8. Bố cục luận văn
2.4.1. Hội kiến với Phan Bội Châu
Như chúng ta đã biết, các cuộc hội kiến giữa Tôn Trung Sơn và Phan Bội Châu diễn ra ở Nhật Bản không được Phan nói rõ ràng về thời gian gặp gỡ nên đã khiến cho các nhà nghiên cứu phải mất nhiều thời gian và giấy mực. Nhưng chúng ta có thể thấy rằng vào tháng 7 năm 1905, lúc này Tôn
Trung Sơn từ châu Âu về Nhật Bản để thống nhất các tổ chức cách mạng, thành lập Trung Quốc Đồng Minh Hội. Lúc đầu Tôn Trung Sơn ở Yokohamo, nhưng đến khoảng tháng 8 ông phải lên Tôkyô để chuẩn bị cho việc thành lập Trung Quốc Đồng Minh Hội. Vì vậy vào thời gian từ giữa tháng 7 đến đầu giữa tháng 8 năm 1905, Tôn Trung sơn đã có cuộc hội kiến Phan Bội Châu. Trong quyển Tôn Trung Sơn với Việt Nam thì đã ghi lại rằng “Vào khoảng tháng 7 đến tháng 8 năm 1905, tại đất nước mặt trời mọc, nhờ sự giới thiệu của một chính khách tiến bộ người Nhật Bản, Phan Bội Châu đã có hai lần gặp gỡ Tôn Trung Sơn”. Mặc dù sau đó Tôn Trung Sơn có quay lại Nhật Bản mấy lần như vào tháng 4 đến tháng 7 năm 1906; tháng 10 năm 1906 đến tháng 3 năm 1907, nhưng Phan Bội Châu và Tôn Trung Sơn không gặp nhau thêm một lần nào nữa.
Lúc này Tôn Trung Sơn đang ở Lữ Quán nhưng vì nhiều người qua lại tiếp xúc, thư từ gửi lại nhiều nên cảnh sát Nhật Bản nghi ngờ, kiểm tra nghiêm ngặt những người ra vào lữ quán, vì vậy Tôn Trung Sơn đã bố trí gặp gỡ Phan Bội Châu ở một địa điểm khác chứ không phải ở Lữ Quán, địa điểm đó là Trung Hòa Đường ở Hoành Tân (Nhật Bản) [26; tr. 37].
Cuộc hội kiến lần thứ nhất giữa Tôn Trung Sơn và Phan Bội Châu nói về chuyện cách mạng trong khoảng 3 tiếng đồng hồ, từ 8h đến 11h đêm. Lúc này ở Nhật Bản hai phái cải lương và cách mạng của Trung Quốc công kích nhau dữ dội xung quanh chủ trương về chính thể nhà nước: Quân chủ lập hiến hay cộng hòa.
Tôn Trung Sơn là người theo chính thể cộng hòa. Vì vậy khi hội kiến với Phan Bội Châu, Tôn Trung Sơn tập trung nhấn mạnh hai điểm: một là vấn đề cách mạng Việt Nam, bao gồm tư tưởng và đảng quân chủ Việt Nam, ông đã đọc tác phẩm “Việt Nam vong quốc sử” và biết rằng Phan Bội Châu còn nặng tư tưởng quân chủ, cho nên đã “phê phán gay gắt sự giả dối của Đảng quân chủ lập hiến”; hai là, đề cập đến mối quan hệ giữa cách mạng Trung
Quốc và Việt Nam, mong muốn những người cách mạng Việt Nam trước hết gia nhập Đảng cách mạng Trung Quốc, sau khi cách mạng Trung Quốc thành công, Trung Quốc sẽ “đem hết sức viện trợ các nước bị đô hộ ở châu Á giành lại độc lập” mà “bước thứ nhất là viện trợ cho Việt Nam”.
Về phía Phan Bội Châu là người thiết tha cách mạng dân tộc, chủ trương tranh thủ mọi hoàn cảnh quốc tế để khôi phục lại độc lập cho Việt Nam nên đã đưa ra đề nghị “Đảng cách mạng Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam trước, sau khi Việt Nam giành được độc lập thì để cho Đảng cách mạng Trung Quốc mượn Bắc Kỳ làm căn cứ địa, tiến vào Lưỡng Quảng lấy đến Trung nguyên” [14; tr. 81].
Mặt khác, vào thời điểm năm 1905 mặc dù biết “Dân chủ cộng hòa là hoàn bị” nhưng Phan Bội Châu cho rằng điều đó chưa phù hợp với trình độ dân trí của Việt Nam nên ông vẫn chủ trương quân chủ lập hiến, ở trong nước thì tranh thủ sự ủng hộ của các tầng lớp quan lại ở Việt Nam, khi hoạt động ở Nhật Bản thì tranh thủ sự ủng hộ của phái cải lương Trung Quốc và chính khách Nhật Bản. Phan Bội Châu không cho rằng lúc này vấn đề phải xác định rõ ràng dân chủ hay quân chủ là quan trọng mà điều cần thiết là tranh thủ mọi điều kiện, mọi sự giúp đỡ có thể được cho mục đích đánh đuổi Pháp, khôi phục độc lập cho Việt Nam. Sự tiếp xúc với Tôn Trung Sơn vào lúc này và những đề nghị của Phan Bội Châu đối với Tôn Trung Sơn và cách mạng Trung Hoa cũng với mục đích như vậy.
Tuy nhiên, lúc bấy giờ Tôn Trung Sơn rất bận rộn với việc thống nhất các phe phái để thành lập một tổ chức cách mạng thống nhất là “Trung Quốc Đồng Minh Hội”, còn Phan Bội Châu cũng rất bận rộn với việc tổ chức cho phong trào Đông Du, cho nên kết thúc 3h đồng hồ nhưng cả hai ông chưa thật quan tâm đến những đề nghị của nhau, chưa đi đến một thống nhất nào cả.
đường cách mạng của mình nên trước khi kết thúc cuộc hội kiến này, Tôn đã chủ động hẹn Phan đàm phán lần thứ hai. Từ đó cho đến khi hội đàm lần hai, chắc hẳn cụ Phan và Tôn đều có những toan tính làm thế nào để đi đến sự thống nhất về chủ trương cách mạng.
Theo lời hẹn hôm trước, mấy ngày sau Phan Bội Châu lại đến địa điểm hôm trước để hội đàm với Tôn. Trước khi gặp mặt, bản thân Phan và Tôn cũng có hi vọng là hội đàm lần này sẽ đi đến kết quả tốt hơn lần trước, hai người sẽ thống nhất được ý kiến để đi đến hành động chung nhằm đưa cách mạng hai nước đạt đến thắng lợi cuối cùng. Nội dung cuộc hội đàm lần hai này cũng là hai vấn đề như lần hội đàm trước, vẫn là mối quan hệ cách mạng hai nước và vấn đề lập hiến với cộng hòa, bỏ lập hiến để đi theo cộng hòa. Tuy nhiên, sau thời gian hội đàm mà vẫn chưa đi đến thống nhất nào cả. Theo cụ Phan, sở dĩ hội đàm lần hai này vẫn chưa đi đến thống nhất nào cả vì “cả hai ông đều chưa hiểu về đảng cách mạng của nhau”. Nhưng theo chúng tôi thì do hai người đã đứng trên hai quan điểm lập trường khác nhau để bàn về một vấn đề, đó là cách mạng dân tộc, dân chủ, chưa hiểu tình hình cách mạng cụ thể của mỗi nước, bao gồm các vấn đề giai cấp lãnh đạo, đặc điểm kinh tế - xã hội, tình hình đấu tranh của các tầng lớp nhân dân…
Đó là những nội dung chính của hai cuộc hội đàm năm 1905, còn cuộc hội kiến năm 1912 giữa Tôn và Phan rất ngắn, mà theo như Phan viết trong niên biểu thì hai người chỉ gặp nhau được vài phút vì lúc đó Tôn đang bận rộn với nhiều công việc đại sự. Do đó Tôn không tiếp chuyện được lâu, Hoàng Hưng thay mặt Tôn Trung Sơn tiếp chuyện với Phan Bội Châu.
Như vậy, tuy thời gian tiếp xúc không lâu, nội dung trao đổi không được nhiều nhưng cuộc hội kiến giữa Tôn Trung Sơn và Phan Bội Châu có ý nghĩa rất quan trọng với Phan, với cách mạng Việt Nam mà còn có ý nghĩa đối với mối quan hệ giữa cách mạng hai nước Việt- Trung nửa đầu thế kỷ XX.