8. Bố cục luận văn
3.4. Một số nhận xét về quá trình hoạt động cách mạng của Tôn Trung Sơn
Trung Sơn
Để thực hiện mục tiêu và sự nghiệp cách mạng của mình, Tôn Trung Sơn không chỉ thực hiện ở nội bộ trong nước mà ông còn hướng đến bộ phận người Hoa và Hoa kiều ở nước ngoài, trong đó có Hoa kiều và lưu học sinh ở Nhật Bản. Nói về quá trình hoạt động sự nghiệp cách mạng của Tôn Trung Sơn có những điểm nhận xét sau:
1. Kiên trì cách mạng, phấn đấu hi sinh cả cuộc đời mình vì lợi ích dân tộc. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Tôn Trung Sơn đã biết bao lần gặp phải trắc trở, gian nan và thất bại, thế nhưng với một niềm tin vững chắc vào thắng lợi cách mạng, ông chưa khi nào nản lòng, mà càng khó khăn, càng dũng cảm, càng thất bại càng cố gắng vươn lên.
Năm 1895 Tôn Trung Sơn phát động cuộc khởi nghĩa Quảng Châu, đây là cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên thời kỳ Hưng Trung Hội. Do ở Trung Quốc lúc bấy giờ “hào khí cách mạng còn mịt mờ”, “người hưởng ứng đi theo còn ít ỏi”, cuộc khởi nghĩa sớm đi vào thất bại. Thế nhưng tiếng vang của nó
đã gây sự chú ý của hàng triệu con người, nó thông báo đây là con đường duy nhất để cứu vãn dân tộc Trung Hoa, nó dấy lên một hồi chuông báo động ngày tận thế của triều đình Mãn Thanh thối nát. Sau thất bại của khởi nghĩa Quảng Châu, Tôn Trung Sơn sang tị nạn ở Nhật Bản. Từ năm 1897 đến năm 1924, Tôn Trung Sơn nhiều lần sang Nhật Bản hoạt động cách mạng, và thành lập các tổ chức cách mạng như: Phân hội Hưng Trung Hội, Đồng Minh Hội, cải tổ Quốc Dân Đảng thành Đảng cách mạng Trung Hoa. Chỉ trong vòng 1 năm từ tháng 5 tháng 1907 đến tháng 5 năm 1908, Tôn Trung Sơn đã liên tục phát động 6 lần khởi nghĩa tại các vùng miền biên giới thuộc 3 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam. Đến tháng 10 năm 1911 trước cuộc khởi nghĩa Vũ Xương, Đảng cách mạng đã tiến hành hơn 10 lần khởi nghĩa lớn nhỏ.
Chính Tôn Trung Sơn đã đơn phương độc mã, chiến đấu quên mình hòng cứu vớt chính thể cộng hòa đang bị bọn quan liêu chà đạp dày xéo. Trong bối cảnh đó, cách mạng Tháng Mười Nga đã bùng nổ và Đảng cộng sản Trung Quốc thành lập. Những sự kiện to lớn ấy đã thúc đẩy Tôn Trung Sơn tiến hành cuộc cải tổ Quốc Dân Đảng, giương cao ngọn cờ “chủ nghĩa Tam dân mới” nhằm tạo ra một cục diện mới cho cách mạng, đập tan âm mưu lật đổ chủ nghĩa đế quốc trấn áp bọn thương đoàn phản động…
2. Cuộc đời Tôn Trung Sơn là cuộc đời phấn đấu kiên cường bất khuất cho sự nghiệp của nhân dân Trung Quốc. Đúng như Lỗ Tấn đã từng nhận xét “Ông mãi mãi là một nhà cách mạng toàn diện, bất kể một việc gì mà ông làm đều vì cách mạng cả” [Dẫn theo 25; tr. 68].
Báo Takachi Nhật Bản có những bài viết ca ngợi và đánh giá cao về Tôn Trung Sơn: Tiên sinh có công lớn nhất cho đất nước Trung Quốc. Tôn tiên sinh là người sáng lập Trung Hoa Dân quốc, ý chí kiên cường không ngừng của Người đáng để mọi người khâm phục, cách mạng Trung Quốc thành công, tuy công không phải một mình tiên sinh nhưng tiên sinh mới là
người lãnh đạo đầu tiên lật đổ chính quyền Mãn Thanh. Khi thành lập Chính phủ lâm thời Nam Kinh đã bầu tiên sinh làm Tổng thống đầu tiên, tiên sinh thật là xứng đáng. Khi tiên sinh đương nhiệm, quân phiệt Bắc Dương ra sức nói xấu chê trách, trước khó khăn thời cuộc, họ không hề tỏ ra đồng tình với tiên sinh.
Tôn Trung Sơn tiên sinh vị Tổng thống Trung Quốc đầu tiên sáng lập sự nghiệp cách mạng là người có công lớn, lịch sử ghi công ông. Trước tiên sinh có nhiều người muốn xây dựng sự nghiệp đất nước, nhưng không có người nào tin tưởng sâu sắc vào sự nghiệp của mình có thể thành công như ông.
Tôn Trung Sơn là người bạn thân thiết với Nhật Bản, lại là người được lòng nhân dân trong nước. Nhật Bản cần phải hết sức chiêu đãi vĩ nhân. Tôn tiên sinh là người đầu tiên đưa ra chính sách Trung - Nhật thân thiện lẫn nhau để phục hưng châu Á [30; tr. 299 - 300].
Tôn Trung Sơn đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp lật đổ vương triều nhà Thanh bằng một cuộc cách mạng chính trị để thay đổi cả dân tộc Trung Hoa. Những người cách mạng dưới sự lãnh đạo của ông đã đồng cảm giương cao bó đuốc cách mạng dân tộc hăng hái tiến lên trong hoàn cảnh bóng đêm đang bao trùm Trung Quốc. Họ ra sức hô hào, kêu gọi dân chúng vùng lên lật đổ Chính phủ Mãn Thanh bán nước và thối nát, xây dựng ở Trung Quốc một nhà nước dân chủ cộng hòa theo kiểu phương Tây. Họ khẳng định chỉ cần mục tiêu đó được thực hiện thì Trung Quốc sẽ bước lên con đường thênh thang đầy ánh sáng. Lời hứa hẹn đó đã thổi bùng lên ngọn lửa hi vọng mới trong lòng dân chúng và đặc biệt là những người của phái dân chủ tư sản Trung Quốc đang chìm trong nỗi tuyệt vọng.
3. Tiếp thu và vận dụng sáng tạo, linh hoạt những thành tựu của cách mạng tư sản phương Tây. Trong những sự kiện cách mạng xảy ra trên Thế
giới trước cách mạng Tân Hợi được Tôn Trung Sơn tán thưởng, nhất là cuộc chiến tranh giành độc lập ở Mỹ và cuộc Đại cách mạng Pháp (1789). Ông cho rằng hai cuộc cách mạng ấy và những cuộc cách mạng trong suốt hơn 100 năm từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX, đều nhằm lấy chính quyền đó là “thời đại giành giật giữa quân quyền và dân quyền”. Tư tưởng dân quyền là cơ sở tư tưởng chính trị của Tôn Trung Sơn và cụ thể sẽ là “tự do, bình đẳng, bác ái”. Khẩu hiệu “tự do, bình đẳng, bác ái” là khẩu hiệu mà Tôn Trung Sơn rút ra từ cuộc cách mạng Pháp cũng là mục tiêu xuyên suốt đời ông phấn đấu thực hiện. Ông so sánh tự do, bình đẳng, bác ái với dân tộc, dân quyền, dân sinh và cho rằng nội dung của hai khẩu hiệu đó không khác nhau.
Về chủ trương tư tưởng và thực tiễn cách mạng của Tôn Trung Sơn, ông đã chịu ảnh hưởng sâu sắc về phương thức tư duy chuẩn mực đạo đức và quan niệm giá trị của Trung Quốc. Mong muốn đạt được mục định “phát huy nền văn hóa truyền thống của nước nhà, tiếp thu văn hóa thế giới để văn hóa Trung Quốc ngày một rạng rỡ, hy vọng cùng sánh vai với các dân tộc khắp năm châu”, tư tưởng “lấy dân làm gốc” của ông, xã hội lý tưởng “đại đồng” mà ông suốt đời phấn đấu vì nó, đều đã hấp thu những nhân tố hợp lý trong văn hóa truyền thống, đồng thời ông cũng đã tiếp thu có lựa chọn và phát triển các học thuyết tiến bộ của phương Tây như thuyết tiến hóa, thuyết dân quyền và thuyết Tam quyền phân lập.
Tôn Trung Sơn đặc biệt nhấn mạnh lớp người trẻ khi lập trí phải sao cho “phù hợp với tình hình Trung Quốc”, học hỏi nước ngoài phải luôn nghĩ đến điều đó “có lợi gì cho Trung Quốc hay không?”, đừng nghĩ rằng mọi cái của nước ngoài đều tốt cả. Ông ra sức chủ trương thanh niên phải coi trọng việc lớn của đất nước là việc lớn của mình, học tập nước ngoài là nhằm “lợi dụng học vấn của nước ngoài để biến Trung Quốc thành một nước phát triển”. Bởi vậy, Tôn Trung Sơn nhiệt liệt hoan nghênh nền văn hóa mới, tư tưởng
mới của Liên Xô sau cách mạng tháng Mười, đó chính là những điều ông đã vượt lên hơn hẳn các bậc tiền bối và những người cùng thời đại…
Qua đó, chúng ta hoàn toàn có thể nói rằng, Tôn Trung Sơn - Nhân vật tiên phong của thời đại đã trên cơ sở tiếp thu văn hóa truyền thống của Trung Quốc, tiếp thu tư tưởng cách mạng phương Tây (Anh, Pháp, Mỹ), cả trên lý luận và thực tiễn đã đưa chủ nghĩa dân chủ vào Trung Quốc, tiếp thêm một dòng máu mới vào tư tưởng và trào lưu cách mạng của dân tộc Trung Hoa.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, bên cạnh những phẩm chất sáng ngời về đạo đức, trí tuệ và năng lực của mình trong quá trình hoạt động cách mạng của Tôn Trung Sơn cũng còn có một số sai sót hạn chế:
Thứ nhất, trong suốt quá trình cách mạng Tôn Trung Sơn mới chỉ nhìn thấy việc “bán rẻ quyền lợi, làm nhục quốc thể” của chính phủ nhà Thanh, chứ chưa nhìn thấy được âm mưu xâm lược Trung Hoa của các nước đế quốc. Ông còn chia các cường quốc Âu Mỹ ra thành hai loại: một là chủ trương chia cắt Trung Quốc, mở mang thuộc địa, còn loại kia thì ủng hộ sự thống nhất và nền độc lập của Trung Quốc. Ông hi vọng các nước ấy sẽ “thông cảm và giúp đỡ Trung Quốc cả về nghĩa, cả về chất”. Niềm hi vọng ấy của ông thật là khẩn thiết, thế nhưng niềm hi vọng ấy chẳng khác gì việc cầu xin hổ cho mượn tấm da trên mình nó mà thôi.
Thứ hai, Tôn Trung Sơn chưa hiểu hết được tầm quan trọng của vấn đề chính quyền trong cách mạng. Trong cuộc khởi nghĩa Huệ Châu (tháng 10/1895), khi Hưng Trung Hội được thành lập trong một cuộc hội nghị, mọi người đề nghị phải lựa chọn ra một vị Tổng thống để ban bố mệnh lệnh. Thông qua việc bỏ phiếu kín, Tôn Trung Sơn được chọn làm chỉ huy khởi nghĩa, và sẽ nhận chức sau khi khởi nghĩa thành công. Sau khi khởi nghĩa thành công, Dương Cù Vân, một người lãnh đạo trong Hưng Trung Hội yêu
cầu Tôn Trung Sơn nhường lại chức cho ông ta. Tôn Trung Sơn rất bực mình thấy rằng sự việc vẫn chưa bắt đầu mà trong nội bộ đã có sự tranh giành ngôi vị, điều đó thật không nên. Tôn Trung Sơn sợ rằng vì việc này dẫn đến mâu thuẫn trong nội bộ Đảng làm lỡ việc lớn ông có ý nhượng bộ. Ngay đêm hôm đó trong một cuộc họp, Tôn Trung Sơn đã chủ động đề xuất nhường ngôi Tổng thống cho Dương, từ đó mọi việc mới tạm yên.
Sau khi cuộc Khởi nghĩa Vũ Xương thành công, Tôn Trung Sơn vẫn đang còn ở nước ngoài, khi nhận được thông báo của đảng cách mạng đề nghị Tôn Trung Sơn về nước để giữ chức Tổng thống nước cộng hòa, tiến sỹ Kantley của nước Anh có hỏi ông: “Ông có đồng ý làm Tổng thống không?”, Tôn Trung Sơn trả lời: “nếu không tìm được ai thích hợp hơn thì tôi xin nhận”. Sau khi Tôn Trung Sơn về nước, trước mắt ông không phải là cuộc chiến đấu cách mạng đang diễn ra giữa Đảng cách mạng và đội quân cách mạng do họ lãnh đạo với chính phủ nhà Thanh mà là một cảnh tượng nghị hòa Nam - Bắc. Đó thực chất là một cuộc mua bán chính trị giữa một bên là trùm phản động đầy thế lực ở phương Bắc, Viên Thế Khải với phía bên kia là một tập đoàn chính trị rồng tôm lẫn lộn với chiêu bài Hội liên hiệp đại biểu thủ lĩnh quân sự các tỉnh. Không tán thành chủ trương nghị hòa, Tôn Trung Sơn kiên quyết chống lại. Thế nhưng khi chủ trương ấy của Tôn Trung Sơn gặp phải sự phản đối và gây khó dễ của đồng chí bạn bè trong và ngoài đảng và của đại bộ phận quan chức cấp cao trong chính phủ lâm thời, thì cuối cùng ông đã thỏa hiệp nhượng bộ Viên Thế Khải.
Quyết định đó của Tôn Trung Sơn xét về góc độ tính cách cá nhân thì đây là phong cách lỗi lạc của ông “thành công mà không tham quyền cố vị”, đó cũng là hệ quả tất nhiên của nguyên tắc hành động “nhường công sẻ chức”, “không lấy danh vị để đánh giá thấp cao” mà ông hằng tâm niệm. Thế nhưng xét từ sự đòi hỏi của thời đại thì đó lại là một sai lầm lớn, từ sai lầm này đã
tạo ra một tình huống bi thảm mà chính ông phải gian khổ chiến đấu đến hết đời vẫn chưa cứu vãn nổi.
Thứ ba, trong quá trình cách mạng Tôn Trung Sơn chưa xây dựng được một quân đội có lý tưởng chung, quân đội nghiêm minh, ông và cả những người lãnh đạo cách mạng vẫn chưa thực sự nắm được quyền lãnh đạo đội quân cách mạng. Tuy đã có sự hy sinh to lớn trong quá trình tác chiến độc lập ở các tỉnh, nhưng sau khi lật đổ vương triều nhà Thanh thì quân đội cách mạng lại mất đi những mục tiêu chung để tiếp tục tiến lên.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Tôn Trung Sơn, mặc dù còn có những thiếu xót những hạn chế nhất định. Nhưng qua quá trình hoạt động của mình, Tôn Trung Sơn đã đóng một vai trò to lớn đối với tiến trình phát triển của lịch sử Trung Quốc, đã để lại trong lòng nhân dân Trung Quốc niềm ngưỡng mộ, tôn kính thiêng liêng về một hình ảnh sáng ngời về nhân cách, đạo đức, trí tuệ và tài năng. Bởi thế nhân dân Trung Quốc đã tôn ông là “Quốc Phụ”. Tôn Trung Sơn mãi mãi xứng đáng với niềm tin yêu, trân trọng của nhân Trung Quốc và thế giới, mãi mãi xứng đáng là người chiến sỹ tiên phong trong cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến, xây dựng nền dân chủ ở Trung Quốc.
Tiểu kết chương 3
Trong phong trào cách mạng dân tộc dân chủ Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Tôn Trung Sơn đã làm thức tỉnh tinh thần, tư tưởng và hành động cách mạng cho lực lượng Hoa kiều và lưu học sinh ở Nhật Bản.
Mặc dù tình trạng giác ngộ và sự đóng góp của các giai tầng có khác nhau, nhưng đại đa số Hoa kiều và lưu học sinh ở Nhật Bản đều hưởng ứng và tích cực tham gia vào tiến trình cách mạng dân tộc do Tôn Trung Sơn lãnh đạo, đặc biệt là trong thời kỳ cách mạng Tân Hợi. Hình thức ủng hộ của họ cũng rất đa dạng, từ việc ủng hộ xây dựng các cơ sở cách mạng, đến việc vận
động tuyên truyền tư tưởng cách mạng của Tôn Trung Sơn trong quần chúng nhân dân, tham gia các cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở trong nước.
Từ khu vực và phạm vi mà nói, hầu hết những nơi ở Nhật Bản có đông đảo Hoa kiều và lưu học sinh cư trú đều diễn ra các hoạt động ủng hộ Tôn Trung Sơn. Chính vì sinh sống ở một nước gần gũi với đất nước mình, cho nên người Hoa kiều và lưu học sinh ở đây càng tiện bề gây dựng lực lượng và tham gia vào các cuộc khởi nghĩa. Từ việc phản đối cách mạng nhưng với quá trình hoạt động không ngừng nghỉ của Tôn Trung Sơn đã làm cho người Hoa kiều và lưu học sinh hiểu rõ, tin tưởng và hưởng ứng cách mạng do Tôn Trung Sơn lãnh đạo.
Không những được sự ủng hộ của đại đa số Hoa kiều và lưu học sinh ở Nhật Bản, Tôn Trung Sơn còn nhận được sự giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân Nhật Bản. Họ đã giúp đỡ Tôn Trung Sơn trong việc thực hiện mục tiêu cách mạng của mình điển hình như: Hirayamakata, Kotonaga và Miyasaki Tazaro. Tư tưởng và tinh thần của Tôn Trung Sơn đã chinh phục được những người bạn Nhật Bản. Chính sự hưởng ứng tích cực và hăng hái của họ mới khiến tướng lĩnh trong các chiến dịch ấy có đủ vũ khí, quân lương mà tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng.
Rõ ràng trong phong trào cách mạng dân tộc dân chủ của Trung Quốc thời kỳ cận đại, Hoa kiều và lưu học sinh ở Nhật Bản không chỉ hăng hái ủng hộ, giúp đỡ Tôn Trung Sơn mà còn tích cực tham gia công tác đấu tranh vũ trang và xây dựng chính quyền cách mạng qua các thời kỳ. Nhiều người trong số họ đã anh dũng hy sinh. Công lao và thành tích ấy là không thể phai nhạt theo thời gian.
Bên cạnh đó, tư tưởng và hoạt động cách mạng của Tôn Trung Sơn ở Nhật Bản đã có ảnh hưởng sâu sắc đến các nhà lãnh đạo cách mạng Nhật Bản,