8. Bố cục luận văn
1.3.2. Ảnh hưởng Minh Trị Duy Tân đối với Trung Quốc
Trước những yêu cầu cấp thiết đặt ra ở Trung Quốc vào cuối thế kỷ XIX, những người yêu nước Trung Quốc đã trăn trở tìm lối ra cho dân tộc. Trong lúc đó, trào lưu tư tưởng tiến bộ phương Tây đã dội vào Trung Quốc, đồng thời, vào những năm cuối thế kỷ XIX công cuộc duy tân Minh Trị ở Nhật Bản đã thu được những thành công. Qua đó gây tiếng vang lớn đối với các nước trong khu vực. Nó đã “làm say mê các dân tộc châu Á” trong đó có Trung Quốc.
Nhật Bản là biểu tượng cho một mô hình phát triển mới mà Trung Quốc và nhiều nước châu Á phải ngưỡng vọng tin theo và muốn lựa chọn con đường đi tương tự như Nhật Bản để chấn hưng đất nước, xây dựng dân tộc tự cường. Đàm Tự Đồng đã thốt lên rằng: "Muốn cứu nguy dân tộc trước hết phải làm cho Trung Quốc giàu mạnh, muốn Trung Quốc giàu mạnh chỉ có con đường duy tân, học tập các nước tư bản chủ nghĩa phương Tây. Nhật Bản vốn là một đảo nhỏ bé mà đánh bại Trung Quốc đủ thấy hiệu quả của việc học tập các nước tư bản chủ nghĩa" [49; tr. 76].
Giới tri thức Trung Quốc nhận ra rằng: muốn thắng tư bản thì phải dùng hệ tư tưởng mới hơn hoặc ít nhất bằng họ. Nhật Bản trong và sau khi cải cách Minh Trị đã trở thành một nước Tư bản chủ nghĩa đầu tiên ở châu Á, chỉ trong vòng 21 năm (1868 - 1889) đã có 2.299 người nước ngoài bao gồm Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Italia đến để học hỏi Nhật Bản. Nhật Bản thời Minh Trị trở thành một cường quốc ngang tầm với các nước Âu - Mỹ và là nước tiếp cận tư tưởng mới khoa học tiên tiến phương Tây.
Trước sự áp bức đè nén của chế độ phong kiến và tư bản phương Tây, nhân dân Trung Quốc muốn "tự cởi trói" cho mình, tự tìm đường để "giải thoát", "phát triển". Muốn làm được những điều này thì vấn đề tư tưởng trở nên quan trọng. Lịch sử đã khẳng định con đường cách mạng của Trung Quốc lúc này là "cận đại hóa", là con đường cách mạng dân chủ tư sản. Đây là con đường đúng nhất, hợp thời đại nhất mà Nhật Bản chính là nơi mà Trung Quốc có thể học tập được.
Cuộc duy tân Minh Trị ở Nhật Bản không những đã tác động đến người dân Trung Quốc về mặt tư tưởng, mà còn tác động đến các yếu tố như: kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục…Từ đó người dân Trung Quốc đã hướng mình sang Nhật Bản để học tập và dần dần số lượng người Trung Quốc sang Nhật Bản ngày càng đông. Đặc biệt là các vị lãnh tụ cách mạng Trung Quốc mà tiêu biểu nhất là nhà cách mạng Tôn Trung Sơn.