8. Bố cục luận văn
2.2. Hoạt động tuyên truyền cách mạng của Tôn Trung Sơn trong cộng đồng Hoa kiều
Sau một thời gian tìm hiểu và hoạt động cách mạng ở các nước châu Âu, Tôn Trung Sơn nhận thấy rằng ở đây số lượng Hoa kiều rất ít và đặc biệt là chưa có lưu học sinh Trung Quốc. Cho nên công cuộc chuẩn bị cho việc xây dựng các cơ sở ủng hộ cách mạng đối với nước nhà là rất khó. Vì vậy mà Tôn Trung Sơn đã hướng sang các nước châu Á trong đó có Nhật Bản.
Cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, số lượng Hoa kiều và lưu học sinh của Trung Quốc đến Nhật Bản ngày càng đông. Có khoảng hàng vạn người Trung Quốc sang Nhật Bản từ năm 1900 đến 1905.
Khi Tôn Trung Sơn mới bắt đầu sự nghiệp cách mạng bộ phận Hoa kiều không những ở các nước khác trên thế giới mà ở Nhật Bản đều không hiểu, nghe nói cách mạng là sợ. Đã có nhiều đồng chí qua lại Nhật Bản để cổ động tuyên truyền hằng năm, mà người theo chỉ được một phần trăm.
Tuy nhiên, muốn làm thay đổi quan niệm tư tưởng truyền thống cố hữu là việc rất khó khăn. Do đó, trong suốt tiến trình hoạt động cách mạng, Tôn Trung Sơn đều đặt công tác tuyên truyền vào vị trí quan trọng. Ông tiến hành tuyên truyền tư tưởng trên cơ sở thâm nhập một cách cặn kẽ, tỉ mỉ, sử dụng phương pháp phong phú vừa mang tính hiện đại vừa mang tính thích hợp để động viên Hoa kiều và lưu học sinh ủng hộ cách mạng.
Với phương châm đó, Tôn Trung Sơn bắt đầu tìm gặp những người trong tổ chức thuộc “Hoa Hưng Hội” ở Tôkyô đó là Tống Giáo Nhân và Trần Thiên Hoa vào ngày 18 tháng 7 năm 1900, trong lần hẹn gặp này Tôn Trung Sơn hỏi có bao nhiêu đồng chí đang công tác, tình hình công việc ra sao? Sau đó, Tôn Trung Sơn đã nói cho mọi người hiểu về xu thế, kinh nghiệm và phương pháp cách mạng.
Tôn Trung Sơn nói: “Ngày nay Trung Quốc không chỉ lo nước ngoài chia cắt, nhưng điều lo hơn là tranh chấp giữa mình với nhau. Hôm nay tỉnh này muốn khởi sự, tỉnh kia cũng muốn khởi sự, không liên hệ với nhau mỗi nơi tự kêu gọi riêng, cuối cùng sẽ trở thành tranh chấp 20 nước như cuối đời Tần, loạn lạc như Nguyên (Nguyên Chương), Trần (Hữu Kinh), Trương (Sỹ Thành), Minh (Ngọc Trân), cuối Chu. Lúc này các nước thừa cơ can thiệp thì Trung Quốc tất nhiên sẽ vong là không nghi ngờ. Do đó điều cấp bách hiện nay luôn phải liên lạc với nhau là quan trọng nhất. Như Lưỡng Quảng ngày
nay tinh thần nhân dân lên cao, hội Đảng mạnh làm khó dễ cho Chính phủ nhà Thanh, đã hơn 10 năm mà quân đội nhà Thanh không làm được gì, năng lực phá hoại của nó đã có thừa, nhưng trong đó nhân tài quá ít, không có người chủ trì tốt…Nếu bây giờ có hàng trăm người đứng ra liên lạc, chủ trương một khi gặp khó khăn, lập ra chính phủ văn minh giải quyết mọi việc cho dân” [30; tr. 169].
Như vậy, có thể thấy Tôn Trung Sơn đã nói lên xu hướng phát triển cách mạng Trung Quốc, mục tiêu chung cách mạng là cần phải thống nhất thành một tổ chức nếu không tiền đồ của cách mạng nhất định thất bại, vận mệnh Trung Quốc sẽ bị chia cắt và phân biệt. Tôn Trung Sơn nói xong thì nhận được sự tán đồng của Trần Thiệu Hoa và Tống Giáo Nhân.
Trong một lần tham dự hội nghị đón tiếp của học sinh Fujiletaka. Tôn Trung Sơn đã nói chuyện suốt 4 giờ, ông đã tuyên truyền về việc “Trung Quốc cần xây dựng nước cộng hòa”.
Ông đã nói: “Những năm trước, tôi đề xướng chủ nghĩa tam dân, người lao động hưởng ứng rất ít chỉ có người trong hội đảng, còn tầng lớp trung lưu trong xã hội rất thưa thớt. Chỉ mới gần đây tư tưởng tiến bộ, chủ nghĩa dân tộc đã có bước nhảy một ngày vạn dặm… Ở nước ta, được như vậy là đáng mừng. Nhưng cái văn minh, Nhật Bản không phải có sẵn, trước là lấy từ Trung Quốc sau là lấy từ phương Tây. Nếu Trung Quốc dựa vào văn minh vốn có của nó, sử dụng nó chắc chắn sẽ vượt qua Nhật Bản.
Trung Quốc không những có đủ sức vượt qua Nhật Bản... Nhưng do Trung Quốc bảo thủ do đó để cho người phương Tây vượt qua. Nhưng gần 10 năm nay sự biến thiên về tư tưởng đã chuyển biến rất nhiều, với tốc độ phát triển tư tưởng này, sau 10 năm, 20 năm nữa sẽ đuổi kịp nền văn minh phương Tây và vượt họ là điều không thể không có khả năng'' [30; tr.173].
Tôn Trung Sơn còn nói: “Trung Quốc chúng ta nhất định không có đạo lý diệt vong, Trung Quốc văn minh tiến bộ, ngày một tiến thêm, tư tưởng dân tộc ngày một lớn. Chúng ta bỏ qua thuyết dân tộc, muốn Trung Quốc hưng thịnh, Trung Quốc không có đạo lý không hưng thịnh. Đêm khuya yên tĩnh chúng ta suy nghĩ, không xây dựng chúng ta thành một nước công hòa hàng đầu của 20 thì chúng ta tự coi mình không bằng nô lệ da đen Nam Mỹ, thổ dân Hawai. Tuyệt nhiên chúng ta không thể nói đồng bào chúng ta không có cộng hòa, nếu nói không là không hiểu được sự tiến bộ của thế giới, không biết hưởng cái ưu việt của nền cộng hòa này. Trung Quốc ngày nay muốn có cuộc sống yên vui thì nhất định phải vất vả, chúng ta hãy tìm nền cộng hòa hạnh phúc cho bốn trăm triệu đồng bào mình. Chúng ta muốn có một nền luật pháp chính trị văn minh nhất địa cầu, để tìm nhân cách ưu đẳng nhất cho người Trung Quốc, cho 400 triệu đồng bào” [30; tr. 173 - 175].
Những lời nói chân thành của Tôn Trung Sơn làm cho thanh niên tham dự hội nghị rất cảm động, tiếng vỗ tay không ngớt. Trong lời chào mừng Tôn Trung Sơn, Miyasaki nói: “Mấy năm trước khi Tôn quân đến đây, người hưởng ứng chỉ đếm đầu ngón tay, người Trung Quốc tránh né sợ hãi. Ngày nay có nhiều người đồng tình với Tôn quân như vậy, quả thực rất mừng cho nhân dân Trung Quốc” [30; tr. 175].
Mặt khác, sau khi thành lập Đồng Minh Hội Trung Quốc, Tôn Trung Sơn càng chú trọng vào công tác tuyên truyền cách mạng trong cộng đồng Hoa kiều và lưu học sinh. Ông ra sức tuyên truyền chủ nghĩa tam dân: dân tộc, dân quyền và dân sinh do Tôn Trung Sơn đề xướng để chuẩn bị tốt về dư luận, nhân lực, vật lực cho cuộc Cách mạng Tân Hợi.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, Tôn Trung Sơn luôn ý thức tiến hành nhiệm vụ này một cách thường xuyên và được tiến
hành dưới mọi hình thức, trong đó báo chí cũng được Tôn Trung Sơn sử dụng như một công cụ mạnh mẽ để truyền bá tư tưởng cách mạng ở Nhật Bản. Ngày 26 tháng 11 năm 1905, tòa báo của Đồng Minh Hội với tên gọi “china thế kỷ 20” đổi thành “dân báo” chính thức phát hành ở Tôkyô. Trong lời tựa “Dân báo” Tôn Trung Sơn viết: “tôi dựa vào sự tiến hóa của Âu Mỹ, đưa ra ba chủ nghĩa lớn, dân tộc, dân quyền, dân sinh. Sự suy tàn của La Mã, dẫn đến chủ nghĩa dân tộc hưng thịnh, còn các nước châu Âu thì độc lập. Từ thời đế quốc, thực hiện chuyên chế, người dân chịu nhiều khổ cực, thì chủ nghĩa dân quyền nổi lên. Cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, chuyên chế bị lật đổ, chính thể lập hiến nổi lên. Thế giới khai hóa, dân trí tăng lên, vật chất phát triển, trăm năm bằng cả ngàn năm, vấn đề kinh tế tiếp sau vấn đề chính trị, chủ nghĩa dân sinh bùng phát. Thế kỷ XX không thể không là thời đại khởi nguồn của chủ nghĩa dân sinh, là tam đại chủ nghĩa (ba chủ nghĩa lớn), tức là cơ bản cho dân, còn người Âu Mỹ đều dùng pháp trị”[30; tr.130].
Ngày nay Trung Quốc vẫn chưa giải quyết được nọc độc chuyên chế hàng ngàn năm, để dân tộc khác đến tàn phá, ngoại bang ức hiếp thực hiện chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân quyền là không thể chậm trễ. Còn chủ nghĩa dân sinh, Âu Mỹ đã từng gặp rất nhiều khó khăn, Trung Quốc còn khó khăn hơn, thực hiện không dễ. Nhưng không thể vì thế mà chậm trễ, ngày nay các chí sĩ ra sức tuyên truyền để làm cho Trung Quốc mạnh hơn Âu Mỹ. Nhưng việc Âu Mỹ mạnh mà dân tình khốn khó, đồng minh bãi công, xã hội cách mạng sẽ không còn xa nữa. Nước ta theo chân các nước Âu Mỹ sẽ không tránh khỏi làm cách mạng lần 2” [30; tr.181].
Ngày 2 tháng 12 năm 1906 Đồng Minh Hội Trung Quốc họp hội nghị kỷ niệm một năm phát hành số báo đầu tiên của “Dân báo” ở quán Camita Kinki Tôkyô. Tham gia đại hội có sáu bảy ngàn người, đây là lần thứ hai từ sau hơn một năm về Nhật Bản, Tôn Trung Sơn tham dự một cuộc họp quần
chúng lớn như vậy. Trong cuộc họp ông đã nói một cách hệ thống tư tưởng xây dựng đất nước Trung Quốc với chủ nghĩa Tam dân và tiền đồ của dân tộc Trung Quốc.
Tôn Trung Sơn đã giải thích Chủ nghĩa dân tộc, không phải là đối xử không tốt với người khác chủng tộc, không cho phép người khác chủng tộc cướp đi chính quyền mới là có nước, nếu chính quyền bị người khác chủng tộc nắm giữ, như thế tuy là có nước nhưng đã không còn là nước của người Hán.
Các anh em từng nghe có người nói: “Cách mạng dân tộc phải tiêu diệt hết dân tộc Mãn Châu, nói như vậy là sai lầm rất lớn. Không phải chúng ta hận người Mãn Châu, nếu chúng ta thực hiện cách mạng, người Mãn Châu không ngăn cản chúng ta, tuyệt đối không trả thù. Nếu người Mãn Châu trước sau vẫn ngoan cố, cố tình giữ chính quyền, đàn áp dân tộc Hán thì dân tộc Hán một ngày không chết, không thể một ngày ngồi nhìn” [30; tr. 96 - 97].
Cũng tại hội nghị này Tôn Trung Sơn đã nói rõ rằng: “Trung Quốc ngày nay đang là lúc có nhiều nước nhòm ngó. Nếu bản thân người cách mạng tranh giành với nhau chia năm sẻ bảy như vậy chẳng phải là tự làm vong quốc sao! Các chí sĩ ngày nay đều sợ người nước ngoài chia cắt Trung Quốc. Cách hiểu của anh chị em đều khác nhau, không sợ người nước ngoài chia cắt Trung Quốc chỉ sợ người Trung Quốc chia cắt bản thân mình, như vậy thì không thể cứu được! Nên chúng ta nhất định phải cách mạng từ bình dân, xây dựng chính phủ quốc dân”.
Tóm lại mục đích cuộc cách mạng của chúng ta là đem lại lợi ích cho nhân dân Trung Quốc.Vì không muốn có sự độc quyền của thiểu số người Mãn Châu, nên phải làm cuộc cách mạng dân tộc. Không muốn có độc quyền của thiếu số người giàu nên phải làm cách mạng xã hội[30; tr. 184 - 185].
Thông qua việc triển khai đồng thời hàng loạt những hoạt động tuyên truyền của Tôn Trung Sơn và các đồng chí của ông, tư tưởng cách mạng dân tộc, dân chủ được truyền bá rộng rãi trong Hoa kiều và lưu học sinh ở Nhật Bản. Do đó họ đã nâng cao ý thức và đồng tình ủng hộ cách mạng. Theo sự phát triển của tư tưởng cách mạng từ đó thành lập các tổ chức cách mạng tương ứng.