Khái quát những hoạt động cách mạng của Tôn Trung Sơn ở hải ngoại

Một phần của tài liệu Hoạt động cách mạng của tôn trung sơn ở nhật bản (Trang 40)

8. Bố cục luận văn

2.1. Khái quát những hoạt động cách mạng của Tôn Trung Sơn ở hải ngoại

hải ngoại

Làn sóng cách mạng dân tộc dân chủ chống đế quốc, chống phong kiến nổi lên ở Trung Quốc thời cận đại đã xuất hiện nhiều lãnh tụ cách mạng xuất sắc. Trong đó quan hệ mật thiết nhất với Hoa kiều và người Hoa ở hải ngoại chỉ có Tôn Trung Sơn.

Vào thời điểm ấy, người Hoa và Hoa kiều đã phân bố khắp năm châu lục. Căn cứ theo thống kê vào năm 1907 tổng số người Hoa và Hoa kiều trên toàn thế giới khoảng 6.317.329 người, tình hình phân bố cụ thể như sau:

Đông Nam Á là 4.192.300 người chiếm 67%; Các nơi khác của châu Á là 66.000 người; châu Mỹ (chủ yếu là nước Mỹ) là 272.829 người; châu Úc là 30.000 người; châu Phi là 7.000 người; châu Âu và các khu vực khác là 1.749.200 người [Dẫn theo 18; tr. 70]. Từ sự phân bố đó có thể thấy, Đông Nam Á không chỉ là khu vực có vị trí địa lý tiếp với Trung Quốc, mà còn là nơi có số lượng người Hoa và Hoa kiều đông nhất. Đứng thứ hai là khu vực châu Mỹ. Trong cuộc đời hoạt động của mình, Tôn Trung Sơn sáu lần đến Honolulu, tổng cộng thời gian lưu lại là bảy năm [Dẫn theo 17; tr. 61]. Thời gian học tập ở đây đã giúp ông hiểu biết về lịch sử, văn hóa phương Tây. Trên cơ sở đó có sự so sánh và nảy sinh tư tưởng cải tạo Trung Quốc. Đồng thời đây cũng là nơi ông đã thành lập đoàn thể cách mạng đầu tiên của giai cấp tư sản Trung Quốc - Hưng Trung Hội; mở cuộc luận chiến gay gắt kịch liệt với phái Bảo hoàng do Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu đứng đầu; gia nhập Hội Hồng Môn hải ngoại… Có thể nói, xã hội người Hoa và Hoa kiều Honolulu là nơi khởi nguồn của cuộc cách mạng dân chủ do Tôn Trung Sơn lãnh đạo.

Đối với khu vực Bắc Mỹ, Tôn Trung Sơn đã lưu lại một thời gian dài tổng cộng 2 năm 3 tháng. Trong có 5 lần đến Mỹ, 2 lần đến Canada [Dẫn theo 17; tr. 62]. Tại đây Tôn Trung Sơn không chỉ thành lập tổ chức mà còn cải tạo Trí Công Đường (một tổ chức hội đảng của người Hoa và Hoa kiều thuộc Hội Hồng Môn), tranh thủ sự giúp đỡ của anh em Hồng môn, có ảnh hưởng lớn đến dư luận xã hội. Người Hoa và Hoa kiều Bắc Mỹ từ chỗ phản đối chuyển sang ủng hộ hăng hái đóng góp cho cách mạng.

Người Hoa và Hoa kiều Đông Nam Á đã đóng góp một vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Tôn Trung Sơn, trong vòng hơn 10 năm (1900 - 1911) Tôn Trung Sơn 7 lần đến Đông Nam Á. Thời gian hoạt động và di chuyển ở khu vực này khoảng 3 năm 10 tháng. Cụ thể Tôn Trung Sơn đã 11 lần đến Singapore; 5,6 lần đến Malaysia và Việt Nam; 2 lần đến Thái Lan [14; tr. 105]. Từ thời gian lưu lại và thời gian hoạt động, Tôn Trung Sơn đã tạo được mối quan hệ mật thiết với những phần tử tinh anh trong số người Hoa và Hoa kiều yêu nước ở đây. Và dưới ảnh hưởng của ông họ trở thành lực lượng trung kiên trong mọi hoạt động cách mạng. Đồng thời Tôn Trung Sơn cũng dần dần chuyển Đông Nam Á thành căn cứ và trung tâm cách mạng, là nơi trù hoạch và phát động nhiều cuộc khởi nghĩa quan trọng.

Đối lập với các khu vực trên, ở châu Âu Tôn Trung Sơn không thể thiết lập được các mối quan hệ thật sự mật thiết với người Hoa và Hoa kiều mặc dù thời gian ông lưu lại ở đây là 1 năm 8 tháng với 5 lần đến Anh, Pháp; 3 lần đến Bỉ; 1 lần đến Đức… [14; tr. 106]. Nguyên nhân chủ yếu là do người Hoa và Hoa kiều ở các nước châu Âu có số lượng ít và phân bố rải rác trong một thời gian ngắn rất khó thâm nhập và tiếp xúc.

Nhằm phát huy tinh thần yêu nước của người Hoa và Hoa kiều, qua đó họ có thể ủng hộ, tham gia và là chỗ dựa cho sự thành công của cách mạng, tổng cộng Tôn Trung Sơn đã 4 lần đi vòng quanh trái đất [Dẫn theo 17; tr. 63].

Đến khắp các nơi trên thế giới mà có lực lượng này sinh sống và đặc biệt chú ý tới việc giáo dục tuyên truyền và thành lập các tổ chức cách mạng ở đó.

Khi Tôn Trung Sơn mới bắt đầu sự nghiệp bất luận là quần chúng trong nước hay người Hoa ở hải ngoại đều không hiểu. Họ chỉ biết rằng cách mạng là "tạo phản", phản đối Hoàng đế là "đại nghịch bất đạo'', Tôn Trung Sơn nhận thấy sự việc cách mạng của mình nếu muốn được mọi người ủng hộ tất yếu phải bắt đầu từ việc tác động vào nhận thức để họ hiểu được đạo lý và ý nghĩa của cách mạng, từ đó sẽ có chuyển biến trong hành động. Nhưng muốn làm thay đổi quan niệm tư tưởng truyền thống cố hữu là việc rất khó khăn. Do đó, trong suốt tiến trình hoạt động cách mạng, Tôn Trung Sơn đều đặt công tác tuyên truyền vào vị trí quan trọng.

Thời điểm Tôn Trung Sơn đẩy mạnh hoạt động, đại bộ phận người Hoa và Hoa kiều ở nhiều khu vực trên thế giới đều tham gia vào tổ chức hội Bảo hoàng. Để thức tỉnh họ, trước hết Tôn Trung Sơn đích thân đi đến các địa phương, tiến hành các buổi diễn thuyết, tuyên truyền tư tưởng cách mạng cứu nước trong các tầng lớp người Hoa và Hoa kiều. Công việc ấy mới đầu còn gặp trở ngại, nhưng chỉ một thời gian sau đó đã rất thuận lợi. Mỗi lần Tôn Trung Sơn nói chuyện cách mạng “người ngồi chật kín chỗ”, họ nghe và vỗ tay không ngớt, liên tục dậm chân [Dẫn theo 18; tr. 71]. Thống kê trong ngôn luận (lời phát biểu) tác phẩm của Tôn Trung Sơn, có khoảng 60 đến 70 lần diễn thuyết trước cộng đồng người Hoa và Hoa kiều, hơn 10 bài chuyên sâu, nhiều lần đàm thoại, thư từ qua lại và chỉ thị có liên quan đến người Hoa và Hoa kiều [14; tr. 107].

Cùng với hoạt động diễn thuyết Tôn Trung Sơn rất chú trọng tuyên truyền thông qua báo chí cách mạng. Trong chương trình 10 điều của Hưng Trung Hội ở Hồng Kông, điều 3 đã ghi rõ: "Lập tờ báo mở mang phong khí, mở trường học để giáo dục bồi dưỡng nhân tài… dần dần hưng thịnh" [30; tr. 95]. Do đó "bất

cứ nơi đâu Tôn Trung Sơn đặt chân đến đều có sự ra đời của các tờ báo và trường học của người Hoa và Hoa [Dẫn theo 18; tr. 72]. Không ít tờ báo, trường học ấy đều do Tôn Trung Sơn trực tiếp lãnh đạo thành lập. Thời kỳ Hưng Trung Hội có 11 tờ báo tuyên truyền ở hải ngoại, thời kỳ Đồng Minh Hội đã tăng lên 41 tờ [14; tr. 108]. Đến khi kết thúc việc đánh dẹp Viên Thế Khải, báo chí Hoa kiều ở hải ngoại chí ít cũng có hơn 100 loại. Trường học liên tiếp được thành lập nhằm giáo dục chủ nghĩa yêu nước, đề cao tố chất văn hóa của người Hoa và Hoa kiều. Điều đáng chú ý là khi cần phải tiến hành hoạt động cách mạng trong điều kiện bí mật, đồng thời nhằm phát huy tác dụng hơn nữa trong các tầng lớp thấp của Hoa kiều- những người vốn có trình độ học vấn không cao và ít có điều kiện mua sách báo đọc, gần 200 ''Duyệt thư báo xã" (nơi đọc sách báo) đã ra đời, cung cấp miễn phí sách báo cách mạng cho người đọc và tổ chức hoạt động [Dẫn theo 17; tr. 65].

Ngoài diễn thuyết thành lập báo chí trường học, truyền bá sách và mở nơi đọc sách báo cách mạng, Tôn Trung Sơn và những đồng chí của ông còn tiến hành tuyên truyền giác ngộ thông qua hình thức biểu diễn các tiết mục văn nghệ.

Cùng với các hình thức tuyên truyền, Tôn Trung Sơn luôn kiên trì thành lập tổ chức cách mạng. Trước Cách mạng Tân Hợi những tổ chức ấy chủ yếu được xây dựng trong cộng đồng người Hoa và Hoa kiều.

Vào năm 1894 Tôn Trung Sơn thành lập đoàn thể cách mạng đầu tiên của giai cấp tư sản Trung Quốc - Hưng Trung Hội. Tháng 2 năm 1895 ông thành lập Tổng hội Hưng Trung Hội ở Hồng Kông. Sau đó phát triển tổ chức tiếp tục thành lập các phân hội ở Quảng Châu, Đài Loan, Nhật Bản…

Năm 1911 dưới sự chỉ đạo của Tôn Trung Sơn, Đồng Minh Hội ở các nước châu Âu còn tiến hành liên hợp với Trí Công Đường, hội viên Đồng minh ở đây đều tham gia Hồng môn. Do đó phong trào cách mạng trong Hoa kiều ở châu Âu ngày càng dâng cao.

Tôn Trung Sơn tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền, thành lập đoàn thể và các tổ chức đảng trong cộng đồng người Hoa và Hoa kiều là nhằm mục đích kêu gọi họ ủng hộ toàn lực cho cách mạng. Và quả thực cộng đồng này không chỉ giúp đỡ kinh phí sinh hoạt để Tôn Trung Sơn và những thành viên cốt cán trong tổ chức Đồng Minh Hội bôn ba hoạt động từ những ngày đầu, mà họ còn giúp đỡ sáng lập báo chí, in ấn sách báo tuyên truyền cách mạng… Đặc biệt trước Cách mạng Tân Hợi họ là lực lượng chủ yếu cung cấp mọi nguồn vật lực, tài lực, nhân lực cho các lần khởi nghĩa vũ trang chống nhà Thanh. Trên thực tế Hoa kiều và người Hoa ở hải ngoại là nơi cung cấp nguồn binh lính, lương thực, vũ khí, trở thành căn cứ và đại bản doanh để Tôn Trung Sơn tiến hành cách mạng. Sau khi Cách mạng Tân Hợi diễn ra, người Hoa và Hoa kiều lại hăng hái tham gia các hoạt động chính trị xây dựng Tổ quốc, đầu tư vào công thương nghiệp, giáo dục, giao thông… nhằm chấn hưng Trung Hoa. Do đó Tôn Trung Sơn khẳng định: "Tôi với các đồng chí hải ngoại gian khổ như nhau, hoặc quyên góp để bổ sung ngân lương, hoặc bất chấp tính mạng tiến lên giết giặc bán nước, và phấn đấu cho cách mạng thì hơn 10 năm như một ngày. Cho nên trong tiến trình lịch sử cách mạng đều có hai chữ Hoa kiều, nó còn được lưu mãi trong ký ức của nhân dân Trung Quốc" [Dẫn theo 18; tr. 74].

2.2. Hoạt động tuyên truyền cách mạng của Tôn Trung Sơn trong cộng đồng Hoa kiều và lưu học sinh ở Nhật Bản

Một phần của tài liệu Hoạt động cách mạng của tôn trung sơn ở nhật bản (Trang 40)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(104 trang)
w