V. Kết cấu của luận văn
2.2.1. Về cốt truyện
Cốt truyện là một yếu tố đặc biệt quan trọng trong tác phẩm tự sự thể hiện tài năng, phong cách và quan điểm nghệ thuật của mỗi nhà văn. Có nhiều cách
định nghĩa khác nhau về cốt truyện. Theo Từ điển thuật ngữ văn học, cốt truyện là “hệ thống sự kiện cụ thể được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành một bộ phận cơ bản, quan trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm văn học thuộc loại hình tự sự và kịch”[41]. Các nhà lí luận văn học thì cho rằng : “trên một phương diện nhất định, cốt truyện là một yếu tố tạo nên hình thức của tác phẩm”[61]. Ngoài ra cũng có quan niệm coi cốt truyện là toàn
bộ các biến cố, sự kiện được nhà văn kể ra, là cái mà người đọc có thể đem kể lại. Trên cơ sở những định nghĩa về “cốt truyện” xưa nay, ta có thể rút ra những vấn đề quan trọng nhất của nghệ thuật xây dựng cốt truyện là hệ thống sự kiện và kỹ thuật tổ chức sắp xếp hệ thống sự kiện ấy. Một cốt truyện truyền thống thông thường bao gồm các phần : khai đoạn, phát triển, đỉnh điểm và kết thúc. Tuy
nhiên ở mỗi giai đoạn, mỗi tác giả và có khi cả mỗi tác phẩm lại có những thủ pháp kết cấu cốt truyện riêng. Đỗ Chu đã có ý thức tiếp cận với lối viết hiện đại. Hơn nữa, ông lại là người rất hiểu nghề báo chí, cho nên ông đã chọn cho mình một hướng đi riêng trong việc xây dựng cốt truyện. Và đó cũng là một trong những đặc sắc của văn xuôi Đỗ Chu.
2.2.1.1.Cốt truyện thường chú ý đến các tình tiết sự kiện bên trong và khó kể lại.
Là cây bút có thiên hướng nghiêng về kiểu văn xuôi trữ tình, khi bàn về
vấn đề cốt truyện trong một bài báo Đỗ Chu đã từng tâm sự “với tôi thường cốt truyện không thành vấn đề lắm”, “mỗi truyện là một mảnh của sự phân thân”[30]. Nên khi xây dựng tác phẩm Đỗ Chu ít chú ý đến các sự kiện biến cố
bên ngoài, mà chủ yếu quan tâm tới những biến cố bên trong, những suy nghĩ, tâm tư của nhân vật, những liên tưởng của họ trước những sự kiện, những hồi ức. Hay nói cách khác nhà văn sử dụng những chi tiết, sự kiện biến cố bên ngoài làm cái cớ đến để cho nhân vật phô diễn thế giới nội tâm của mình. Một chiều tạm
dừng trên đường hành quân qua nhà (Đường qua nhà), một ngày trở lại nhập ngũ của anh Nham (Phù sa), một trò chơi tinh nghịch của trẻ thơ (Thung lũng cò)…,
tất cả những sự kiện đó tưởng chừng như không có gì đáng nói nhưng dưới ngòi bút của Đỗ Chu đều biến thành đầu mối của những truyện ngắn trữ tình súc tích. Chú ý tới những biến cố sự kiện bên trong, nên truyện của Đỗ Chu rất khó kể lại, không có lập ý, thắt nút, mở nút. Muốn thưởng thức được phải đọc cả truyện, ngẫm nghĩ từng câu từng chữ, vui buồn cùng với nhân vật và tác giả. Với những ai thường ưa thích được quên mình trong những tình tiết lắt léo, đầy kịch tính của các tác phẩm văn học- nhất là những người sùng bái truyện trinh thám- chắc hẳn sẽ cảm thấy không hài lòng lắm khi đọc truyện của Đỗ Chu. Sáng tác
truyện ngắn, Đỗ Chu hoàn toàn không để phần tâm lực chủ yếu vào việc xây dựng những tình huống hấp dẫn, những diễn biến éo le của cuộc đời nhân vật, mà
chỉ từ những cái rất đời thường, nhà văn đã xây dựng kiểu “truyện không có chuyện”. Đọc xong Mùa cá bột, Thung lũng cò, Phù sa, Đường qua nhà, Tâm sự người ở lại, Lão Mai, Mưa tạnh,…thật khó lòng có thể tóm tắt được nội dung của
câu chuyện. Trong cuộc sống, không phải bất cứ một sự kiện nào cũng là trọng đại và không phải bất cứ con người nào cũng là những anh hùng. Cuộc sống vốn giản dị và Đỗ Chu thường viết về những việc thông thường, nhiều khi nhỏ nhặt với những chất liệu hết sức dung dị. Đó không phải là những tình huống cô đặc, chói sáng để tạo nên những bùng nổ giàu kịch tính mà đơn giản chỉ là những lát cắt, những khoảnh khắc của cảm xúc và tâm trạng nhưng lại ẩn chứa một thế giới tinh thần phong phú. ở Đỗ Chu, tính chất phi cốt truyện được thể hiện ở phương cách làm mờ đi tầm quan trọng của biến cố trong cấu trúc tác phẩm khi nó xuất hiện cũng như kết quả mà biến cố đưa lại. Trong những truyện ngắn này, biến cố không còn vẻ của biến cố và những xung đột, những mâu thuẫn cũng thường không mang chức năng khái quát các mâu thuẫn của đời sống mà chỉ làm cơ sở, làm cớ để tạo không khí, bối cảnh cho cảm giác được nảy sinh, cho nhân vật được phô diễn thế giới nội tâm phong phú của mình.
Với kiểu “truyện không có chuyện” hay tự sự phi cốt truyện này, trong khi
xem nhẹ hệ thống các biến cố sự kiện của một cốt truyện sắc nhọn, giàu kịch tính mà cốt tạo một ấn tượng, một cảm xúc, nhà văn không chỉ trình bày, tiếp cận một cách khách quan bức tranh của đời sống mà còn chú trọng đi sâu vào nội tâm và bộc lộ, giãi bày những suy ngẫm, những rung cảm trước cuộc sống. Bởi vậy nhiều truyện của Đỗ Chu đẹp man mác như một bài thơ bằng văn xuôi. Đó là những truyện ngắn thật khó tóm tắt, mà nếu ai đó đánh bạo làm cái việc không cần thiết đó, hoặc là sẽ bất lực, hoặc là sẽ tạo ra một câu chuyện dài hơn và tất
nhiên cũng sẽ dở hơn so với nguyên tác. Làm sao có thể kể được cảnh “dòng sông phù sa đỏ ngầu nước sủi bọt chảy về xuôi vội vã”, cảnh Khang đi họp về “cởi khuy áo ngực để hứng gió thổi từ sông lên, gió mang mùi lá đay quen thuộc thật dễ chịu”, cảnh những “ánh đèn dầu trong các lều cá”, những “tiếng nước xói vào bờ, tiếng những tảng phù sa đổ ụp xuống mặt sông nghe mơ hồ xa lạ”…(Mùa cá bột), hay hình ảnh cơn mưa- như một nhân vật có hồn, một người bạn vô hình của “Anh” (Mưa tạnh)…mà không đánh mất ít nhiều cái hay cái đẹp
ở trong đó.
Trước Đỗ Chu, đã có nhiều cây bút văn xuôi trữ tình rất thành công ở kiểu
“truyện không có chuyện” như : Thanh Tịnh, Xuân Diệu, Hồ Dzếnh….đặc biệt là
Thạch Lam. Bởi vậy, đây không phải là phát minh mới của Đỗ Chu. Tuy nhiên,
để những tác phẩm của mình có thể đứng được, không sa vào tình trạng chết yểu,
vô vị cũng như góp được tiếng nói riêng. Tạo nên sự phong phú, đa dạng cho kiểu loại văn xuôi trữ tình này, cả Thạch Lam và Đỗ Chu đều có những thành công
nhất định. Có điều, cây bút “Tự lực văn đoàn” thường chọn khung cảnh phố
huyện nghèo, rất gần với phố huyện Cẩm Giàng, nơi nhà văn đã từng sống, từng
gắn bó (Hai đứa trẻ), hay những khoảnh khắc giao thời lúc “Gió lạnh đầu mùa” về, “Tối ba mươi” tết đến…làm nền cảnh. Còn nhà văn xứ Kinh Bắc, để khơi gợi
tâm trạng đã tạo ra được một “không khí” quán xuyến toàn tác phẩm bằng cách
đưa vào truyện những chi tiết chân thực, chính xác đáp ứng yêu cầu “phản ánh chân thực hiện thực cuộc sống” của nghệ thuật. Đỗ Chu thường tìm đến những
chi tiết chân thực, giàu sức sống, vừa lấp lánh tinh thần thời đại, vừa đậm đà phong vị quê hương để khơi gợi tâm trạng của nhân vật. Chẳng phải tốn nhiều giấy mực như một người vẽ kí hoạ, chỉ bằng vài nét đơn sơ, ông đã để lại cho người đọc một hình ảnh thật đẹp về bà cụ Thảo, một bà mẹ nghèo, một bà mẹ nông dân Việt Nam mộc mạc, chân tình. Người đọc sẽ nhớ mãi cảnh mẹ Thảo
tiếp các anh bộ đội tạm ở lại nhà mình : “Gọi là đồng rừng đãi các anh”, bên “bếp lửa bập bùng hắt ánh sáng lê mái tóc bạc trắng của bà”…(Chân trời). Hình
ảnh đó khiến ta liên tưởng tới hình ảnh của bà mẹ Kinh Bắc trước cảnh bộ đội về
làng trong Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm : “Khuôn mặt bừng lên như dựng trăng”…Tất cả đều gợi nên vẻ đẹp trong mối quan hệ gắn bó của tình quân dân
như cá với nước. Cũng chỉ bằng vài nét phác hoạ, với những chi tiết chân thực,
giàu sức sống trong Gia đình những người đi xa Đỗ Chu đã vẽ nên hình ảnh cô
Nịch, người con gái làng Xuyên tài hoa, rất mực cứng cỏi, đảm đang, yêu chồng thương con. Khi nghe tin chồng đột ngột lên đường tòng quân, cô đã dắt con chạy ra bờ sông nhưng anh đã đi từ rất lâu rồi, từ một bến sông khác. Chi tiết đó tưởng chừng như không có gì đáng nói nhưng dường như đó là cuộc sống đã được đúc thành tượng, biết bao hy vọng chan chứa tình yêu thương đến nhói buốt trong
cái cảnh một người mẹ trẻ dắt con ra bờ sông đứng ngóng ấy, chẳng khác gì nàng Tô Thị giữa đời thường mà không dễ gì người đọc có thể quên ngay được…
Khắc hoạ nên những nhân vật chân thực, Đỗ Chu đã đặt nhân vật đó vào những môi trường sống cũng không kém phần chân thật. Đó là cảnh cánh đồng
làng sau cơn mưa rào đêm qua với tiếng “ếch khắp đồng gọi nhau ran ran. Tiếng người gọi nhau cũng ran ran. Tiếng con gái cười như nắc nẻ, như chuông rung, con trai thì khì khì, khùng khạc”(Người của muôn năm trước), hình ảnh núi Voi
đẹp đẽ của tuổi thơ với những cụm cỏ mật đằm thắm hương thơm, những hòn đá
cuội trắng muốt khi đập vào nhau toả mùi thơm như mùi mật ong cháy (Hương cỏ mật) , cảnh làm ăn hối hả của con thuyền thúng hớt bột nhẹ nhàng lướt trên mặt sông dưới trời mưa như trút nước (Mùa cá bột) , cảnh cụ Nịch ung dung điều khiển những con cốc điêu luyện bắt cá trong đầm (Gia đình những người đi xa),
hay vòm trời thu trên sông Cầu, vòm trời lên cao nhẹ nhõm như một màu xanh
không có chuyện thì ở thể loại tuỳ bút cũng vậy. Xuyên suốt tuỳ bút Thăm thẳm bóng người, là chiều dài lịch sử của dân tộc, của những đời người, của những thân
phận vinh quang có, cay đắng có, nổi danh có, âm thầm có… nói chung là tất cả
những cái sơ giản của cuộc sống một con người. Hay trong tuỳ bút Tản mạn trước đèn , Đỗ Chu đề cập đến những vấn đề thực tại trong cuộc sống như : cái khắc nghiệt của miền Trung qua Cát nóng, cuộc thăm viếng lại Điện Biên của các nhà văn cựu chiến binh xưa (Trời Điện Biên mây trắng), kỉ niệm, hoài niệm
về các văn nghệ sĩ trong làng văn Nguyễn Khải, Mai Ngữ, Văn Cao… Những chi
tiết nghệ thuật ấy đã tạo nên luồng sinh khí cho những “ truyện không có chuyện”, đáp ứng được yêu cầu phản ánh hiện thực cuộc sống một cách chân
thực, sinh động thể hiện được ý thức trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp của nhà văn.
Như vậy, việc xem nhẹ những biến cố và hành động bên ngoài để tập trung cao độ cho việc miêu tả, thể hiện các động thái tâm lí, cảm xúc, cảm giác…. trong thế giới tâm hồn phong phú của con người là một đặc điểm cơ bản chi phối cách dựng và kể chuyện ở truyện ngắn và tuỳ bút của Đỗ Chu. Cái đó đã làm nên nét riêng, thành công lớn cho nhà văn.