viên để xây dựng mục đích của đề kiểm tra, đề thi cho phù hợp.
Bước 2. Xác định hình thức đề kiểm tra, đề thi
Đề kiểm tra, đề thi (viết) có các hình thức sau: - Đề kiểm tra, đề thi tự luận;
- Đề kiểm tra, đề thi trắc nghiệm khách quan;
- Đề kiểm tra, đề thi kết hợp cả hai hình thức trên: có cả câu hỏi dạng tự luận và câu hỏi dạng trắc nghiệm khách quan.
Ngoài ra còn có đề kiểm tra, đề thi dưới dạng đồ án, báo cáo, tiểu luận, bài tập lớn, thực hành tay nghề ...
Mỗi hình thức đều có ưu điểm và hạn chế riêng nên cần kết hợp một cách hợp lý các hình thức sao cho phù hợp với nội dung kiểm tra và đặc trưng môn học để nâng cao hiệu quả, tạo điều kiện để đánh giá kết quả học tập của sinh viên chính xác hơn.
Bước 3. Thiết lập ma trận đề kiểm tra, đề thi (bảng mô tả tiêu chí của đề kiểm tra, đề thi)
Lập một bảng có hai chiều, một chiều là nội dung hay mạch kiến thức, kỹ năng chính cần đánh giá, một chiều là các cấp độ nhận thức của sinh viên theo các cấp độ: nhận biết, thông hiểu và vận dụng (gồm có vận dụng ở cấp độ thấp và vận dụng ở cấp độ cao).
Trong mỗi ô là chuẩn kiến thức kỹ năng chương trình cần đánh giá, tỉ lệ % số điểm, số lượng câu hỏi và tổng số điểm của các câu hỏi.
Số lượng câu hỏi của từng ô phụ thuộc vào mức độ quan trọng của mỗi chuẩn cần đánh giá, lượng thời gian làm bài kiểm tra, bài thi và trọng số điểm quy định cho từng mạch kiến thức, từng cấp độ nhận thức (xem phụ lục 3).
Bước 4.Biên soạn câu hỏi theo ma trận
Việc biên soạn câu hỏi theo ma trận cần đảm bảo nguyên tắc: loại câu hỏi, số câu hỏi và nội dung câu hỏi do ma trận đề quy định, mỗi câu hỏi trắc nghiệm khách quan chỉ kiểm tra một chuẩn hoặc một vấn đề, khái niệm.
Để các câu hỏi biên soạn đạt chất lượng tốt, cần biên soạn câu hỏi thoả mãn các yêu cầu sau: (ở đây trình bày 2 loại câu hỏi thường dùng nhiều trong các đề kiểm tra, đề thi)
- Các yêu cầu đối với câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn
2) Câu hỏi phải phù hợp với các tiêu chí ra đề kiểm tra về mặt trình bày và số điểm tương ứng;
3) Câu dẫn phải đặt ra câu hỏi trực tiếp hoặc một vấn đề cụ thể;
4) Không nên trích dẫn nguyên văn những câu có sẵn trong giáo trình; 5) Từ ngữ, cấu trúc của câu hỏi phải rõ ràng và dễ hiểu đối với mọi sinh viên;
6) Mỗi phương án nhiễu phải hợp lý đối với những sinh viên không nắm vững kiến thức;
7) Mỗi phương án sai nên xây dựng dựa trên các lỗi hay nhận thức sai lệch của sinh viên;
8) Đáp án đúng của câu hỏi này phải độc lập với đáp án đúng của các câu hỏi khác trong bài kiểm tra;
9) Phần lựa chọn phải thống nhất và phù hợp với nội dung của câu dẫn; 10) Mỗi câu hỏi chỉ có một đáp án đúng, chính xác nhất;
11) Không đưa ra phương án “Tất cả các đáp án trên đều đúng” hoặc “không có phương án nào đúng”.