Ngôn từ trong trẻo, giàu chất thơ

Một phần của tài liệu Phong cách văn xuôi Đỗ Chu (Trang 92)

V. Kết cấu của luận văn

3.1.1. Ngôn từ trong trẻo, giàu chất thơ

Cái “chất thơ” và sự “trong trẻo” trong ngôn từ của Đỗ Chu được thể hiện rất rõ qua các truyện ngắn : Hương cỏ mật, Mùa cá bột, Chiến sĩ quân bưu, Đường qua nhà, Phù sa…và các tuỳ bút : Tản mạn trước đèn, Thăm thẳm bóng người. Không ít nhà nghiên cứu, phê bình và đồng nghiệp đều cho rằng những truyện ngắn của Đỗ Chu “đẹp như thơ, tươi rói như anh tân binh mới nhận quân phục, được cả làng văn và bạn đọc hồ hởi đón nhận, chằm bặm” [74], là những “bài thơ bằng văn xuôi” đã “đi rất ngọt vào lòng người đọc”. Bởi ở đó “cái duyên ở câu văn, cách bố trí khi dài, khi ngắn, âm điệu bằng trắc thế nào, Đỗ

Chu gần như có được từ bản năng” [65]. ở đó,các chi tiết, sự kiện, nhân

vật,…đều được nhà văn tái hiện bằng một hệ thống ngôn từ đậm chất trữ tình, vừa có nhịp điệu uyển chuyển, vừa giàu sức gợi hình, gợi cảm, rất gần với ngôn ngữ thơ.

Ngôn từ giàu chất thơ của Đỗ Chu có thể dễ dàng tìm thấy qua những bức tranh phong cảnh đầy màu sắc, âm thanh, những biến thái tinh vi trong nội tâm nhân vật, hay những đoạn miêu tả những sinh hoạt văn hoá truyền thống của làng quê Việt Nam.

Phát hiện và miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên không phải lãnh địa riêng của Đỗ Chu. Nhưng thiên nhiên đi vào những sáng tác của Đỗ Chu vẫn có cái bồi hồi, tươi mới riêng, có sức hấp dẫn riêng. Nó như một đối tượng thẩm mĩ nhằm biểu lộ sự hoà hợp giữa con người với thiên nhiên, giữa nội tâm và ngoại giới, giữa tình và cảnh và trở thành một thứ thuốc hiện hình của tâm hồn con người. Nhà văn đã qua thiên nhiên mà bộc lộ các sắc thái tâm lí, tình cảm của nhân vật trữ tình. Bởi vậy, thiên nhiên trong tác phẩm của Đỗ Chu như có linh hồn và khơi gợi những xúc cảm thẩm mĩ tinh tế trong lòng người đọc, tạo ra chất thơ dịu ngọt cho

những trang văn xuôi của mình. Đỗ Chu đã phát hiện ra cái làn “hương cỏ mật”

của đồng nội, cũng là làn hương dịu ngọt của đời thường và tạo nên một thứ men lạ trong các sáng tác văn xuôi thời ấy. Cảm quan thiên nhiên của nhà văn cũng được thể hiện ở việc dùng màu sắc hết sức tinh tế. Ông đã như một hoạ sĩ tài năng trong việc pha trộn màu sắc, tạo nên một không gian nghệ thuật hết sức kì

thú trong xúc cảm của người đọc. Đó là những cơn mưa mà cơn mưa trong Mùa cá bột là một minh chứng điển hình : “Mờ sáng thì trời đổ mưa rào. Cơn mưa kéo từ bờ bên kia sang. Những tia chớp làm quang cả bầu trời, mây hiện lên lộng lẫy như những bức tranh sơn mài. Gió quất mưa ầm ĩ trên mặt sông..”. Ông cũng

tỏ ra có sở trường trong việc nắm bắt và miêu tả vẻ đẹp kì diệu của thiên nhiên

trong ngững khoảnh khắc giao thời. Đó là bức tranh chuyển mùa khi “mùa xuân đến nhưng mùa đông chưa chịu rút lui. Hao lau còn nở trắng trên các sườn núi xa xa...Trời trong trẻo và xanh nhè nhẹ...Rừng đang trút lá, từng mảng màu vàng lục, xanh sẫm và đỏ ối đan vào nhau hài hoà đến nỗi khiến ta không khỏi kinh ngạc trước sự làm dáng của thiên nhiên” (Người và quặng). Có khi là lúc chiều tà chạng vạng “khi đoàn xe chúng tôi rời khỏi những cánh rừng trú quân nối đuôi nhau chạy ra, nhìn về phía chân trời, tôi thường thấy một dải mây đang nhuộm đỏ trong ráng chiều...”, “Bấy giờ trên mặt đất, ráng chiều như một nỗi nhớ, loé

lên nhấp nhánh nơi đầu núi, nhuốm hồng những dải mây đang trôi bảng lảng và làm ửng lên khuôn mặt của mỗi người” ( Ráng đỏ), là “những buổi chiều mùa hạ có mây trắng xô đuổi trên cao. Nền trời xanh vời vợi. Con chim sơn ca cất lên tiếng hót tự do, tha thiết đến nỗi khiến ta cũng phải ao ước giá mình có một đôi cánh. Trải khắp cánh đồng là nắng chiều vàng dịu và thơm hơi đất, là gió đưa thoang thoảng hương lúa đang ngậm đòng và hương sen...” (Bồng chanh đỏ). Có lúc là một buổi sớm mùa xuân sau tối ba mươi, Nhưỡng cảm thấy “sương vẫn còn rất dày cuộn lên như khói ngoài vùng hồ, nhưng trong những vùng hồ đã thấy thấp thoáng những vạt hoa lấm tấm lửa” (Cánh đồng không có chân trời)... Ngôn từ trong những đoạn văn ấy quả là như “có nhung, có tuyết” khiến người đọc

không chỉ cảm thấy những biến thái tinh vi của thiên nhiên tạo vật, mà còn như

được tận mắt chứng kiến “những bức tranh sơn mài” bằng ngôn từ lung linh ánh

sắc, được tạo bởi sự hoà phối hình ảnh, màu sắc, âm thanh, nhịp điệu cùng với những liên tưởng so sánh giàu sức gợi theo quy luật của cái đẹp. Bởi vậy, nó lưu giữ mãi trong tâm hồn người đọc như những câu thơ bằng văn xuôi mà không phải nhà văn nào cũng dễ dàng có được.

Đọng lại nhiều hơn trên những trang viết của Đỗ Chu về thiên nhiên cảnh vật là những hình ảnh cánh đồng, dòng sông, cơn mưa, luỹ tre, mái đình, cổng làng, chiếc sân gạch. Âm thanh, màu sắc, hương vị tràn ngập trên những trang văn của Đỗ Chu. Từ những vang vọng của đời, những âm thanh thường nhật của cuộc sống như tiếng sóng biển, tiếng của vô số các loài chim, tiếng mưa trên mái lá, tiếng dế kêu, những sắc màu của sự sống, màu xanh của nụ non, màu vàng của nắng, màu lam tím của biển đến những hương vị đặc trưng không dễ gì quên

được như thứ “nhựa thông say nồng”, thứ hương dìu dịu của loài cỏ mật, mùi

tanh mặn của muối, mùi lá đay, mùi cay cay của khói cỏ, mùi hương mộc mạc của hoa bưởi, mùi hương ngọc lan,...Tất cả đều đầy sức gợi. Nó bắt nguồn từ một

tình yêu thiên nhiên sâu sắc và một tâm hồn nghệ sĩ tinh tế, nhạy cảm. Đồng thời chính sự tinh tế, tâm hồn nhạy cảm với những biến thái đó mà Đỗ Chu đã có được những trang viết mang cảm quan độc đáo của người viết cùng với sự thăng hoa trong nghệ thuật đã tạo nên đặc trưng của một phong cách.

Một sự liên tưởng, một sự cảm nhận tinh tế của người lính cao xạ trong

đêm: “Đêm vắng. Dưới lòng khe rạo rực tiếng một con mang tác. Con mang cái. Tháng hai rồi. Cỏ non đã trải trên những vườn non xa xa. Đó là những mầm tranh bỗng một đêm bật dậy, lấp ló. Mặt đất bừng sáng trong cái màu sinh sôi ấy của cỏ. Và nắng cũng một màu vàng lục, cứ tràn lên. Con mang kia một sớm mai ra khỏi rừng, tìm đến bãi trống mải mê gặm cỏ. Mùa xuân đã kích động ở nó nỗi khát khao sinh nở” (Khoảng xanh). Hay một nỗi nhớ về những kỉ niệm tuổi thơ trên cánh đồng làng “Ôi cái cánh đồng làng và lũ bạn bè cùng lứa, những đàn trâu bò thả rông sau ngày gặt hái, những củ khoai lùi, những nắm thóc nếp rang, những con trâu giái nổi cơn ghen lao vào quần nhau. Và những âm thanh làm sinh động cả cánh đồng : Tiếng bê con nũng nịu gọi mẹ, tiếng nghé ngẩn ngơ gọi đàn, tiếng hai đứa con gái tranh nhau một đám cỏ, chí choé như tiếng sáo sậu mổ nhau” (Một vùng phía Bắc). Cũng vậy, trong tuỳ bút Thăm thẳm bóng người là một cảm nhận tinh tế về cảnh vật “Không thiếu những loài hoa vớ vẩn đang bò lan khắp bờ rào bờ giậu nhà ta. Những dây hoa mỏng manh yếu đuối tự trình bày thân phận của mình một cách kín đáo bằng những chùm hoa nhỏ li ti, màu sắc âm thầm càng nhìn càng dễ ưa. Chúng có hương thơm không thì chỉ gió mới biết, những loài hoa dại khó lòng đã có hương thơm, nhưng sao vẫn thấy có đàn bướm bay lên đậu xuống, bướm hoa hoa bướm, hoa bướm lẫn lộn khiến rặng rào xao động hẳn lên”. “Nơi ấy sen súng mới nhiều làm sao, chúng mọc bát ngát khắp cánh đồng, đang là mùa hoa, sen nở trắng hồng, còn súng thì tím đỏ, đỏ như máu như lửa” ( Tản mạn trước đèn)…Tất cả đều là những đoạn văn giàu sức gợi hình,

gợi cảm và đậm chất trữ tình mang đậm phong cách ngôn ngữ Đỗ Chu. Mặt khác chúng ta cũng thấy chất trữ tình trong văn xuôi Đỗ Chu xuất hiện ngay từ nhan đề của tác phẩm, tạo ấn tượng sâu sắc cho người đọc ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Như các nhan đề : Ráng đỏ, Mận trắng, Gió qua thung lũng, Hương cỏ mật,…Rồi đến các từ được dùng để miêu tả như : “cô cò lửa duyên dáng”, “đôi cánh mỏng như được rát vàng trong ánh hoàng hôn”(Thung lũng cò),…

Như vậy, từ nhan đề đến các đoạn văn được kể, tả trong tác phẩm, Đỗ Chu

đều sử dụng một lớp ngôn từ gợi hình, gợi cảm và đậm chất thơ.

Một phần của tài liệu Phong cách văn xuôi Đỗ Chu (Trang 92)